Đề bài: Viết bài tập làm văn phân tích đánh giá bài thơ Viếng lăng Bác của tác giả Viễn Phương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lê Tấn Lộc, 20 Tháng sáu 2024.

  1. Lê Tấn Lộc

    Bài viết:
    20
    [​IMG]

    Bài làm

    Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Cả cuộc đời của người đã dành trọn cho sự nghiệp cách mạng thống nhất đất nước. Và nay nơi mà Người yên nghỉ đã trở thành biểu tượng thiêng liêng giữa lòng thủ đô Hà Nội khiến cho ai đến đây cũng không khỏi dạt dào cảm xúc. Tiêu biểu là nhà thơ Viễn Phương với bài thơ "Viếng lăng Bác". Ông quê ở tỉnh An Giang, là gương mặt tiêu biểu của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam. Thơ Viễn Phương ngợi ca vẻ đẹp của nhân dân, đất nước trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ. Bài thơ "Viếng lăng Bác" được sáng tác năm 1976, là lúc mà công trình lăng Bác vừa mới khánh thành. Tác phẩm được in trong tập "Như mây mùa xuân" năm 1978. Nội dung phản ánh những cảm xúc của nhà thơ khi được viếng lăng Bác.

    Mở đầu bài thơ chính là cảm xúc của tác giả khi đứng trước lăng Bác (khổ một). Khi đứng trước lăng Bác, nhà thơ không khỏi xót xa, xúc động:

    "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

    Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

    Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

    Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng".

    Hai câu thơ với lời lẽ thật giản dị, tự nhiên như một là thông báo ngắn gọn của tác giả - một đồng bào ở tận miền Nam xa xôi sau bao ngày chiến đấu gian khổ nay đã về thăm Bác. Với việc sử dụng đại từ nhân xưng "con - Bác" đã khiến cho câu thơ trở nên thật gần gũi. Đó có thể xem là cách xưng hô đặc trưng, mộc mạc và rất đỗi chân thành của con người miền Nam, cũng như đã gợi liên tưởng tới tác giả như một "người con" xa cách bấy lâu nay đã trở về bên vị cha già dân tộc. Biện pháp tu từ nói giảm nói tránh, dùng từ "thăm" thay cho từ "viếng" đã làm giảm bớt nỗi đau xót của những "người con xa" nay trở về đã không còn kịp nữa

    Đứng trước lăng, hình ảnh hàng tre xanh đã gợi nên những ấn tượng sâu sắc đầu tiên trong lòng tác giả. Từ cảm thán "ôi" đã biểu thị niềm xúc động của nhà thơ trước hình ảnh hàng tre. Nó đã tả thực quang cảnh xanh tươi mát mẻ bên lăng Bác, vừa thể hiện sự gần gũi, thân thương của những cây tre- loại cây gắn bó thân thiết như một người bạn đối với người Việt Nam. Hình ảnh "hàng tre xanh xanh Việt Nam" là một hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho cốt cách tinh thần của người Việt Nam với sức sống tiềm tàng mạnh mẽ. Thành ngữ "bão táp mưa sa" thể hiện những khó khăn, gian khổ mà dân tộc đã cùng nhau chung sức, chung lòng vượt qua. Lối miêu tả "đứng thẳng hàng" đã nêu lên tư thế hiên ngang giữa trời đất của những cây tre và ẩn sâu trong đó còn tượng trưng cho khí chất kiên cường, bất khuất của người Việt Nam. Qua đó, có thể thấy khổ thơ là niềm xúc động, niềm thành kính chân thành của tác giả khi đứng trước lăng Bác.

    Và sau những cảm xúc khi đứng trước lăng Bác, nhà thơ tiếp tục thể hiện cảm xúc trước hình ảnh dòng người vào lắng viếng Bác (khổ hai) :

    "Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

    Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

    Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

    Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân".

    Từ những ấn tượng đầu tiên về hình ảnh hàng tre xanh thì hình ảnh dòng người chầm chậm tiến vào lăng đã khiến cho nhà thơ không khỏi xót xa, xúc động. Với nghệ thuật sóng đôi: Giữa hình ảnh "mặt trời thực" và "mặt trời ẩn dụ". Hình ảnh mặt trời trong câu thơ "Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng" là hình ảnh tả thực mặt trời của tự nhiên, ngày ngày soi sáng khắp muôn phương. Đây là một hình ảnh chân thực để từ đó làm nổi bật thêm cho hình ảnh "mặt trời" trong câu thơ "Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ". Hình ảnh này đang ẩn dụ sâu xa về Bác: Người như một mặt trời chân lí của dân tộc. Người là hiện thân của khát vọng hòa bình không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân Việt Nam mà còn truyền cảm hứng cho các dân tộc bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới. Hơn nữa, hình ảnh mặt trời của thiên nhiên được nhân hóa với hai hành động là "ngày ngày đi qua trên lăng" và "nhìn thấu mặt trời trong lăng rất đỏ" đã thể hiện tầm vóc lớn lao của Bác. Tưởng rằng một quốc gia nhỏ bé chịu sự cai trị của đế quốc hùng mạnh sẽ không bao giờ giành lại được chiến thắng nhưng đất nước ấy đã sản sinh ra một vĩ nhân với lòng yêu nước đã viết nên trang sử hào hùng cho dân tộc, khiến cho thế hệ sau luôn tự hào hai tiếng "Việt Nam".

    Hình ảnh "dòng người" đi liền với điệp ngữ "ngày ngày" đã gợi ra một dòng thời gian tuần hoàn liên tục, từ ngày này sang ngày khác. Hình ảnh mang giá trị tạo hình, gợi quang cảnh đông đúc của dòng người với muôn vạn lòng thành kính, với nỗi niềm tiếc thương từ khắp nơi trên đất nước về đây và nối tiếp nhau thành từng hàng thẳng tắp để vào lăng viếng Bác. Hình ảnh ẩn dụ "tràng hoa" đã gợi liên tưởng tới tấm lòng chân thành, tha thiết của nhân dân như kết thành hàng vạn bông hoa tươi thắm để dành cho vị cha già dân tộc. Hình ảnh "bảy mươi chín mùa xuân" là một hình ảnh ẩn dụ để chỉ bảy mươi chín năm cuộc đời Bác - một cuộc đời dâng hiến cho đất nước, một cuộc đời gánh trên vai tương lai của toàn dân tộc. Qua đó, có thể thấy khổ thơ đã thể hiện tấm lòng của nhân dân cả nước cũng như của nhà thơ dành cho Bác.

    Tiếp theo sau đó, nhà thơ lại bày tỏ cảm xúc của mình khi bước vào trong lăng và đứng trước thi hài của Bác (khổ ba) :

    "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

    Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

    Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

    Mà sao nghe nhói ở trong tim".

    Khi bước vào trong lăng, dường như cả không gian và thời gian đều ngưng đọng lại. Hình ảnh thơ đã diễn tả một cách tinh tế sự trang nghiêm và yên tĩnh của không gian trong lăng. Với việc sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh đã phủ định một sự mất mát lớn lao của toàn dân tộc. Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, dẫu tâm hồn của con người ta không còn hiện diện trong thể xác đi chăng nữa thì có thể chứng vẫn sẽ tồn tại như một thực thể vô hình luôn dõi theo mọi sự ở thế gian. Cũng như Bác, thi hài của Người đang chìm trong giấc ngủ thiên thu nhưng chắc rằng tâm hồn của Người sẽ mãi dõi theo đất nước, dõi theo dân tộc, Hình ảnh ẩn dụ "vầng trăng sáng dịu hiền" đã gợi cho ta liên tưởng đến vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp của nhân cách sống thật dịu hiền trong sáng như ánh trăng của Bác và gợi cho ta nhớ về những dòng thơ tuyệt đẹp, ngập tràn ánh trăng của Bác - Người thi sĩ yêu nước.

    Hình ảnh ẩn dụ sâu xa "vẫn biết trời xanh là mãi mãi" đã đẩy cảm xúc của bài thơ lên đến cao trào. Nếu như nhắc đến "trời xanh" thì ta thường liên tưởng tới một không gian cao rộng của thiên nhiên vũ trụ, luôn tồn tại mãi mãi, tuy xa cách nhưng lại thấy thật gần gũi. Nhưng trong câu thơ này hình ảnh "trời xanh" lại đang ẩn dụ về Bác: Người sẽ sống mãi với non sông đất nước cũng như trời xanh kia luôn tồn tại mãi mãi tuy thấy xa cách vời vợi nhưng dường như lại rất gần gũi. Nhưng dẫu thế nào thì sự thật đau lòng ấy vẫn luôn day dứt trong lòng nhân dân Việt Nam. Dù là vĩ nhân hay người thường nếu đã sinh ra trong kiếp phù sinh thì khó tránh khỏi sự an bày của tạo hóa. Nhưng đó lại là nỗi đau xót của những con người ở lại. Từ "nhói" là từ ngữ biểu lộ cảm xúc một cách trực tiếp nỗi uất nghẹn không nói nên lời của tác giả. Cặp quan hệ từ "vẫn, mà" đã diễn tả sự mâu thuẫn giữa sự nhận biết "trời xanh là mãi mãi" và cảm giác "nghe nhói ở trong tim". Đó là sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm khiến cho người ta cảm nhận được những giây phút yếu lòng. Từ đó, có thể thấy, khổ thơ là đỉnh điểm, là cao trào của nguồn cảm xúc vô tận của tác giả đối với Bác đã chất chứa bấy lâu nay và giờ đây đã bộc lộ một cách tha thiết.

    Và sau cùng, tất cả những cảm xúc của tác giả dường như đã hợp lại thành những khát vọng tha thiết và nỗi lưu luyến khi từ biệt lăng Bác (khổ bốn) :

    "Mai về miền Nam thương trào nước mắt

    Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

    Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

    Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này".

    Khổ thơ cuối đã khép lại những tâm trạng buồn đau và diễn tả sâu sắc sự luyến tiếc của nhà thơ không muốn rời xa vị cha già dân tộc. Cụm từ chỉ thời gian "mai" đi liền với địa danh "miền Nam" đã gợi ra sự xa cách của không gian, địa lí nhưng khoảng cách ấy sẽ không làm vơi đi tấm lòng của những người con miền Nam dành cho Bác. Lối nói "thương trào nước mắt" đã cụ thể hóa nỗi nhớ thương của nhà thơ cũng như đã gợi ra chiều sâu của sự gắn bó với miền Bắc ruột thịt, với Bác Hồ của đồng bào miền Nam. Nhịp điệu thơ dồn dập cùng với điệp ngữ "muốn làm" ở đầu mỗi dòng thơ đã thể hiện mong ước, khát khao mãnh liệt của tác giả. Hệ thống hình ảnh giàu sức gợi: "Còn chìm", "đóa hoa", "cây tre" mang đến nhiều tầng ý nghĩa khác nhau.

    Đối với lớp nghĩa thực, tác giả muốn hòa mình với thiên nhiên, với những sự vật xung quanh để làm đẹp cho lăng Bác. Còn đối với lớp nghĩa ấn dụ: Tác giả lại thể hiện khát vọng muốn ở lại bên lăng, để ngày ngày gắn bó bên Bác, từ đó bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng. Qua đó, có thể thấy khổ thơ cuối đã thể hiện sâu sắc sự lưu luyến với những khát khao và ước vọng đẹp đẽ khi từ biệt lăng Bác của nhà thơ. Hình ảnh "cây tre" được nhắc lại đã tạo ra kết cấu đầu cuối tương ứng, thể hiện rõ nét tấm lòng tha thiết, chân thành của nhà đối với vị cha già dân tộc

    Ngoài ra, bài thơ không chỉ hay về phần nội dung mà còn đặc sắc về phần nghệ thuật. Đầu tiên ta có thể thấy, giọng điệu bài thơ phù hợp với tình cảm, cảm xúc của bài thơ: Trang nghiêm, thành kính, vừa mang nỗi tiếc thương, vừa thể hiện niềm tin, lòng biết ơn vô hạn. Thể thơ tám chữ xen lẫn các dòng thơ bảy chữ hoặc chín chữ, nhịp điệu bài thơ chủ yếu là chậm đã diễn tả sự trang trọng cảm xúc sâu lắng của bài thơ. Hình ảnh thơ có sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh chân thực và hình ảnh ẩn dụ, biểu trưng như: "Mặt trời trong lăng", "tràng hoa", "trời xanh", vừa quen thuộc vừa mang giá trị biểu cảm cao.

    Qua bài thơ "Viếng lăng Bác", cho thấy Viễn Phương đã thể hiện một cách sâu sắc những cảm xúc của mình trong chuyến ra thăm Bác sau khi miền Nam được giải phóng, non sông thu về một mối. Đó là những tình cảm thiêng liêng, xúc động với nỗi niềm tiếc thương, lòng thành kính cùng lòng biết ơn mà tác giả - người đại diện cho tấm lòng của nhân dân miền Nam, tấm lòng của những "người con xa" đối với vị cha già dân tộc từ đó thể hiện tình đồng bào gắn bó không bị chia cắt bởi bất kì kẻ thù nào mà ngược lại ngày càng thiết tha sâu nặng. Học bài thơ, ta càng cảm thấy xúc động trước tấm lòng của nhân dân Việt Nam dành cho Bác cũng như ao ước có dịp được ra thăm lăng của Người và cố gắng phấn đấu, noi theo

    Tấm gương sáng của Bác.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...