Nghĩa Của Từ Phiến Diện Từ gốc Hán, viết là 片面, bính âm là /pìanmìan/, trong đó: - Phiến là mảnh, vật gì mỏng mà phẳng đều gọi là phiến, như mộc phiến là tấm ván, chỉ phiến là mảnh giấy, Thiều Chửu còn giảng cái gì chỉ một nửa thôi cũng gọi là phiến, như phiến ngôn là nửa lời; - Diện là mặt, bề mặt, Thiều Chửu giảng "chỉ tính dài rộng lớn bé, không kể đến dày mỏng gọi là bề mặt". "Phiến diện" theo đó chỉ việc gì chưa trọn vẹn, chỉ mới có một nửa, một mặt. Như Từ điển Nguyễn Quốc Hùng giảng "phiến diện" là chỉ có bề mặt, nông cạn, hời hợt. Còn từ điển Hoàng Phê thì giảng "phiến diện" là chỉ thiên về một mặt, một khía cạnh, không thấy đủ các mặt, các khía cạnh khác của vấn đề, như "cái nhìn phiến diện", "quan điểm phiến diện". Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Nghĩa Của Từ Đếm Xỉa Từ cũ, giờ vẫn còn dùng, liên quan đến việc đếm tiền đồng hồi xưa. Đại Nam Quấc âm Tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của giảng: - Đếm là kể ra từ số từ món, như nói một hai ba bốn v. V là đếm (cái này dễ hiểu quá hén) ; - Xỉa là cách đếm tiền đồng, sắp mỗi doi năm đồng gọi là xỉa tiền, trước còn có cách nói "đứng xỉa tiền" ý nói đứng xếp hàng đều nhau. Trên có dùng từ "doi", thì Hùinh Tịnh Paulus Của giảng "doi" là một hàng tiền đồng xỉa ra. Ý là hàng tiền đồng thì gọi là doi, khi đếm tiền mà sắp tiền thành hàng (doi), mỗi hàng năm đồng thì gọi là xỉa. Còn từ "đếm xỉa" thì Hùinh Tịnh Paulus Của giảng rằng "đếm tiền phải xỉa từ doi, và đếm và xỉa (tức là muốn đếm tiền đồng thì phải sắp thành từng hàng đều nhau cho khỏi nhầm ấy," và đếm và xỉa "thì các bạn có thể hiểu như vừa đếm vừa xỉa - NNVC), nghĩa mượn là kể lấy, chẳng ai thèm đếm xỉa là chẳng ai kể, chẳng ai màng" Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Giải Nghĩa Từ Liêm Sỉ Từ gốc Hán, viết là 廉恥, giản thể là 廉耻, bính âm là /líanchǐ/, trong đó: - Liêm là trong sạch, ngay thẳng, Thiều Chửu giảng "biết phân biệt nên chăng không lấy xằng" gọi là liêm; - Sỉ là xấu hổ, lấy làm xấu hổ, hổ thẹn. "Liêm sỉ" là lòng dạ ngay thẳng trong sạch, biết đâu là điều đáng hổ thẹn. Ờ, ừm, gần đây chúng ta hay nói, "liêm sỉ gì tầm này nữa", chắc tại vã quá mà! Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ