Lễ nhập Kut của người Chăm Ahier - Tổng quan tư tưởng tín ngưỡng tôn giáo của Chăm Bà la môn

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Nguyễn Ngọc Minh, 13 Tháng mười 2023.

  1. Nguyễn Ngọc Minh

    Bài viết:
    10
    LỄ NHẬP KUT CỦA NGƯỜI CHĂM BÀ LA MÔN - KỲ 1: TỔNG QUAN TƯ TƯỞNG VỀ TÍN NGƯỠNG - TÔN GIÁO

    Trên đất nước Việt Nam này, chúng ta đã biết có 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên khắp 63 tỉnh thành. Mỗi dân tộc đều có những phong tục, văn hóa, nếp sống, tín ngưỡng độc đáo riêng biệt. Trong đó, người Chăm theo đạo Bà La Môn ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận có đời sống tín ngưỡng-tâm rất linh phong phú và đặc sắc. Ngôn ngữ, kiến thức về nghệ thuật truyền thống, và tâm linh của họ đã làm phong phú và đa dạng hóa văn hóa quốc gia. Tuy vậy, chưa nhiều người được biết đến những nét văn hóa - tín ngưỡng đặc biệt này của Chăm Ahier. Vì vậy, để góp phần giới thiệu về văn hóa của người Chăm Bà La Môn, tôi xin phép được đăng những bài viết tổng hợp về một vài thông tin tôi đã tìm hiểu được về người Chăm Ahier thông qua các đề tài nghiên cứu, và đặc biệt là sách NGHI LỄ VÒNG ĐỜI CỦA NGƯỜI CHĂM AHIÊR Ở NINH THUẬN, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 2006 của giáo sư Phan Quốc Anh. Và vì năng lực có hạn nên bài viết của tôi chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót. Mong các bạn đọc đóng góp ý kiến để tôi có thể đưa ra những bài viết có chất lượng tốt hơn cho cộng đồng.

    Đầu tiên, trước khi tìm hiểu sâu về Lễ Nhập Kut của người Chăm Bà La Môn, ta sẽ đi từ việc tìm hiểu tống quan tư tưởng về tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm Bà La Môn. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu sơ lược về thếdân tộc Chăm ở Việt Nam, thế giới quan, cũng như quan niệm về cõi sống-cõi chết của người Chăm Ahier.

    Giới thiệu sơ lược về cộng đồng Chăm ở Việt Nam.

    Người Chăm, người Chăm Pa hay người Degar-Champa (tiếng Chăm: Urang Campa ; tiếng Khmer: ជនជាតិចាម, Chónchèat Cham ;tiếng Thái: ชาวจาม; tiếng Lào: ຊາວເຜົ່າຈຳ), còn gọi là người Chàm, người Chiêm, người Chiêm Thành, người Hời, người Cham, là một sắc tộc thuộc nhóm chủng tộc Austronesia (người Nam Đảo) có nguồn gốc từ Đông Nam Á hiện cư ngụ chủ yếu tại Campuchia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Hoa Kỳ. Từ thế kỷ 2 đến giữa thế kỷ 15, người Chăm cư trú tại Chăm Pa, một lãnh thổ tiếp giáp của các quốc gia độc lập ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Họ nói ngôn ngữ Chăm, thứ ngôn ngữ mà trước đây vẫn được người Chăm nói, và ngôn ngữ Tsat được dùng bởi con cháu người Utsul của họ trên đảo Hải Nam của Trung Quốc, hai ngôn ngữ Chamic từ ngữ tộc Mã Lai-Đa Đảo của ngữ hệ Nam Đảo. Người Chăm và người Mã Lai là những dân tộc Nam Đảo lớn duy nhất định cư ở lục địa Đông Nam Á thời kỳ đồ sắt trong số những cư dân Nam Á (Austroasiatic) cổ hơn.

    Người Chăm ở Việt Nam sống chủ yếu ở các tỉnh Tây Nam như Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Gia Lai.. Người Chăm ở nước ta chủ yếu được phân thành 3 cộng đồng tôn giáo chính là người Chăm Ahiér (Chăm Bà la môn giáo), người Chăm Awal (Chăm Hồi giáo cũ) và người Chăm Islam (Chăm Hồi giáo mới). Mỗi cộng đồng tôn giáo có nét sinh hoạt tín ngưỡng khác nhau và tôn trọng lẫn nhau. Trong văn hóa Chăm, chế độ mẫu hệ là một đặc điểm tồn tại trong lịch sử cho đến ngày nay.

    [​IMG]

    (Người Chăm tại Lễ hội Kate)

    Vài nét về thế giới quan của người Chăm Ahier.

    Người Chăm là dân tộc theo chế độ mẫu hệ, đề cao các yếu tố và vai trò của phái nữ. Vì vậy, đạo Bà la môn nguyên bản đề cao tính dương và vai trò của đàn ông sau khi du nhập vào cộng đồng người Chăm đã có nhiều sự biến đổi. Sau đây là những quan niệm về thế giới và vũ trụ của cộng đồng người Chăm Bà la môn.

    Đầu tiên, là quan niệm về Đấng tạo hóa. Người Chăm với chế độ mẫu hệ luôn coi mẹ xứ sở Po Ina Nagar là đấng sáng tạo ra vũ trụ và sự sống muôn loài (khác với kinh Veda, xem thần Brahma là thần sáng tạo tối cao). Theo như quan niệm lưỡng hợp âm-dương (yin-yang), thì bên cạnh mẹ xứ sở đại diện cho tính âm, có thần Yang Po, Yang Amư (thần trời, thần cha) đại diện cho tính dương cũng được coi là thần tạo hóa, còn Po Păn là thần cai quản các vị thần, trông coi công việc thiên giới. Trong hầu hết các nghi lễ của người Chăm, ba vị thần trên luôn được thỉnh mời đầu tiên. Những đấng tạo hóa này sinh ra ba tầng vũ trụ Thiên-Địa-Nhân. Quan niệm về ba tầng vũ trụ của người Chăm rất rõ ràng, thể hiện ở trong bùa chú, trong các nghi lễ dân gian, nghi lễ tôn giáo và cả trong những lễ vật dâng cúng.

    [​IMG]

    (Mẹ xứ sở Po Ina Nagar)

    Thứ hai, chính là quan niệm về âm-dương lưỡng hợp như đã đề cập. Quan niệm về âm dương lưỡng hợp được thể hiện rõ trong đời sống tín ngưỡng của người Chăm, thể hiện từ màu sắc sáng tối cho đến hình dạng của từng vật thể nhỏ nhất.

    Sau đây là một vài ví dụ cho quan niệm âm dương lưỡng hợp của người Chăm Ahier: Mặt trời (dương) -Mặt trăng (âm) ; Trời (dương) -Đất (âm), Linga (dương) -Yoni (âm) ; Hướng Bắc, hướng Đông (dương) -Hướng Nam, hướng Tây (âm) ; quả cau (dương) -lá trầu (âm) ; cõi sống (dương) -cõi chết (âm) ;..

    [​IMG]

    (Khối trụ Linga tượng trưng cho sinh thực khí nam-dương và

    Bệ đá Yoni tượng trưng cho sinh thực khí nữ-âm ở thánh địa Mỹ Sơn)

    Trong giáo lý, giáo luật và lễ nghi tôn giáo của người Chăm Ahier cũng thể hiện rõ quan niệm âm dương lưỡng hợp, như việc lễ hội Kate là cúng cha, thuộc tính dương nên sẽ được cúng vào tháng 7 "nam thất" là tháng thuộc dương, phải cúng vào ban ngày (dương) và cúng món chay, trong khi đó lễ Chabul cúng mẹ, thuộc tính âm được cúng vào tháng 9 "nữ cửu" và phải cúng vào buổi chiều, phải vào giờ âm trong ngày và phải vào hạ tuần trăng của tháng. Và vì âm dương lưỡng hợp, người Chăm quan niệm rằng vị thầy thuộc dương thì phải làm lễ cho âm, còn thầy thuộc âm thì phải làm lễ cho dương. Theo quan niệm ấy, âm dương là hai yếu tố hài hòa tạo nên tự nhiên và sự sống.

    Người Chăm cũng rất chú trọng về các phương hướng và cũng tuân theo quan niệm âm dương. Theo đó, hướng Đông là hướng mặt trời mọc, là hướng của sự sống (dương). Vì vậy, hầu hết các tháp Chăm cũng như khuôn viên nhà cổ truyền đều có cổng hướng về phía Đông. Ngược lại, hướng Tây là hướng "chết" (âm) nên trong nhà lễ tang, hai cây chà gặt phân ranh giới Đông-Tây. Điều này cũng phù hợp với quan niệm của hầu hết các dân tộc khác trên thế giới, cho rằng hướng "sống" là phía mặt trời mọc. Hướng chết là hướng mặt trời lặn "khuất núi". Linh hồn người chết bao giờ cũng theo hướng mặt trời lặn.

    Về hướng Bắc-Nam trong quan niệm của người Chăm khá phức tạp. Theo tư liệu điền dã của nhà nghiên cứu Phan Quốc Anh, trong nghi lễ sinh đẻ, người mẹ khi sinh con phải ngồi quay đầu về hướng Bắc, để cho đầu thai nhi lọt ra về hướng Nam (hướng "sống" – dương). Trong nghi lễ tang ma, người chết cũng được đặt đầu quay về hướng nam là hướng "chết". Vì thế, nhà nghiên cứu Phan Quốc Anh đã cho rằng phương hướng trong nghi lễ vòng đời của người Chăm Bà la môn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và tuân thủ theo vòng luân hồi. Khi sinh đẻ, thai nhi quay đầu hướng Nam (hướng sự sống cho người sống) và đến khi chết, người chết lại được đặt quay đầu về hướng nam (hướng chết đối với người chết, nhưng cũng là hướng sống vì tang lễ là lễ "tái sinh"). Vì vậy hướng Nam vừa là hướng của sự sống dành cho người sống, vừa là hướng chết cho người chết và với quan niệm tái sinh thì đó lại là hướng sống. Điều này phù hợp với quan niệm âm dương chung: Hướng nam là hướng dương.

    Quan niệm về cõi sống và cõi chết.

    Người Chăm từ xa xưa đã coi cuộc sống trên trần gian là một nơi cư ngụ tạm bợ. Họ quan niệm mọi người từ thế giới bên kia đến cõi trần như một "chuyến đi buôn" rồi lại về thế giới bên kia, thế giới vĩnh hằng. Có lẽ là vì quan niệm này, nên trong các nghi lễ vòng đời người Chăm, những nghi lễ khi con người sống (trừ nghi lễ cưới xin) không được coi trọng.

    Quan niệm về hôn nhân của người Chăm Bà la môn chịu sự chi phối của tàn dư chế độ mẫu hệ, theo đó người chăm coi huyết thống là theo dòng họ mẹ nên không được kết hôn với những người có thờ chung một kut theo dòng họ mẹ (cùng thờ chung một chiet atơw ). Đến nay, người Chăm Ahier chỉ được kết hôn với người Chăm Ahier, nếu không tuân thủ thì khi chết, sẽ không được làm lễ tang dành cho người chết "trọn vẹn", không được "giải thoát" và không được làm lễ nhập kut với tổ tiên.

    Đối với cấu trúc của linh hồn, thì người Chăm quan niệm ở con người đang sống có hồn (Sswan ) và vía (Thơp hay sak, người Chăm còn có thuật ngữ Binguk yawa – có nghĩa là bóng vía ). Khi có người chết, nếu ông thầy không yểm bùa để bắt giữ hồn lại thì sẽ trở thành vong hồn (Ssuanthợp ). Nếu người chết không bình thường và không được thực hiện các lễ thức cúng vái thì vong hồn biến thành hồn ma (phat) quay lại quấy phá. Người Chăm rất sợ hồn ma (phat) hay vong hồn chết trẻ (prauk patra ). Và, để giải thoát cho những vong hồn này, người Chăm phải tiến hành làm các nghi lễ như "lễ trả nợ lâu đời" (chuai) trong lễ "múa lớn" (Rija praung). Trước khi người chết tắt thở, gia đình phải đặt người chết nằm dưới đất vì người Chăm quan niệm con người sinh ra từ đất mẹ, nếu không, hồn người chết sẽ bị bắt đi. Vì vậy, nếu chết ở trên giường, phải mời thầy pháp (gru tiap bhut) đến làm lễ gọi hồn (Ew angan Sswan ). Tùy theo từng "loại chết" mà có những quy định làm lễ tang phù hợp. Nếu làm không đúng mọi quy trình nghi lễ, người chết không những không tái sinh mà còn thành hồn ma về gây mọi tai họa cho gia đình và dòng tộc.

    Người Chăm rất coi trọng con số, đặc biệt là những con số 3 - 5 - 7 - 9. Những con số này thường xuyên xuất hiện trong các nghi lễ nhưng với những nguyên tắc chặt chẽ và nhất quán, thể hiện ở số lượng, chất liệu, tính chất lễ vật, đồ cúng tế, công cụ làm lễ, số lần khấn vái và các động tác hành lễ, thậm chí thể hiện ở cả số lượng cột, số lượng bếp, số lượng ông táo..

    Những con số khác nhau tùy theo những lễ thức khác nhau và đều mang những ý nghĩa linhthiêng nhất định. Trong các nghi lễ Chăm Bàlamôn rất hay sử dụng con số 3 :3 trái trứng, 3 miếng trầu têm, 3 chén rượu, 3 vạch vôi, hình tam giác 3 cạnh, 3 bếp, khấn vái, nằm lạy 3 lần, tang lễ 3 ngày{a} v. V.. các thầy cả sư giải thích con số 3 tượng trưng cho 3 cõi thiên - địa - nhân trong vũ trụ. Con số 5 cũng xuất hiện thường xuyên trong các nghi lễ Chăm (ngoại trừ nghi lễ tang ma). Các nghi lễ thường làm 5 mâm cúng, trên các khay trầu cau trong lễ cưới cũng như các nghi lễ cho người đang sống bao giờ cũng để 5 miếng trầu têm, tăng lữ Bàlamôn có 5 cấp, khi người chết nằm trong nhà lễ tang phải thắp 5 ngọn nến. Người Chăm quan niệm con số 5 là tượng trưng cho 5 vị thần linh trong cơ thể con người: 1 đầu, 2 vai và 2 chân. Có nhiều ý kiến cho rằng con số 5 của người Chăm có thể chịu ảnh hưởng quan niệm "ngũ hành, ngũ phương" của Trung Quốc. Phó cả sư Hán Đô cho biết, con số 5 là con số biểu trưng của người Chăm Bàlamôn nên các nghi lễ của Bàlamôn bao giờ cũng thể hiện con số 5, con số 3 là biểu trưng của người Chăm Bàni nên trong các nghi lễ của người Chăm Bàni bao giờ cũng phải thể hiện con số 3 :3 miếng trầu cau, 3 mâm lễ.

    Trong "Tha áo nghĩa thư" có viết về Brahma: "Người là Phạn thiên, Nhân đà la, sinh chủ và tất thảy các thần, người là Địa - Thủy - Phong - Hỏa - Không - Ngũ đại; người là mọi nguyên tố hỗn hợp.."

    Đối với người Chăm Ahier, họ quan niệm thế giới bên kia có ba cõi ứng với ba tầng thiên - địa - nhân. Cõi thứ nhất là cõi thiên đàng ở trên trời, dành cho linh hồn những người "chết tốt", những người khi sống ở trần gian không có tội lỗi. Cõi thứ hai là cõi trần, khi chết được đầu thai trở lại làm người hay súc vật nào đó, tùy theo mức độ công lao, đạo đức hay tỗi lỗi khi sống ở trần gian theo thuyết luân hồi. Cõi thứ ba là địa ngục, dành cho linh hồn những người khi sống ở trần gian có nhiều tội lỗi. Trong ba cõi trên, cõi thiên dường trên trời cao có nhiều tầng được phân bố theo vùng đất của các thần mặt trăng, thần mặt trời, vùng sáng là dải Ngân hà, vùng tối là vùng vũ trụ cao nhất. Người Chăm có câu thành ngữ: Tachuh tan tanưh riya, tajuh tơh akarah. Có nghĩa là: "Bảy tầng địa ngục, bảy cõi thiên đàng".

    * * *
     
    LieuDuongMinh Hikari thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...