Tìm hiểu về Nguyễn Trãi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 22 Tháng hai 2024.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201

    I. Giới thiệu chung

    Cuộc đờisự nghiệp thơ văn của Nguyễn Trãi là một bài học về tài năng, khả năng kiên nhẫn, và ý chí trong bối cảnh lịch sử đầy biến động. Nguyễn Trãi hiệu là ức Trai, sinh năm 1380, Nguyễn Trãi sống trong thời đại đầy biến động dữ dội. Nhà Trần suy vi, Hồ Quý Ly lên thay, lập ra nhà Hồ. Năm 1400 Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh. Cả 2 cha con Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Khanh đều ra làm quan cho nhà Hồ. Quân Minh sang cướp nước ta, NT tìm đến Lê Lợi, dâng Bình Ngô sách (Kế sách đánh đuổi quân Minh) và được Lê Lợi tin dùng. Ông trở thành quân sư số một của Lê Lợi. Từ đó bắt đầu một đoạn đời đắc chí, hào hùng. Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn cùng Lê Lợi bàn mưu tính kế, giúp Lê Lợi soạn các văn thư, chiếu lệnh, góp công lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Sau khi đuổi xong giặc nước, Nguyễn Trãi chưa kịp thực hiện hoài bão xây dựng đất nước thái bình thị trị, vua dân hòa mục như ông hằng mong ước, thì cuộc đời chuyển qua giai đoạn khó khăn và bi thảm. Sau thắng lợi một năm, đầu năm 1429, Lê Lợi nghi ngờ Trần Nguyên Hãn mưu phản sai quân bắt tội, khiến vị danh tướng này phải nhảy xuống sông tự vẫn. Trần Nguyên Hãn là cháu nội quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, cho nên Nguyễn Trãi cũng bị bắt. Sau khi được tha, ông không được tin dùng nữa. Suốt mười năm (1429 – 1439). Nguyễn Trãi có được giao những chức nhàn quan, không có thực quyền. Năm 1439, Nguyễn Trãi xin cáo quan về ở Côn Sơn do ghét bỏ sự thối nát của triều đình. Ông từ chối cuộc sống xa hoa và tham nhũng trong triều đình, quyết định sống ẩn dật tại Côn Sơn để tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống. Nhưng chỉ mấy tháng sau, vua Lê Thái Tông lại vời ông ra làm việc nước. Nguyễn Trãi đang hi vọng một thời cơ mới thì thật không may, chỉ ba năm sau, một thảm họa đã giáng xuống. Vụ án Lệ Chi Viên, vụ án lớn nhất trong lịch sử Việt Nam đã cướp đi sinh mệnh, khiến ông mãi mãi không còn cơ hội thực hiện hoài bản của mình. Năm 1464, Lê Thánh Tông chính thức ban chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù bá.

    Về sự nghiệp văn chương, thơ văn Nguyễn Trãi phong phú, đa dạng về đề tài, cảm hứng từ chính trị, lịch sử, địa lý đến quân sự ngoại giao; giàu giá trị tư tưởng và đậm tính trữ tình. Nổi bật trong các tác phẩm của ông là tư tưởng nhân nghĩa, tình yêu thiên nhiên và những ưu tư về thế sự. Văn chính luận Nguyễn Trãi, đặc biệt là những thư từ bút chiến, văn kiện ngoại giao với nhà Minh luôn đạt đến trình độ mẫu mực. Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi hầu hết được sáng tác bằng các thể thơ Đường luật, đạt tới sự nhuần nhuyễn, điêu luyện; ngôn ngữ cô đúc, nghệ thuật tả cảnh, tả tình tinh tế, tài hoa. Còn thơ chữ Nôm của ông được đánh giá là đỉnh cao của dòng thơ quốc âm thời trung đại.

    [​IMG]


    II. Anh hùng dân tộc

    Sử sách còn ghi chuyện chàng thanh niên Nguyễn Trãi khóc theo cha đến tận ải Nam Quan khi cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt giải về Kim Lăng. Cuộc đời Nguyễn Trãi bắt đầu bằng thảm kịch "nước mất nhà tan". Chính "mối hận Nam Quan" đã nhen nhóm ngọn lửa của lòng yêu nước thương nòi trong tâm khảm Nguyễn Trãi để một ngày kia nó bùng cháy thành hỏa diệm sơn của một sự nghiệp anh hùng.

    Trong những năm bị giặc Minh giam lỏng ở Đông Quan, Nguyễn Trãi đã kí thác niềm u uất và chí vọng của mình trong những bài thơ nôm:


    Góc thành nam lều một gian

    No nước uống, thiếu cơm ăn..

    Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải,

    Góc thành nam lều một gian.

    (Thủ vĩ ngâm)

    Hay:

    .. Một thân lẩn quất đường khoa mục,

    Hai chữ mơ màng việc quốc gia.

    Quân thân chưa báo, lòng canh cánh

    Tình phụ cơm trời, áo cha.

    (Vô đề)

    Nung nấu chí vọng "đền nợ nước, báo thù nhà", khi nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi bèn trốn khỏi Đông Quan tìm vào Thanh Hóa gặp Lê Lợi, dâng Bình Ngô sách, được Lê Lợi trọng dụng. Ông đã đồng cam cộng khổ với nghĩa quân Lam Sơn suốt mười năm kháng chiến. Một mình ông đảm trách cả một mặt trận quan trọng: Mặt trận chính trị ngoại giao. Với sở học uyên bác, trí tuệ sắc bén, ông đã liên tiếp gửi thư cho bọn tướng giặc, đánh những đòn cân não làm tan rã tinh thần của chúng.

    Cuối cùng Nguyễn Trãi đã thực hiện được ước mơ cháy bỏng của ông: Đánh đuổi được giặc Minh, mang lại độc lập cho đất nước. Chính ông đã thay mặt Lê Lợi viết bản Bình Ngô đại cáo tổng kết chiến thắng oanh liệt của dân tộc:


    Chẳng những mưu kế cực kì sâu xa

    Mà cũng xưa nay chưa từng nghe thấy.

    Xã tắc do đó vững bền,

    Non sông từ đây đổi mới.

    Trời đất bĩ rồi lại thái,

    Nhật nguyệt mờ rồi lại trong.

    Để mở nền thái bình muôn thuở,

    Để rửa mối sỉ nhục ngàn thu!

    (Bản dịch trong Đại Việt sử kí toán thư)

    Ngay cả khi bị bọn lộng thần đố kị, vu cáo, thậm chí bị hạ ngục, khiến ông buộc lòng phải hai lần xin về trí sĩ tại Côn Sơn, tấm lòng ưu quốc ái dân của ông vẫn không lúc nào nguôi:

    Bui một tấc lòng ưu ái cũ

    Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông.

    (Thuật hứng)

    Làm quan dưới hai triều Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông, ông đã ra sức chèo lái con thuyền của triều đình nhà Lê đi đúng con đường chính đạo mà tinh thần căn bản là thực hành nhân nghĩa để yên dân. Điều đặc sắc ở vị đại quan Nguyễn Trãi là khái niệm ái quốc luôn được cụ thể hóa bằng khái niệm ái dân, cận dân. Nói cách khác, với ông, chính lòng ái dân là thước đo tuyệt đối của lòng ái quốc! Có lẽ chỉ trừ một người thứ hai là vua Lê Thánh Tông, không một vị vua quan nào của triều Lê đạt tới ý niệm tuyệt vời đó. Và cũng chính vì tư tưởng khuynh dân đó mà Nguyễn Trãi trở thành thù địch của bọn quan lại triều Lê – những kẻ ít nhiều đều mắc căn bệnh vị kỉ và viễn dân. Có thể nói Nguyễn Trãi đã tử vì.. tinh thần khuynh dân đó!

    Trọn cả cuộc đời cống hiến cho nước, cho dân, lập được những kì tích sáng chói, Nguyễn Trãi trở thành một anh hùng dân tộc vĩ đại, kế tục truyền thống của Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo đời trước, sát cánh với người anh hùng cứu nước Lê Lợi đương thời.

    [​IMG]


    III. Nhân cách cao cả

    Ngoài những cống hiến vô cùng lớn lao cho đất nước, Nguyễn Trãi được toàn thể dân tộc tôn vinh còn vì nhân cách cao cả của ông.

    1. Yêu quê hương sâu nặng

    Thứ nhất là tình yêu quê hương sâu nặng. Nét đầu tiên là niềm tha thiết với thiên nhiên ở quê hương. Bắt đầu là những cái nhỏ nhặt, tưởng như không đâu, nhưng chan chứa thân thương. Rau muống, mồng tơi, râm bụt, cây chuối, cây đa, cây mía.. đều thành vần điệu. Đào, liễu, tùng, trúc cao sang đứng liền bên cạnh rau muống, mồng tơi quê mùa một cách tự nhiên. Không chút gì phân biệt sang hèn. Tất cả đều được lòng ông trìu mến. Ông nói một cách trang trọng: "Hái cúc, ương lan, hương bén áo, Tìm mai, đạp nguyệt, tuyết xâm khăn", mà cũng vừa vui tươi chân chất: "Ao cạn, vớt bèo cấy muống, Trì thanh, phát cỏ ương sen". Ông phát hiện ra cái đẹp bình dị rất bất ngờ: Đêm trăng gánh nước thì gánh luôn trăng đem về ( "Chè tiên nước ghín nguyệt đeo về"). Bầu trời không mây, trong suốt một màu xanh, ông thấy đó là một bầu ngọc đông lại ( "Thế giới đông nên ngọc một bầu"). Thuyền bè chen nhau gối đầu lên bãi, ông nhìn thành một đám tằm lúc nhúc ( "Tằm ươm lúc nhúc thuyền đầu bãi"). Con rùa, con hạc, núi, chim, mây, trăng, ông coi là con cái, là láng giềng, là anh em: "Rùa nằm, hạc lẩn nên bầy bạn, U ấp cùng ta làm cái con..", "Núi láng giềng, chim bầu bạn, Mây khách khứa, nguyệt anh tam". Có lúc, ông như hòa tan mình vào thiên nhiên đến mức dòng suối, tảng đá phủ rêu, vòm thông tán trúc như hòa nhập với ông làm một: "Côn Sơn có suối rì rầm. Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai, Côn Sơn có đá rêu phơi, Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm, Trong lèn thông mọc như nêm, Tha hồ muôn lọng ta xem chốn nằm, Trong rừng có bóng trúc râm, Giữa màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn".. (Côn Sơn ca - dịch).

    Tiếp theo là niềm tha thiết với bà con thân thuộc ở quê nhà. Thời còn giặc Minh, nhiều năm ông phải lẫn tránh khắp nơi, xa nhà, xa quê, xa bà con thân thuộc với bao nỗi buồn rầụ. Đêm thu, xa nhà, bên ngọn đèn khuya, ông day dứt: "Gió thu đến, lá rụng rồi, mình vẫn lận đận quê người. Đêm mưa, bên ngọn đèn leo lét, hồn mộng cứ vẫn vơ mãi nơi đất khách" (Đêm thu đất khách - dịch). Tiết Thanh minh đến, theo tục, con cháu phải về thăm mồ mã ông bà, sửa sang, bồi đắp, thắp nén hương tưởng nhớ, cho đúng đạo làm con cháu, thế mà đã bao năm ông không về được. Ông chỉ não lòng: "Thân mình xa ngàn dặm, mồ mã ông bà ở quê không sao giẫy cỏ thắp hương, Mười năm đã qua, những nguời ruột thịt, quen thân cũ đã chẳng còn ai, Đành mượn chén rượu ép mình uống, không cho lòng cứ ngày ngày xót xa nỗi nhớ quê" (Thanh minh - dịch).

    Ông mất mẹ lúc mới lên sáu. Lòng con thương mẹ càng nồng. Ông bà ngoại, cậu, dì đều ở Côn Sơn. Quê nội nhiều đời cũng ở đó. Một lần đi thuyền về thăm, ông ôn lại bao nỗi đắng cay trong những ngày lưu lạc. Nghe sao mà tha thiết: "Mười năm rồi mình trôi dạt như cánh bèo, Đêm ngày nỗi nhớ quê cứ như giày vò trong lòng, Bao lần đã gửi hồn tìm về quê cũ, Nhưng rồi đành nhỏ nước mắt thấm máu mà gội rửa trong tưởng tượng nấm mồ mẹ, mồ mã ông bà.."

    Khi trở về với quê rồi, ông yên lòng và tự hào: "Quê cũ nhà ta thiếu của nào, Rau trong nội, cá trong ao". Cấy cày là niềm vui: "Một cày một cuốc thú nhà quề, Áng chúc lan chen vãi đậu kê.

    [​IMG]


    2. Giữ gìn nhân cách giữa đời đục

    Mang cốt cách đại trượng phu, Nguyễn Trãi không bao giờ thỏa hiệp, về hùa với những tà kiến của một số triều thần. Vì vậy, ông trở thành cái gai trước mắt họ. Bị họ bài xích, cuối cùng ông đành phải xin vua Lê Thái Tông cho về trí sĩ ở Côn Sơn (những năm 1437 – 1438). Lâm vào một nghịch cảnh mới, ông đã xử sự như thế nào?

    Trước hết, ông nhận thức được" trong cái rủi có cái may "! Vì bị xua đuổi mà ông có được một dịp tốt nhất để chính mình chiêm nghiệm cuộc sống ẩn cư, từng được coi là điều tuyệt thú của bao hiền sĩ đời xưa, trong đó có ông ngoại của ông là Trần Nguyên Đán. Không chịu để cho bi kịch của cuộc sống thế tục đè bẹp, ông vươn lên tầm cao, hòa nhập vào đại tự nhiên cực kì diễm lệ. Hình ảnh của ông khác nào một tiên ông, một thánh nhân giữa núi non, mây nước, cây cỏ, chim muông:


    Đủng đỉnh chiều hôm giắt tay,

    Trông thế giới phút chim bay.

    Non cao non thấp mây thuộc,

    Cây cứng cây mềm gió hay.

    Vận dụng triết lí Lão – Trang, sống thoát tục, Nguyễn Trãi càng nhận thức sâu sắc một chân lí của muôn đời:

    Dưới công danh đeo khổ nhục,

    Trong dầu dãi có phong lưu.

    Và ông hướng tới một lí tưởng mới: Nếu không còn điều kiện để làm một quốc sĩ thì hãy làm một con người thật sự trong sạch và thánh thiện. Đó không phải là điều đáng mơ ước cho chúng sinh trong vòng ô trọc sao:

    Phú quí chẳng tham, thanh tựa nước.

    Tuy nhiên, đặc tính của một nhân cách lớn là tối kị lối sống" hư sinh "(sống thừa). Nguyễn Trãi chính là biểu hiện rực rỡ của cái chân lí về người quân tử mà Kinh Dịch đã nói:" Trời chuyển vần mãnh liệt, quân tử cũng tự tạo sức mạnh mà không ngừng nghỉ. "(Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức). Trong thời gian ở ẩn tại Côn Sơn, ông đã làm bao nhiêu việc lớn lao vĩ đại, không hề thua kém việc ông tham gia kháng chiến chống Minh trước đó: Tu thân, tìm ra triết lí sống mới, tổng kết những bài học về thế sự và nhân sinh, viết sách giáo khoa luân lí đạo đức, và sáng tạo cả một công trình vĩ đại về thi ca Hán – Nôm.

    Ông hiểu thấu rằng luân lí, đạo đức, thuần phong mĩ tục.. là nền tảng cho đời sống hạnh phúc lâu dài của con người. Vì vậy, ông đã trước tác một tác phẩm chuyên về luân lí đạo đức mang tên Bảo kính cảnh giới (Gương quí răn mình) trong đó ông đúc kết nên những khuôn vàng thước ngọc của nền đạo đức dân tộc. Những bài" đức dục "ấy của ông, trải qua năm sáu trăm năm, đến nay dường như vẫn còn nóng hổi và sát thực với chúng ta:


    – Kết bạn, mạ (chớ) quên người cố cựu,

    Yên nhà nỡ phụ vợ tao khang?

    – Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược,

    Có nhân có trí có anh hùng.

    – Cơm ăn miễn có, dầu thô bạc,

    Áo mặc âu chi quản cũ đen.

    – Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền,

    Cành bắc cành nam một cỗi nên.

    Ở thế nhịn nhau muôn sự đẹp..

    – Của thết người là của còn,

    Khó khăn, phải đạo cháo càng ngon.

    – Bất nhân vô số nhà hào phú,

    Của ấy nào ai từng được chầy (lâu) ?

    – Sắc là giặc, đam làm chi?

    Trụ mất quốc gia vì Đát Kỉ


    Ngô lìa thiên hạ bởi Tây Thi..



    [​IMG]

    3. Quên mình vì đại nghĩa

    Nhân cách ông càng thực sự sáng ngời trong những nghịch cảnh của đời ông diễn ra giữa thời bình nhưng đầy dẫy phiền lụy của một triều đại phong kiến. Ngay dưới triều Lê Thái Tổ, do những lời sàm tấu của lũ quan lại trong triều (vu cho ông tội âm mưu nổi loạn, cướp ngôi), ông đã bị nhà vua hạ ngục. Trong nghịch cảnh ấy, ông đã nén lòng uất hận, đặt bi kịch cá nhân xuống dưới sự nghiệp lớn lao của nhà Hậu Lê, dưới nền thái bình của xã tắc mà cam chịu:

    Trung côi, ghét lắm, bao đau xót,

    Họa thực danh hư khéo nực cười.

    * * * Trong lao" độc bối "cam mang nhục,

    Cửa khuyết làm sao tỏ khúc nhôi?

    (Than nỗi oan) – Thạch Can dịch

    Rồi lúc đang ẩn cư sau khi chốn quan trường hãm hại, Nguyễn Trãi lại được ông vua trẻ Lê Thái Tông mới lên ngôi mời ra giúp việc triều đình. Ông lại vui vẻ" nhập thế ", lao vào một cuộc chiến đấu mới hết sức gay go. Khi ấy nhà vua còn trẻ, lười học hành, ham chơi bời, sớm vướng víu chuyện thê nhi.. Triều chính lục đục, nhất là chuyện phế lập thái tử, chuyện rắc rối giữa các bà phi.. Với trách nhiệm của một bậc lương thần, ông ra sức chèo chống để hạn chế những hành động sai quấy của cả vua lẫn bọn quan lại trong triều. Chính vì vậy, ông trở thành tảng đá cản dòng đối với bọn gian thần. Cuối cùng, chúng lợi dụng cái chết đột ngột của Lê Thái Tông ở Lệ Chi Viên, vu cáo ông âm mưu giết vua và khép ông vào cái án tru di tam tộc! Thảm họa và cái chết của Nguyễn Trãi phải được nhìn nhận như một hành vi tuẫn đạo của một bậc đại hùng đại đức.

    IV. Tài hoa nghệ thuật

    Từ xưa, loài người đã từng sản sinh ra một mẫu người vô cùng hiếm hoi: Mẫu nhân tài bách khoa như Léonard de Vinci. Nguyễn Trãi của Việt Nam thuộc mẫu người đó. Ông đồng thời là nhà chính trị lỗi lạc, nhà bác học và nhà thơ vĩ đại. Ông nghiên cứu và có nhiều trước tác thuộc nhiều lĩnh vực của tự nhiên và xã hội như: Quân sự (Quân trung từ mệnh tập), địa lí (Ức Trai dư địa chí), lịch sử (Lam Sơn thực lục), điển phạm của triều đình (Giao từ đại lễ), pháp luật của quốc gia (Luật thư – tác phẩm sau này được Lê Thánh Tông sử dụng làm nội dung căn bản của bộ luật vĩ đại: Bộ luật Hồng Đức), âm nhạc (ông là người tổng kết âm luật nhạc dân tộc để soạn ra quốc nhạc, chế định các nhạc cụ của ban nhạc triều đình, là tác giả chế tạo khánh đá), văn học (gồm cả văn và thơ chữ Hán và chữ Nôm).

    *Thành tựu thơ Nôm của Nguyễn Trãi.

    Trước ông, thơ nôm đã xuất hiện và để lại chứng tích ở đời với Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, nhưng hầu hết tác phẩm của họ đã thất truyền. Những tác phẩm còn sót lại được viết khá bóng bẩy nhưng vẫn còn mang nặng khuôn sáo thơ cổ điển Trung Hoa.

    Thơ quốc âm của Nguyễn Trãi là di sản quí báu nhất của thời kì sơ khai nền văn học dân tộc. Ông chính là một trong những" ông tổ thơ nôm "đã đặt nền móng cho nền thơ ca thành văn của dân tộc sẽ phát triển không ngừng ở các thời đại sau.

    Kì tích đầu tiên của Nguyễn Trãi với thơ nôm là việc ông nhận thức được giá trị và chú tâm khai thác vốn từ ngữ của Tiếng Việt, một ngôn ngữ có đặc tính đẹp đẽ, tinh tế, biểu cảm, giàu tính tượng hình và thượng thanh, giàu âm điệu.. Ông đã chọn lọc, sáng tạo thêm và sử dụng chúng trong thơ với tư cách là những từ ngữ văn học nôm đích thực như: Quẩy trăng, ngại bước, thu lành lạnh, nguyệt chênh chênh, chim kêu cá lội, núi láng giềng, mây khách khứa, cây im thưa thớt, chân đi đủng đỉnh, nước biếc non xanh, đêm chờ hương quế, ngày lệ bóng hoa, nguyệt một vầng, thu vàng, tuyết bạc, ngàn núi xanh..

    Ông cũng mạnh dạn chuyển ngữ sang tiếng Việt nhiều từ ngữ, thành ngữ gốc tiếng Hán để cho người Việt dễ hiểu như: Tường đào ngõ mận, câu quạnh cày nhàn, đạp áng mây, tấc lòng ưu ái, non lạ nước thanh..

    Một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Trãi là việc thay thế những câu 7 âm tiết trong thơ Đường Trung Hoa thành những câu 6 âm tiết trong thơ nôm:


    Góc thành nam lều một gian,

    No nước uống thiếu cơm ăn.

    Con đòi trốn dường ai quyến,

    Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn..


    Không chỉ là bậc thầy sử dụng và sáng tạo ngôn ngữ thơ nôm, Nguyễn Trãi còn tỏ rõ ông là nhà thơ nôm thiên tài của dân tộc. Những nhà thơ lớn nhất của các thời đại sau, xét theo quan điểm lịch sử, không ai có thể vượt nổi ông.

    Hầu hết thơ tả cảnh của ông đều là những kiệt tác. Có những câu thơ cực kì tài tình khiến những nhà thơ hiện đại phải kinh ngạc, khâm phục như:


    – Tà dương bóng ngả áp giang lâu,

    Thế giới đông nên ngọc một bầu.

    – Trà tiên nước kín, bầu in nguyệt,

    Mai rụng hoa đeo bóng cách song.

    Gió nhặt đưa qua ổ trúc,

    Mây tuôn phủ rợp thư phòng.

    – Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

    Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

    Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

    Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.


    Những câu thơ như vậy đâu có thua kém những câu tuyệt tác nhất của thơ Đường Trung Hoa hay của bất kì một nền thơ ưu tú nào trên thế giới?

    Thơ tả tình của Nguyễn Trãi cũng tài hoa không kém: Những rung động tinh tế nhất của tâm hồn nhà thơ thời xưa được diễn tả một cách thần tình:


    – Xuân xanh chưa dễ hai phen lại,

    Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên.

    – Vì ai cho cái đỗ quyên kêu?

    Tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu.

    Lại có hoè hoa chen bóng lục,

    Thức xuân một điểm não lòng nhau..


    Bằng thơ nôm, Nguyễn Trãi đã diễn đạt được một cách sắc sảo và đầy rung cảm thế giới tâm tư phong phú, phức tạp, nhiều uẩn khúc của ông: Những khát vọng, tâm sự ưu thời mẫn thế, những nỗi đắng cay và cả nỗi buồn được chế ngự bởi cốt cách của một bậc đại trượng phu, một vị đại ẩn sĩ:

    – Liệu cửa nhà xem bằng quán khách,

    Đem công danh đổi lấy cần câu.

    – Lòng một tấc son còn nhớ chúa,

    Tóc hai phần bạc bởi thương thu.

    – Bui một tấc lòng ưu ái cũ

    Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông..


    Bằng khối óc mẫn tuệ của nhà hiền triết và sự trải đời ít ai sánh được, Nguyễn Trãi đã đúc kết trong thơ nôm rất nhiều triết lí thâm thúy. Một điều đặc sắc là thơ triết lí của ông không khô khan mà giàu cảm xúc nghệ thuật, khi đọc lên nghe tựa như những lời cảm thán với nhân tình thế thái:

    – Dưới công danh đeo khổ nhục,

    Trong dầy dãi có phong lưu.

    – Có thân chớ phải (bị) lợi danh vây.

    – Nếu có ăn thì có lo,

    Chẳng bằng cài cửa ngáy pho pho.

    – Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc,

    Cho hay đường lợi cực quanh co!

    – Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn,

    Lòng người quanh nữa nước non quanh.

    – Phượng những tiếc cao, diều hãy lượn,

    Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi.


    Mang tầm vóc của một bậc thánh sư, Nguyễn Trãi đã dùng thơ nôm để truyền đạt đến đồng bào của ông những triết lí sống có giá trị nhất, đã góp phần đắc lực xây dựng nền đạo đức và nếp sống văn hóa của dân tộc ta trong thế kỉ XV mà ý nghĩa của nó sẽ được các thời đại sau kế tục.

    Nguyễn Trãi là một trong những người khai sáng nền thơ nôm thành văn của dân tộc ta. Đồng thời, với thiên tài thi ca, ông trở thành nhà thơ tiếng Việt (thơ nôm) vĩ đại hàng đầu trong làng thơ Việt Nam kim cổ, là bậc thầy thơ nôm của tất cả nhà thơ các thời đại sau.

    Quân trung từ mệnh tập gồm những bức thư chữ Hán của Nguyễn Trãi viết thay Lê Lợi gửi cho bọn tướng đầu sỏ của giặc như Phương Chính, Vương Thông, đã thể hiện sinh động chủ trương" mưu phạt tâm công, không chiến cũng thắng "của ông và nghĩa quân Lam Sơn. Tất cả những bức thư ấy đều dùng lối văn nghị luận sắc bén, hào hùng, thể hiện một trí tuệ hơn hẳn và thế thượng phong của quân ta, giáng cho giặc những đòn cân não khiến chúng kinh hãi, rốt cuộc phải tính chước cầu hòa, hạ vũ khí nộp thành và lủi thủi rút về nước!


    Nguyễn Trãi từng có một nhận định sâu sắc:" Nước ta tuy ở xa ngoài Ngũ lĩnh, nhưng từ xưa đã nổi tiếng là một nước thi thư ". Ở thời đại ông, những tinh hoa của cái thi thư ấy kết tinh nơi ông, và ông có niềm tin sắt đá vào sự bất diệt của nó. Chính vì vậy mà khi lâm nạn, bị Lê Thái Tổ hạ ngục năm 1429, ông viết:

    Số khó lọt vành âu bởi mệnh,

    Văn chưa tàn lụi cũng do trời.

    Nguyễn Trãi đã mang niềm tin ấy để ung dung đi vào cõi vĩnh hằng. Trời ở đây là gì? Là chân lí vĩnh cửu.

    Lịch sử đã chứng minh hùng hồn chân lí vĩnh cửu mà ông hằng ôm ấp. Sự nghiệp vĩ đại của ông về chính trị, quân sự, văn chương, và phẩm cách cao cả, danh hiệu" anh hùng dân tộc"của ông ngày nay đã được toàn dân tộc ta xác nhận, tôn thờ. Không chỉ thế, vào năm 1980, nhân kỉ niệm 600 năm ngày sinh của ông, ông đã được cả loài người tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới.

    Dân tộc ta xiết bao tự hào đã sản sinh ra một con người toàn thiện làm vẻ vang cho đất nước và dân tộc!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...