Khi nhắc đến Xuân Quỳnh, người ta thường nhắc đến những trang thơ tình đằm thắm với trái tim nhân hậu, thủy chung. Người ta nhớ đến bà là một nhà thơ, còn tôi gặp bà trong "Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn" là một người mẹ mang nỗi trăn trở về những đứa con của mình. Tên cuốn sách được trích từ một câu thơ trong bài thơ "Có một thời như thế" của Xuân Quỳnh, gợi nhớ một thi sĩ tài hoa đã đem đến giá trị to lớn cho văn học Việt Nam. "Có một thời vừa mới bước ra Mùa xuân đã gọi mời trước cửa Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi. Đường chẳng xa, núi không mấy cách chia Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn Trang nhật ký xé trăm lần lại viết Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau Có một thời ngay cả nỗi đau Cũng mạnh mẽ ồn ào không giấu nổi Mơ ước viển vông, niềm vui thơ dại Tuổi xuân mình tưởng vẫn mãi tươi xanh.." Cuốn sách được phó giáo sư Lưu Khánh Thơ - em gái của nhà thơ Lưu Quang Vũ - biên soạn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần Truyền thông Nhã Nam phát hành. Cuốn sách chia làm ba phần: Phần thứ nhất là nhật ký Xuân Quỳnh viết cho con trai đầu lòng, phần thứ hai là các ghi chép về những tháng ngày trải qua trong chiến tranh, phần thứ ba là thư từ trao đổi giữa bà và nhà thơ Lưu Quang Vũ. Ngoài ra còn một phần phụ lục gồm ảnh chụp và thủ bút của Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh được mệnh danh là "Nữ hoàng của thi ca về tình yêu". Thơ Xuân Quỳnh là tiếng vọng của một tâm hồn rộng mở, yêu thương được thể hiện cả trong cuộc sống và khắc họa rõ nét trong thi ca. Bà thường viết về tình yêu, cho nên khi đến với phần đầu của "Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn", ta mới thấu được tấm lòng bao la của người mẹ. Từ khi biết mình mang thai đứa con đầu lòng, rồi lúc chồng phải đi công tác xa, ở nhà không hòa hợp với mẹ chồng, bà phải mạnh mẽ vượt qua. Bà bày tỏ cảm xúc của mình qua câu chữ "nghĩ thương con quá", "nếu không có Tuấn Anh thì mẹ cô độc biết bao". Nhiều lần ít sữa, con quấy khóc, mẹ chồng la rầy, phải ôm con đi chạy giặc, không có chồng bên cạnh.. Bà ghi lại những cảm xúc của mình, vui vẻ khi chào đón một sinh linh mới, cho đến những lo toan trong cuộc sống thường nhật, vui vẻ và buồn bã đan xen. Cuối cùng, bà đã kết thúc cuộc hôn nhân đầu tiên với Lưu Tuấn - một nghệ sĩ violin và kết hôn với nhà thơ Lưu Quang Vũ. Phần thứ hai là kể lại chuyến đi đến vùng đất Vĩnh Linh, Quảng Trị trong kháng chiến chống Mĩ những năm 1967 - 1973, đất nước ta chìm trong bão đạn chiến tranh. Bà chép lại khổ cực của người dân, tuy gian khổ nhưng rất hào hùng, làm nên trang sử chói lọi để thế hệ sau noi theo. Ai cũng biết lên tiền tuyến thì nguy hiểm, nhưng ai cũng muốn đi, cũng muốn tham gia chiến đấu. Những người ở hậu phương thì dốc hết sức để giúp đỡ. Có cụ già chăn bò chuyên vận chuyển cho hợp tác xã bị đánh thương nặng, cụ bàn giao sổ sách đâu ra đấy rồi mất. Hai người con của cụ, một đi bộ đội, một làm thương nghiệp đều đã hy sinh. Và còn vô vàn cảnh khổ trong chiến tranh khác, đọc mà nghẹn ngào. Dân tộc Việt Nam ta luôn anh dũng như thế! Phần ba thư từ, là những đoạn đối thoại giữa Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, cũng có những tình cảm gửi riêng cho đứa con út Lưu Quỳnh Thơ (còn gọi là Mí). Những trang đầu là đoạn đối thoại đầy tình cảm, sự đồng điệu đã làm nên mối tình giữa hai người. Thỉnh thoảng, hai người kể cho nhau về cuộc sống nơi xa (lúc đó Xuân Quỳnh đang ở Liên Xô), trò chuyện về người thân, mối quan hệ và nghề nghiệp của nhau. Cũng không ít lần, bà bày tỏ nỗi niềm bất an với chồng, bà lo sợ nhiều thứ, cũng sợ tình cảm sẽ dần phai nhạt. Xuân Quỳnh hơn Lưu Quang Vũ sáu tuổi, khoảng cách tuổi tác lúc bấy giờ vẫn còn nhiều định kiến, bà có một đời chồng và một đứa con lớn, điều đó làm mẹ chồng bà có thành kiến. Những dòng gửi đứa con út vô cùng thân thương. Bà kể cho đứa con của mình về cuộc sống ở Liên Xô, những câu chuyện nhỏ nhặt trong ngày thường, hoặc là những câu triết lý mà bà học được. Qua đó, bà gửi gắm tâm tư, tình cảm, những điều muốn nói với con, làm vơi đi nỗi nhớ con. "Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn" in đậm dấu ấn trong lòng độc giả, bởi cái tôi của Xuân Quỳnh hiển hiện đầy giản dị và cũng thật đầy tình cảm. Tình yêu đôi lứa và tình mẫu tử thiêng liêng lamg nổi bật cái "tình" trong thơ bà, cái tình bao quát cả tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, tình thương giữa người với người. Một thi sĩ viết nên những trang thơ thấm đượm cái tình, cái đạo lý ở đời. Những năm tháng Xuân Quỳnh viết, đem đến những tác phẩm nghệ thuật chân chính, chúng ta hiểu được thế nào là yêu nghệ thuật và vì nghệ thuật hết mình. Review by Ôn An Na