TRÒ CHƠI VÔ CỰC The Infinite Game Tác giả: Simon Sinek Người review: Brian Võ Tuần vừa rồi mình vừa được tặng cuốn The Infinite Game do Simon Sinek viết - tác giả cuốn Bắt Đầu Với Câu Hỏi Tại Sao (Start With Why). Sau khi đọc xong thì mình thấy cuốn này là một cuốn must read dành cho những anh chị CEO và Founder Start-Up vì mình tin rằng tất cả CEO và Founder đều có một mong ước là doanh nghiệp mình tạo nên và điều hành được sống mạnh mẽ và trường tồn cùng thời gian như những công ty có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Như mọi người thấy thực tế hiện nay trong thời đại này, mỗi ngày đều có hàng trăm hàng ngàn doanh nghiệp mới ra đời, vì vậy việc một doanh nghiệp có thể làm nổi bật mình đã khó, mà làm cho nó sống trường tồn lại còn khó hơn. Tuy vậy mọi người đều đang mơ hồ về cuộc chơi mà họ đang tham gia. Chỉ khi hiểu được quy luật của cuộc chơi thì bạn mới có thể làm chủ được. Vậy chúng ta đang tham gia cuộc chơi gì? Đó là cuộc chơi vô hạn (The Infinite Game) Tuy nhiên, mình và nhiều người đã không nắm được cuộc chơi vô tận mang ý nghĩa gì, và đôi khi bản thân chúng ta lại nhập nhằng giữa 2 khái niệm của cuộc chơi hữu hạn (The Finite Game) và cuộc chơi vô hạn (The Infinite Game) Trong cuộc chơi hữu hạn sẽ có người chơi rõ ràng danh tính, có người thắng, kẻ thua, có thời gian bắt đầu cũng như thời gian kết thúc và chắc chắn là phải có luật chơi. Cuộc chơi hữu hạn có thể được kể đến như trận đá bóng, vì một trận đấu có thời gian là 90 phút, và sau mỗi trận sẽ có đội thắng là đội đá bóng vào được khung thành đối phương nhiều hơn. Tất cả thành viên trong đội đến đúng giờ, chơi đúng luật, kết thúc bằng một danh hiệu thắng thua. Đó là một trò chơi hữu hạn.. Trong cuộc chơi vô hạn, người chơi không biết rõ danh tính, không có người thắng, kẻ thua, không có luật chơi và không có thời gian bắt đầu và kết thúc. Một trò chơi mà ở đó người chơi không thể chọn trò chơi, không thể chọn luật chơi, mà chỉ có thể chọn cách chơi. Người chơi sẽ chơi đến khi cạn kiệt nguồn tài nguyên và từ bỏ khỏi cuộc chơi. Vậy thì một doanh nghiệp làm sao có thắng có thua? Doanh nghiệp của bạn không thể thắng 1 doanh nghiệp khác được, chỉ có là 1 doanh nghiệp đối thủ của bạn từ bỏ cuộc chơi bằng việc phá sản hoặc không hoạt động trong lĩnh vực đó nữa mà thôi. Nó cũng giống như chẳng ai nói họ đã chiến thắng cuộc đời được. Cuộc đời mỗi người là hữu hạn, nhưng sự sống lại là vô hạn. Khi bạn chết đi thì sự sống vẫn tiếp diễn, và khi đó bạn rời khỏi cuộc chơi vì đã cạn kiệt nguồn tài nguyên sức khỏe. Vì vậy tất cả con người không thể chọn cuộc chơi vì ngày họ sinh ra là ngày họ chính thức tham gia vào cuộc chơi vô hạn. Cuốn sách này đã giúp mình một lần nữa nhìn lại thế giới mà mình đang sống, và mình cảm thấy yêu thích một thế giới mới này mà mình đã được truyền cảm hứng, vì nơi đó, mọi thứ trở nên đẹp hơn, mọi sự việc đều mang một ý nghĩa tích cực hơn. Trước đây mình là một người làm về Art nhưng lại rất Data Oriented. Thoạt nghe thấy có vẻ nực cười vì đã art mà lại dựa vào data là sao? Trước đây mình dùng data để có thể đưa ra phương án giải quyết bằng art. Nhưng sau khi đọc sách xong thì mình lại có một góc nhìn mới đó là Art phải đi trước và data sẽ đánh giá cái art của mình hiệu quả đến đâu đối với doanh nghiệp. Tương tự, kết quả học tập khi ta còn bé là thước đo, là kết quả của quá trình chúng ta nỗ lực học hành, tìm tòi, nghiên cứu chứ nó không phải là thứ chúng ta theo đuổi như hiện nay các giáo viên đang làm với các e học sinh như là cho học trước bài, hay học đề tủ để thi. Và doanh nghiệp cũng thế, doanh thu sẽ đến từ những việc họ làm, nó là thước đo, là kết quả của những hoạt động của họ chứ không phải là tất cả để theo đuổi. Mình đánh giá đây là một cuốn sách đáng để đọc đối với các anh chị đang dẫn dắt một doanh nghiệp. Nếu như bạn thấy cuốn sách này có nhiều điều bạn nghĩ rằng bạn không làm được vì bạn là quản lý và bạn không thuyết phục được với CEO, hoặc bạn là CEO và bạn không thể thuyết phục được BOD hoặc Investor thì ít nhất bạn cũng nên biết bạn đang trong cuộc chơi gì để bạn có thể đưa ra các quyết định tốt hơn. P/S: Trong sách có phần Acknowledgement rất là thú vị nói về quá trình hình thành ý tưởng mà mình cảm thấy rất đúng đó là ý tưởng cần được xây dựng và nuôi dưỡng. Dù có lúc có một ý tưởng bừng sáng lên trong đầu bạn, nhưng việc đó chỉ đến sau khi bạn đã đọc, tìm hiểu và suy nghĩ về những gì liên quan đến ý tưởng ban đầu.