Truyện Ngắn Nguyễn Công Trứ Và Mối Tình Thoảng Qua - Sưu Tầm

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Hoang0302, 20 Tháng một 2020.

  1. Hoang0302

    Bài viết:
    163
    [​IMG]

    Nguyễn Công Trứ, tự là Tồn Chất, hiệu là Hy Văn, quê làng Uy Viễn, nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; người sau thường tôn xưng là Uy Viễn tướng công.

    Khi Gia Long mới lên ngôi, dù còn trẻ chưa có danh phận gì, Nguyễn Công Trứ vẫn mạnh dạn dâng lên vua bản dự thảo kế hoạch xây dựng đất nước gọi tên là "Thái bình thập sách" (Mười kế sách để xây dựng đất nước thái bình), tất nhiên là chẳng được xem đến! Mãi năm 1819, ở tuổi 41, Nguyễn Công Trứ mới đậu Giải nguyên trong kỳ thi hương ở trường Nghệ, và bước vào đời làm quan từ năm 1820 với chức Hành tẩu Quốc tử giám, sau đó trải qua nhiều chức như Tri huyện, Lang trung, Tư nghiệp Quốc tử giám, Thị lang, Tổng đốc, Thượng thư, nhiều phen cầm quân chinh chiến và 3 lần bị cách chức, có lần phải sung làm lính.

    Năm Thiệu Trị thứ tư (1844), bấy giờ đã 66 tuổi cụ bị tước hết quan tịch, sung làm lính tỉnh Quảng Ngãi, khi vào chào quan tỉnh để đợi lệnh phái đi đồn nào, cụ cứ nghiễm nhiên mặc áo cộc màu chàm, đầu đội nón dấu, vai mang ruột tượng gạo, bên hông đeo một cái dao tu vỏ bằng gỗ, đúng như quy định của lính. Quan tỉnh thấy vậy tỏ ra áy náy, muốn cụ cởi đồ lính ra, nhưng cụ nói: "Cứ xin để vậy, lúc làm đại tướng tôi không lấy làm vinh, thì nay làm lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào có nghĩa vụ đối với địa vị ấy, làm lính mà không mang đồ ấy thì sao giữ là lính được?".

    Giai thoại có kể câu chuyện thời trẻ, còn nghèo, Nguyễn Công Trứ đi theo làm anh kép hát. Trong đoàn có cô đào tên là Hiệu Thư xinh đẹp, chàng rất thích nhưng nàng chẳng để ý. Một hôm đoàn đi hát phục vụ một làng khác, Công Trứ vờ bỏ quên đàn. Đến giữa cánh đồng vắng, chàng mới kêu lên là quên mất đàn, anh chàng cùng đi trẻ hơn, phải chạy về nhà lấy đàn, chàng tranh thủ cơ hội tán tỉnh Hiệu Thư. Hiệu Thư phản ứng bằng tiếng "ứ hự!".

    Thời gian sau, khi đánh giặc thắng trận, cụ cho mở tiệc khao quân và đón đoàn đào kép đến ca hát. Trong đoàn có Hiệu Thư, giờ đã nhiều tuổi nên cụ không nhận ra. Cô ta bèn hát: "Giang sơn một gánh giữa đồng / Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?". Cụ mới hỏi: "Có phải Hiệu Thư đó không?". Nhận ra người cũ, Nguyễn Công Trứ liền lấy làm vợ lẽ. Hiệu Thư thường theo trong quân, trong đợt đánh dẹp cuộc nổi dậy của Nùng Văn Vân ở Tuyên Quang, dù gian lao vất vả nhưng Hiệu Thư vẫn đi theo quân, nên cụ mới viết câu thơ: "Đành nhẽ cầm thư mà kiếm mã/ Ai hay kim chỉ cũng phong trần" (Cầm thư là đàn sách, chỉ nam giới, còn kim chỉ chỉ nữ giới).

    Trước khi về hưu, cụ làm bữa tiệc mời các đồng liêu đến dự chia tay, thức ăn toàn là thịt cầy, chỉ có một mâm dành riêng cho cụ có thêm món thịt lợn. Khi mời mọi người vào tiệc, cụ khoát tay một vòng và nói: "Tôi được nghỉ hưu, có bữa rượu xin mời các vị. Trên dưới đều là chó cả, chỉ có món lợn ở đây thôi". Biết cụ lỡm mình, mọi người có vẻ không bằng lòng, biết một viên quan còn trẻ là Hà Tôn Quyền có đọc một câu đối: "Quân tử ố kỳ văn chi quý ngài". Câu này là một câu trong sách, nguyên văn là: "Quân tử ố kỳ văn chi trứ", nghĩa là: "Người quân tử ghét nghe nổi tiếng". Chữ Hán, "trứ" có nghĩa là "nổi tiếng" nhưng lại trùng tên của cụ nên mới đọc trệch đi là "quý ngài". Cụ liền đối lại ngay. "Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quan lớn". Câu này cũng ở trong sách, nguyên văn là: "Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền", nghĩa là: "Thánh nhân bất đắc dĩ khi dùng cách biến đổi" Chữ Hán "quyền" có nghĩa là "đạo dùng khi biên" cũng trùng với tên của người đọc vế trên nên đọc trệch đi là "quan lớn".

    Thời gian làm Thừa Thiên phủ doãn, cụ thường hay dạo thuyền chơi trên sông Hương, gọi bọn ca nương trẻ xuống thuyền ca hát, nên có làm bài thơ: "Trên sông một chiếc thuyền nan/ Một cô thiếu nữ, một quan đại thần/ Ban ngày quan lớn như thần/ Ban đêm quan lớn tần mần như ma/ Ban ngày quan lớn là cha/ Ban đêm quan lớn rầy rà như con..".

    Cụ có nhiều công lao khi làm Dinh điền sứ, khai khẩn vùng đất bồi ở vùng Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, lập nên hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình) và nhiều làng xã thuộc các huyện khác. Năm Tự Đức thứ năm (1852), cụ đã về hưu, nhân dân Tiền Hải nhớ ơn cụ, nhân chỗ nền nhà ở thời cụ làm Dinh điền sứ dựng một cái sinh từ (đền thờ sống), ngày hoàn công mới cử người về quê mời cụ ra chơi. Cụ ra dự được đón tiếp trọng thể. Một tên thị vệ thấy thế bèn bịa đặt tâu vua là cụ có ý đồ tập hợp dân chúng làm loạn. Vua hạ mật chiếu sai Tổng đốc Hoàng Văn Thu (vốn là môn đồ của cụ) dò xét và đòi cụ về kinh. Vào Kinh, Tổng đốc và các quan lại ở Bắc và ở Kinh đều dâng sớ minh oan cho cụ. Tên thị vệ bấy giờ khiếp sợ bèn tự tử, vua biết là cụ bị nó vu oan nên triệu cụ vào triều. Vào bái yết, vua hỏi: "Lão thần ra Bắc có nghe dân tình đàm đạo gì không?".

    – Tâu bệ hạ, thần đi vào trong dân, có nghe một số câu đố rất hay, xin dâng lên Ngự lãm.

    Vua cho phép, cụ liền đọc: "Đem thân cho thế gian ngồi/ Rồi ra lại nói con người bất trung". Vua hỏi: "Đó là cái gì?".

    – Muôn tâu, là tấm phản! Cụ lại đọc tiếp câu: "Dốc lòng lo việc nước nhà/ Người dù không biết, trời đà biết cho". Vua hỏi: "Là cái gì?". – Muôn tâu cái máng nước ". Vua hiểu ý cụ nên cười, xuống chỉ an ủi và cấp cho cụ 100 quan tiền làm lộ phí trở về quê.

    Về hưu ở tuổi 73, cụ còn cưới một ngươi thiếp trẻ, tuổi mới đôi mươi nên làm câu thơ hài hước: Tân nhân nhược vấn lang niên kỷ/ Ngũ thập niên tiền nhị thập tam (Cô dâu giá hỏi chàng bao tuổi/ Năm mươi năm trước mới hăm ba). Cụ thường cưỡi bò cái đi chơi, dùng mo cau che bộ phận sinh dục lại và nói:" Để che lỗ miệng thế gian..".

    Nhiều giai thoại về Nguyễn Công Trứ cho biết cụ là một nhà thơ có tài, một nhà chính trị và quân sự lỗi lạc, có tấm lòng vì dân, vì nước, một nhà nho sống lạc quan. Về già, nghe tin bọn Pháp xâm lược nước ta cụ còn dâng biểu xin cầm quân đi đánh giặc, nhưng đã cao tuổi nên vua không dùng. Cụ mất năm 1858, thọ 83 tuổi. Hiện nay, ở Uy Viễn (Hà Tĩnh), ở Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) đều có đền thờ cụ..
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...