XIN CHÀO NGÀY NẮNG ĐẸP Tác giả: Hồ Huy Sơn * * * Làm bạn với cây Tôi nhìn ra ngoài ban công, ở đó có một cây ba khoảng độ ba gang tay, vẫn còn non nớt. Cây bơ có xuất xứ từ Bảo Lộc, do chính tay tôi trồng xuống; đúng hơn là do tôi gieo hạt sau khi ăn xong. Ban đầu, khi vùi hạt xuống chiếc chậu vốn được dùng để trồng rau, tôi không nghĩ nó sẽ nảy mầm. Bởi một ít đất trong chậu có là gì so với cả một miền đất bát ngát. Ấy vậy mà lạ lùng sao, chỉ sau mấy ngày gieo hạt, một buổi sáng ra ban công, tôi bất ngờ khi thấy một mầm cây bụ bẫm mọc lên. Ngày tiếp ngày, từ một gang tay, cây bơ lớn dần lớn dần, những chiếc lá bắt đầu trổ ra xung quanh. Cũng kể từ lúc đó, sự hiện diện của cây bơ trong tôi đã như một người bạn. Có những buổi tối, giữa lúc căng thẳng bài vở, tôi thường ngừng ngang rồi bước ra ban công, lấy tay vuốt nhẹ lên những chiếc lá, cảm giác thân tình như đang bắt tay người bạn của mình. Hoặc đôi khi là những lần tưới nước cho cây, cũng mang đến sự hân hoan của một người đang được học về cách quan tâm. Điều này có ý nghĩa không nhỏ. Bởi tôi vẫn nghĩ, mình chỉ thực sự biết quan tâm đến những người xung quanh khi biết để tâm đến những điều bé nhỏ. Còn chưa kể, khi được làm bạn với cây, thì những căng thẳng hay muộn phiền theo một cách nào đó cũng được với dần. Ngắm nhìn cây bơ của mình, tôi bỗng nhớ về những người bạn đã cùng đi qua thơ ấu, ghi dấu những tiếng nói tiếng cười, cả những nỗi niềm mà không biết bày tỏ cùng ai. Đó là giàn đậu ván ở đầu ngõ. Thực ra, ban đầu không ai trong nhà biết được nó là loại đậu gì. Xin hàng xóm được một ít hạt giống, cha liền gieo xuống. Nhờ được tưới nước thường xuyên nên cây lớn lên từng ngày. Mai đến khi nó leo dây hàng rào, cả nhà mới phát hiện ra đấy là cây đậu ván. Chẳng biết vì trồng trái mùa hay vì tiết trời nóng bức mà cây đậu ván chẳng chịu ra hoa kết trái. Ngày ngày, cây vẫn lớn lên và leo đầy hàng rào tạo nên một khoảng mát ở đầu ngõ. Tôi và lũ trẻ trong xóm bỗng nhiên có được một nơi đầy lý tưởng để vui chơi. Dưới bóng mát của giàn đậu ván, chúng tôi cười nói, chơi đùa cùng nhau không biết mệt mỏi. Một đêm trời mưa tầm tả, sáng mai ra cảnh vật xung quanh đã thay đổi hẳn. Lớp bụi trên tán lá đã được mưa đầu mùa gột sạch, lộ sắc xanh tràn trề sức sống. Và trên giàn đậu ván, bỗng thấp thoáng những đốm trắng li ti. Hoa đậu ván! Tôi ngỡ ngàng rồi reo lên. Trên nền xanh sẫm của lá, hoa nổi bật lên với màu trắng muốt. Hoa đậu ván không to, cánh hoa giống như những cánh bướm. Mỗi lần có gió thổi qua lại rập rờn như muốn cất cánh bay xa. Đặc biệt, hoa đậu ván mọc thành từng chùm, từng chùm ấy lại vươn lên chứ không sà xuống như các loại hoa khác. Nghĩ về giàn đậu ván, tôi như đón nhận thêm tâm tình của một người bạn về nghị lực, về khát khao: Ban đầu là những cây dây leo nhỏ nhắn, bất chấp sự khắc nghiệt của tiết trời, cây đậu ván vẫn đơm hoa, hoa lại vươn thẳng lên trời, giống như một biểu tượng của ý chí. Rồi tôi lại nhớ đến hàng cau sau hè với bốn cây cau hiên ngang mọc thẳng lên trời. Thuở bé, tôi là người có sự gắn bó và gần gũi với bốn cây cau này nhiều nhất. Thân cau chỉ bằng bụng chân người lớn, càng lên cao càng nhỏ lại. Đến mùa hái cau, nhờ nhỏ con nên tôi vẫn thường trèo lên hái cau giúp mẹ, cho những buổi chợ hay những dịp giỗ chạp. Ở cây cau, tôi còn tìm thấy thêm một niềm vui khác. Khi có một tàu cau nào đó bất ngờ rơi xuống; nhanh như chớp, tôi ào ra sau hè cầm nguyên cả tàu cau rồi đi tìm lũ bạn để chơi trò kéo mo cau. Chúng tôi thay phiên nhau đứa ngồi đứa kéo, chỉ vậy thôi mà những tiếng cười giòn tan không ngớt vang lên. Những chiếc mo cau còn có một công dụng nữa, ấy là được mẹ cắt ra làm quạt. Vào những trưa mùa hè, khi bên ngoài nắng nóng rồi gió Lào thi nhau phả hầm hập thì trong nhà, mẹ tôi vẫn đều tay đưa quạt. Chiếc quạt mo cau đơn sơ ấy mang đến làn gió mát lành, vỗ về cho những giấc ngủ trẻ thơ. Cũng từ chiếc quạt mo cau, cho tôi hiểu thêm về tình yêu bao la của mẹ. Với trẻ con, những bí mật luôn có sức hấp dẫn riêng. Đương nhiên, cậu bé lên mười là tôi hồi đó cũng không ngoại lệ. Và hàng cau sau hè vẫn luôn mang đến những bí mật như vậy. Đó là khi bầy chim sẻ rủ nhau về làm tổ trên ngọn cau, tiếng lích rích râm ran suốt cả buổi trưa mùa hè. Lần đầu tiên trèo lên hái cau, tôi tình cờ phát hiện ra một tổ chim sẻ được kết lại từ vô số những sợi rơm vàng hay lá khô, bên trong có bốn quả trứng xinh xắn, nhỏ bằng đầu ngón tay. Khi tôi hớn hở khoe với mẹ về bí mật mà mình vừa phát hiện, tôi vẫn nhớ lúc ấy mẹ bảo: "Lũ chim sẻ trông vậy mà nhạy lắm. Con đừng có vọc vào tổ, chúng nó đánh hơi thấy mùi lạ là sẽ rời đi đấy". Giọng mẹ tôi nhỏ lại: "Chim cũng giống như người, có chiếc tổ như một mái nhà, được xây nên từ bao nhiêu công sức, đừng để chúng phải đành đoạn bỏ đi". Kể từ hôm đó, mỗi lần trèo lên hái cau, những lúc không ngăn nổi tò mò, tôi chỉ dám vạch đám lá cau non ra, rồi lặng lẽ ngắm những quả trứng xinh xắn với niềm háo hức và chộn rộn đầy lên trong lòng. Sau hè, tôi còn có một người bạn nữa, đó chính là cây na. Tôi không biết cây na có từ bao giờ, chỉ biết khi tôi sinh ra thì cây na đã có mặt ở cuối hè. Và như một người bạn dễ tính, tôi và cây na nhanh chóng trở nên thân thiết. Nhiệm vụ trèo na cũng được tôi nhận lãnh với niềm vui sướng tột cùng. Bởi, ngoài việc hái những quả chín hay những quả đã mở mắt để mẹ mang ra chợ, thỉnh thoảng tôi lại giấu cho mình một quả na vừa chín, hãy còn treo lủng lẳng trên cây. Đợi khi mẹ hoặc chị gái đã vào nhà, tôi ung dung nằm ngửa nơi chạc ba, thưởng thức quả na ngọt lịm, thơm lừng mà mình vừa "để sót". Cứ thử tưởng tượng, giữa buổi trưa mùa hè, nắng nôi đã được ngăn cách bởi những tán lá, chốc chốc lại có những luồng gió mát lành thổi qua; còn tôi nằm nơi chạc ba, chậm rãi bóc vỏ rồi đưa quả na lên miệng cắn một miếng nhỏ, cả người như lịm đi trong cái sự ngọt lành và mềm dịu của thứ quả trắng ngần. Mới chỉ nghĩ đến đó thôi mà trong lòng trào dâng bao nhiêu thèm muốn xen lẫn tiếc nuối, khi khu vườn thơ ấu đã ở lại sau lưng một khoảng xa vời vợi! *** Cây bơ nhỏ nhắn kia hồn nhiên xanh, những chiếc lá vẫy vẫy trong gió nhẹ như thể đang gửi đến tôi một lời chào. Vậy đó mà trong tôi bỗng nhiên ùa về những câu thơ từng được học thuở nhỏ: Ai trồng cây Người đó có tiếng hát * * * Ai trồng cây Người đó có hạnh phúc Mong chờ cây Mau lớn lên từng ngày (Bài hát trồng cây - Bế Kiến Quốc) Cảm giác trong tôi lúc này chính là cảm giác mà bài thơ trên nhắc đến. Hạnh phúc của một người trồng cây, dẫu một cái cây bé nhỏ, chính là có thêm một người bạn. Nhiều năm về trước, sau đêm giao thừa tôi vẫn thường xuống đền thắp hương rồi hái lộc, những mong một năm mới "tấn tài tấn lộc" cho cả gia đình. Nhưng sau này thì tôi ngưng hẳn, bởi tôi đã cảm thấu một điều: Mong ước kia dường như vẫn còn rất đỗi mơ hồ; trong khi, điều thấy rõ hơn cả là mình đang hủy hoại sự sống của cây. Thử đặt một câu hỏi: Nếu mình không hái lộc thì điều gì sẽ xảy ra? Tất nhiên, nhành lộc non kia sẽ lớn lên, cho bóng mát; rồi tùy loại cây mà trổ hoa, cho quả. Khi đó, không ai khác, chính chúng ta là người thừa hưởng những món quà trên từ cây. Bởi vậy, nếu có thể, hãy tự tay trồng xuống một cái cây, đó cũng là lúc chúng ta có thêm một người bạn cho mình.