Viết bài văn khoảng 500 chữ đánh giá về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Tự thán 4 - Nguyễn Trãi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nguyenthiphuongthao, 21 Tháng hai 2023.

  1. nguyenthiphuongthao A Thảo

    Bài viết:
    25
    Phân tích, đánh giá nội dung, nghệ thuật bài Tự thán 4 - Nguyễn Trãi

    BÀI LÀM

    Sinh thời từng có một bậc "danh nhân văn hóa thế giới" được vua Lê Thánh Tông ca là: "Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo". Và không ai khác đó là Nguyễn Trãi. Ông là một nhà quân sự nổi tiếng có công sáng lập ra nhà Hậu Lê và cũng là nhà thơ lớn. Suốt đời, người "danh nhân" ấy đã cống hiến cho sự nghiệp: "Trí quân dân trạch", cho văn học dân tộc. Tuy cuộc đời Nguyễn Trãi nhiều đau thương, bi thảm nhưng tiếng thơm muôn đời và sự kính phục của thế hệ sau là điều không ai có thể chối cãi. Trong di sản văn học đồ sộ của ông, ta không thể không nhắc đến bài thơ "Tự Thán 4" - đã thể hiện rõ nhiều vẻ đẹp tâm hồn đáng quý, đáng trọng của một bậc danh nhân.

    "Tự Thán 4" nằm trong "Quốc Âm Thi Tập" sáng tác bằng chữ Nôm gồm 254 bài thơ. Những bài thơ này không chỉ "giàu" trí tuệ, sâu sắc, thấm đẫm trải nghiệm về cuộc đời, được viết bằng thứ ngôn ngữ tinh luyện, trong sáng, đăng đối một cách cổ điển mà còn khẳng định được tâm hồn thanh cao, không màng danh lợi, một nỗi lòng luôn đau đáu về nhân dân, đất nước của Nguyễn Trãi.


    Bài thơ "Tự Thán 4" được làm theo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn - là sự sáng tạo trên cơ sở kế thừa thơ Đường Luật. Có thể nói, thể thơ này đạt đến đỉnh cao nghệ thuật trong tác phẩm "Quốc Âm Thi Tập". "Tự Thán 4" ra đời trong hoàn cảnh Nguyễn Trãi đã cáo quan về ở ẩn, tận hưởng, thảnh thơi, hòa mình với thiên nhiên, với thú điền viên nơi quê nhà.

    Bài thơ trên cũng là vẻ đẹp tâm hồn của người "chính trị" ấy: Yêu thiên nhiên, không màng danh lợi, luôn đau đáu một nỗi lo về nhân dân, đất nước. Từ tình yêu với những cảnh vật, thiên nhiên nơi quê nhà, với những mối lo, trăn trở về đất nước, ông đã bày tỏ sự khát khao, mong ước về một cuộc sống thái bình, thịnh trị cho nhân dân. Đó cũng là một trong những sở nguyện mà Nguyễn Trãi suốt đời mong mỏi,

    Nhận xét về thơ Nguyễn Trãi, Xuân Diệu từng cho rằng; "Trán thi sĩ vượt mây nhưng trong ruột thơ vẫn cháy lên ngọn lửa đời rất ấm". Phải chăng, ta bắt gặp rõ nhận xét ấy trong câu thơ:

    "Non nước cùng ta đã có duyên

    Được nhàn xá dưỡng tính tự nhiên"

    Cũng như bao nhà Nho hành đạo khác, khi khát vọng xả thân thực hiện lý tưởng: "Trí quân trạch dân" không thực hiện được, Nguyễn Trãi chọn con đường lui về ở ẩn, làm bạn với thiên nhiên, cây cỏ. Trong cảm nhận của nhà thơ, cảnh vật hiện ra thật thơ mộng, trữ tình, thanh bình, yên ả. Với Ức Trai, Người coi "Non nước" hay thiên nhiên chính là một mối "cơ duyên". Mà đã là duyên trời định thì thứ tình yêu thiên nhiên ấy của Nguyễn Trãi đã được "cài đặt" sẵn trong tim, chỉ chờ dịp để thỏa mình vào nó. Sau bao năm "vật lộn" trên quan trường, khi mà: "Công danh đã được hợp về nhàn", ông trở về ở ẩn đúng với nghĩa là một "lão nông tri điền" nồng hậu, chất phát, thảnh thơi "Dưỡng tính tự nhiên", không nghĩ sự đời.

    Ức Trai như con ong cần mẫn bay lượn trong khu rừng để hút mật ngọt từ cảnh sắc tự nhiên, cuộc đời để làm "no nê" cho thơ. Từng câu, từng chữ ngân vang, xuyên thấm vào tâm hồn con người những cảm xúc dạt dào chảy mãi không thôi. Bằng những vần thơ "đời thường", giản dị nhưng gần gũi, ông đã dẫn ta vào thế giới cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nơi bình yên, thanh tĩnh, nơi những tư tưởng thanh cao, thoát tục thăng hoa:

    "Trường Canh hỏi nguyệt tay dừng chén

    Pha Lão chơi thu khách nổi thuyền"

    Ta bắt gặp ở câu thơ này là hàng loạt những điển tích như "Trường Canh"; "Pha Lão". "Trường Canh" một tên khác của Sao Thái Bạch và cũng là tên riêng của Lý Bạch-nhà thơ thời Đường. "Pha Lão" : Ông già Pha tức Tổ Đông Pha, tự Tử Chiêm, hiệu là Tô Thức-nhà thơ thời Tống. Mùa thu năm Nhâm Tuất 1082, ông đi chơi thuyền trên sông Xích Bích, có để lại hai bài Phú "Tiền Xích Bích" và "Hậu xích bích" nổi tiếng. "Thưởng trăng" là một trong những thú thanh cao của tao nhân mặc khách ngày xưa. Nếu ta được thỏa lòng với "Trăng nhòm khe cửa" của Hồ Chí Minh hay "Song thưa để mặc bóng trăng vào" của Tam Nguyên Yên Đổ thì đến với Nguyễn Trãi cũng không ngoại lệ. Bằng việc sử dụng những điển tích kết hợp với nghệ thuật đối: "Trường Canh/Pha Lão-Hỏi nguyệt/chơi thu-Tay dừng chén/khách nổi thuyền", Ức Trai đã ngầm ví mình như những bậc tao nhân ấy. Quả như Xuân Diệu đã từng nói: "Lòng yêu thiên nhiên vạn vật là kích thước để đo một tâm hồn". Rõ ràng, ở Nguyễn Trãi ta không chỉ thấy một cốt cách cao đẹp mà còn là một tâm hồn giản dị, gần gũi và chan hòa với thiên nhiên:

    "Lòng chẳng mắc tham là của quý

    Người mà hết lụy ấy thân tiên"

    Bằng việc sử dụng nghệ thuật đối: "Lòng chẳng mắc/Người mà hết-Tham/Lụy-Là của quý/Ấy thân tiên", Nguyễn Trãi đã khẳng định và nhấn mạnh một chân lý là người không tham lam là điều rất đáng quý, người không muộn phiền, lo lắng sẽ được thảnh thơi như tiên. Phải chăng "Thơ Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện một tầm vóc tư tưởng mà còn là một tâm hồn nhạy cảm rất giàu chất thơ trước đất nước, con người và tự nhiên."? Ta phải công nhận một điều rằng, Ức Trai đã để trái tim mình hòa vào thiên nhiên, vui thú với cảnh sắc mà không vướng bận chuyện đời. Nguyễn Mộng Tuân từng viết về Nguyễn Trãi: "Gió tây hây hẩy gác vàng.. người như một ông tiên ngồi trong tòa ngọc. Cái tài làm hay làm đẹp cho nước từ xưa chưa có bao giờ". Thật vậy, Nguyễn Trãi như một ông tiên ngồi trong lầu ngọc, hiện lên với phong thái ung dung, nhàn tản, vui với cảnh sống đơn sơ, mộc mạc: "Ao cạn-Đìa thanh/Vớt bèo-phát cỏ". Cuộc sống ấy làm ta liên tưởng đến lối sống nhàn dật của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

    "Một mai, một cuốc, một cần câu

    Thơ thẩn dầu ai vui thú nào."


    [​IMG]

    Rõ ràng, Nguyễn Trãi thân nhàn nhưng tâm chẳng nhàn. Về với thiên nhiên, với "Sách một hai phiên làm bầu bạn" chẳng qua chỉ là vì bất đắc dĩ, vì "Trăm năm trong cuộc nhân sinh", vì không chịu đựng được: "Mùi thế tình". Từ nỗi đau trước thói đời đen bạc: "Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi", ông khao khát về cuộc sống thái bình, thịnh trị cho nhân dân:

    "Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn

    Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền"

    Nhà thơ yêu tình yêu con người và đau nỗi đau của con người. Nguyễn Trãi đau đớn khi chứng kiến nghịch cảnh éo le của xã hội: "Làm người mựa cậy khi quyền thế/Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe" (Trần Tình, số 8). Nói vậy, với Ức Trai, chìm đắm trong cảnh đẹp thiên nhiên, dẫu nhàn rỗi hóng mát vẫn chỉ là sự bất đắc dĩ mà thôi. Tận sâu trong tâm hồn thi nhân luôn mang nặng một nỗi niềm canh cánh: "Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng / Dân giàu đủ khắp đòi phương" (Bảo kính cảnh giới, số 43). Niềm trăn trở lo lắng cho dân, làm sao cho nhân dân "đủ khắp" mọi nơi trên đất nước được ấm no, hạnh phúc là khao khát, là tâm nguyện suốt đời của Nguyễn Trãi. Tâm nguyện của ông cũng là biết bao niềm trăn trở của nhiều nhà thơ: Nguyễn Khuyễn;..

    Một nhà văn đã từng nói: "Người nghệ sĩ chân chính phải là người tìm những nét đẹp mới" Trong cuộc hành trình tìm đến cái đẹp của thi ca, của tạo hóa, của hồn người, Nguyễn Trãi đã làm nên nhiều bước đột phá và thơ Nôm trong bài này của ông đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, của cái hay và cái đẹp. Chữ Nôm ra đời từ mấy thế kỉ trước và có lẽ Nguyễn Trãi là người tiên phong đầu tiên trong việc làm thơ Nôm. Rất dân dã và bình dị, thơ Nôm qua ngòi bút của Ức trai đẹp đến lạ kì. Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi đã thành công trong việc sử dụng hàng loạt những điển tích, kết hợp với nghệ thuật đối, thể thơ thất ngôn xen lục ngôn. Hình thành từ cuộc đời, đón nhận tinh hoa từ dòng chảy cuộc sống, hồn thơ Nguyễn Trãi mang đậm dấu ấn việt Nam, rất phong phú, đa dạng và dạt dào tình cảm. Thơ Nguyễn Trãi không chỉ là dòng sông của cảm xúc mà còn là ngọn núi của đỉnh cao nghệ thuật bởi một ngòi bút tài hoa. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng "Nguyễn Trãi để lại cho chúng ta những tác phẩm gồm nhiều thể văn và tất cả đều đạt đỉnh cao nghệ thuật, đều hay và đẹp lạ thường".

    Nhắc đến Nguyễn Trãi là nhắc đến một trái tim suốt đời âu lo cho dân cho nước; nhắc đến tư tưởng nhân nghĩa với chiều sâu và tầm cao giá trị xuyên suốt mấy trăm năm; nhắc đến tình đời, tình người thiết tha, sâu nặng như Tố Hữu từng viết:

    "Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu

    Tiếng gươm khua tiếng thơ kêu xé lòng".

    Oan án Lệ Chi Viên đã giết chết một thiên tài nhưng những gì ông để lại cho dân cho nước thì muôn đời bất tử. Con người ấy, hồn thơ ấy mãi mãi là cây đại thụ tỏa bóng mát cho ngàn sau. Nguyễn Trãi sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc cũng như ngọn lửa đời đời mãi cháy trong thơ ông. "Tự Thán 4" sẽ mãi ở lại sâu trong tâm hồn mỗi độc giả.
     
    Thủy Tô, Admin, ThuyTrang3 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 22 Tháng hai 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Đoạn nghệ thuật viết tốt quá!

    Bài này vận dụng linh hoạt các nhận định, viết gọn gàng hơn bài trước. 9/10 nhé!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...