Phân tích hình ảnh ông ngất ngưởng trong bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 31 Tháng bảy 2022.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635

    Nguyễn Công Trứ- một nhà Nho liêm chính suốt đời đèn sách đã từng viết:

    "Kiếp sau xin chớ làm người

    Làm cây thông đứng giữa trời mà reo."

    Để có thể ung dung, hiên ngang đứng thẳng, ông đã không ngần ngại mà trở thành một cây thông đứng thẳng, để mà suốt đời "ngất ngưởng". Lối sống ấy đã thấm nhuần trong sáng tác của ông và đặc biệt là trong tác phẩm "Bài ca ngất ngưởng" nức danh ngàn đời. Trong đó ta không thể bỏ qua hình ảnh "ông ngất ngưởng" nổi bật trong bài.

    Sau nhiều năm bôn ba trên con đường hoan lộ, năm 1848, Nguyễn Công Trứ đã tự cởi mũ áo từ quan về hưu nghỉ ngơi an nhàn tại quê nhà. Bài ca ngất ngưởng cũng được ông sáng tác trong thời gian đó. Vốn được tiếp xúc với ca trù và nghệ thuật hát ca trù từ bé, ông đã trở thành người đầu tiên có công đem đến cho hát nói một nội dung phù hợp với chức năng và cấu trúc của nó. Thể hiện rõ nhất những đặc trưng của hát nói, hay còn gọi là ca trù, hát ả đào chính là bài "Bài ca ngất ngưởng". Tác phẩm là tấm gương phản chiếu nội tâm Nguyễn Công Trứ, thể hiện bản lĩnh cũng như nhận thức cá nhân trong tình trạng khủng hoảng của xã hội phong kiến.

    Bài thơ có nhan đề mang rất nhiều ý nghĩa. "Ngất ngưởng" là tư thế trên cao, chênh vênh, không vững trãi của sự vật. Còn đối với con người, "ngất ngưởng" thể hiện một cách sống, một thái độ sống ngang tàng, vượt lên trên những luân lí thông thường. Nhan đề "Bài ca ngất ngưởng" hoàn toàn phù hợp bởi đó cũng chính là phong cách sống nhất quán cũng như vẻ đẹp nhân cách Nguyễn Công Trứ xuyên suốt cả bài ca cuộc đời.

    Trong tác phẩm, cái "ngất ngưởng", ngang tàng của Nguyễn Công Trứ đã được thể hiện ngay khi ông còn giữ chức, trước hết là thể hiện trong việc ông nhận thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình:


    "Vũ trụ nội mạc phi phận sự

    Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng."

    Câu từ chữ Hán đã được Nguyễn Công Trứ thể hiện, vừa trang nghiêm mà kiên định, lấy từ phủ định "phi" để kiên quyết khẳng định: Mọi việc trong trời đất này đều có phần, có phận của ông. Đó là một lời phát ngôn ngạo nghễ mà thuyết phục cho tài năng và chí khí của ông. Cũng giống như trong bài "Chí làm trai" ông đã nêu:

    "Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc

    Nợ tang bồng vay giả, giả vay

    Chí làm trai nam bắc đông tây

    Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể."

    Đây chính là lời khẳng định quan trọng của kẻ sĩ: "Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" – là nỗi vẫn vương và hoài bão dai dẳng suốt cả đời ông.

    Không chỉ vậy, ông còn chỉ đích danh, tự xưng tên, kể tài của mình. Ông khẳng định mình là người có tài và ông đã bước vào một chiếc lồng vàng son phong kiến – chiếc lồng công danh. Bản thân ông tự nhận, tự coi trong tài năng của mình và coi thường danh lợi tầm thường, giả dối. Với ông, việc làm quan chỉ như một đoạn xích vàng buộc chân con chim hoàng yến, là một sự trói buộc ghê gớm nhưng cũng chính là điều không thể tránh khỏi để ông có thể hoàn thành mục tiêu của mình. Hình ảnh ẩn dụ "vào lồng" đã để lại trong lòng bạn đọc nhiều ấn tượng. Chiếc lồng ấy chứa đầy vàng son, mĩ tửu, giai nhân, nó là một thứ rượu độc, một loại cao lâu ăn vào là nghiện và chính như Cao Bá Quát đã đánh giá:


    "Đầu gió hơi men thơm quán rượu

    Kẻ say vô số, tỉnh bao người?"

    Dù nhận ra những điều ấy nhưng Nguyễn Công Trứ cũng chẳng thể nào thoát ra khỏi vũng lầy danh lợi. Thay vào đó, ông lấy những chiến công hiển hách của mình để bù đắp đôi phần cho những loạn lạc rối ren:

    "Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,

    Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

    Lúc bình Tây, cờ đại tướng

    Có khi về Phủ Doãn thừa thiên."

    Nguyễn Công Trứ đã liệt kê rất nhiều chiến tích của mình, ông không chỉ khoe tài văn chương, thao lược mà còn khéo léo khoe ra danh vị, chức tước mình đã đạt được như: Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc Đông. Nhờ những sáng tạo trong cách ngắt nghỉ, nhịp điệu trong câu cũng như giọng điệu khoái chí của mình, Nguyễn Công Trứ đã tự toát ra ra một sự tự tin, tự hào cùng một sức sống bền bỉ khó cưỡng. Ông tự mình kể những chiến công ấy bằng giọng điệu hào sảng, tưởng chừng như những việc ấy chỉ là tầm thường không đáng nhắc tới. Điều đó cũng phần nào chứng minh cái lí do ông "ngất ngưởng" : Bởi ông là người tự ý thức được tài năng của mình vượt lên trên thiên hạ. Ông hoàn toàn có quyền và có thể ngất ngưởng bằng chính tài năng, sự nghiệp và bản lĩnh của mình.

    Qua lời giới thiệu tự hào và ngạo nghễ ấy, Nguyễn Công Trứ đã cho ta thấy những danh vị để đời cùng bao phấn đấu, hi sinh trong cuộc đời "ông ngất ngưởng" cho dân, cho nước.

    Làm quan đã ngất ngưởng, khi từ quan ông lại càng được đà "ngất ngưởng". Có thể nói, khoảng khắc Nguyễn Công Trứ được là chính mình là khi ông cởi bỏ xiềng xích bay lên với bầu trời tự do:


    "Đô môn giải tổ chi niên."

    Khi còn ở kinh đô, ông đã tự mình cởi dây đeo ấn từ quan về nghỉ ngơi tại quê nhà. Đây là một mốc quan trọng của ông, là thời khắc lòng ông được tự do thanh thản là chính mình sau những ngày tháng vất vả lo toan việc nước, việc dân. Để tự thưởng cho mình, ông đã nghĩ, đã chơi theo cách độc đáo của riêng mình, không theo lề thói:

    "Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng."

    Khi về quê, ông không đi ngựa, đi xe như người ta mà ông cưỡi bò. Đó là một con bò đặc biệt với bộ lông vàng chứ không phải vàng bạc đầy ắp quanh người. Nó được ông mặc lên chiếc nhạc ngựa và treo mo cau ở phần trên đuôi bò, nói rằng để che miệng thế gian. Phải nói thêm, việc Nguyễn Công Trứ cưỡi bò ra khỏi kinh là việc hoàn toàn có thật và sự việc đó đã gây một cú "sốc" lớn với nhân dân kinh kì, họ đổ xô ra xem quan phủ Doãn cưỡi bò về quê và đã được ghi chép lại trong bài thơ sau:

    "Bò vàng nhẹ quất ông về Bắc

    Dân chúng ra xem chật đế kinh

    Há biết một đời bao được mất

    Hay chăng thân thế những hư vinh

    Về đông Lam Thủy gầm như sấm

    Quê cũ Hồng Sơn dựng tấm bình

    Danh- phúc vẹn toàn nay sảng khoái

    Biết dùng tài lạ- chúa hiền minh."

    Không chỉ vậy, ông còn làm những chuyện trái khoáy trên ngươi thiên hạ:

    "Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì"

    Chùa chiền, văn miếu vốn là chốn thâm nghiêm, ấy vậy mà Nguyễn Công Trứ lại mang theo hai người hầu gái. Câu thơ trở nên hóm hỉnh khi ta hoàn toàn hiểu rõ tiếng lòng của nhà thơ. Bởi lẽ ông quan niệm, tiên phật ở trong lòng, đâu vì đem theo mấy người hầu gái mà trở nên không đứng đắn. Câu thơ hóm hình đã bộc lộ hoàn toàn phong cách sống khác người, khác đời của Nguyễn Công Trứ.

    Mà nào đâu chỉ vậy, Nguyễn Công Trứ còn thỏa sức tận hưởng cuộc sống phiêu diêu, vui hưởng những thú vui trần tục:


    "Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

    Không phật, không tiên, không vướng tục."

    Khi về hưu, ông được sống thỏa thích theo ý muốn cá nhân. Nhịp thơ ngắn giống như tiếng trống chầu đổ dồn rồi nện mạnh xuống đã thể hiện phần nào cái thoáng đạt của tâm hồn người tri thức. Ông đã thưởng thức đỉ trò vui, cái xấu nhân thế và khẳng định chắc chắn rằng ông không có phật, không có tiên mà chỉ có bản thân, chỉ tin vào bản thân và chính điều đó khiến cho ông trở thành một con người thoát tục với những tư tưởng rộng lớn, cao xa.

    Đã nhìn nhiều, nhìn rõ những tối tăm của xã hội, giờ đây, ông chỉ muốn sống hết mình với cuộc đời mà không màng đến chuyện khen chê, được mất:


    "Kìa núi nọ phau phau mây trắng

    Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

    Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng

    Được mất dương dương người thái thượng

    Khen chê phơi phới ngọn đông phong."

    Hình ảnh "kiếm cung" được nói đến là quãng thời gian Nguyễn Công Trứ "bình tây" dẹp loạn, kiếm cung đã nguốm đầy máu tươi xương trắng nên ông muốn tìm đến nơi "từ bi" để thanh thản tâm hồn. Giữa những cuộn mây vờn núi mờ ảo, hình ảnh "ông bụt" hiện lên làm cho tứ thơ càng thêm đặc sắc. Đó liệu là bụt cười, người đời cười hay chính tác giả Nguyễn Công Trứ đã nhận mình là bụt và tự cười cho cái "ngất ngưởng" của mình. Ông không để ý và ông hoàn toàn không quan tâm cũng như để bụng tới chuyện hơn thua, được mất ở đời. Gần một đời người gắn bó chốn quan trường, ông đã nhìn thấu những giả dối, ganh đua, đã quá chán chường khi nhìn thấy những cảnh tham quan tranh đoạt nên ông chỉ mong được thả lỏng tâm tình mà vui thú tuổi già. Về điều này, Nguyễn Công Trứ có quan niệm rõ ràng: "Cuộc đời hành lạc chơi đâu là lãi đấy.", chính vì thế nên ông mặc kệ tai mắt thế gian mà sống những ngày tháng "dương dương", "phơi phới" không còn gì hối tiếc. Đó là một lối sống thanh nhàn, ung dung, tự tại, mang ý niệm riêng và cái ngông cuống, ngạo nghễ của tác giả.

    Với giọng thơ tự hào, sảng khoái pha chút hóm hỉnh, đoạn thơ đã thể hiện bản lĩnh cứng cỏi của Nguyễn Công Trứ trước cuộc đời. Bản lĩnh ấy xuất phát từ sự tự ý thức về tài năng cũng như phẩm giá của mình. Đó cũng là một quan niệm về nhân sinh hiện đại: Đề cao cá tính, cá nhân, ý thức về cái tôi phóng khoáng hiếm thấy trong văn học trung đại đương thời.

    Bản ngã "ngất ngưởng" một lần nữa được bộc lộ qua 3 câu thơ cuối. Ông đã tự khẳng định mình là một trung thần, làm trọn đạo vua tôi:


    "Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

    Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung

    Trong triều ai ngất ngưởng như ông!"

    Trái Tuân, Nhạc Phi, Hàn Kì và Phú Bật là những vị danh sĩ văn võ toàn tài thời xưa. Nguyễn Công Trứ đã tự so sánh mình ngang hàng với bốn vị ấy đồng thời tự khẳng định cái tài năng cũng như công lao của mình một cách đĩnh đạc hào hùng. Ông là một người trung nghĩa, suốt đời hết mình phò vua giúp nước, vậy nên ông có thể dõng dạc tuyên bố với thiên ha: "Trong triều ai ngất ngưởng như ông!" Khi làm quan trong triều, ông không chấp nhận sự khom lưng uốn gối hay thói quỵ lụy thường thấy. Cái thái độ sống "ngất ngưởng" đầy thách thức ấy cũng chính là một sự đối đầu, thách thức trực tiếp với những lề thói, trật tự xã hội thối nát thời mấy giờ.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Thông qua "Bài ca ngất ngưởng" ta mới phần nào thấm thía câu: "Người hướng đạo duy nhất của bản thân con người chính là lương tâm. Hành động liêm khiết và tình cảm chân thành chính là tấm chắn bảo vệ con người khỏi cái ác." Nguyễn Công Trứ chính là một trong những con người như thế. Đằng sau ý vị trào phúng sâu sắc, bài thơ còn thể hiện một thái độ, một quan niệm nhân sinh đúng đắn và hiện đại. Bằng giọng điệu tự hào, sảng khoái, bài thơ đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc và trở thành phương tiên để nó sáng mãi cho đến ngàn sau!
     
    Last edited by a moderator: 20 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. Lagan

    Bài viết:
    635
    Một số mẫu mở bài gián tiếp cho "Bài ca ngất ngưởng." :

    Mẫu số 1.

    Có người từng nói: "Cuộc đời giống như một chiếc compa và trung tâm của nó chính là con người." Điều đó là hoàn toàn đúng. Ta không thể phủ nhận rằng nếu tâm compa không vững thì chính hình tròn cũng sẽ trở thành hình méo và nếu tâm con người không vững, không trong sáng, con người cũng sẽ dễ dàng bị sa ngã vào vòng luẩn quẩn của sự ngu dốt và thói công danh hư ảo. Tâm con người đã được soi sáng và chỉ dẫn từ bao đời nay và chính những lí tưởng cao cả, những tầm vóc lớn của những con người vĩ đại đi trước đã để lại những điều tuyệt vời cho hậu thế mai sau. Nói về một trong những con người ấy, ta không thể không nhắc tới bậc hiền tài của vùng đất Nghi Xuân, Hà Tĩnh thời Nguyễn- Nguyễn Công Trứ. Cuộc sống thăng trầm chìm chìm nổi nổi đã cho ông có một vốn hiểu biết sâu rộng, một đôi mắt tinh đời và một tâm hồn nhạy cảm để tạo nên những kiệt tác bất hủ ngàn đời. Một trong số đó là tác phẩm đã thể hiện rõ nhất ý chí và bản lĩnh của Nguyễn Công Trứ- "Bài ca ngất ngưởng"

    Mẫu số 2.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nguyễn Minh Châu đối với văn học và đời sống đã từng nhận xét: "Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dãi dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện." Thực vậy, mỗi tác phẩm văn học thỏa mãn đủ những yếu tố như thế không sớm thì muộn đều trở thành bất tử, đủ sức chống chọi lại với mọi băng hoại của thời gian. Chúng đều mang trong mình những sức sống mãnh liệt không thể chối từ. "Bài ca ngất ngưởng" của Nguyễn Công Trứ chính là một tác phẩm như thế. Sức sống ấy tựa như cơn mưa rào tháng hạn, như chồi non trong đất cằn để rồi cả tác giả và tác phẩm đều đủ sức để tung hoành "ngất ngưởng" trong kho tàng văn chương Việt Nam cho đến mãi ngàn đời.

    Mẫu số 3.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Như cây đàn mất đi một dây, như cánh đồng thiếu đi ngọn gió, như khu rừng vắng bóng tiếng chim ca, văn chương mà thiếu đi ánh sáng thì còn gì là văn chương. Bởi vậy nên B. Shelly mới nói: "Thi sĩ là một con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình." Mỗi nhà thơ, nhà văn đều có những cung bậc cảm xúc riêng, những khung trời riêng chẳng ai giống ai và họ chính là những con người cô độc, tự mình chìm đắm trong thế giới riêng của mình. Nếu như Nguyễn Tuân "Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèn, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa" thì với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng, là đặc sản và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ. Còn riêng với Nguyễn Công Trứ, một con người tài hoa lỗi lạc, thơ chỉ đơn giản là nơi ông thể hiện cái "ngất ngưởng" của mình. Điều đó được thấy rõ trong bài thơ "Bài ca ngất ngưởng".
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...