Vội vàng: Sức sống của một nhà thơ thuộc trào lưu lãng mạn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khunglongbietbay, 9 Tháng bảy 2022.

  1. khunglongbietbay

    Bài viết:
    41
    Về nhà thơ Xuân Diệu

    Xuân Diệu có tên thật là Ngô Xuân Diệu sinh ngày 2-2-1916 tại Bình Định. Ông còn biết đến với một bút danh khác là Trảo Nha, đây chính là tên quê quán của cha ông tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

    Xuân Diệu được sinh ra trong một gia đình nhà nho hiếu học, có cha là Ngô Xuân Thọ đỗ tú tài kép Hán học, vì vậy sự nghiệp học hành của ông rất được đào tạo và hướng dẫn rất bài bản, quy củ. Cha ông là thầy giáo dạy học nên từ nhỏ ông đã được học chữ Nho và chữ Quốc ngữ với cha, sau đó tiếp tục học ở các ngôi trường có tiếng khác như trường Bưởi (Hà Nội ) và trường Khải Định (Huế ). Khi ra Hà Nội học trường Luật và viết báo, Xuân Diệu trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn, một tổ chức văn học gồm phần lớn các cây bút trẻ Việt Nam được đào tạo dưới hệ thống giáo dục thuộc địa, thông thạo cả văn học Việt Nam lẫn phương Tây. Ông đến với nhóm khá muộn, song đã tự tạo dựng danh tiếng cho mình như một chỗ dựa vững chắc trong giới trí thức Việt Nam, xuất bản những cuốn tiểu thuyết lãng mạn mục đích giải trí cùng với những tác phẩm châm biếm gây phẫn nộ cả xã hội đương thời lẫn chính quyền Pháp. Theo các nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân, Xuân Diệu mượn cảm hứng từ cùng một chủ đề lãng mạn, nhưng ông "đốt cảnh Bồng Lai và xua ai nấy về hạ giới". Họ cũng chỉ ra Xuân Diệu chịu ảnh hưởng từ Charles Baudelaire, so sánh khía cạnh thơ ông với Anna de Noailles và André Gide, đánh giá thơ ông là đỉnh cao thơ Việt Nam chịu ảnh hưởng Pháp. Ông còn được biết đến trên thi đàn với danh xưng ông hoàng thơ tình.

    [​IMG]

    Nhận định về Xuân Diệu

    "Ngày một ngày hai cơ hồ ta không còn để ý đến những lối dùng chữ đặt câu quá Tây của Xuân Diệu, ta quên cả những ý tứ người đã mượn trong thơ Pháp. Cái dáng dấp yêu kiều, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta" "- Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh, Hoài Chân

    " "Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới - nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê. Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê chưa ngớt. Người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời" "- Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh, Hoài Chân

    " "Thơ ông tài hoa, tinh tế và sang trọng" "- Chân dung và đối thoại- Trần Đăng Khoa

    " "Xuân Diệu đào hoa và đam mê, cả đời đuổi theo mộng, nhiều mộng, nhiều mối tình trai." - Cát bụi chân ai - Tô Hoài

    "" Thơ Xuân Diệu nổi bật ở cái lối làm duyên, làm điệu một cách tài tình và khéo léo. "" - Đào Nhật Thủy

    "" Xuân Diệu sống nhiều hơn tất thảy. "" - Đào Nhật Thủy

    "" Xuân Diệu say đắm cảnh tình trong nỗi cô đơn sầu rụng. "" - Trường Hân

    "" Thơ Xuân Diệu khiến lòng tôi trẻ mãi. "" - Trường Hân

    Phân tích bài thơ Vội vàng

    [​IMG]


    Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng viết trong cuốn "Thi nhân Việt Nam" bằng một thái độ ngạc nhiên và ngưỡng mộ: "Khó có thể nói được cái ngạc nhiên trong làng thơ Việt Nam khi Xuân Diệu đến." Xuân Diệu còn được Hoài Thanh ưu ái xem là "nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới" và thật không quá khi thi sĩ được mệnh danh như vậy. Như một cơn gió đầu mùa tươi trẻ, đầy sức sống của một con người mới, một thế hệ mới, Xuân Diệu bước vào thi đàn Việt Nam với những bước đi độc đáo. Ông bước đi trong dòng chảy thơ ca Việt Nam với một cái tôi hoàn toàn nổi bật. Có chăng cái tôi ấy đã làm nên một hồn thơ đầy mới mẻ, rất Xuân Diệu mà "Vội vàng" là một minh chứng tiêu biểu nhất? Thi phẩm này đã nói với chúng ta cái cảm xúc vồ vập với cuộc đời của tuổi trẻ và xuân tình, qua đó bộc lộ một cảm xúc triết học, một quan niệm nhân sinh mới mẻ, hiện đại.

    Xuân Diệu yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp đến mãnh liệt, nhưng bên trong những dòng thơ của ông vẫn gây cho người đọc cảm giác chênh vênh, hụt hẫng. Bởi tình yêu luôn gắn với những nỗi đau, niềm vui song song với nỗi buồn, bởi niềm vui đó rồi cũng phải hết, không thể tổn tại vĩnh hằng được. Bằng cái nhìn mổ xẻ, ta cũng thấy lòng khát sống, ham đời trong "Vội vàng" bị chẻ đôi làm hai tầng bậc: Một cách cảm thụ thế giới mang tính bi kịch và một cách ứng xử trước thế giới mang tính tích cực. Nhà thơ cảm thấy yêu cuộc sống này lắm, muốn níu giữ nhưng nhìn lại, tác giả nhận thấy một bi kịch sự sống. Trong sự cảm thụ thế giới của Xuân Diệu, cuộc sống được phát hiện ở tính bi kịch. Bi kịch nay là sự giằng xé giữa tình yêu và nỗi đau, giữa cảm xúc và nhận thức.

    Ngay mở đầu bài thơ, Xuân Diệu đã bộc lộ ham muốn, cái tôi cá nhân thật táo bạo, ngông cuồng:

    "Tôi muốn tắt nắng đi

    Cho màu đừng nhạt mất

    Tôi muốn buộc gió lại

    Cho hương đừng bay đi."

    Lòng yêu đời, yêu cuộc sống của Xuân Diệu đã biến thành ham muốn thật táo bạo muốn "tắt nắng", "buộc gió". Phải chăng nhà thơ nhận ra cuộc sống là tuyệt diệu nhưng lại quá đỗi mỏng manh nên đã cố níu giữ bằng mọi cách? "Nắng" và "gió" vốn là những hiện tượng của tự nhiên có quy luật riêng. Vậy mà ở đây, thi sĩ lại muốn đoạt quyền tạo hóa để tắt nắng, buộc gió lại để giữ lại hương sắc trời ban. Các động từ "tắt nắng", "buộc gió" thể hiện khao khát níu giữ thiên nhiên, níu giữ cuộc đời của Xuân Diệu. Gió đâu có thể buộc, nắng làm sao có thể tắt? Dẫu biết rằng không thể nào đoạt quyền tạo hóa nhưng bằng tình yêu đời, tình yêu thiên nhiên, nhà thơ vẫn "tham lam" muốn thể hiện nguyện vọng của mình. Điệp từ "tôi muốn" càng thể hiện sâu sắc khao khát ấy của thi nhân. Phải chăng một đời người với ông là chưa đủ để tận hưởng hết những điều tuyệt vời của cuộc sống ấy. Trước sự thay đổi của đất trời, của thiên nhiên ông muốn ôm lấy tất cả, muốn níu giữ những gì đẹp nhất. Trong cái ngông cuồng, táo bạo đó vẫn hiện lên một sự đáng yêu của tâm hồn lãng mạn. Với Xuân Diệu, sống là một điều kì diệu, sống là để tận hưởng và cũng là để cống hiến hết mình cho cuộc đời này. Tư tưởng ấy vô cùng nhân văn và tiến bộ. Thế giới trong mắt Xuân Diệu chính là một bữa tiệc rực rỡ đầy màu sắc. Thiên nhiên hiện lên trong các dòng thơ đều tràn trề sức sống. Cảnh sắc mùa xuân được miêu tả căng tràn nhựa sống như vẻ đẹp của một thiếu nữ đương độ xuân thì. Đây là khổ thơ duy nhất Xuân Diệu dùng thể thơ ngũ ngôn để tạo một giọng điệu gọn, chắc, thể hiện ý chí mạnh mẽ muốn chặn đứng bước chân thời gian. Nhưng ý chỉ chủ quan sao thắng được quy luật khách quan. Vì thế, hồn thơ mạnh mẽ mẽ bên trong vẫn có chút gì đó hụt hẫng, bất lực.

    [​IMG]

    Tình yêu cuộc sống này tràn ngập trong huyết quản của nhà thơ, nhà thơ nhận thấy cuộc sống nơi mình đang sống như một thiên đường. Có một câu hỏi lớn từng thôi thúc loài người tìm lời giải đáp: Vẻ đẹp cuộc sống nằm ở đâu? Những người thuộc đạo Công giáo đi tìm vẻ đẹp ở thiên đường cao cả, đạo Phật thì tìm vẻ đẹp ở cõi Niết bàn bình an. Còn Xuân Diệu, thiên đường nằm ngay trên mặt đất:

    "Của ong bướm này đây tuần tháng mật

    Này đây hoa của đồng nội xanh rì

    Này đây lá của cành tơ phơ phất

    Của yến anh này đây khúc tình si

    Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa

    Tháng giêng ngon như một cặp môi gần."

    Xuân Diệu say đắm với mùa xuân, say trong ánh nắng, say trong rực rõ của cỏ cây hoa lá, say trong tiếng chim hót. Cuộc sống tươi đẹp, thật đáng sống biết bao khi "Mỗi buổi sáng thần vui hằng gõ cửa". Điệp ngữ "này đây" lặp lại bốn lần là tiếng reo vui đầy kinh ngạc của tác giả vì liên tiếp phát hiện ra những vẻ đẹp kì lạ trong cuộc sống. Thêm nữa bức tranh ấy còn có cả tình yêu đối lứa khi hiện lên trên hình ảnh của ong bướm với tuần tháng mật. Đó là niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ trong tuần trăng mật đầy yêu thương. Điệp cấu trúc "này đây" của tác giả thốt lên như mời gọi, bày ra, phô ra những gì đẹp đẽ nhất của cõi hồng trần này. Sau mỗi tiếng reo vui, cuộc sống hiện ra thật giản dị mà đắm say: Cái đắm say tình tứ của ong bướm, yến anh; cái đắm say bát ngát xanh của đồng nội; cá đắm say non tơ của cành lá.. Từ những hình ảnh cụ thể, tiếng reo vọt trào cảm xúc lạ lùng trước thiên nhiên được Xuân Diệu gửi gắm đến qua những câu thơ mang đậm chất lãng mạn phương Tây.

    Đặc biệt là hình ảnh "tháng giêng ngon như một cặp môi gần" cho thấy sự tuyệt đẹp lôi cuốn. Đây được coi là câu thơ có một không hai trong thơ ca Việt Nam, tác giả đã dùng cái vật nhìn thấy để so sánh với sự vô hạn của thời gian. Câu thơ đặc sắc lấp lánh ba vẻ đẹp độc đáo "Tháng giêng" là khởi đầu của một năm, khởi đầu của mùa xuân- mùa xuân tươi non mơn mởn là biểu tượng của vẻ đẹp trong cuộc sống. Hình ảnh "cặp môi gần" gợi nên làn môi tươi hồng của thiếu nữ đang hé mở đợi chờ. Phép so sánh đã hội tụ mùa xuân với tuổi trẻ thành vẻ đẹp tổng hợp của cuộc sống. Quan niệm thẩm mĩ mới mẻ của Xuân Diệu đã đưa cặp môi thiếu nữ vào trong trung tâm vũ trụ, con người thành chuẩn mực vẻ đẹp của thiên nhiên. Có thể nói đây là một câu thơ đắt giá của nhà thơ Xuân Diệu. Một Xuân Diệu táo bạo, mới lạ nữa xuất hiện trong từ "ngọn" đầy cảm xúc nhục thể, tình yêu cuộc sống được huy động cả linh hồn lẫn thể xác. Vẻ đẹp của khổ thơ thật trẻ, thật nồng. Qua đây ta cũng thấy được một thiên đường được nhà thơ vẽ lên trước mắt chúng ta thật hấp dẫn, lôi cuốn đến kì diệu. Không những thế, ẩn sau những câu thơ ấy ta thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu đời tha thiết da diết của thi sĩ.

    Yêu thiên nhiên như thế nên Xuân Diệu không thể giấu được cảm xúc của mình. Đó là một cảm xúc vui sướng nhưng lại vội vàng một nửa, cảm xúc ấy làm cho tác giả phải cố gắng sống nhanh nhất có thể để tận hưởng hết thảy những món quà của cuộc sống. Thơ Xuân Diệu không bao giờ bình yên vì tình yêu luôn vấp phải nỗi đau, sự lo lắng. Mạch thơ vui đang dào dạt chảy bổng vấp phải một dấu cắt ngay giữa câu thơ:

    "Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa"

    Dấu chấm giữa dòng như sự ngăn giữa hai thái cực cảm xúc. Tác giả hạnh phúc nhưng cũng vội vàng để nhanh chóng tận hưởng cho hết những gì tươi đẹp nhất của cuộc sống này. Cuộc sống tươi đẹp, ý nghĩa bao nhiêu thì nhà thơ lại thấy mình rơi vào bi kịch bấy nhiêu. Bi kịch cuộc sống dồn tụ vào trong thơ. Bi kịch xuất phát từ một phát hiện triết học về thời gian:

    "Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

    Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

    Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất."

    Đó là quan niệm chưa từng có trong cái nhìn truyền thống. Thời gian trong cái nhìn của văn chương trung đại vốn được quan niệm là thời gian tuần hoàn, thời gian lặp lại tuần tự. Nhịp thời gian muôn đời tạo nên thế quân bình nội tâm khiến con người ung dung, bình tĩnh đến chậm chạp, lấy sinh mệnh vũ trụ làm thước đo thời gian. Thời gian trong con mắt Xuân Diệu khác hẳn với những quan niệm xưa. Thời gian là vàng là bạc, là món quà vô giá bởi nó một đi không bao giờ trở lại. Cái bóng của thời gian luôn vụt qua không khước từ một ai cả. Ý thức về sự ngắn ngủi, vô thường của thời gian, Xuân Diệu nảy sinh những suy nghĩ muốn sống vội, sống hết mình để không lãng phí thời gian trôi đi. Trong "thép đã tôi thế đấy" cũng từng có những đoạn viết về giá trị sống của một người trên đời: "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người..". Dẫu những vần thơ có phần thiếu bình tĩnh, ổn định mà hơi ngả về xu hướng "Vội vàng" đến gấp gáp, hốt hoảng nhưng cũng chính những quan điểm ấy đã tạo nên một hơi thở rất riêng trong thơ Xuân Diệu.

    Câu thơ như tiếng thở dài đầy u hoài, tiếc nuối. Quy luật thiên nhiên giờ đây đã trở nên đối lập với cuộc sống con người:

    "Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

    Không cho dài thời trẻ của nhân gian

    Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

    Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

    Còn đất trời nhưng chẳng còn tôi mãi."

    Xuân Diệu đồng nhất mùa xuân với tuổi trẻ và tình yêu, nên ông ngậm ngùi than thở "mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất". Nhà thơ cảm thấy đời người quá ngắn ngủi trước thời gian và không gian vĩnh cữu. Vì vậy, bi kịch trong nhận thức tràn vào tâm hồn ông. Xuân Diệu tiếc nuối bởi nhìn thấy những xúc cảm mất mát, chia lìa. Thật vậy, tuổi trẻ và tình yêu là những điều đẹp ở trên đời, nếu không muốn nói là đẹp nhất. Nó là khoảng thời gian con người ta tràn đầy sinh khí, sự nhiệt huyết và khát vọng, hoài bão. Dù chưa chín chắn, trưởng thành và đầy chiêm nghiệm như tuổi trung niên, nhưng tuổi trẻ mang vẻ đẹp riêng và tình yêu cũng tự mang trong mình sự quyến rũ nội tại của nó. Tình yêu làm con người ta trẻ hơn. Thế nhưng, mùa xuân của thiên nhiên thì luôn lặp lại mỗi năm, nhưng tuổi trẻ của chúng ta lại chỉ có một lần. Nghĩ đến đó, cảm xúc của Xuân Diệu bị chặn lại bởi khung cảnh mất mát, bi lụy.

    Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu là cảm nhận về sự trôi đi, mất mát. Mỗi khoảnh khắc trôi qua là một khoảnh khắc con người dần già đi, trả lại một phần sinh mệnh cho vũ trụ:

    "Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

    Khắp núi sông vẫn than thầm tiễn biệt."

    Hai câu thơ này thể hiện rất rõ ràng cách cảm nhận tinh vi về thời gian của Xuân Diệu. Mỗi khoảnh khắc đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ được hình dung như một cuộc chia li vĩnh viễn và thời gian được coi như một dòng chảy vô tân của những mất mát, cho nên thời gian mới thấm đẫm "vị chia phôi". Cảm nhận của Xuân Diệu về thời gian, không gian thật lạ. Dường như cái chất vui tươi, trẻ trung của thiên nhiên không còn nữa: Tháng năm rớm vị chia phôi, sống núi than thầm tiễn biệt, gió xinh hờn vì phải bay đi, chim đứt tiếng reo thi vì sợ độ phai tàn sắp sữa.. thời gian được thi nhân cảm nhận bằng khứu giác - mùi tháng năm, thời gian được hình dung là hương hoa, nên thi sĩ mới muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi. Nhà thơ đã cảm nhận sự troi chảy vô tình của thời gian bằng tất cả giác quan. Mỗi khoảnh khắc thời gian đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ.

    Không thể buộc gió, không thể tắt nắng, cũng không thể níu kéo thời gian, thì chỉ có một cách thực tế nhất là chạy đua với nó. Phải tranh thủ sống, sống thật vội vàng:

    "Chằng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa

    Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm"

    Đó cũng là bi kịch của cuộc đời mỗi người. Dù cuộc đời đầy bi kịch nhưng khu vườn trần thế vẫn hết sức hấp dẫn đối với con người - nhất là những người đa cảm, đa tình như Xuân Diệu. Cho nên thi sĩ càng hối hả, vội vàng tận hưởng khi "mùa chưa ngả chiều hôm"

    "Ta muốn ôm

    Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

    Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

    Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

    Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

    Và non nước, và cây, và cỏ rạng"

    Đoạn thơ như là lời tình tự của thi sĩ với thiên nhiên, với sự sống bằng những cảm xúc và ham muốn mỗi lúc một si mê, cuồng nhiệt. Chỉ có thể mới diễn tả được hết khát vọng sống mãnh liệt của thi sĩ. Cảm hứng thơ như những đợt sóng đại dương mỗi lúc một dâng cao. Sự kết hợp hài hòa đến mức tài tình giữa âm thanh, hình ảnh từ ngữ trong đoạn thơ đặc tả sự cuồng nhiệt của tình yêu cuộc sống. Tình yêu ấy làm sống dậy vẻ tươi đẹp, đầy sinh khí của thiên nhiên. Điệp ngữ "ta muốn" khẳng định khát khao cháy bỏng muốn ôm trọn cả vũ trụ trong vòng tay âu yếm muôn đời. Mỗi lần điệp ngữ ấy xuất hiện đều đi liền với những động thái yêu đương, càng lúc càng mạnh mẽ, đắm say: Ôm cả sự sống, riết mây đưa và gió lượn, say cánh bướm với tình yêu, thâu trong một cái hôn nhiều.. hệ thống những từ ngữ như ôm, riết, say, thâu đều thể hiện cùng một trường cảm xúc ngày một dâng trào, bộc lộ một khát vọng sống mãnh liệt và cường tráng. Trái tim yêu của Xuân Diệu như muốn căng ra chứa cả vũ trụ.

    Sống vội vàng không có nghĩa là sống chỉ biết ích kỉ, hưởng thụ cho cá nhân. "Vội vàng" thể hiện một tâm hồn yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt và từ đó, ta biết trân quý thời gian, biết quý trọng tuổi trẻ của mình và để biết sống là sẽ yêu thương hòa ái lẫn nhau. Tình cảm ấy đã thể hiện nên một quan niệm nhân sinh mới mẻ, thi vị. Xuân Diệu đã thổi vào tác phẩm một hồn thơ rực rỡ nhiệt huyết và hào quang: "Linh hồn là một ấn tượng của tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút." Mãi đến những thập kỉ sau, tiếng lòng của người thi nhân mang tên Xuân Diệu vẫn gặt hái được thành công, đó là có được sự đón nhận của rất nhiều độc giả, người bạn tri âm tri kỉ trên bước đường thơ.
     
    Myy OwO thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...