Tại sao gọi là kẹo cu đơ? Chè xanh thêm chút gừng cay Cu đơ Hà Tĩnh đắm say lòng người. Đến với Hà Tĩnh, mọi người không chỉ được khám phá vùng đất "địa linh nhân kiệt" mà còn được thưởng thức một loại kẹo mang tên "cu đơ" đậm đà tình đất, tình người Hà Tĩnh. Nguồn gốc tên gọi Cu đơ - cái tên nghe vừa mới lạ vừa hài hước. Kẹo bắt nguồn từ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), được nhiều đời trước truyền lại rằng lúc đầu kẹo có tên là "Cu hai". Tên này do người nghĩ ra món ăn đặt. Sau này khi phong trào Tây học nở rộ, từ "hai" được các ông nghè nơi đây chuyển sang tiếng Pháp là "deux" để nghe cho "trí thức". Từ đó, "Cu deux" đọc chệch thành Cu đơ. Kẹo được làm từ những nguyên liệu đơn giản nhưng lại hấp dẫn không chỉ với con người nơi đây mà còn đối với du khách thập phương, bởi những hương vị rất đặc biệt từ mật mía nguyên chất, mạch nha, gừng tươi.. Từ những thứ bình dị có sẵn nơi thôn quê, từ hương vị thiên nhiên qua sự chế biến của những bàn tay khéo léo đã tạo nên một kiệt tác mang đến hương vị đậm chất quê hương Hà Tĩnh. Chính xác câu chuyện là như thế này! Kẹo Cu Đơ có nguồn gốc từ xóm Thịnh Bình, ngày xưa gọi là Thịnh Xá, vùng quê nằm ở vùng hạ lưu con sông Ngàn Phố, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh do gia đình ông Chắt Vy, ông còn có tên gọi thân mật khác của dân quê thường gọi là ông Cu Hai chuyên về nấu kẹo lạc lúc bấy giờ. Sau khi qua đời, ông bà đã truyền lại nghề này cho người con gái đầu tên là Cầm, hiện nay bà Cầm tuổi đã cao, không còn làm nghề nấu kẹo Cu Đơ nữa, hiện bà đang sống với các con ở thành phố Vinh. Tại quê gốc của kẹo Cu Đơ bây giờ vẫn còn rất nhiều người nấu, nhưng không có ai là con cháu của gia đình ông Cu Hai, chỉ có một số người bà con xa, người trong làng, trong xã vẫn duy trì nghề nấu kẹo Cu Đơ để bán trong ở các phiên chợ Gôi, Choi, Nầm.. Ở TP Hà Tĩnh thì nổi tiếng với kẹo Cu Đơ của ông bà Thư Viện ở Cầu Phủ. Khi nấu lạc với mật mía cùng vỏ chanh bỏ vào bát để bán, ông Đinh Vy ở huyện Hương Sơn chưa nghĩ ra tên kẹo, cho đến khi người Pháp thưởng thức. Chiều trung tuần tháng 9, nhóm năm cụ ông, bà hơn 70 tuổi trong dịp về thăm quê đã đến nhà cũ của ông Đinh Vy ở thôn Tiến Thịnh, xã Sơn Thịnh cũ, nay là xã An Hòa Thịnh, chơi. Họ ngồi trò chuyện, ôn lại ký ức rủ nhau trốn bố mẹ đi mua kẹo cu đơ thời thơ ấu. Ông Nguyễn Văn Hùng, 65 tuổi, trú thôn Tiến Thịnh, họ hàng của ông Đinh Vy, cho biết những năm 1953, ngoài đi buôn trầu cau, thúng mủng, ông Vy, còn gọi là Cu Hai, Đinh Hai, thường lấy lạc (đậu phộng) trộn đều với vỏ chanh rồi đổ vào nồi mật mía nấu thành kẹo. Khi chín, ông đổ ra bát sứ cho nguội, lấy thìa múc ăn. Ông Vy là người đầu tiên nấu loại kẹo này ở huyện Hương Sơn, nhiều người rủ nhau đến mua ăn tại chỗ. Các tài liệu về văn hóa, lịch sử Hà Tĩnh ghi chép kẹo cu đơ gắn liền với tên tuổi của ông Đinh Vy và vùng đất Hương Sơn. Kẹo nấu xong được đưa ra chợ quê như Gôi, Phố, Rạp.. bán cho dân địa phương với giá hai đồng một bát hoặc miếng to bằng bàn tay người lớn. Vì giá hai đồng, nên mọi người gọi tên người bán kẹo Đinh Vy với tên thân thuộc là Hai cho dễ nhớ. Thời đó, khu vực giáp ranh xã Sơn Thịnh cũ có đồn đóng quân của người Pháp, binh lính thỉnh thoảng ghé nhà ông Hai mua kẹo ăn, uống nước chè. Thấy xung quanh ai cũng nhắc tên gia chủ là Hai, họ dịch từ Hai theo tiếng Pháp thành "Deux", nghĩa là "số 2". Lâu dần, họ gọi kẹo ông Cu Hai thành "kẹo cu đơ". Từng tham gia viết nhiều sách về văn hóa, ẩm thực địa phương, ông Lê Nhật Tân, nguyên Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hương Sơn, cho hay qua nghiên cứu, khẳng định kẹo cu đơ có nguồn gốc từ địa bàn và ông Đinh Vy là người đầu tiên trong huyện khởi xướng việc nấu kẹo. Những mẩu chuyện liên quan ông Hai và nguồn gốc về tên gọi của kẹo cu đơ xuất hiện trong rất nhiều tài liệu, qua thời gian thì "tam sao thất bản" song vẫn thú vị. "Có sách viết, xưa trên địa bàn một cậu thiếu sinh quân thích ăn kẹo của ông Hai nên hay rủ bạn bè trốn trại đi mua. Vì sợ bị phát hiện, cả nhóm phải dùng mật khẩu với nhau, nói rằng đi đến nhà cu đơ, thay vì ông Hai", ông Tân kể. Ông Nguyễn Văn Hùng kể thêm, những đứa trẻ xưa kia mê mẩn kẹo của ông Hai, thường rủ nhau đến nhà ông ngồi cả buổi xem chế biến, chờ đến khi gia chủ đổ hết nguyên liệu vào bát hoặc khuôn, cả nhóm lấy thìa vét nồi. "Thường xuyên đến nhà ông Hai ăn kẹo, chúng tôi bị bố mẹ trông thấy rồi trách mắng. Để không bị phát hiện, mỗi lần rủ rê nhau đi vét nồi, đám trẻ thường ra ám hiệu bằng ngón tay, với hàm ý là nhắc đến ông Hai và kẹo cu đơ - tên do người Pháp đặt. Lâu dần, cách gọi của trẻ con lan sang cả người lớn, nhiều gia đình sau đó đã học theo ông Hai nấu kẹo bán mưu sinh", ông Hùng nói. Những năm 1960 đến 1970, kẹo cu đơ bắt đầu trở thành thức quà quê nổi tiếng của huyện Hương Sơn. Người dân các địa bàn khác trong tỉnh khi đến vùng sơn cước này đã tìm hiểu và học nghề nấu kẹo, sau đó về phổ biến ở phố thị. Riêng ông Đinh Vy nấu kẹo đến năm 1965, sau già yếu mất. Vợ chồng ông Vy có 5 người con, nay không còn ai theo nghề cha, đã chuyển đến các tỉnh khác sinh sống. Là họ hàng bên ngoại với ông Vy, bố mẹ ông Hùng học nghề nấu kẹo cu đơ từ những năm 1966. Sau này lúc bố mẹ nghỉ thì ông Hùng tiếp nối để kiếm tiền trang trải, nuôi các con ăn học. Thời xưa các bãi bồi ven sông Ngàn Phố trồng nhiều cây lạc và mía, những nguyên liệu để nấu kẹo. Vào vụ, củ lạc thu hoạch về được phơi khô, bóc hạt. Mía được chặt từng khúc đem ép lấy nước nấu mật, mật để nấu kẹo phải sáng và trong, không cặn bã. Theo ông Hùng, khi nấu kẹo cần bỏ thêm vỏ chanh và gừng thái lát nhỏ. Gừng không nên lấy củ già quá sẽ bị xơ, củ non vị không thơm. Vỏ chanh phải lấy từ quả chín, nếu xanh sẽ bị đắng. Quá trình nấu, cần đặt nồi mật lên bếp trước, để lửa đều, bịt kín để gió không lọt vào, khi sôi thì bỏ hạt lạc vào. Lạc phải không tróc vỏ, để sống, nếu rang sẽ làm hôi dầu. Đổ lạc xong thì dùng đũa khuấy đều liên tục, cảm thấy lạc gần giòn thì bỏ vỏ chanh và gừng vào, quấy thêm vài phút rồi đưa nồi xuống. Một mẻ cu đơ mất gần một tiếng. Ông Hai xưa kia đổ kẹo vào bát sứ, còn gia đình ông Hùng thường làm khuôn đổ lên lá chuối hoặc giấy, dùng dao sắc chặt ra thành từng miếng hình chữ nhật để bán. Với kẹo đổ trên giấy, khi ăn cần lấy một ít nước sôi bôi lên mặt sau để bóc lớp lót. Sau này, ông Hùng dùng bánh đa vừng để đổ kẹo, cách này tạo thêm hương vị cho kẹo bởi độ giòn của bánh đa nướng và độ thơm của vừng. Nay người dân Hà Tĩnh áp dụng cách nấu kẹo đổ vào bánh đa. Thời trước mỗi ngày ông Hùng nấu vài trăm chiếc kẹo cu đơ. Trung bình nấu 200 cái thì cần một kg hạt lạc và hai kg mật. Nấu nhiều thì cần hai người làm, ít thì ông tự xoay xở. Từ vài đồng một bát kẹo, đến những năm 1990, cu đơ bán theo khuôn, một khuôn bốn lạng giá 2.000 đồng. Hiện giá một tấm kẹo hình tròn to bằng hai bàn tay người lớn, đổ trên bánh đa bán 10.000-16.000 đồng. Năm ngoái, ông Hùng đã nghỉ nấu kẹo cu đơ, chuyển ra TP Vinh, Nghệ An, sống với con cháu. Tại thôn Tiến Thịnh nhiều người đã nghỉ, con cái lớn lên không theo nghề, còn một số hộ thỉnh thoảng nấu cu đơ để ôn lại ký ức. Từ một chiếc kẹo không tên, cu đơ đã trở nên nổi tiếng bởi cách dịch chữ Hai thành "Deux" theo tiếng Pháp. Hiện, cu đơ là đặc sản nổi tiếng của Hà Tĩnh, hàng nghìn cơ sở lớn nhỏ trong tỉnh được lập ra để bán thức quà này, con em xa quê hoặc khách thập phương khi đến tỉnh đều mua làm quà biếu. Năm 2021, Hội kỷ lục gia Việt Nam công bố kẹo cu đơ Hà Tĩnh lọt vào Top 100 món ăn, quà tặng đặc sản. Chốt lại.. Kẹo Cu đơ là món quà quý không chỉ đối với những người con xa xứ, mà bất cứ ai thưởng thức đặc sản này cũng đều cảm nhận rõ vị ngọt ngào pha chút cay nồng được kết tinh từ công sức của người dân quê gửi gắm qua miếng kẹo. Đến với mảnh đất Hà Tĩnh, mọi thứ đều đơn sơ, mộc mạc và giản dị, từ con người đến cảnh vật, nhưng lại có một dấu ấn riêng giống như đặc sản Cu đơ vậy. Kẹo mang đậm dấu ấn của con người Hà Tĩnh. Nhìn miếng kẹo đơn sơ, nhưng để làm ra nó, các nghệ nhân phải rất tỉ mỉ, khéo léo để hoàn thành. Ngay từ khâu đầu tiên là chọn lạc, phải lựa những củ chắc, không trầy vỏ bên ngoài. Mật mía phải là loại nguyên chất, vàng óng. Gừng phải tươi, được làm sạch bên ngoài. Và cuối cùng là bánh tráng phải chọn loại nhỏ hơn bánh tráng thông thường, có mép quăn đều, lõm ở giữa, khi nướng không được quá cháy, nứt, vỡ và phải đều tay. Đây chỉ là những điều kiện cơ bản, cái chính để tạo nên thương hiệu của mỗi loại là khi nấu mật phải đun sôi, không để cháy. Sau khi nấu xong, mật sẽ được đưa ra nhỏ vào bát nước lạnh, nếu các nghệ nhân thấy nó không bị tan và bị bẹp, khi đó đã hoàn thành. Mặc dù xã hội càng ngày phát triển nhưng để giữ được vị ngon vốn có của kẹo thì nhiều cơ sở sản xuất vẫn làm theo cách truyền thống và đặt hết cái tâm của người làm trong từng miếng kẹo. Kẹo Cu đơ là món quà ý nghĩa đậm tình Hà Tĩnh để mọi người trao gửi cho nhau, cảm nhận câu hát "Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh". Bài viết tiếp theo chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về một loài sinh vật ngoài hành tinh đang tồn tại trên trái đất, ở rất gần chúng ta, cụ thể là ở trên mấy cái vỉ nướng trong quán nhậu. Đó là bạch tuộc, "quái thai" với 3 quả tim, 9 bộ óc, cùng mình tìm hiểu nhé! 1000 câu hỏi khác: [Thảo Luận - Góp Ý] 1000 Câu Hỏi Của Ngáy