Tìm hiểu về hiện thực huyền ảo huyền thoại

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khunglongbietbay, 10 Tháng sáu 2023.

  1. khunglongbietbay

    Bài viết:
    41
    Hiện thực huyền ảo

    Về nguồn gốc chủ nghĩa hiện thực huyền ảo hay hiện thực huyền ảo, theo Lê Huy Bắc trong cuốn Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo & Gabriel Garcia Marquez, hai nghiên cứu: Lịch sử Mỹ Latinh (1992) của Edwin Williamson và Alejo Carpentier và thi pháp của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh (1975) của Carlos Rincon đã chứng tỏ rằng "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là sản phẩm của riêng khu vực Mĩ Latinh, xuất phát từ nhu cầu nội tại của hoàn cảnh lịch sử – văn hóa của vùng đất này" và theo đó, Carpentier được xem là người đầu tiên khai sinh ra chủ nghĩa này. Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc ra đời của chủ nghĩa này không hề dễ dàng, tương tự như việc xác định diện mạo của nó, vẫn còn tồn tại nhiều luồng ý kiến khác nhau.

    Về khái niệm, theo Lê Huy Bắc trong công trình Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo & Gabriel Garcia Marquez cho rằng: "Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là khuynh hướng văn học sử dụng các yếu tố huyền ảo, hoang đường.. làm cho hiện thực khác lạ, hấp dẫn người đọc, song đằng sau vẻ ly kỳ đó, tác phẩm vẫn đảm bảo một thực trạng cơ bản của thời đại" (2009, tr32).

    Về đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, xin mượn công trình của Lê Huy Bắc để tóm gọn vài đặc điểm như sau: Về phương diện đề tài, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo hướng đến những vấn đề mang tính hiện thực đậm nét chứ không phải những vấn đề về các lực lượng siêu nhiên hay thần bí. Song, vẫn có một số đề tài phổ biến là những vấn đề gắn với chiều sâu như lịch sử, tôn giáo.. và bề rộng của văn hóa, tất cả có mối liên quan đến cộng đồng, khu vực hay dân tộc. Theo tác giả Lê Huy Bắc, các đề tài thường gặp trong chủ nghĩa hiện thực có thể kể đến như: Cô đơn, tự do.. Nhưng trong đó bản thân cái huyền ảo không đứng ra và mình trở thành trung tâm như trong các tác phẩm văn học kì ảo mà nó chỉ xuất hiện như một yếu tố (bộ phận) đã được bao hàm trong đề tài ấy hoặc chỉ xuất hiện thông qua quá trình khảo sát đề tài. Về nhân vật, ngoại hình của các nhân vật trong trào lưu văn học hiện thực huyền ảo thường có tính nghịch dị, biến dạng, ma quái trộn lẫn giữa người, vật, thú.. Bên cạnh ngoại hình, các nhân vật sẽ có một đặc điểm dị biệt về suy nghĩ, tính cách.. hoặc sẽ có những chấn thương về mặt tâm lý, mặc cảm thực tại. Như thế, trong các tác phẩm có khuynh hướng hoặc thuộc chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, người đọc sẽ bước vào một thế giới có sự pha trộn lẫn lộn giữa những con người thật với thần linh hay ma quỷ. Về không - thời gian, Theo Lê Huy Bắc trong Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo & Gabriel Garcia Marquez nhận xét rằng: "Không gian, thời gian mang tính huyền thoại, không đầu không cuối, quay vòng để phát triển đến điểm tiếp tục quay vòng" (2009: 34). Lúc bấy giờ không gian, thời gian xáo trộn, thực hư lẫn lộn, điều đó vừa truyền tải các sự kiện khách quan mang tính biên niên sử, vừa tái hiện hồi ức, hoài niệm mang tính chủ quan.

    Tư duy huyền thoại

    Huyền thoại là một khái niệm được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Johan Degenar trong bài báo Các diễn ngôn về huyền thoại (Johan Degenar, 2007) đã phân tách ra ba kiểu diễn ngôn về huyền thoại: Tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại. Diễn ngôn tiền hiện đại không nói về huyền thoại như là huyền thoại mà nhấn mạnh huyền thoại như một hiện thực. Diễn ngôn hiện đại coi huyền thoại như một kiểu tự sự có thể được đánh giá theo nhiều cách khác nhau. Diễn ngôn hậu hiện đại khám phá sự phong phú trong chức năng của huyền thoại trong đó đặc biệt nhấn mạnh bối cảnh chính trị - xã hội mà huyền thoại được sử dụng.

    Nguyễn Thị Như Trang đã trong công trình "Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov" của mình rằng dẫu có rất nhiều định nghĩa, cách xác định nội hàm khái niệm "huyền thoại" được nêu ra, nhưng có thể thấy rõ ba hướng chính khi định nghĩa khái niệm này: Thứ nhất, nếu xét về từ nguyên, từ миф trong tiếng Nga hay "myth" trong tiếng Anh đều xuất phát từ "mythos" trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là lời nói, câu chuyện, việc kể chuyện, truyện kể, truyền thuyết, trong tiếng Latin nó có nghĩa tương ứng với từ fabula (chuyện kể, truyện hoang đường). Đặc điểm cần nhấn mạnh của "mythos" là tính mơ hồ cần được giải mã bởi nó chính là lời nói hoặc "liên quan đến lời nói", phân biệt với "logos" – minh xác, rõ ràng. Tóm lại, huyền thoại là lĩnh vực của cái phi thường, kỳ lạ, hoang đường; huyền thoại được hiểu như là cái kỳ lạ, lạ thường, hoang đường bao phủ lên câu chuyện. Nếu hiểu theo hướng này, khái niệm huyền thoại bị đồng nhất với cái kì ảo (fantastic), cái thần kì (magical). Thứ hai, huyền thoại được hiểu như là "câu chuyện dân gian cổ xưa về các anh hùng kiệt xuất, thần thánh về nguồn gốc của các hiện tượng tự nhiên" (Ожегов, 1978, tr. 325). Với nội hàm này, huyền thoại bị đồng nhất với thần thoại hoặc truyền thuyết - những thể loại trong văn học dân gian. Khái niệm myth/ mythe/ миф trong tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga được dịch sang tiếng Việt là thần thoại hoặc là huyền thoại. Thần thoại là cách chuyển ngữ khi hiểu khái niệm theo hướng huyền thoại bị đồng nhất với thần thoại. Huyền thoại là cách chuyển ngữ mở rộng nội hàm khái niệm, không chỉ hướng đến các câu chuyện cổ xưa, các huyền thoại cổ đại mà bao chứa cả huyền thoại hiện đại. Cuối cùng, với quá trình ra đời và phát triển mạnh mẽ của thể loại tiểu thuyết huyền thoại trong thế kỉ XX, các nhà nghiên cứu có cách hình dung khác về huyền thoại, tuy nhiên điểm chung là họ đều cho rằng huyền thoại là một hiện tượng tồn tại xuyên lịch sử, có mặt trong đời sống của các dân tộc trong suốt các thời đại lịch sử, một hình thức tri nhận xã hội, gắn liền với một kiểu tư duy. Khởi nguyên, huyền thoại là một phạm trù mang tính bản thể luận – đưa ra một quan niệm về thế giới, và dần dần hình thành một kiểu tư duy trong các tự sự mang tính huyền thoại. Mặc dù có những chuyện kể về thế giới chứa huyền thoại nhưng rõ ràng đó không phải là một thể loại bởi "thế giới quan huyền thoại được thể hiện.. không chỉ trong truyện kể mà còn trong các hình thức khác:. bài hát, vũ điệu.." (Аверинцев, С. С, Эпштейн М. Н, 1987, tr. 222). Nếu tồn tại như là một thể loại thì rõ ràng huyền thoại ngay từ đầu phải định hình những đặc trưng thể loại. (Nguyễn Thị Như Trang, 2012, 26)

    Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng chỉ có thể xác định huyền thoại với tư cách là một kiểu tư duy, tri nhận về thế giới và vũ trụ; nó lần lượt xâm nhập vào các thể loại, tạo ra những tác động và biến thái thể loại khác nhau. Tư duy huyền thoại về thực chất là hướng đến những mô hình và kiểu mẫu đã có từ trước. Bởi cốt truyện của huyền thoại thường tái tạo lại những sự kiện thần bí, những gì diễn ra vào thuở hồng hoang, những sự kiện tế lễ diễn ra vào thời nguyên thủy.

    Hiện thực huyền ảo huyền thoại trong văn học Nga

    [​IMG]

    Điều gì khiến chủ nghĩa hiện thực huyền ảo có thể trở nên phổ biến toàn cầu? Một trong những lý do chính khiến nó thu hút các nhà văn không thuộc Mỹ Latinh chính là khả năng mà qua nó có thể thể hiện một thế giới mục nát, nhiễu loạn và sự kinh ngạc trong chuyển đổi văn hóa. Các nhà văn phương Tây cũng giống như các nhà văn Mĩ Latinh, thích kết hợp tính siêu nhiên với các truyền thuyết địa phương có nguồn gốc từ văn hóa thực dân để đại diện cho nền văn hóa đã nhiều lần bị bất ổn bởi xâm lược, chiếm đóng và tham nhũng chính trị. Lần đầu tiên tiểu thuyết hiện thực huyền ảo du nhập tới Nga là vào năm 1970, khi tiểu thuyết Trăm năm cô đơn được dịch ra tiếng Nga, đăng trong tạp chí Văn học nước ngoài. V. Xton-bôp – một trong hai người dịch cuốn sách cũng hết sức ca ngợi nó trong lời bạt của cuốn sách. Nhà nghiên cứu Xô Viết V. Ku-tê-si-kô và nhận định rằng: "Đi vào nền văn học thế giới như một cơn lốc, tiểu thuyết" Trăm năm cô đơn "đã đem đến cho nó sự giàu có không lặp lại về tinh thần và thẩm mĩ của châu Mĩ Latinh" (1970, tr. 395).

    Tương tự với nước Nga – Liên Xô, văn học và văn hóa ở Liên Xô có tác động qua lại với nhau, vì thế tác động của các biến cố văn hóa xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành các trào lưu, chủ nghĩa mới trong văn học Nga và sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Nga theo chúng tôi có lẽ bắt nguồn từ ba nguyên nhân sau đây: Đầu tiên, ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh chống đế quốc giành độc lập của các nước Mĩ Latinh, các cuộc chiến tranh này đã gây tiếng vang cho giai đoạn lịch sử thời đó. Nước Nga, một đất nước đang cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự, cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa Mỹ Latinh. Thứ hai là có thể sau khi Liên Xô giải tán, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa mất sức ảnh hưởng, không còn là phương thức chủ đạo, tạo điều kiện cho các nhà văn Nga theo đuổi các kiểu thi pháp mới, tiếp thu phong cách mới từ chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Cuối cùng, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo nảy sinh trên cơ sở nhận thức về tình trạng hỗn độn, phi lý của hiện thực. Các nhà văn của Liên Xô trong bờ vực sụp đổ cũng không ngoại lệ, đối diện trước tình hình chính trị đầy nhiễu loạn của đất nước mình, cũng rối bời với thực tế, đã mượn tới chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, hơn bao giờ hết, để thể hiện tính bất ổn và sự mất niềm tin đối với nền chính trị và thực tại của đất nước mình.

    Nói về tư duy huyền thoại trong văn học Nga, vào thời điểm tác phẩm "Nghệ nhân và nàng Margarita" ra đời, xã hội Xô Việt đang trong chế độ kiểm duyệt rất gắt gao vì thế dựa vào việc sử dụng thi pháp huyền thoại/tư duy huyền thoại, nhà văn mới có thể truyền tải được những vấn đề mà chính cái xã hội đó không cho phép. Từ đó tạo nên một thế giới hỗn dung trong tác phẩm văn học, vừa hiện thực mà vừa huyền ảo. Tổng kết lại, hiện thực huyền ảo huyền thoại trong văn học Nga là việc mượn các mô hình hoặc những nguyên mẫu có từ trước nhằm tái tạo lại một xã hội Nga với những sự kiện thần bí, huyền ảo.. nhưng vẫn đảm bảo một thực trạng cơ bản của thời đại để rồi truyền tải được những vấn đề không thể truyền tải trong sự kiểm duyệt lúc bấy giờ của Nga.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...