Tín ngưỡng thờ vật tổ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khunglongbietbay, 12 Tháng bảy 2022.

  1. khunglongbietbay

    Bài viết:
    41
    1. Định nghĩa

    [​IMG]


    Vật tổ là gì?

    Vật tổ (totem) là một đối tượng vật chất mà người hoang dã bày tỏ lòng tôn kính mê tín, bởi họ cho rằng có một mối liên hệ đặc biệt giữa họ và đối tượng vật chất kia. Đây là mối quan hệ tương hỗ: Totem bảo hộ con người và con người thì biểu thị lòng tôn kính của nó đối với Totem bằng nhiều cách, thí dụ như không giết con vật Totem, không hái quả, lá của một cây khi cây đó là Totem.

    Tín ngưỡng thờ vật tổ?

    Tín ngưỡng thờ vật tổ (totem giáo) là hình thức tín ngưỡng phản ánh tư tưởng của xã hội thị tộc khi con người còn gắn bó chặt chẽ với môi trường sống, họ còn phải nhờ cậy, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Totem giáo phản ánh quan hệ cộng đồng của thị tộc, bộ lạc với thiên nhiên.

    2. Nguyên nhân hình thành:

    Có 3 nguyên nhân chính:

    - Nhu cầu tìm về cội nguồn người Việt;- Tâm lý muốn khẳng định nền văn hiến lâu đời của người Việt. - Phức cảm về "tổ tiên" (ancestoral complex) của người Việt.

    3. Nghi thức thờ cúng và các yếu tố lễ nghi:

    - Phải tôn kính vạn vật, điển hình là cấm xúc phạm đến những vật được tôn kính đó

    - Trong buổi lễ, người chung totem biểu diễn tưởng nhớ đến hành động tính cách totem thông qua vũ điệu.

    - Trừ một số cuộc lễ và lễ hội, sự thờ phượng này được diễn đạt chính yếu bằng một thái độ nhất định đối với totem: Đó không phải riêng biệt con vật này hay nọ, mà tất cả các đại diện của cùng một giống trong một chừng mực đều được coi là những con vật thiêng; Trừ một số dịp ngoại lệ, thịt con vật Totem bị cấm ăn..

    12 điều mang tính pháp điển trong totem giáo:

    [​IMG]

    - Không giết và ăn thịt một số con vật; Con người nuôi nấng một số cá thể của loài vật đó và chăm sóc chúng.

    - Một con vật ngẫu nhiên bị chết được để tang và được chôn cất như một thành viên của bộ tộc.

    - Cấm ăn thịt con vật hoặc một bộ phận nào đó của con vật.

    - Khi người ta ở trong tình thế cần thiết giết một con vật, người ta xin lỗi nó và tìm mọi thứ mưu mẹo và kế cách làm giảm thiểu sự vi phạm Tabu, tức là sự giết chóc

    - Khi con vật bị hy sinh theo cách nghi thức, nó được khóc thương một cách long trọng

    - Trong số dịp hội hè, nghi lễ tôn giáo, người ta trưng da vật totem.

    - Các tộc cá nhân lấy tên tên vật totem.

    - Nhiều tộc dùng hình vẽ vật làm huy hiệu trang trí cho vũ khí họ; đàn ông vẽ lên hình ảnh vật tự xăm.

    - Khi totem vật nguy hiểm đáng ghê sợ, thành viên tộc miễn mang tên nó.

    - Totem bảo vệ totem che chở cho thành viên tộc.

    - Totem báo trước tương lai cho thành viên tộc dẫn dắt đường cho họ.

    - Các thành viên tộc thường tin họ gắn bó với vật totem mối liên hệ nguồn gốc.

    Các truyền thuyết liên quan:

    Từ di chỉ khảo cổ đến nguồn sử liệu minh văn gợi cho chúng ta biết về totem vật tổ biểu trưng của Việt tộc là Rồng và Chim. Chi tộc Âu Việt thờ vật biểu chim nên người xưa thần thánh hóa Âu Cơ là chim hóa thành tiên thì phải đẻ ra trứng là chuyện dễ hiểu, bình thường thế thôi. Nhờ vậy, thế hệ cháu con biết về cội nguồn tông tộc thuở khai nguyên để nhận biết nhau cùng là một nguồn căn gốc cội. Thật vậy, hình ảnh những vũ nhân hóa trang thành chim, đầu dắt lông chim trên mặt trống đồng thể hiện "Totem" vật tổ biểu trưng là chim của Việt tộc. Các tài liệu dân tộc học và những người bản địa ở Tây Bắc Việt Nam cùng một Totem "Chim" đã góp phần xác minh cùng một cội nguồn dân tộc.

    Truyền thuyết về sự tích dân tộc Mường kể rằng: Xưa kia từ một tổ chim nở ra hai anh em chi Quyền chấp và chi Quyền chợ là tổ tiên người Việt và người Mường. Điều đó chứng tỏ cả Việt lẫn Mường đều có thờ vật tổ chim mang ý nghĩa biểu tượng của thị tộc.

    Người BơRu ở dọc Trường Sơn còn có sự tích kể rằng ngày xưa trời đất mưa nhiều, mưa mãi nước dâng lên ngập hết chỉ còn lại một quả bầu, từ trong quả bầu chui ra mấy anh em đặt tên là Tà Ôi, Bơ Ru, Lào Kinh..

    Nhiều dân tộc ở Tây Nguyên như Banar, Eđê cũng có những truyền thuyết tương tự như vậy. Mling, Mlang, Kling klang, Bling Blang là những cặp tên có tính chất lấp lánh, theo tiếng đồng bào Thượng ở Tây Nguyên đều có nghĩa là một loài chim. Người Xá Khmer còn có họ "Thràng", thờ chim Thràng làm vật tổ. Người Mường có chim đẻ trứng, trăm nghìn trứng, nở ra muôn vật muôn loài, nở ra người Kinh tức người Việt, người Mường..

    Một số hình ảnh liên quan

    4. Tìm hiểu về một sô vật tổ của người Việt và thế giới:

    [​IMG]

    Người Việt Nam đầu tiên đưa thuật ngữ vật tổ vào các công trình khoa học chính thống ở Việt Nam là GS. Đào Duy Anh.

    Vật tổ của người Việt: Chim lạc và rồng

    Chim Lạc là vật tổ của cư dân Đông Sơn. Trong buổi đầu hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, cư dân Việt cổ (chủ nhân sáng tạo văn hóa Đông Sơn) đã định cư và liên kết vững chắc thành cộng đồng quốc gia - dân tộc.

    [​IMG]

    Lúc này, ý thức dân tộc đã nảy sinh và định hình, người Việt cổ đã bắt đầu xây dựng huyền thoại về Tổ tiên, nguồn gốc dân tộc qua tín ngưỡng thờ vật Tổ.

    Trong tập 1 bộ Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), phần viết về Nguồn gốc dân tộc VN, GS. Đào Duy Anh viết: "Những con chim bay và chim đậu chạm ở mặt trống đồng chính là hình chim Lạc vật tổ" . Theo ông, chim Lạc là vật tổ của tổ tiên chúng ta (người Lạc Việt). Ông gọi chim này là "hậu điểu", tức giống chim di trú từ Giang Nam (Trung Hoa) bay đến vùng đất mới (miền Bắc nước ta ngày nay), người Lạc Việt đã theo "vật tổ" đến định cư ở vùng đất này. Thông qua các nghiên cứu về cổ sử Việt Nam và nguồn gốc của người Việt được thực hiện trong thập niên 50 của thế kỉ 20, ông đã đưa ra kết luận: "Ở một địa điểm nào đó tại miền Giang Nam, từ trước cuộc suy vong của nước Việt, có một nhóm Việt tộc làm nghề đánh cá và vượt biển. Hàng năm, theo gió mùa, nhân gió bấc họ vượt đến các miền duyên hải ở phương nam, đại khái là miền Hải Nam, miền trung châu sông Hồng và sông Mã ở Việt Nam, có lẽ những người táo bạo vượt đến cả Nam Dương quần đảo nữa, rồi đến tiết gió nồm, họ lại vượt trở về nơi căn cứ. Trong những cuộc vượt biển hàng năm ấy, họ thường tự sánh mình với loài chim lạc mà hàng năm, đầu mùa lạnh, tức mùa gió bấc, họ thường thấy cũng dời bờ biển Giang Nam mà bay về Nam, đồng thời với cuộc xuất dương của họ, rồi đến mùa nóng, là mùa gió nồm, họ thấy các chim ấy trở lại miền Giang Nam đồng thời với cuộc hồi hương của họ. Vì thế mà dần dần trong tâm lý họ phát sinh một ý niệm về mối quan hệ mật thiết giữa họ và loài chim ấy, rồi ý niệm ấy chuyển thành quan niệm tô tem, khiến họ nhận chim Lạc làm vật tổ. Cái tên vật tổ ấy trở thành tên của thị tộc, cho nên người ta cho rằng những người Việt tộc ấy là họ Lạc. Những khi họ vượt biển, họ thường hóa trang, mang lông chim lạc ở đầu và ở mình để trá hình thành chim vật tổ và đeo khắp nơi trong thuyền những huy hiệu của chim vật tổ, tất cả những hành động ấy là cốt để cầu vật tổ phù hộ cho họ được an toàn giữa biển khơi. Cái hình thuyền với các thủy thủ kỳ hình quái trạng chạm trên trống đồng Ngọc Lũ là tiêu biểu cho những thuyền đã từng chở tổ tiên họ từ miền bờ biển Phúc Kiến đến miền quê hương mới, cũng như những chim bay và chim đậu chạm ở mặt trống đồng chính là hình chim lạc vật tổ."

    Ngoài ra, Theo ông Phạm Trần Anh, ngoài chim lạc ra thì Việt tộc còn tôn thờ vật tổ Rồng, biểu trưng cho tổ phụ của dòng giống như lời trần tình của Bố Lạc. Nếu mẹ Tiên là biểu trưng của tình cảm và đời sống tinh thần mang tính tâm linh thì Bố Rồng biểu tượng cho ý chí và sức mạnh của vật chất để sinh thành một con người Việt Nam toàn diện với đầy đủ ý chí và tình cảm, sức mạnh vật chất và đời sống tinh thần mang tính tâm linh cao độ. Rồng là con vật đứng đầu trong tứ linh là Long, Ly, Qui, Phượng. Việt tộc là cư dân nông nghiệp sinh sống ở miền sông nước với nghề trồng lúa nước nên tiền nhân ta đã hình tượng hóa thần thánh hóa con Giao Long thành Rồng, biểu tượng môt sức mạnh tiềm tàng, lúc ở dưới nước lúc bay lên trời để phun nước xuống cho dân cày cấy. Rồng còn biểu trưng cho giống dòng Việt với tinh thần dân tộc cao độ, lòng yêu nước tiềm tàng, sự kiên gan trì chí chịu đựng mọi gian khổ, tính linh động sáng tạo hầu thích ứng với mọi hoàn cảnh, mọi thách thức để tồn tại mãi tới ngày nay. Chính vì vậy, Rồng được xem là Totem vật tổ biểu trưng cho sự che chở của Bố Lạc tràn đầy may mắn hạnh phúc cho con cháu giống dòng Việt.

    [​IMG]

    Con rồng Việt Nam là vật tổ của người Việt theo truyền thuyết "Con Rồng cháu Tiên", trong trang trí kiến trúc, điêu khắc và hội họa hình rồng mang bản sắc riêng, theo trí tưởng tượng của người Việt. Nó khác với rồng trong trang trí kiến trúc và hội họa Trung Hoa và ở quốc gia khác. Con rồng ở Việt Nam cũng tùy theo thời kỳ. Con rồng thời Lý, thể hiện sự nhẹ nhàng, mỏng manh, giống như đang uốn lượn trong mây, thích hợp với các lễ cầu mưa. Còn con rồng thời Trần thì mạnh mẽ hơn, thân hình to và khoẻ khoắn..

    Các vật tổ của một số dân tộc ở Việt Nam:

    [​IMG]

    Dân tộc Thái

    Thái là một trong những cộng đồng tộc người được cấu thành từ nhiều dòng họ khác nhau. Ngay trong một mường, một bản cũng có nhiều dòng họ cùng cư trú. Trong xã hội Thái cổ truyền, người ta phân biệt giữa dòng họ quý tộc và dòng họ thứ dân. Dòng họ quý tộc gồm: Họ Cầm, Bạc, Sa, Đèo, Sầm, Lò.. còn các dòng họ Vi, Lô, Quàng, Lường, Lương, Lộc, Ngân là các dòng họ thứ dân. Ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, có những dòng họ thứ dân đã trở thành dòng họ quý tộc, mang thêm chức vị được phong bên cạnh tên họ: Hủn Vi, Mứn Quàng..

    Mỗi dòng họ đều có một truyền thuyết về totem của mình. Khi vật totem gặp nạn, những người trong dòng họ phải hết lòng cứu giúp, mai táng, tuyệt đối không được làm hại đến những con vật được coi như tổ tiên của mình. Vì vậy, dấu hiệu riêng để phân biệt các dòng họ chính là tục thờ totem.

    Theo các cụ già người Thái, các dòng họ Thái thờ totem là những con vật trùng tên với dòng họ của mình. Tuy nhiên, cũng có một số dòng họ thờ totem có tên gọi khác với tên dòng họ. Ví dụ như họ Cà kiêng giết và ăn thịt chim cốt ca; họ Cầm kiêng ăn con quạ; họ Lô thờ chim nộc tằng lo; họ Quàng kiêng giết và ăn thịt hổ; họ Hà và họ Lang không ăn thịt chim cuốc; họ Hà lại kiêng ăn thịt chim bìm bịp; họ Lương cũng thờ hổ, thậm chí là mèo; họ Lang thờ chim quốc, họ Ngân thờ rắn; có nơi kiêng dùng quạt (vi) để quạt xôi..

    Người Thái dòng họ Vi thờ con niềng niễng. Ngoài ra, họ Vi cũng không được phép giết hại con niếu vì – totem của dòng họ. Nếu thành viên nào đó trong dòng họ nhìn thấy con vật đó bị thương thì phải đưa về chăm sóc đến khi lành hẳn thì thả vào rừng, còn bắt gặp xác chết của con vật đó thì phải chôn cất và làm lễ cúng cẩn thận.

    Còn dòng họ Lò của người Thái có tục thờ totem là con chim táng lò, vì vậy, các thành viên của dòng họ này phải thực hiện điều cấm kỵ (tabu) là không được giết hay ăn thịt chim táng lò, và không ăn thứ măng lò..

    Người dân tộc Mường ở Cao Phong (Hòa Bình), ngày nay vẫn còn tồn tại truyền thuyết về thần đá. Bấy giờ, khi khơi dòng lấy nước làm ruộng, gặp phải hòn đá chắn dòng, người dân bẩy đi chỗ khác để nước tiêu thông. Hôm sau, kỳ lạ thay khi hòn đá đã trở về chỗ cũ. Người dân lại tiếp tục đẩy xa hơn nữa nhưng liên tiếp nhiều ngày, sự lạ vẫn tiếp diễn. Theo lời thầy cúng, người dân bèn mang đá về thờ. Từ đó cuộc sống được thần đá phù hộ, khiến mưa thuận gió hòa. Tục thờ thần đá cũng có từ lúc đó.

    Tín ngưỡng thờ cây

    [​IMG]

    Người Mường cho rằng có những loài cây có tính linh thiêng, là nơi trú ngụ của các lực lượng siêu nhiên, người dân tộc coi việc thờ cây có ý nghĩa quan trọng. Các loại cây được tôn làm vật thiêng và thờ cúng là si, chu đồng, đa, gạo.. Thậm chí, nhiều loại cây xuất hiện rất sớm trong các tác phẩm văn học dân gian truyền miệng, điển hình như tác phẩm "Đẻ đất, đẻ nước" của người Mường (Hòa Bình).

    [​IMG]

    Tác phẩm "Đẻ đất đẻ nước" của dân tộc Mường.

    Cùng với tục thờ núi là thờ thần cây, thần rừng.. người Mường gọi là ma cây, ma rừng, ma nương.. Đồng bào Mường có trường ca Đẻ đất Đẻ nước, trong đó cây si thần sinh ra người và vạn vật.

    Đẻ đất đẻ nước (tiếng Mường: Te tấc te đác) là một bộ sử thi, tác phẩm văn học dân gian của người Mường ở Việt Nam. Đây là bộ sử thi lớn, hiện sưu tầm được 10 bản, bản trung bình 8 nghìn câu, bản dài nhất 16 nghìn câu, kể về gốc tích và công cuộc đấu tranh của người Mường ở thời đại rất xa xưa, chứa đựng những quan niệm người Mường cổ về việc hình thành trời đất, tạo lập thế giới. Tác phẩm này được bảo tồn và lưu truyền dưới hình thức truyền miệng, tập trung đầy đủ nhất dưới hình thức "mo" (hát cúng). Đẻ đất đẻ nước có giá trị về rất nhiều mặt: Văn học, dân tộc học, ngôn ngữ học, nghệ thuật dân gian.. Nơi phát tích của sử thi Đẻ đất đẻ nước được cho là ở xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, hiện còn dấu tích ở Đồi Chu. Năm 2008, tác phẩm này đã được diễn xướng và ghi thành đĩa DVD cũng như biên tập và xuất bản thành sách.

    Nội dung tác phẩm nói về vũ trụ, các thiên thể vũ trụ, nạn hạn hán, nạn lũ lụt nguyên thủy, nguồn gốc loài người từ loài chim, nguồn gốc các dân tộc đều chung một nguồn gốc do mẹ chim đẻ ra. Việc tìm ra lửa, lúa gạo, lợn, gà, trâu, làm nhà theo hình con rùa. Tác phẩm tổng hợp các chuyện thần thoại về tô tem: Chim, rắn, rùa của các dân tộc nước ta.

    Sử thi "Đẻ đất đẻ nước" :

    - Về khởi nguyên vũ trụ:

    "Ngày xưa ngày ấy - Dưới đất chưa có đất

    Trên trời chưa có trời - Trên trời chưa có ngôi sao đỏ

    Dưới đất chưa có ngọn cỏ xanh – Đất còn rời rạc

    Nước còn bùng nhùng - Ngó lên trông xuống mịt mùng".

    Vậy là, ngày xưa vũ trụ khởi nguyên còn hỗn mang, tương đương với khái niệm Thái cực mà ta vẫn nói thời nay.

    - Về đẻ đất:

    [..]

    "Có một năm mưa dầm mưa dãi - Nước vượt khỏi đồi U

    Nước dâng đồi Bái - Năm mươi ngày nướ rút

    Bảy mươi ngày nước xuôi - Mọc lên một cây xanh xanh

    Có chín mươi chín cành - Cành trọc lên trời, lá xanh biết cựa

    Thân trên mặt đất, thân cây biết rung - Trong tán trong -

    cành có tiếng đàn bà con gái - Cành chọc trời là con đầu

    Tên gọi ông Thu Tha - Cành bung xung là con thứ hai

    Tên gọi bà Thu Thiện - Hai ông bà nên đôi nên lứa

    [..]

    Gió ầm ầm đã nghe - Mưa le re đã thấy

    Thứ nào muốn dậy đều nên thân hình - Đất đã có

    Đất rộng thênh thang"..

    Như vậy đất sinh ra, cây cỏ, muôn vật cũng thế đều do hai ông bà Thu Tha Thu Thiện giao hợp mà có - chúng là hữu tính, có linh hồn. Tư duy nguyên thủy, hồn nhiên chất phác đó ngày nay vẫn còn đọng trong tín ngưỡng tôn giáo (mọi vật có linh hồn).

    - Về đẻ nước:

    [..]

    "Hạn chín tháng trời - Nắng 12 năm xác đất

    Cạn suối vỡ mai ba ba - Khô đồi gãy sừng hươu

    Nắng nhiều cây hết lá - Nắng cả đất hết cỏ

    Trâu ăn đất cóng - Người uống nước sương

    [..]

    Ông Pồng Pêu ao ước - Ước ơ là ước

    Ước sao được trận mưa - Mưa dầm dề chín đêm, mười bữa sáng

    Có nước, nước còn đục ngầu.."

    Có đất cây si mọc lên - Cây si cao đến tận gậm trời, cành lá che kín một bên đất, che kín một bên trời

    .. "Cây si lá úa vàng - cây si đã mục

    Gốc si đã đổ - Cành si ngã lấp đầy thung lũng

    Đầu si gẫy vật lên đồi Chu

    Chuyện đó đã rồi - Hồi đó đã xong

    Lại nghe chuyện si long gốc - lại nghe chuyện si mục cành

    Đẻ ra mường, ra nước"

    Những câu thơ trên trích trong sách "Đẻ đất đẻ nước Sử Thi Mường" - Đặng Văn Lung - Vương Anh - Hoàng Anh Nhân - 2012 - NXB Thông Tấn xã VN - 194 200.

    Từ sử thi "Đẻ đất, đẻ nước" sự ra đời của mây gió cây cối, muôn vật, đất, nước đều do sinh sản hữu tính qua bước giao hợp, thai nghén mà ra bởi hai yếu tố âm dương. Đến lượt đất và nước giao hợp với nhau thành ra sản phẩm đất - nước.

    Một số dân tộc khác còn có tục thờ mía trong các đám tang hay trở thành lễ vật trong đám cưới truyền thống. Trong các ngày lễ mừng cơm mới, họ còn có tục thờ lúa nương, với quan niệm cây lúa cũng có linh hồn, nếu chăm chỉ cầu khấn, lúa Mẹ sẽ gọi vía các lúa con về sinh sôi nảy nở, giúp cho cuộc sống của người dân thêm no đủ.

    Dân tộc Khơ Mú

    Người Khơ Mú có câu "Ruôi rít chi moong", có nghĩa là bỏ phong tục tập quán sẽ bị tàn lụi, để nhắc nhở mọi người phải biết quý trọng và giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Người Khơ Mú tôn thờ quả bầu. Trong tâm thức người Khơ Mú, quả bầu luôn mang lại những điều tốt lành cho họ. Khi trong nhà có người ốm đau, bệnh tật, người Khơ Mú mời thầy bói về làm lễ. Thầy bói thường có hình thức ma thuật là lấy cái áo chủ nhà trùm lên vỏ quả bầu khô, vì đây là vật đã sinh ra loài người nên nó rất thiêng liêng. Quả bầu đi vào trong tác phẩm văn học dân gian điển hình là sự tích "Quả bầu mẹ" để nói về cội nguồn người Việt.

    Hình tượng quả bầu Mẹ có nhiều hình thức diễn tả: Bọc trứng trăm con của Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra dòng con Việt. Trang sử thi Ramana của Ấn Độ có truyện nàng Xumati vợ vua Xagara sinh ra quả bầu chứa sáu vạn đứa con. Người Lào có quả bầu gọi là "Mác Nậm Tao Pung"..

    Đôi khi các dòng họ thờ totem không trùng tên, nhưng có một số dòng họ cùng thờ chung một totem như: Họ Quàng, Lự, Lường, Lộc đều cùng có kiêng kỵ giống nhau là không giết và ăn thịt hổ; họ Lò, Vi kiêng giết, ăn thịt rắn, lươn; họ Lương kiêng ăn to – nấm mọc trên các gốc cây đã đẳn trên rừng, và không đụng đến các gốc cây đó.

    Dân tộc Mường

    Cần biết - Với người Mường cư trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tín ngưỡng giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như sinh hoạt, lao động của họ.

    Các dân tộc miền núi phía Bắc có rất nhiều tín ngưỡng thờ phụng. Đối diện cuộc sống nơi núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, họ càng cần nhiều hơn niềm tin tâm linh, làm chỗ dựa để vượt qua những khó khăn. Trong số đó, phải kể đến các tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Mường.

    Tín ngưỡng dân gian đã tác động vào mọi mặt đời sống của người Mường, hình thành một hệ thống nghi lễ, phong tục tập quán bền vững trong sản xuất, đời sống xã hội và tâm thức, tình cảm, nếp nghĩ của mỗi người dân Mường. Tín ngưỡng đã đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống của con người và cộng đồng dân tộc. Sinh hoạt lễ hội diễn ra thường xuyên đã làm cho đời sống văn hóa tinh thần trở nên phong phú, góp phần quan trọng xây dựng kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc của người Mường. Trong đó có thể kể đến tín ngưỡng thờ vật tổ có ảnh hưởng vô cùng sâu đậm đối với người Mường.

    Tín ngưỡng thờ động vật

    Một số dòng họ Mường ở Thanh Sơn, Yên Lập nhận một con vật (chim hoặc thú) là tổ họ mình và kiêng không ăn thịt chúng, như: Họ Đinh Công, họ Hoàng (Yên Lập) thờ chó; họ Phùng (Yên Lập) thờ hổ; họ Hoàng (Thanh Sơn) thờ chim chóc gió.. Ở người Mường, tục thờ tô tem rất sâu đậm, hầu hết các họ đều thờ vật tổ. Nhiều nơi còn cắm cả tranh vật tổ lên mộ người chết.

    Cuộc sống nơi núi rừng hàng ngày đều đối mặt với các loài muông thú, đa phần các dân tộc đều cho rằng thú rừng như hổ, hươu, nai.. đều là những con vật linh thiêng, vừa là nguồn thức ăn quý giá, vừa là vật tế lễ, chứa đựng những sức mạnh siêu nhiên. Nếu thờ cúng, người đi rừng sẽ tránh được tai họa, có thêm sức mạnh.

    Ngoài động vật trong rừng, các vật nuôi trong nhà như trâu, bò, lợn, gà.. đều được cho là những con vật có linh hồn. Các bài văn nói trong đám tang cổ truyền của một số dân tộc có những đoạn kể tạ ơn các con vật đã gắn bó thân thiết với con người. Ví dụ khá độc đáo, người Mường có tục thờ Cóc, là loài đã có công gọi mưa và đem lại sự sinh sôi nảy nở cho dân bản, hình tượng cóc đã được đúc trên mặt các trống đồng ở Hòa Bình còn được lưu giữ đến nay. Trong các đám tang một số dân tộc, còn thấy xuất hiện các hình tượng cờ con cá, đại diện cho nước và cờ con hươu, đại diện cho trên cạn, cùng dẫn đường cho linh hồn người chết về với cõi trời.

    Tín ngưỡng thờ đá

    [​IMG]

    Người dân tộc thường thờ những hòn đá có hình thù kỳ lạ, liên tưởng đó là các vị thần, thánh đã giúp con người chinh phục thiên nhiên. Tục thờ đá được thể hiện rõ nét nhất ở trong lễ mừng nhà mới với các ông đầu rau (hòn nục chủ và hai hòn nục treo), thờ các vị chư thần thổ địa, thờ thần đá (bụt mọc).

    Tục thờ rắn của người Việt

    Tô tem Rắn và tục thờ rắn là một cách tôn thờ khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và mỗi nơi đều gắn với một thần tích, một sự huyền bí riêng nhưng chung quy lại, thần rắn là một biểu tượng gắn với nông nghiệp.

    [​IMG]

    Tục thờ Rắn là một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt và được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn liền với điều kiện sông nước, đầm phá, ao hồ, khe suối.. bản chất của cư dân nông nghiệp lại cần tới nước để tưới tiêu nên người ta rất tôn sùng nước và cần một thế lực đủ mạnh để cai quản nguồn nước, dẫn đến tục thờ rắn đại diện cho thủy thần. Trong quá trình phát triển của lịch sử, sự thay đổi về điều kiện địa lí và văn hóa xã hội, tín ngưỡng thờ rắn đã được khoác thêm nhiều lớp văn hóa muộn hơn và ít nhiều có biến đổi cho phù hợp với từng khu vực, thời kỳ khác nhau. Không chỉ xem rắn với tư cách là thần, người Việt còn chọn rắn làm vật tổ. Nở ra trăm con.. đã phản ánh ít nhiều tại sao con người ta lại lấy rắn làm vật tổ.

    Cùng với thời gian và sự phát triển về ý thức, tín ngưỡng thờ vật tổ là cơ sở quan trọng của việc hình thành các biểu tượng về cái thiêng, thậm chí là con vật biểu tượng cho vương quyền. Đến đời Lý (1010 -1255), một điều liên quan mật thiết với rắn được thông qua hình tượng "con Rồng thời Lý", được chạm trổ ở các chi tiết kiến trúc, đại diện cho thế lực vương triều.

    Điều đáng nói ở đây con rồng thời Lý theo cảm nhận chủ quan của nhiều người cũng như các nhà khoa học, thực chất nó chỉ là một con rắn cách điệu từ con rồng trong dân gian (rắn lớn) đã có từ lâu đời. Đến thời Trần, Lê, rắn đã trở thành thần, thành hoàng được thờ phổ biến nhiều nơi ở các làng xã Việt Nam, xuyên suốt từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng châu thổ đến Trung du miền núi và được các triều vua sắc phong "Võ Sơn Long xà thượng thượng đẳng thần".

    Ở châu thổ Bắc bộ, tục thờ thần rắn cũng khá phổ biến, thể hiện qua hệ thống đền thờ rắn ở dọc theo các con sông lớn như: Sông Hồng, Sông Đuống, Sông Cầu, có đến 316 ngôi đền thờ thần rắn. Điều đặc biệt là các ngôi đền này đều thờ một cặp rắn: Ông Dài, Ông Cụt như dân gian vẫn truyền (Ông Dài, Ông Cụt; Ông Dài, Ông Cộc hay là sự tích sông Kỳ Cùng chính là sự tích dân gian kể về cặp thần rắn làm phúc cho người dân ở bên bờ nam sông Kỳ Cùng, chỗ chân cầu tỉnh lỵ Lạng Sơn). Qua các di tích, lễ hội như: Thần tích và hội làng Linh Đàm thờ vị thủy thần Bảo Ninh (Người dân nơi đây vẫn tự hào về ngôi đình, về Thành hoàng làng là học trò của Chu Văn An vạn thế sư biểu (Người thầy của muôn đời) có tên là Bảo Ninh Vương. Theo truyền thuyết là một vị thủy thần có công làm mưa chống hạn cho dân làng. Sự tích về thủy thần có thể là huyền thoại nhưng cũng là một thực tế gắn liền với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước ở nước ta), Hội làng Thủ Lệ, Hội làng Nhật Tân (thờ Uy Linh Đại Vương, vốn là anh cả của bảy anh em rắn thần, sau đó đầu thai làm hoàng tử Uy Đô Linh Lang) cũng thể hiện những dấu vết của tín ngưỡng thờ rắn, Hội làng Yên Nội ở Từ Liêm, Hà Nội thờ Thổ Lệnh Bạch Hạc Tam Giang; Hội làng và truyền thuyết Thánh Tam Giang ở Bắc Ninh..

    [​IMG]

    Với khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ, rắn cũng là một vị thần được thờ chính của bà con dân tộc Chăm ở khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, với hình tượng con rắn thần Naga được tượng trưng cho sức mạnh của thần Si Va. Người Khơme Nam Bộ cũng cũng thờ thần rắn Naga của người Chăm Nam trung Bộ nhưng người Khmer thờ thần rắn với niềm tin thần là người làm chủ nguồn nước, sẽ tạo ra mưa thuận gió hòa cho các cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á (Naga cũng có nghĩa là thần mưa, tạo mưa cho vạn vật sinh sôi).

    Khu vực Miền Trung bộ, tín ngưỡng thờ thần rắn cũng được nhiều dân tộc tôn thờ và xem đó là một con vật hết sức linh thiêng, có thể hô phong hoán vũ. Người Mường ở Thanh Hóa có một ngôi đền thờ thần Rắn được biết đến hiện nay ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ. Tại đây có một dòng suối rất nhiều cá gọi là suối Cá Thần. Tương truyền, cá ở đây do một thần Rắn bảo hộ, che chở. Người dân tin rằng, ai làm hại tới những con cá sống ở đây thì sẽ chuốc lấy những hậu quả khôn lường.

    Trong khi đó, ở Nghệ An cũng có rất nhiều đền thờ rắn, chỉ tính riêng địa bàn 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành có tới 9 ngôi đền thờ thần rắn, song có 3 ngôi đền, tiểu biểu gắn với tục thờ thần rắn rất rõ nét và đó là đền Canh ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Đền Sò (nay thuộc thị trấn Diễn Châu) và đền Đức Thánh Cả (đền thần rắn) ở xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu.

    Ở Đình làng Phú Bài, xã Thủy Phù, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế cũng lập bài vị thờ Ông Dài, Ông Cụt. Theo truyền thuyết, đây là hai con rắn, một dài một cụt vốn là con của thần Gió từng hiển linh giúp đỡ dân làng, đem lại mưa thuận gió hòa, nên được dân làng tưởng nhớ, tôn xưng là thủy thần. Điều đó cho thấy tục thờ thần rắn ở Việt Nam là một hiện tượng khá phổ biến.

    Trong tiếng Việt, rắn được thể hiện qua nhiều câu tục ngữ, thành ngữ, cao dao, có thể kể đến là:

    Cõng rắn cắn gà nhà: Chỉ sự phản phúc

    Khẩu phật tâm xà: Chỉ sự nham hiểm

    Khẩu xà tâm phật

    Đánh rắn phải đánh dập đầu

    Đánh rắn động cỏ (Đả thảo kinh xà)

    Rồng rắn lên mây

    Như rắn mất đầu: Không có người chỉ huy làm mất phương hướng

    Miệng hùm nọc rắn

    Tóm lại, tục thờ rắn là tín ngưỡng tự nhiên đã có từ lâu đời của người Việt. Xuất phát từ quá trình lao động, sản xuất và sự khao khát chinh phục và lý giải các hiện tượng tự nhiên, đi kèm với sự khao khát đó là mong muốn được bình an. Vì vậy, người ta đã nhân cách hóa rắn thành thần và cho đó là vật thiêng đại diện cho một thế lực có thể giải quyết được vấn đề mà con người chưa bao giờ lý giải được đó là sự sợ hãi trước hiện tượng tự nhiên và cứ thế người ta tập trung lại để cầu nguyện hàng năm, với các vật hiến tế, thậm chí là cả phụ nữ đồng trinh để dâng cho thần linh để làm sao cho con người tránh được mọi tai ương để có thể tồn tại.

    Cùng với đó các câu chuyện về rắn thần, rắn thiêng lần lượt được con người tạo dựng lên và lưu truyền và tiếp biến qua nhiều thế hệ thông qua cuộc sống lao động. Nhưng xét cho cùng, sự sùng bái tự nhiên là một ý niệm xuyên suốt để tạo ra cơ sở cho việc thờ thần rắn không những ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới.

    Vật tổ của một số dân tộc và quốc gia trên thế giới

    Rắn- vật tổ của nhiều dân tộc và quốc gia trên thế giới

    [​IMG]

    Tục thờ rắn hay tín ngưỡng thờ rắn là các hoạt động thờ phụng loài rắn. Rắn là loài vật được nhiều dân tộc trên thế giới tôn thờ. Hình tượng rắn được thờ phụng ở rất nhiều quốc gia, dưới nhiều hình thức khác nhau, người dân ở khắp các châu lục đều có tôn sùng và thờ phụng rắn. Nhiều nơi trên thế giới, con rắn được thần thánh hóa và tôn thờ và đi vào đời sống tâm linh. Ít có loài vật nào mà ý nghĩa biểu trưng phong phú như loài rắn. Rắn không chỉ là loài động vật sống trên khắp thế giới, nó còn là biểu tượng cho nước, lửa, linh hồn, nhục dục, đa nghi, cái thiện-ác, tà-thần.

    Tục thờ rắn là một hình thái tín ngưỡng nguyên thủy, ra đời trong thời kỳ mà con người chưa tách mình ra khỏi tự nhiên, nhận thức về tự nhiên còn thấp, các ý nghĩa biểu trưng của hình tượng rắn phần lớn chính là sự mô phỏng hiện thực tự nhiên[1] . Hình tượng rắn không chỉ xuất hiện trong hầu hết các nền văn hóa mà còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau, đôi khi đối lập nhau. Rắn là con vật đa diện, tùy theo quan niệm từng dân tộc và tôn giáo mà nó là loài biểu tượng cho cái ác hay cái thiện[2], rắn là một hình tượng vô cùng phức tạp và nhiều vẻ.

    Hình tượng rắn không chỉ xuất hiện trong hầu hết các nền văn hóa mà còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau, đôi khi đối lập nhau. Rắn biểu trưng cho cả giới tính nam lẫn nữ, hay là một vị thần sáng thế, biểu trưng cho vũ trụ thời hỗn mang nhưng đôi khi lại là một thành viên hay vị thần bảo hộ của gia đình, là nguồn nước và cũng là lửa, là vị phúc thần và ác thần, điều tốt và cái xấu, tượng trưng cho sự sống bất tử và cái chết, dương thế và âm ty, sự hủy diệt và tái sinh, nhục dục và tội lỗi.

    Ai Cập

    [​IMG]

    Một trong những quốc gia cổ xưa nhất được ghi nhận về sự hiện diện của tín ngưỡng thờ rắn là quốc gia Ai Cập. Người Ai Cập cổ xem rắn là một con vật linh thiêng, như một vị thần tối linh. Rắn biểu trưng cho sự khôn ngoan, thiêng liêng, cho nguồn năng lượng và sự sáng tạo, sự tái sinh, bất tử, vĩnh cửu. Người Ai Cập cổ đại tôn sùng và thờ cúng hàng trăm vị thần. Trong số này, họ đặc biệt sùng bái loài rắn vì loài vật này tượng trưng cho vị thần mùa màng quyền lực có tên Renenutet.

    Theo các ghi chép, nữ thần Renenutet của người Ai Cập thời cổ đại mang hình hài của một phụ nữ đội vương miện và có đầu rắn. Nữ thần Renenutet là vợ của thần Sobek - vị thần cai quản sông Nile nổi tiếng trong đời sống của người dân ở Ai Cập. Là vị thần của mùa màng và sự sung túc ấm no, nữ thần Renenutet được người Ai Cập tôn sùng và xây dựng nhiều đền thờ trên khắp đất nước. Cứ vào mùa thu hoạch, người Ai Cập thực hiện tế lễ và dâng các lễ vật cho thần Renenutet để bày tỏ sự biết ơn.

    Loài rắn không chỉ gắn liền với nữ thần Renenutet mà còn được người dân Ai Cập ướp xác.

    [​IMG]

    Trong đó, các chuyên gia tìm được một số xác ướp rắn hổ mang. Theo các kiểm tra, những xác ướp rắn hổ mang thường bị gãy xương sống. Chúng bị giết chết trong các nghi lễ. Trong quá trình ướp xác, nó được con người loại bỏ hoàn toàn chất độc ở nanh. Người Ai Cập làm như vậy vì tin rằng khi xác ướp con người mai táng cùng rắn thì sẽ không bị con vật này giết chết bằng nọc độc khi sang thế giới bên kia.

    Tín ngưỡng thờ rắn Ai Cập được ghi nhận là cổ xưa nhất, những con rắn đã nhập vào các tôn giáo Ai Cập như một biểu tượng của thánh thần, của sự mê hoặc, đôi khi nó được tin như một lời sấm, lời tiên tri, thậm chí là một đấng tối cao ví dụ như Atum là một vị thần nguyên thủy đã được biểu trưng dưới hình thức người rắn.. Thời cổ xưa, người Ai Cập cho rằng rắn là thần hộ mạng cho các vị vua chúa. Trên các vương miện của các pharaoh Ai Cập đa số đều có chạm trổ hình rắn Naja bằng vàng hay bằng ngọc. Điều này được lý giải là tượng trưng cho nữ thần hiền lành, có khả năng phù hộ cho nhà vua.

    Dấu vết của tín ngưỡng này còn được tìm thấy qua các hình vòng tròn, quả cầu được chạm khắc trên hầu hết các cổng ngôi chùa ở Ai Cập (người Ai Cập quan niệm thế giới như một vòng tròn, con rắn đi xuyên qua tâm theo chiều ngang biểu trưng cho sự giao nhau bởi vũ trụ và đất liền). Truyền thuyết Ai Cập thường xem rắn như là một vị thần linh tối cao, vị thần hộ mạng cho các nhà vua, do đó trên các vương miện của các vua pharaoh Ai Cập đều có chạm trổ hình rắn Naja bằng vàng hay đá quý. Ouroboros hay Oroboros là con rắn hay con rồng cắn đuôi của chính nó theo chiều kim đồng hồ (tính từ đầu tới đuôi) vẽ thành vòng tròn, tượng trưng cho chu trình sống, chết và tái sinh, dẫn tới sự bất tử.

    Rắn hổ mang Ai Cập (danh pháp hai phần: Naja haje) là một loài rắn hổ mang phân bố tại châu Phi. Đây là một trong những loài rắn hổ mang bản địa lớn nhất châu Phi, lớn thứ nhì chỉ sau loài rắn hổ mang rừng rậm.

    Truyền thuyết ở Ai Cập cũng có kể về Apep (trong tiếng Hy Lạp còn gọi là Apophis) là một con trăn biển khổng lồ độc ác, kẻ cai trị bóng đêm và sự hỗn loạn của Ai Cập. Ánh sáng chân lý của nữ thần Ma'at làm cho con quỷ sợ. Apep bị xóa bỏ khỏi tín ngưỡng Ai Cập cổ bắt đầu từ thời kỳ Ai Cập cổ đại vì cho rằng không thể thờ một con quái vật độc ác thế này được. Một lần, thần Ra đang đi trên thuyền Barque thì bất ngờ sóng lớn nổi lên, một con trăn biển khổng lồ chắn ngay trước mũi thuyền. Ra ra lệnh cho con quái vật đi chỗ khác nhưng nó không nghe. Ra liền phóng một mũi lao vào con quái vật. Nó ré lên và tấn công vào con thuyền của Ra. Theo người Ai Cập, khoảnh khắc mà ra đánh nhau với Apep chính là bắt đầu từ lúc chập tối đến sáng. Khi Ra gặp con quái vật này là lúc mặt trời lặn. Còn khi con quái vật rút lui là mặt trời lên.

    Hy Lạp

    Trong thần thoại Hy Lạp rắn thường gắn với các địch thủ nguy hiểm chết người, nhưng điều này không có nghĩa rằng rắn là biểu tượng của điều ác độc; trên thực tế rắn là biểu tượng gắn liền với đất hay âm phủ. Con rắn chín đầu Lernaean Hydra mà Hercules đánh bại và ba chị em Gorgon đều là con của Gaia, nữ thần đất. Medusa là một trong số ba chị em Gorgon mà Perseus đã đánh bại. Medusa được mô tả là một vị thần bất tử gớm ghiếc, với mái tóc là những con rắn và có phép thuật biến những kẻ đàn ông thành đá chỉ bằng ánh mắt. Sau khi giết chết Medusa, Perseus đã dâng đầu nàng cho Athena để gắn vào chiếc khiên che ngực gọi là Aegis. Các Titan cũng được mô tả là có các con rắn thay vì có chân vì cùng một lý do-họ đều là con của Gaia với Ouranos (Uranus), vì thế họ cũng gắn liền với đất.

    Đặc biệt là y học dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh tật. Theo thần thoại cổ Hy Lạp, vị thần Esculape, con trai của thần Apollo được xem là ông tổ ngành y dược, trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đưa cây gậy ra, con rắn bám lấy và bò lên quấn quanh cây gậy của ông. Thấy vậy, thần Esculape (Asclepius) lấy cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn. Nhưng, một con rắn khác bò tới, miệng ngậm thảo dược để cứu con rắn kia. Cũng từ đây, ông tìm kiếm các loại cây cỏ trên núi để chữa bệnh cứu sống con người.

    Trung Quốc

    Ở Trung Quốc tồn tại từ lâu hình tượng thần Phục Hy đầu người đuôi rắn, thần Nữ Oa đầu người mình rắn. Nước này còn có truyền thuyết Bạch Xà truyện (白蛇傳), còn có tên là Hứa Tiên và Bạch Nương Tử (許仙與白娘子) là một trong bốn truyền thuyết dân gian lớn của Trung Quốc. Câu chuyện ra đời vào thời Nam Tống hoặc sớm hơn và được lưu truyền rộng rãi dưới thời nhà Thanh, là sản phẩm sáng tác tập thể của dân gian Trung Quốc. Nội dung Bạch Xà truyện miêu tả câu chuyện tình yêu giữa một Bạch xà tinh tu luyện thành người (Bạch Nương Tử) và một chàng trai ở trần gian (Hứa Tiên). Câu chuyện đã nhiều lần được chuyển thể thành Kinh kịch, phim điện ảnh và phim truyền hình mà nổi bật là bộ phim Truyền thuyết Bạch Xà.

    [​IMG]

    Ấn Độ

    Rắn là một hình ảnh quen thuộc trong thần thoại Ấn Độ, tiêu biểu cho những huyền thoại đó phải kể đến rắn Naga. Vị thần rắn trong Ấn Độ giáo có tên gọi là Naga. Rắn được xem như biểu tượng của sự bất tử, được kính trọng như con vật linh thiêng. Người Ấn còn dành riêng cho rắn ngày tết vào tháng 8 hàng năm. Đối với người Hindu, rắn như một biểu tượng của thần thánh và đi sâu vào tôn giáo của người Balamon với lễ hội của rắn. Rắn Naga là biểu tượng của linh vật bảo vệ tôn giáo, cội nguồn của sự sống và cái chết.

    Rất nhiều địa danh được lấy tên từ âm hưởng của rắn Naga. Đối với người Hindu, rắn được coi như thần thánh. Tín ngưỡng thờ rắn của người Hindu còn được thể hiện trong điêu khắc, với hình ảnh các vị thần cầm rắn trên tay hay để rắn quấn ngang mình. Hình ảnh thường thấy ở các đền đài Ấn Độ là vị thần cầm rắn trên tay hay để rắn quấn quanh mình. Trên các mái, vách của các ngôi đền, hang động cổ, người ta cũng tìm thấy những hình ảnh rắn được chạm khắc tương tự. Không chỉ những hình ảnh, tượng trong đền đài, rắn còn hiện hữu trên cả những trang sức của người dân.

    Đông Nam Á

    [​IMG]

    Ở Đông Nam Á, tục thờ rắn cũng rất phổ biến. Trong nghệ thuật kiến trúc cũng như đời sống tâm linh của dân tộc Khơ-me hay các bộ tộc Lào thì rắn lại được tôn vinh như những đấng Thần linh. Rắn Thần Naga một đầu hoặc bảy đầu thường thấy ở các công trình kiến trúc chùa chiềng. Ở Thái Lan, có những ngôi làng rắn ngày càng trở nên thân thiện với con người. Với người Thái Lan, rắn là hồn của âm vật, là thần mẹ. Trong văn hóa tâm linh, rắn là vật linh thiêng, mang lại may mắn cho con người, vì thế ở đền thờ Thái Lan có rất nhiều đền thờ rắn. Rắn trong đền thờ ở Thái Lan với hình ảnh rắn trên bậc thang cũng thường thấy.

    Trong tín ngưỡng dân gian của người Campuchia, họ thờ cúng thần rắn Naga, Naga có vai trò rất quan trọng, phổ biến trong tín ngưỡng ở Campuchia. Naga không đơn thuần là một vị thần tối thiêng mà còn đồng nghĩa với tính liên tục của lịch sử đất nước này. Họ thờ cúng một cách phổ biến thần đất và thần nước. Biểu tượng của những sức mạnh thiên nhiên, những sức mạnh có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên đất nước này là một con rắn chín đầu gọi là Naga.

    Người Khmer vốn có tín ngưỡng thờ rắn Naga chín đầu. Rắn chín đầu là biểu tượng cho thần đất và thần nước. Sau này, do ảnh hưởng của đạo Bà la môn, rắn còn mang biểu tượng nguồn gốc các vị vua lập quốc. Vì thế, các vị vua Khmer thường cho xây dựng các cung điện và đền thờ lớn bằng đá, mà rắn Naga được xem là vị thần canh giữ, chúng xuất hiện trên cầu thang, các lối đi, trên ngưỡng cửa hoặc trên các mái tháp để xua đuổi tà ma. Trong kiến trúc nhiều ngôi đền cổ của người Khmer, hình ảnh cầu vồng và rắn Naga tượng trưng cho cầu nối giữa trần gian và cõi Niết bàn.

    Đền thờ rắn thuộc tỉnh Sungai Kluang trên đảo Penang của Mã Lai, là ngôi đền thờ được xây dựng là nơi tập trung của rất nhiều loài rắn độc, từ hổ mang cho đến rắn lục với những con rắn đủ loại bám trên các xà nhà, đậu trên cây hay trong các bàn thờ, tượng, các bậu cửa, bình hoa. Theo truyền thuyết, ban đầu đền thờ này chỉ là một am nhỏ do một nhà sư xây dựng. Sau đó nơi đây có rất nhiều loài rắn lục về cư ngụ bởi không khí ẩm ướt và cũng có rất nhiều đồ ăn được dâng cúng. Người Malaysia tin rằng, loài rắn có mặt ở đền là để bảo vệ, giữ gìn sự tôn nghiêm. Các loài rắn ở đây đều có độc nhưng chưa ghi nhận một trường hợp nào bị rắn cắn, dù có người đã mạo hiểm sờ vào rắn.

    [​IMG]

    Trong lễ hội, người Hindu chia phần gạo của mình cho các con rắn với hy vọng điều này sẽ giảm bớt những rủi ro và mang lại những điều tốt đẹp. Ở một số nơi thuộc Bengal, người ta tổ chức lễ hội rắn bằng nhiều cách khác nhau, nhưng thờ rắn được tổ chức hàng năm vào ngày cuối cùng của tháng Sravana Bengal (tháng 7 đến tháng 8). Các gia đình đều nặn một mô hình nữ thần đất sét hình đôi rắn có vành mũ trùm trên vai, thờ trong nhà, và một con dê hay lợn sẽ làm vật hiến tế. Trước khi nữ thần đất sét ngập trong nước ở phần cuối của lễ hội, rắn đất sét được gỡ bỏ khỏi vai nữ thần. Người dân tin rằng việc làm này sẽ giúp họ chữa khỏi bệnh tật, đặc biệt là bệnh trẻ em.

    Trong thần thoại, những con rắn thần được coi là Naga, đôi khi có biểu tượng là đầu người mình rắn. Những con rắn thần nổi tiếng là rắn Sêsa (hay Ananta) đã cuộn mình nổi trên biển vũ trụ để đỡ cho thần Visnu khi tạo dựng vũ trụ, rắn Vasuky dùng mình làm dây kéo quanh cột núi Mêru trong huyền thoại khuấy biển sữa. Hình tượng thần Visnu được miêu tả thông thường nhất là Visnu nằm nghỉ trên mình con rắn thần Sesa bồng bềnh trên mặt biển Ananta (vô biên). Trong kinh Vêđa, hình tượng rắn thần Vritra con rồng xưa nay uống sạch các nguồn nước được miêu tả như một vị thần canh giữ những dòng sông. Nó chiếm và uống sạch các nguồn nước, làm cho mặt đất khô cạn. Cho đến khi nó bị thần Inđra tiêu diệt thì các dòng sông lại được khơi thông.

    Tục thờ Bò

    Tục thờ Bò hay tín ngưỡng thờ Bò hay còn gọi là thờ Thần Bò hay đạo thờ Bò là việc thực hành các tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến việc thờ cúng con bò, thuộc hệ tín ngưỡng thờ động vật. Con bò gắn liền với tín ngưỡng thờ phượng xuất phát từ sự gần gũi và vai trò to lớn của nó trong đời sống của con người. Bò là linh vật biểu tượng có sức ảnh hưởng lớn đến các nền văn minh lớn trên thế giới như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Hy Lạp cũng như trong văn hóa một số bộ tộc người da đỏ ở Bắc Mỹ, nó còn là vật thánh thiêng và được thờ phụng (hoặc từng được thờ phụng nhưng nay không còn thờ) trong các tôn giáo lớn trên thế giới như Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.

    5. Ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng vật tổ

    Vật tổ hay tô-tem là vật thể, ý niệm hay biểu tượng linh thiêng có ý nghĩa đối với một cộng đồng người nhất định. Tín ngưỡng thờ cúng vật tổ giúp chúng ta hình dung được về cội nguồn dân tộc, tổ tiên của mình đồng thời những tri thức về tín ngưỡng thờ cúng vật tổ sẽ giúp chúng ta có thêm năng lực để lựa chọn cách diễn giải phù hợp với những hiện tượng Totem hoặc tương tự như vậy vẫn còn đang hiện tồn trong đời sống văn hóa- xã hội ở Việt nam, nhất là ở những tộc người thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...