Someone in the crowd Could be the one you need to know The one to finally lift you Off the ground.. Music by Justin Hurwitz Dù bạn đang ở đâu đó trong thế giới rộng lớn ngoài kia, dù bạn đang chen chúc trong một đám đông hỗn độn nào đó, dù bạn vô cùng nhỏ bé và mờ nhạt, nhưng sẽ có lúc, có ai đó, hoặc chính bạn, sẽ kéo bạn ra và giúp bạn tỏa sáng. Nếu bạn là một cô cậu thiếu niên đang trong độ tuổi nhiều mộng mơ, nhiều trăn trở và cũng nhiều hoài bão, bạn "phải xem" La La Land. Vì chắc chắn trong dấu ba chấm dưới kia là một điều gì đó bạn phải đối mặt: Tình yêu và Đam mê và.. Cho nên, nếu bạn chưa xem phim, hãy tắt review này và bắt đầu ngay cuộc hành trình của Những kẻ khờ mộng mơ Trong rất nhiều phim điện ảnh mình đã xem, đây là phim đầu tiên chỉ sau.. 20 giây của trailer đã quyết định ngay sẽ ra rạp để thưởng thức. (có lẽ vì dư âm quá lớn của Whiplash và một đoạn nhạc dạo piano da diết trong phần đầu của trailer) La La Land, một tác phẩm nhạc kịch, tình cảm, lãng mạn đã thâu tóm vô số giải thưởng khi nó được giới thiệu ra công chúng và giới chuyên môn gồm bảy chiến thắng tại lễ trao giải Quả cầu vàng (lập kỷ lục trong lịch sử giải thưởng này), sáu tượng vàng Oscar cùng tám đề cử trong đó có hạng mục Phim hay nhất. Điều gì đã làm nên La La Land thành công đến vậy? Opening Scene (Cảnh mở đầu) Trên những con đường cao tốc ngoằn ngoèo và luôn tấp nập xe cộ giờ tan tầm tại thành phố Los Angeles, ngày hôm nay có điều gì đó khác lạ. Bốn dãy xe nối đuôi nhau không thể di chuyển. Tiếng nhạc xập xình, tiếng radio léo nhéo bất ngờ im bặt. Một cô gái bỗng cất giọng hát. Và rồi mọi người cùng hát, cùng nhảy, cùng hòa mình vào giai điệu Another day of Sun mặc cho sự ngộp ngạt và bực bội trước đó vì hàng dài kẹt xe. Một phân cảnh được dàn dựng công phu với tiết tấu nhanh, rộn rã, một cú máy One-shot ấn tượng, máy quay di chuyển liên tục đòi hỏi sự dàn cảnh chính xác và sự phối hợp nhịp nhàng của âm nhạc và các vũ công. Một cảnh mở đầu choáng ngợp được Damien Chazelle dàn dựng kéo áo khán giả đắm chìm vào vở nhạc kịch của tình yêu. Phim là một mối tình kéo dài qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông với rất nhiều phân cảnh đặc sắc và giàu cảm xúc. Bốn mùa trong phim tương ứng với năm lần gặp gỡ trong câu chuyện tình yêu của hai người nghệ sĩ. Sebastian (Ryan Gosling) - một nhạc công piano vô danh đang gần như rỗng túi, thậm chí không thể mua nổi một chiếc ổ khóa mới. Mia (Emma Stone) - một cô bán hàng trong quán cafe vẫn mơ ước làm diễn viên sau vài chục lần thử vai thất bại. Và rồi duyên phận đã bắt họ gặp nhau không chỉ một lần. Lần gặp gỡ đầu tiên Mùa đông. Mia trong bộ dạng chán chường vì xe của mình bị cẩu đi vừa rời khỏi bữa tiệc của "lũ sáo rỗng Hollywood bị nhồi chung một phòng" - theo lời cô bạn thân của Mia. Trong lúc thả bộ xuống một con dốc, tiếng đàn piano vang vọng dẫn dắt cô vào một quán bar đêm. Khoảnh khắc định mệnh đã đến. Đây là phân cảnh bước ngoặt, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong toàn bộ kịch bản. Seb ngồi giữa quán bar bên cây đàn piano tự độc diễn một bản nhạc mình yêu thích mặc cho ngài quản lý bắt anh chơi những ca khúc Giáng sinh nhàm chán. Và rồi anh bị đuổi. Anh bước thẳng ra cửa. Cô nhìn anh chằm chằm và say đắm. Vì vẻ điển trai, vì tiếng đàn của anh hay vì cô đã nhận ra một điều gì đó. Nhưng anh dửng dưng bước ngang qua cô và bỏ đi không một lời chào. Lần gặp gỡ thứ hai Mùa xuân. Mia và Seb gặp lại nhau trong một bữa tiệc khác bên hồ bơi. Rồi anh cứu cô thoát khỏi buổi độc thoại của một gã nhà văn tự cao tự đại. Họ trêu ghẹo, châm chọc nhau suốt đường đi về. .. Cô không phải người tôi hằng mơ Dù trông anh bảnh bao Tôi sẽ không rung động trước anh, và có lẽ Nó sẽ hớp hồn ai đó không đi giày cao gót.. Thật là phí phạm một đêm tuyệt vời! A lovely Night - Justin Hurwitz Và rồi cô cởi bỏ.. đôi giày cao gót. Họ khiêu vũ cùng nhau. Vũ điệu tình yêu bắt đầu trong nền trời hoàng hôn hòa vào ánh điện lấp lánh của những dãy nhà dưới chân đồi. Một đêm thật lãng mạn. Một khung cảnh giàu chất thơ báo hiệu tình yêu đã chớm nở. Emma Stone và Ryan Gosling chắc chắn đã phải tập khiêu vũ cùng nhau rất lâu trước khi phim bấm máy mới tạo nên một điệu nhảy nhuần nhuyễn và giàu cảm xúc như thế. Nói thêm một chút về ánh sáng trong phim. Đạo diễn hình ảnh Linus Sandgren (tượng vàng Oscar cho Quay phim xuất sắc nhất) đã tận dụng triệt để và hiệu quả những ánh sáng thực tế xung quanh để làm nổi bật lên bối cảnh và các nhân vật chính như: Ánh đèn đường, ánh điện trong nhà.. Nghệ thuật sử dụng ánh sáng tinh tế sẽ còn được thể hiện trong các phân cảnh sau đó. Mia và Seb bắt đầu tìm hiểu nhau trong suốt khoảng thời gian tiếp theo. Cô có niềm đam mê diễn xuất và viết kịch. Anh có niềm đam mê với Jazz và chơi piano. Và họ chia sẻ với nhau những ước mơ của đời họ. Anh muốn mở một câu lạc bộ riêng của mình để chơi nhạc Jazz thuần túy, còn cô thì muốn viết một vở kịch độc thoại cho riêng mình. Họ đi coi phim cùng nhau, như rất nhiều cặp đôi khác, họ e thẹn muốn nắm tay nhau, họ nhìn nhau say đắm, họ khiêu vũ như.. bay trên bầu trời đầy sao trong viện bảo tàng thiên văn học và họ hôn nhau nồng cháy. Biên kịch đã viết nên liên tiếp những phân cảnh bay bổng mang đậm nét đặc trưng của một phim tình cảm thuần túy. Lần gặp gỡ thứ ba Mùa hè. Trong quán bar, Seb ngồi phía trên bên cây đàn piano. Mia thì đứng dưới nhún nhẩy theo điệu nhạc. Cả hai đang say đắm trong men say của tình yêu. Đây là một phân cảnh rất đáng chú ý về mặt kĩ thuật. Máy quay đặt cố định ở giữa Mia và Seb. Theo tiết tấu nhanh của nhạc, máy sẽ có lúc quay sang Mia có lúc thì quay sang Seb. Một phân cảnh đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của âm nhạc, diễn viên và máy quay. Như mọi chuyện tình khác, lúc mới yêu luôn luôn đẹp đẽ và mới mẻ cho đến khi một biến cố xảy ra. Nút thắt giữa của kịch bản xoay chuyển tình thế câu chuyện. Seb tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của Mia và mẹ cô và rằng mẹ cô lo lắng vì Seb không có một công việc ổn định. Đúng lúc đó anh bàng hoàng nhận ra một sự thật. Cuộc sống không thể chỉ có tình yêu và đam mê, mà cần có.. tiền. Từ đó, cuộc đời của Mia và Seb rẽ sang một bước ngoặt khác, họ tập trung và dồn sức lực vào sự nghiệp riêng của mình mà quên mất rằng họ đang dần xa nhau. Lần gặp gỡ thứ tư Mùa thu. Một mâu thuẫn lớn đã xảy ra trong một bữa tiệc bất ngờ tại nhà Seb dành tặng Mia đáng lẽ ra phải rất lãng mạn. SEB Em thích thứ nhạc anh đang chơi chứ? MIA Có, em thích. Em chỉ không nghĩ là anh cũng thích. Anh luôn bảo Keith là đồ tệ hại nhất. Và giờ anh sẽ lưu diễn với anh ấy mấy năm trời. SEB Giờ em làm gì thế? Sao em lại làm thế này? Anh tưởng em muốn anh làm việc này. Tham gia ban nhạc, có một công việc ổn định. Mia bàng hoàng và nghi ngờ rằng Seb đang muốn bỏ đi chính ước mơ mà anh hằng đêm ấp ủ. Cô muốn anh có công việc ổn định nhưng không hề muốn anh vứt bỏ đi niềm đam mê của đời mình. "Người ta yêu những gì mà người khác đam mê", Mia nói. Cô vẫn đang cố gắng hoàn thành vở kịch của mình còn anh thì đang quăng câu lạc bộ Jazz mơ ước ra ngoài cửa sổ. Một cảnh đối thoại cao trào thử thách khả năng diễn xuất của Emma Stone và Ryan Gosling. Nhưng sự thật phũ phàng là vở kịch của Mia không thành công đến vậy. Cô cảm thấy nhục nhã và xấu hổ như hàng trăm lần thử vai thất bại trước đó. Tình yêu của hai người đang bị thử thách bởi một thứ khác xen ngang buộc họ phải đưa ra sự lựa chọn. Bài hát Someone in the crowd không còn rộn ràng và vui tươi như trước. Tiết tấu ca khúc chậm lại như một lời tự sự. Liệu có phải ai đó trong đám đông sẽ kéo ta lên hay dìm ta xuống? Khi mọi nỗ lực theo đuổi đam mê của Mia đang dần bị dập tắt thì biên kịch lại bất ngờ cho cô một cơ hội lớn. Cơ hội tỏa sáng. Nút thắt hồi 2. Mia được gọi đến thử vai trong một bộ phim lớn. Lần này cô không phải diễn theo bất kì kịch bản có sẵn nào. Cô tự hát và tự kể câu chuyện về cuộc đời của Những kẻ khờ mộng mơ - Những nghệ sĩ trẻ như cô. Emma Stone đã có một phân cảnh độc thoại xuất sắc như trong một vở nhạc kịch, với chỉ một ánh đèn sân khấu, cô đứng trước máy quay, vừa phải hát The fools who dream vừa phải biểu cảm khuôn mặt với rất nhiều sắc thái cảm xúc, khi thì hồn nhiên mơ mộng, khi thì bồi hồi xúc động. Một tượng vàng Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất là hoàn toàn xứng đáng. Lần gặp gỡ cuối cùng Mùa đông. Nếu La La Land kết thúc ở đây thì không có nhiều điều để bàn về một tác phẩm tình cảm thuần túy. Nhưng Damien Chazelle đã dội một gáo nước lạnh vào mặt khán giả khi họ vẫn đang mơ màng (hay mơ ngủ) và nghĩ về một kết thúc như truyện cổ tích. Một ý tưởng lớn, một phân cảnh dài gần 10 phút đã đi vào lịch sử điện ảnh thế giới. Epilogue (Phần kết) The romance of the Dream, theo lời của đạo diễn Mia ngồi trong quán bar Seb's để nghe nhạc nhưng người ngồi bên cạnh cô - chồng cô - lại không phải là Sebastian. Anh đang ngồi trên sân khấu trước mặt cô và tay anh đang nhảy múa trên phím đàn. Anh bắt đầu kể câu chuyện tình yêu trong mơ. Không có bất kì lời thoại nào mà chỉ có một bản nhạc giao hưởng bao trùm toàn bộ Epilogue. Ánh đèn xung quanh tắt dần, tất cả hình ảnh hiện ra như một cuốn phim quay ngược. Anh gặp Mia lần đầu tiên khi anh vừa bị đuổi việc. Anh hôn cô ấy nồng cháy. Anh dắt cô ấy đi nghe nhạc Jazz và giải thích về Jazz. Anh ở bên cô ấy trong buổi biểu diễn vở kịch đầu tiên. Anh nắm tay cô ấy đi trên con đường đầy màu sắc, trên đại lộ cho những kẻ mộng mơ ở La La Land. Và rồi họ khiêu vũ giữa bầu trời đầy sao. Thế giới ấy hiện ra vừa thực vừa ảo. Thiết kế bối cảnh đã gây ngạc nhiên khi tự vẽ một phông nền và tự dựng cảnh trí trong studio thể hiện những nét đặc trưng nhất của thành phố Los Angeles chứ không dùng kĩ xảo điện ảnh: Hệ thống đường cao tốc chằng chịt, đại lộ danh vọng Hollywood, những tòa nhà chọc trời và những vòng xoay mặt trời trong những công viên hiện đại bậc nhất. Rồi Mia và Seb đến Paris, nơi những giấc mơ bay bổng nhất. Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn sừng sững hiện lên. Những tòa nhà sáng rực ánh điện gần kề những quán rượu xưa cũ nhuốm màu thời gian. Không quá khó khăn khi giải Oscar cho Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất đã được trao. Sau chuyến hành trình dài cùng Mia, hai người trở về ngôi nhà thân thuộc nơi có thiên thần bé nhỏ của mình. Họ ăn mừng sinh nhật cùng nhau, hạnh phúc bên nhau. Nhưng cuộc đời không như truyện cổ tích, thực tế không như những giấc mơ. Tất cả khán giả chợt bừng tỉnh. Seb trở lại với thực tại. Bản nhạc anh dành tặng cô vẫn da diết như thuở ban đầu nhưng giờ đây nó thiếu đi một nốt nhạc cuối cùng. Một khoảng trống nuối tiếc trong cuộc đời của anh. Và rồi họ nhìn nhau trước lúc chia tay, không nói một lời. Ánh mắt không hề buồn bã hay bi lụy. Ánh mắt và nụ cười họ dành tặng nhau như chia sẻ niềm vui khi ước mơ của mỗi người đã thành hiện thực, như một lời cảm ơn khi người kia đã ở bên cạnh mình dẫu trong một khoảng thời gian ngắn ngủi đã qua. Hollywood có lẽ đã rất lâu rồi bỏ quên những phân cảnh vừa thực vừa ảo, vừa bay bổng vừa đắng cay như vậy. Tất cả những nét đặc trưng nhất trong phong cách làm phim của Damien Chazelle đã hội tụ đầy đủ trong cảnh kết thúc này. Những cú máy dài liên tiếp từ bối cảnh này sang bối cảnh khác, cách sử dụng âm nhạc tài tình thay thế hoàn toàn cho lời thoại và nghệ thuật dàn cảnh tỉ mỉ, chỉn chu. Ông hoàn toàn xứng đáng cho một tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp của mình và là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Viết về La La Land không thể không nói đến âm nhạc. Những bản hòa âm xuất sắc từ dàn nhạc giao hưởng dưới sự chỉ huy của Justin Hurwitz đã đóng góp rất lớn vào thành công của bộ phim. Và dĩ nhiên hai tượng vàng Oscar đã về tay anh: Nhạc phim hay nhất và Ca khúc trong phim hay nhất cho City of Stars. Khi dòng chữ The End hiện lên, chắc chắn âm hưởng hòa quyện của tiếng kèn Trumpet, kèn Trombone, kèn Cor, tiếng sáo, tiếng trống, tiếng Violon và tiếng Piano vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Ai đó trong đám đông sẽ đưa bạn đến nơi bạn muốn Nếu bạn đã sẵn sàng để được tìm thấy. Someone in the crowd - Justin Hurwitz Một bình luận của Hùng Nguyễn Bật mí nhẹ :D La La Land là phim đầu tiên mình xem đi xem lại nhiều lần nhất (tổng cộng 6 lần) và là một trong bốn phim điện ảnh yêu thích nhất tính đến thời điểm hiện tại. Ba phim còn lại là gì các bạn đón xem trong những bài Review kế tiếp nhen ^^. Tái bút :D Sau La La Land, mình sẽ cùng các bạn tạm biệt Los Angeles hoa lệ để bắt đầu một cuộc hành trình xa xôi hơn lên.. Mặt trăng với First Man
Mình thích những bộ phim có màu sắc nhạc kịch theo hơi hướng thưởng thức nhiều hơn là xem phim. La La Land thì có được cả yếu tố trình diễn và nội dung câu chuyện hay. Và mình cũng có cảm nhận giống như bạn: Phim kết thúc khi hai nhân vật chính không ở bên nhau nhưng nó không hề bi lụy hay buồn bã, có thể là chút nuối tiếc nhưng mình cảm thấy đó là một kết thúc hợp lý. Bởi vì suy cho cùng, họ yêu nhau chính là yêu cái cách mà người kia yêu giấc mơ nghệ thuật. Đó là sự đồng cảm, đồng tình của họ.