Phân tích bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ma tà, 3 Tháng tám 2022.

  1. ma tà

    Bài viết:
    14
    Nguyễn Công Trứ là vị quan tài ba, lỗi lạc, trong suốt quá trình làm quan ông đã lập nên nhiều công trạng hiển hách. Ông là một nhà Nho nhưng lại khác với những nhà Nho đương thời bởi thái độ sống "ngất ngưởng" nhưng vẫn vẹn những đức tính, nhân cách chân chính mà nhà Nho nên có. Là một nhà Nho ông luôn thấm nhuần câu nói "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", và luôn tỏ bày tài năng, ý chí của mình qua những vần thơ, mà nổi tiếng nhất phải kể đến "Bài ca ngất ngưởng". Bài thơ thể hiện chất "ngông" và ước vọng muốn cống hiến cho đời, hoàn thành nghĩa vụ của người quân tử với trời đất, đất nước và nhân dân.

    Ngay từ đầu bài thơ Nguyễn Công Trứ đã thể hiện chí làm trai của người nam nhi với non sông:

    Vũ trụ nội mạc phi phận sự

    Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

    Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc đông

    Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

    Lúc Bình Tây cờ đại tướng

    Có khi về phủ doãn Thừa Thiên.

    Mọi việc trong khoảng trời đất, vũ trụ này đều là phận sự của ta. Ông dành cả cuộc đời để chứng minh cho điều đó, ông đi thi công danh và đỗ đạt cao, làm quan lớn trong triều đình, thỏa mãn chí hướng và niềm khao khát cống hiến cho đời, vẹn nghĩa với dân. Nhưng đồng thời ông cũng tự bó buộc mình vào trong một lồng giam vô hình, đó là những khuôn mẫu, phép tắc chốn quan trường đang từng ngày bó buộc ông "ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng", đây là nỗi buồn khi phải sống cuộc đời gò bó, chật hẹp nhưng không thể bày tỏ cùng ai, vì những người khác chỉ thấy được hào quang bên ngoài của ông mấy ai hiểu được ông muốn gì. Cuộc đời ông như là một bản nhạc có lúc thăng, có lúc trầm, có lúc dữ dội nhưng đôi lúc cũng dịu êm. Nguyễn Công Trứ luôn biết mình muốn gì, nên luôn không ngừng cố gắng dù có thất bại nhưng vẫn không nản lòng, để rồi khi được trọng dụng ông giữ những chức quan trọng như: Tham tán, Tổng đốc đông, Bình Tây đại tướng, làm Phủ doãn ở Thừa Thiên. Để làm tròn cái chí nam nhi nên ông vẫn chọn con đường làm quan, vì muốn có cơ hội thể hiện tài năng cống hiến sức mình vì nước vì dân mà hi sinh đi tự do, tự nguyện sống trong cảnh gò bó. Như đã nói Nguyễn Công Trứ khác hoàn toàn so với những nhà Nho khác nên cách ông sống cũng thật đặc biệt, hầu hết các nhà Nho đều chọn cách sống khiêm cung dù bản thân là người có tài kinh bang tế thế, nhưng Nguyễn Công Trứ đã đi ngược lại điều ấy "gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng". Thể hiện thái độ tự tin, có đôi chút ngang tàn và tự kiêu vì "ngất ngưởng" là từ thể hiện một hành động, trạng thái đạt đến đỉnh cao. Đây mới là cách sống mang đậm chất Nguyễn Công Trứ, một cách sống mà đương thời không ai hiểu, cũng không chấp nhận cách sống đó, thậm chí họ còn ghét ông vì dám tự sống theo ý mình phá vỡ đi nề nếp, chuẩn mực của xã hội phong kiến. Hay vả chăng chính họ đang cảm thấy nhột vì cảm thấy qua những vần thơ ấy ông đang chê bai, giễu cợt họ nên hết lần này đến lần khác làm ông bị giáng chức thành lính thú rồi lại được trọng vọng rồi tiếp tục giáng chức, cứ tuần hoàn như vậy đến khi ông lui về ở ẩn:

    Đô môn giải tổ chi niên

    Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

    Kìa núi nọ phau phau mây trắng

    Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

    Năm 1848, ông chính thức thoái lui khỏi chốn quan trường, tận hưởng cuộc sống tự do, tự tại, đây cũng là lúc cái ngông đã được kiềm nén bấy lâu nay của ông được giải phóng, nó vươn mình một cách mãnh liệt. Cái ngông ấy ngay từ lúc quyết định từ quan về quê đã được bộc lộ rõ nét, cưỡi bò vàng rời khỏi chốn kinh kỳ đầy phù hoa dưới ánh nhìn ngạc nhiên hiếu kỳ của biết bao người, vì lạ thay từ trước tới giờ người ta chỉ cưỡi người hồi hương mấy ai cưỡi bò vàng bao giờ! Hành động đó thể hiện cái ngất ngưởng, cái ngông trong ông, hơn nữa vô hình chung ông đã biến mọi thứ xung quanh mình cũng trở nên ngất ngưởng như chú bò kể trên. Sau khi lui về, ông làm nhà sống trên núi ngày ngày ngắm nhìn cảnh đẹp tựa thần tiên "kìa núi nọ phau phau mây trắng", sẽ chẳng có gì để bàn nếu như ông cứ sống giản dị, nhàn tản ngắm cảnh, vịnh thơ như Nguyễn Bỉnh Khiêm nhàn hạ câu cá mùa thu, hay Nguyễn Trãi sống hòa hợp với thiên nhiên ở Côn Sơn mà lòng nhớ về đất nước. Nếu sống như vậy thì không còn là Nguyễn Công Trứ nữa rồi, và thật vậy câu thơ sau đã nói nên điều đó:

    Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

    Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

    Trong nơi cửa Phật thanh tu, người người đều giữ khuôn phép, lễ nghi, hành xử theo lẽ thường mà ông lại dẫn theo cô hầu gái đến đây lại còn đàn ca, nhảy múa. Đó là hành động phá hoại thuần phong mỹ tục mà không một nhà nho nào dám làm như vậy. Nhưng Nguyễn Công Trứ dám làm điều đó vì ông đã không màng tới ánh mắt người đời, vượt qua được những quy luật, điều tiếng xã hội. Những hành động lạ mà ngông của ông cũng phải khiến Bụt phải nực cười, cười thỏa thuê với cái ngất ngưởng nơi ông.

    Câu thơ tiếp theo sẽ nói rõ hơn về hành động nơi tôn nghiêm của ông:

    Được mất dương dương người tái thượng

    Khen chê phơi phới ngọn đông phong

    Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

    Không Phật, không tiên, không vướng tục.

    Ông đã nhìn thấu được chuyện được và mất, khen và chê. Dù người ta nhận xét mình thế nào cũng không quan trọng chỉ cần không thẹn với lòng thì cứ làm. Vả chăng sự được mất khen chê của người đối với mình có tác động cũng do tâm trí mình mà ra, chỉ cần nghĩ về điều tích cực, những ý nghĩa trong việc mình làm thì dù có thế nào cũng đều vui vẻ mà hướng đến. Cũng vì điều đó mà ông cứ thỏa thích làm điều mình muốn, đi chùa dắt theo người hầu gái, đánh đàn nhảy múa nơi tôn nghiêm, bị người đời cho là trái nhưng họ đâu biết ông đã hiểu được chuyện nơi trần tục và thoát ra khỏi đó nên không còn vướng bận, nhọc nhằn những chuyện nơi trần thế, bởi những tín điều tín ngưỡng tôn giáo hay khuôn mẫu xã hội, vì lòng có Phật thì mọi thứ có là chi.

    Chẳng Trái, Nhạc, cũng vào phường Hàn Phú,

    Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung

    Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

    Dù ngông, chơi hết mình, sau khi tỉnh dậy bởi sự sôi động của thơ, rượu, ca trù, hát ả đào thì Nguyễn Công Trứ cũng không quên đánh giá lại công trạng cho vương triều mà ông phụng sự. Ông tự đặt mình ngang hàng với các danh tướng lẫy lừng của Trung Quốc như Trái Tuân, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật. Đọc đến đây ai rồi cũng nghĩ ông tự cao tự đại, mới có ít công lao mà đòi sánh ngang hàng với bậc anh hùng thiên hạ. Nhưng hãy nhìn lại xem bao nhiêu chiến công ông từng mang về cho vua tôi triều Nguyễn dù họ không thật sự coi trọng ông, thì đủ để ông tự hào rằng mình là một anh hùng, không thẹn với lý tưởng trung quân ái quốc (một trong những lý tưởng chủ chốt của Nho giáo), trọn với niềm ký thác của vua, vẹn với đạo làm thần.

    Kết thúc bài thơ với một giai điệu ngất ngưởng:

    Trong triều ai ngất ngưởng như ông?

    Một con người ngất ngưởng thì làm việc gì cũng đều muốn ngất ngưởng theo. Trong triều khi bị gò bó với khuôn phép của vua, đạo làm quan nhưng ông vẫn thể hiện được mình là một người "ngất ngưởng", đó là khí phách mà Nguyễn Công Trứ muốn thể hiện qua bài thơ Bài ca ngất ngưởng.

    Nguyễn Công Trứ đã đưa hát nói vào trong thơ ca, biến cuộc đời chính trị của ông thành một bài ca ngất ngưởng, vừa phong phú của một thi sĩ, vừa trung nghĩa với vua mà không làm mất đi bản tính của mình. Phong kiến một xã hội mà cái tôi luôn bị triệt tiêu nhưng Nguyễn Công Trứ đã chứng minh nhận định đó là sai với ông, chính cái tôi "ngông" của ông đã làm nên tích cách, thái độ sống với đời và một Nguyễn Công Trứ rất riêng và đặc biệt.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...