Vì sao Đăm Săn khiêu chiến với Mtao Mxây? Diễn biến cuộc chiến giữa Đăm Săn và Mtao Mxây

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 23 Tháng năm 2022.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199

    Sử thi còn gọi là anh hùng ca, là tác phẩm tự sự có quy mô lớn, bằng văn vần hoặc văn xuôi kết hợp với văn vần, xây dựng những hình tượng hào hùng, kì vĩ để kể về những sự kiện lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng cư dân thời cổ đại.

    Tác phẩm "Đăm Săn" là bộ sử thi của dân tộc Ê – đê, kể về chiến công của tù trưởng anh hùng Đăm Săn: Đánh thắng tù trưởng Sắt (Mtao Mxây), tù trưởng Quạ (Mtao Grư), chặt đổ cây thần Smuc, đi bắt nữ thần Mặt Trời... Đoạn trích trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 kể lại chiến thắng của Đăm Săn trong cuộc chiến đấu với Mtao Mxây. Hai người trước vốn là anh em kết nghĩa, vậy vì lí do gì mà Đăm Săn khiêu chiến và giết chết Mtao Mxây?

    Vì sao Đăm Săn khiêu chiến với Mtao Mxây?

    Cuộc chiến đấu giữa Đăm Săn và Mtao Mxây diễn ra như thế nào?
    Những sự kiện chính trong văn bản Chiến thắng Mtao Mxây

    Đoạn trích xoay quanh các sự kiện chính:

    Đăm Săn chiến đấu với Mtao Mxây;

    Đăm Săn đối thoại với dân làng Mtao Mxây; dân làng nghe lời đăm Săn thuyết phục đã đi theo chàng;

    Đăm Săn mở tiệc ăn mừng chiến thắng suốt mùa khô.

    Như vậy, sự kiện Đăm Săn khiêu chiến là sự kiện thứ nhất: Đăm Săn chiến đấu với Mtao Mxây;

    Vì sao Đăm Săn khiêu chiến với Mtao Mxây?

    Sau khi về làm chồng hai chị em Hơ Nhị và Hơ Bhị, Đăm Săn trở thành một tù trưởng giàu có, tiếng tăm lừng lẫy. Tù trưởng Mtao Mxây lừa lúc Đăm Săn cùng dân làng lên rẫy, ra sông làm lụng đã kéo người tới cướp phá buôn làng của chàng và bắt Hơ Nhị về làm vợ. Là một tù trưởng tăm tiếng, Đăm Săn không chấp nhận việc kẻ khác có hành động xúc phạm danh dự, cướp đi hạnh phúc gia đình, phá vỡ sự bình yên của bộ tộc, nên chàng buộc phải cầm khiên giáo đứng lên chiến đấu.

    Như vậy, Đăm Săn khiêu chiến với Mtao Mxây vì Mtao Mxây cướp vợ của Đăm Săn, chàng chiến đấu để đòi lại vợ, bảo vệ hạnh phúc gia đình và sự bình yên cho bộ tộc.

    Cuộc chiến đấu của Đăm Săn là cuộc chiến đấu chính nghĩa, cuộc chiến đấu để bảo vệ hạnh phúc gia đình, sự bình yên cho dân làng. Vì thế, nhận được sự đồng thuận của mọi người. Dân làng theo chàng đi đánh Mtao Mxây rất đông. Cùng với sức khỏe, võ nghệ, giáo mác, Đăm Săn đã tự tin chiến đấu với sức mạnh của chính nghĩa trong tay.

    Cuộc chiến đấu giữa Đăm Săn và Mtao Mxây

    Đăm Săn đến nhà Mtao Mxây khiêu chiến

    Hành động khiêu chiến của Đăm Săn là đường hoàng, thể hiện rõ phẩm chất của người anh hùng. Vì nếu như Mtao Mxây hèn hạ, lừa lúc Đăm Săn đi làm rẫy đến cướp phá thì Đăm Săn ngang nhiên đến tận nhà Mtao Mxây, lúc hắn đang ở nhà, gọi hắn xuống để giao chiến với giáo mác trên tay.

    Khi Đăm Săn khiêu chiến, lúc đầu Mtao Mxây sợ hãi từ chối. Hắn sợ sự trừng phạt của người anh hùng nổi tiếng khắp vùng Đăm Săn. Nhưng để ra oai, hắn vẫn ngạo mạn chọc tức chàng: "Tay ta đang bận ôm vợ hai của chúng ta ở trên nhà cơ mà."

    Thái độ ngạo mạn của Mtao Mxây khác gì thêm dầu vào lửa. Còn sự xúc phạm nào ngang ngược hơn? Đăm Săn vô cùng tức giận. Chàng dứt khoát dồn kẻ thù vào cuộc chiến, chàng nói như ra lệnh: "Xuống, diêng! Xuống, diêng!". Chàng đe dọa, nếu không giao chiến, chàng sẽ "bổ sàn hiên", "chẻ cầu thang", "hun cái nhà" của Mtao Mxây.

    Kiếm kế trì hoãn, Mtao Mxây nói với Đăm Săn nỗi lo bị đánh lén. Nhưng Đăm Săn khẳng định với hắn hành động của chàng là đàng hoàng: "đến con lợn nái của nhà ngươi dưới đất, ta cũng không thèm đâm", "đến con trâu của nhà ngươi trong chuồng, ta cũng không thèm đâm". Chàng chỉ giao chiến khi kẻ thù đã sẵn sàng khiên giáo.

    Không còn cách trì hoãn, Mtao Mxây buộc phải đi xuống để bước vào cuộc chiến, lòng hắn đầy lo sợ "tần ngần do dự", "mỗi bước mỗi đắn đo".

    Diễn biến trận đánh giữa Đăm Săn và Mtao Mxây

    Cuộc chiến đấu giữa Đăm Săn và Mtao Mxây diễn ra qua bốn hiệp đánh.

    [​IMG]

    Hiệp đấu thứ nhất: Mtao Mxây múa khiên trước

    Đăm Săn nhường Mtao Mxây quyền chủ động tiến công. Đó là tinh thần thượng võ của người anh hùng. Nhưng hành động múa khiên kém cỏi, tầm thường của Mtao Mxây khiến Đăm Săn không nhịn nổi cười: "Ngươi múa một mình, múa kêu lạch xạch như quả mướp khô... Ngươi múa chơi đấy phải không?"

    Không hiểu tại sao, tài năng tầm thường vậy mà hắn cũng dám cướp phá Đăm Săn?

    Hiệp đấu thứ hai: Đăm Săn múa khiên.

    Trong cảm hứng hay sưa, đậm chất sử thi của người kể chuyện, hành động múa khiên của Đăm Săn được miêu tả cụ thể, sinh động, hào hùng: "Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây." Hành động múa khiên của chàng vô cùng dũng mãnh qua những hình ảnh thiên nhiên kì vĩ, những động từ mạnh "xốc", "vượt", tính từ "vun vút" cùng phép điệp ngữ, và lời văn hào hùng. Đối lập hoàn toàn với tiếng khiên kêu "lạch xạch như quả mướp khô" của Mtao Mxây.

    Bị Đăm Săn tấn công như vũ bão, Mtao Mxây chỉ còn đường chạy trốn, hắn chạy bước cao bước thấp. Sự chống trả của hắn vô cùng kém cỏi: Hắn chém Đăm Săn nhưng trượt, chỉ trúng cái chão cột trâu. Hắn phải cầu xin Hơ Nhị quăng cho miếng trầu. Miếng trầu ấy cũng bị Đăm Săn cướp mất. Hiệp thứ nhất đã thảm hại, hiệp thứ hai hắn càng tỏ ra thảm hại hơn.

    Hiệp đấu thứ ba: Đăm Săn múa khiên và đuổi theo Mtao Mxây.

    Cảnh Đăm Săn múa khiên lần hai còn đẹp và dũng mãnh hơn cả lần thứ nhất. Tác giả dân gian đã thể hiện sức mạnh của Đăm Săn trong cảm hứng sử thi đậm chất anh hùng ca. "Chàng múa trên cao gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Chòi lẫm đổ lăn lóc. Cây cối chết rụi..." Tiếp tục sử dụng hàng loạt các từ ngữ chỉ thiên nhiên, vũ trụ, phép trùng điệp, phép so sánh... trong khắc họa chân dung nhân vật khiến Đăm Săn hiện lên thật dũng mãnh. Sức mạnh của chàng sánh ngang cùng sức mạnh của trời đất, núi non...

    Nhưng vì Mtao Mxây là tù trưởng Sắt. Người hắn được bảo vệ bởi lớp giáp sắt nên Đăm Săn đã làm tất cả mọi thứ có thể, huy động tất cả sức mạnh mà chưa thể đâm thủng hắn. Cuối cùng, chàng phải cầu cứu ông Trời.

    Hiệp đấu thứ 4: Ông Trời mách Đăm Săn dùng chày mòn ném vào vành tai – điểm yếu của Mtao Mxây. Đăm Săn làm theo, chàng đuổi theo Mtao Mxây. Còn hắn trốn chạy thảm hại rúc cả vào chuồng lợn, chuồng trâu. Hèn nhát hơn, hắn còn cầu xin Đăm Săn tha cho mạng sống. Nhưng hành động phản bội tình bạn, cướp bóc của cải, bắt vợ của Đăm Săn là không thể tha thứ. Đăm Săn quyết hạ gục Mtao Mxây. Hiệp đấu kết thúc với chiến thắng vẻ vang của Đăm Săn.

    Như vậy, qua trận đánh, Mtao Mxây tỏ ra kém cỏi về tài năng, tầm thường về nhân cách, thì Đăm Săn lại là một tù trưởng anh hùng, dũng mãnh, biết chiến đấu vì lẽ phải, niềm vui, hạnh phúc của gia đình và thị tộc.

    Sau chiến thắng, Đăm Săn đã kêu gọi dân làng, tôi tớ của Mtao Mxây đi theo mình. Thái độ của dân làng Mtao Mxây như thế nào? Tại sao dân làng của Mtao Mxây lại tự nguyện đi theo Đăm Săn? Việc dân làng đồng ý đi theo Đăm Săn có ý nghĩa gì?

    Khi nghe lời kêu gọi của Đăm Săn, cảm phục trước khí phách, tài năng, sức mạnh của Đăm Săn, cảm mến đức khoan dung của chàng, tôi tớ, dân làng của Mtao Mxây đã tự nguyện đi theo Đăm Săn để bắt đầu một cuộc sống mới. Như vậy, họ quyết định đi theo chàng không chỉ vì Mtao Mxây – tù trưởng của họ đã chết, mà vì Đăm Săn là người tài năng, đực độ, đã cảm hóa được họ.

    Việc dân làng đồng ý đi theo Đăm Săn cho ta thấy được sự thống nhất cao độ giữa cá nhân anh hùng sử thi với cộng đồng bộ tộc; thấy được vai trò quyết định của thủ lĩnh trong chiến tranh.

    Cảnh ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn


    [​IMG]

    Cảnh ăn mừng chiến thắng diễn ra như thế nào? Nhận xét cảnh ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn.

    Cảnh ăn mừng chiến thắng diễn ra trong không khí vui vẻ, náo nhiệt. Tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã, thể hiện tinh thần, niềm vui của cuộc sống cộng đồng. Khách khứa, dân làng, tôi tớ của Mtao Mxây "đông nghịt" được đón tiếp long trọng và ăn uống no say thỏa thích: "nhà Đăm Săn đông nghịt khách, tôi tớ chật ních cả nhà ngoài... thịt lợn thịt trâu ăn không ngớt..." Các vật cúng tế cũng đầy ngập khắp nơi, dây cồng dây chiêng giăng như mạng nhện. Từ khắp mọi miền, người ta khiêng rượu khiêng lợn đến. Tiệc tùng ăn uống kéo dài suốt cả mùa khô.

    Cảnh ăn mừng chiến thắng được miêu tả rất tỉ mỉ với cảm hứng say mê.

    Đó là khung cảnh hoành tráng, tấp nập, đông đúc, vui mừng.

    Ý nghĩa cảnh ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn:

    Nghệ nhân chú ý nhiều đến cảnh ăn mừng chiến thắng, miêu tả cảnh này một cách chi tiết, cụ thể ngay sau chiến thắng của Đăm Săn trong trận giao tranh cho thấy: dù miêu tả chiến tranh nhưng trong lòng người kể sử thi vẫn hướng về cuộc sống thịnh vượng, no đủ, sự đoàn kết, thống nhất và lớn mạnh của cả cộng đồng. Đó chính là khát vọng lớn lao của tộc người cùng thời đại gửi gắm vào các cuộc chiến tranh.

    Cảnh ăn mừng chiến thắng còn có ý nghĩa khẳng định tầm vóc lịch sử của người anh hùng trong sự phát triển cộng đồng. Đăm Săn là nhân vật trung tâm của bức tranh mừng chiến thắng. Chàng là niềm tự hào của cả bộ tộc kết tinh vẻ đẹp, tài năng, sức mạnh của cộng đồng Ê đê. Những chi tiết miêu tả Đăm Săn như: "danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi"; "là một dũng tướng chắc chết mười mươi cũng không lùi bước"; "Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy. Chàng nằm sấp thì gãy rầm sàn, chàng nằm ngửa thĩ gãy xà dọc..." đã tô đậm vẻ đẹp, tầm vóc của vị tù trưởng anh hùng.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...