"Chân dung một cô gái hướng nội giàu cảm xúc" Bấm để xem Cuộc đời nàng xoay quanh hai chữ "yêu thương". Nàng rất thích giúp đỡ mọi người, giúp một cách vô điều kiện. Trực giác của nàng rất mạnh, chỉ cần nhìn thoáng qua nét mặt và cử chỉ là nàng biết ngay người ta đang ở trong tình thế nào và cần gì. Nàng luôn biết cách cư xử làm đẹp lòng người xung quanh. Ai gặp khó khăn cũng muốn tìm đến nàng, nàng sẵn sàng lắng nghe và cho họ những lời khuyên tốt nhất. Có người yêu như nàng thì sướng thật. Nàng sẽ yêu thương và chăm sóc người tình của mình chu đáo vô cùng. Nhưng khả năng kiểm soát cảm xúc của nàng hơi kém. Người yêu mà ít quan tâm một cái là nàng buồn và suy diễn ra đủ thứ ngay. Nhiều khi nàng ghen tuông một cách vô lý nữa. Sự chăm sóc thái quá và ghen tuông của nàng có thể khiến người tình cảm thấy nghẹt thở và mất tự do. Có mẹ chồng như nàng chắc sẽ thích, nàng sẽ nhường nhịn và nghĩ cho hạnh phúc của con mình nhiều hơn chính bản thân. Cãi nhau với nàng ư? Không có đâu! Nàng thích giữ hòa khí nên sẽ nhường cho bạn thắng kể cả điều bạn nói không hợp ý nàng. Vay tiền nàng cũng thích, nàng sẽ không bao giờ đòi mà sẽ chờ bạn tự động trả, nếu bạn quên hoặc cố ý không trả nàng cũng sẽ cho luôn. Nàng quan niệm rằng: Con người sinh ra là để yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Cuộc đời này đã đầy đau khổ rồi, tại sao phải làm khổ nhau thêm nữa? Nàng thích rao giảng về tình yêu thương và đạo lý. Nàng rất nhạy cảm và thường biến nỗi đau của người khác thành của mình. Nàng thông cảm cho mọi hành động xấu xa của người khác vì nàng biết rằng mọi chuyện đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Nàng sẽ không phán xét, chê bai người khác chỉ vì một vài hành động sai lầm. Nàng dễ bị người khác nghĩ là "thảo mai" vì nàng luôn muốn làm đẹp lòng tất cả mọi người. Có một người mẹ, người vợ như nàng thì thật là tuyệt. Nàng sẽ chăm sóc và yêu chiều chồng con vô cùng. Tuy nhiên, vì quá nuông chiều mà những đứa con của nàng sẽ dễ sinh hư và bị phụ thuộc. Nàng rất yếu lòng trước những đòi hỏi của người khác, đặc biệt là người thân. Nàng thậm chí chẳng biết phải từ chối như thế nào. Sự ôm đồm này nhiều khi khiến chính bản thân nàng mệt mỏi. Nàng sống vì thiên hạ nhiều hơn chính mình. Nàng không phân biệt được ai đáng giúp đỡ hay không. Người ta có thể lừa đảo, lợi dụng tình thương của nàng mà nàng chẳng mảy may biết. Thậm chí có biết đi chăng nữa thì nàng cũng sẵn sàng chiều lòng họ. Điều này có thể khiến cho kẻ xấu cảm động nhưng cũng có thể khiến cho họ tiếp tục lợi dụng nàng. Giúp đỡ đúng người là việc tốt nhưng giúp sai người lại thành ra tiếp tay cho kẻ xấu! Bởi tình thương và lòng khao khát giúp đỡ người khác mà nàng không phân định được điều này. Với nàng thì ai cũng là người tốt và cần được giúp đỡ hết. Trong công việc, nàng sẽ là một nhân viên ngoan ngoãn, hết lòng nghe lời cấp trên. Nàng có hoàn thành tốt công việc hay không thì chưa biết nhưng sếp bảo sao nàng sẽ làm y chang vậy, không dám sai một ly, đôi khi dẫn đến máy móc và thiếu sáng tạo. Sếp mắng một cái là nàng chỉ có cúi đầu lặng im, chả dám cãi một lời. Nếu nàng mà làm sếp lớn thì nhân viên sướng phải biết! Có làm sai thì nàng cũng chỉ nói đôi ba lời nhẹ nhàng, chẳng to tiếng quát nạt ai bao giờ. Một mình nàng sẽ âm thầm cáng đáng hết những phần việc dở dang của cấp dưới. Trong học hành, nàng sẽ hơi khó tập trung vì cứ mãi mộng mơ những điều ở trên mây. Nhưng điều đó không có nghĩa là nàng học dở đâu, cần cù bù thông minh đấy. Mà nàng cũng không đặt nặng thành tích hay cầu toàn quá, đến đâu hay đến đấy thôi. Trong giờ kiểm tra, nàng sẵn lòng cho bạn bè chép bài hết, bất chấp việc bị thầy cô la mắng. Ở bên cạnh nàng rất là thích thú. Nàng sẽ thường xuyên tìm ra những điểm tốt của bạn để khen. Nàng sẽ giúp đỡ bạn mọi lúc mọi nơi mà không cần đền đáp. Ban đầu, bạn sẽ thấy ngại ngùng vì sự tốt bụng này, sau dần bạn sē quen và thậm chí coi việc nàng giúp đỡ bạn là chuyện đương nhiên (đấy là nếu bạn thiếu tinh tế). Chính vì giàu yêu thương mà nàng thiếu lý trí. Nàng dễ bị mất bình tĩnh khi người thân yêu bị tổn thương. Nếu bị phản bội, nàng sẽ đau đớn đến mức suy sụp. Nàng sẽ chìm đắm trong những cảm xúc đau buồn mà không cách nào thoát ra được. Cũng bởi yêu càng nhiều thì đau thương càng lớn. Bi kịch ở chỗ cuộc đời nàng không bao giờ được phép thiếu chữ "yêu". Nàng luôn lăn xả vào tình yêu bất kể phải chịu bao đau khổ đi chăng nữa. Nàng khao khát yêu thương, nàng thích cho đi và cũng thích nhận lại. Bạn nào có người yêu giống như nàng thì phải hết sức trân trọng và yêu thương nhé. Nàng dễ bị tổn thương và hay tủi thân lắm đấy! (Mai Mai)
"Cưa đổ một người hướng nội, khó hay dễ?" Bấm để xem Phải thừa nhận rằng để có thể cưa đổ một người hướng nội quả thật là khó khăn hơn rất nhiều so với việc tán tỉnh một người hướng ngoại. Nếu bạn đang có ý định cưa đổ một người hướng ngoại, hãy rủ người đó tới những nơi đông người. Đó là những quán café, quán bar, quán ăn tấp nập người đi kẻ lại hoặc nếu muốn ghi điểm thì những dịp lễ hội như bắn pháo hoa chào năm mới hay buổi diễu hành sự kiện nào đó thì hãy nhắn tin, gọi điện rủ đi cùng và biết đâu họ sẽ đồng ý với bạn mà không cần suy nghĩ quá lâu. Vì người hướng ngoại cần năng lượng từ bên ngoài, đám đông sẽ cho họ niềm vui và cảm giác dâng trào, hưng phấn. Tuy nhiên, nếu bạn áp dụng cách này với một người hướng nội thì bạn đã cầm tấm vé bị loại ngay từ những bước đầu tiên. >> Khi nào các cặp đôi trở nên im lặng? Trong tình yêu luôn cần sự tương tác qua lại giữa hai bên, ít nhất đó là sự trao đổi thông tin hàng ngày, có thể là những câu chuyện liên quan đến đời sống, công việc, bạn bè hay đồng nghiệp.. Sự tương tác này giúp hai người hiểu nhau hơn nhờ cách tiếp nhận từ nửa kia để có thể có được sự tổng quan cần thiết về bức chân dung của họ. Về mặt nào đó, những tin nhắn hỏi thăm hàng ngày, những lời chào ngày mới hay lời chúc ngủ ngon mỗi tối luôn mang lại cảm giác ngọt ngào, tình cảm vì ít nhất họ đang được nửa kia quan tâm. Nếu sự im lặng xảy ra, ắt hẳn có điều gì đó bất ổn và người kia sẽ tự hỏi: "Đang có chuyện gì xảy ra với anh ấy/cô ấy vậy?". Thế nên sự tương tác hàng ngày rất quan trọng và cũng có ý nghĩa rằng chính mình đang được quan tâm, được chăm sóc và được che chở. Im lặng trong mối quan hệ thường được coi là một dấu hiệu cho thấy sự nhàm chán trong chuyện tình cảm của cả hai người. Điều này có nghĩa là cả hai bên không còn thấy hứng thú với nhau hoặc những lời chúc quen thuộc nay đã trở nên bình thường đến nỗi không còn muốn trả lời hay không tìm được chuyện gì để nói nữa. Im lặng là khi một trong hai, hay cả hai bên, đều đã quá mệt mỏi vì những hiểu lầm, các cuộc tranh cãi không hồi kết chỉ vì những lý do nhỏ nhoi xuất phát từ việc không hiểu nhau. Thậm chí trong nhiều trường hợp, sự im lặng đồng nghĩa với việc một trong hai bên muốn chấm dứt mối quan hệ mà không cần thông báo, hàm ý rằng họ đã tìm thấy nửa khác tốt đẹp. >> Khi im lặng không đồng nghĩa với xa cách Với người hướng nội, sự im lặng lại có ý nghĩa rất đặc biệt mà không phải ai cũng hiểu được. Im lặng là lúc họ trở về với chính mình, dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ lại mối quan hệ của cả hai bằng các câu hỏi như: Liệu rằng hiện tại cách yêu như thế đã ổn chưa? Có gì cần phải thay đổi hay góp ý cho nhau không? Hoặc có thể là người ấy có phải là người mà họ có thể thực sự tin tưởng và "giao phó" cả cuộc đời hay không? Stephen Hawking, nhà khoa học vật lý và thiên văn học đã từng nói "Quiet people have the loudest mind", hàm ý những người hướng nội bề ngoài có vẻ bình thản nhưng nội tâm bên trong luôn dữ dội. Bạn có thể thấy một người hướng nội đang rất vui vẻ, thoải mái nhưng thật ra lúc đó các dòng suy nghĩ bên trong đang chạy không ngừng. Sau cả ngày đi làm, họ luôn dành thời gian để ngồi xuống và ngẫm nghĩ lại một ngày của mình đã trôi qua như thế nào hoặc trong suốt thời gian ấy mình đã có chút vượt bậc nào hay chưa, cần gì để làm tốt hơn nữa hay không.. Sự im lặng của người hướng nội dễ khiến người khác cảm thấy khó chịu. Họ khiến cho đối phương luôn có suy nghĩ "Có phải anh ấy/cô ấy đã chán mình hay đang giận mình không?". Có lẽ không phải như vậy đâu! Đơn giản họ không biết nói gì và quan trọng họ thích các cuộc thảo luận mặt đối mặt hơn là qua tin nhắn hay gọi điện thoại. Các chủ đề sâu sắc liên quan đến triết lý sống có thể được xem như là món ăn tinh thần của họ. Họ nói rất say sưa và sẽ ngừng lại khi cảm thấy mệt mỏi. Nếu cảm xúc ấy xuất hiện, họ sẽ tiếp tục cho phép bản thân mình chìm vào sự tĩnh lặng để lấy lại năng lượng vừa tiêu tốn vào cuộc chuyện trò đó. Sự im lặng của người hướng nội còn có ý nghĩa khác khi họ dùng thời gian của mình để quan sát đối phương. Họ sẽ không nói gì cả, chỉ quan sát thôi. Vậy nên, nếu có một người nào đó đang có ý định cưa cẩm họ thì ban đầu họ sẽ đánh giá người ta qua hành động, lời nói và sự tương tác xã hội nữa. Họ biết tất cả những gì bạn đang làm nhưng tuyệt nhiên sẽ không nói cho bạn biết. Đấy chính là lý do vì sao nhiều người gặp lại người bạn hướng nội của mình sau khoảng thời gian xa cách sẽ được họ kể cho nghe tất tần tật những gì bạn đã làm thời gian qua cụ thể đến từng chi tiết đấy. >> Hãy cưa đổ họ bằng sự im lặng nhưng đầy chân thành Cách đây khá lâu, khi bắt đầu để ý một cô nàng người hướng nội, tôi biết điều đó quả thật không hề đơn giản. Tôi vẫn giữ khoảng cách vừa phải và chỉ nhắn tin khi cần thiết. Tất nhiên, trong suốt thời gian ấy, tôi vẫn biểu lộ sự chân thành của mình bằng những hành động thể hiện rõ sự quan tâm nhưng cô ấy lại không nói gì. Khi đó, tôi chợt nghĩ có phải cô ấy chỉ xem tôi là bạn không, hay là đang thử thách tôi thêm một thời gian nữa. Đem vấn đề này đi hỏi cô em thân thiết thì tôi nhận được câu trả lời rằng: Tôi cần kiên nhẫn và chờ đợi thêm thời gian. Tất nhiên, tôi vẫn cảm thấy hoang mang một chút vì cứ nghĩ rằng nếu cô ấy không thích hay chỉ xem tôi là bạn thì cũng cần cho tôi một câu trả lời chứ nhỉ? Tuy nhiên, sau đó tôi lại phạm phải sai lầm của việc yêu người hướng nội. Sai lầm của tôi khiến cho cô ấy mất cảm giác an toàn. Có vẻ như khi gần thành công, tôi lại bỏ cuộc. Chính vì điều này mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn suy nghĩ. Tôi biết được rằng có vẻ như cô ấy cũng đã có chút cảm tình với mình sau khi sai lầm ấy xảy ra. Chỉ là khi đó tôi cũng đã "đi xa" mất rồi. Những khi nhớ lại, tôi cố gắng dặn lòng rằng sẽ không bao giờ lặp lại điều đó nữa. Chính vì người hướng nội dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ nên họ thường dễ bị tổn thương bởi chính những suy nghĩ tự họ sản sinh ra. Với họ, quan trọng nhất có lẽ là cảm giác an toàn mà đối phương mang lại cho mình. Họ rất yêu những cô gái hay chàng trai biết mang đến cho họ những cảm xúc tích cực ấy. Chẳng hạn, một người vợ hướng nội sẽ cảm thấy lo lắng khi chồng mình đứng cạnh và nói chuyện với một người phụ nữ khác, kể cả họ biết mối quan hệ giữa hai người đó chỉ là bạn bè không hơn không kém. Thay vào đó, nếu người chồng cố gắng giải thích bằng sự chân thành và hạn chế các lần sau thì cô sẽ thấy dễ chịu và bớt đi suy nghĩ đó. Ngược lại, với một chàng trai hướng nội, họ cũng sẽ cảm thấy an toàn nếu bạn gái của họ luôn ăn mặc kín đáo và cố gắng tránh xa những người đàn ông đến bên cạnh, và càng tuyệt vời hơn khi cô ấy nói tình trạng này với anh ta. Như đã đề cập, bạn mang suy càng cho họ nhiều cảm giác an toàn thì họ sẽ càng bớt nghĩ và lo lắng muộn phiền hơn. >> Vậy cảm giác an toàn nó sẽ như thế nào với người hướng nội? Trong cuốn sách có tên "Những điều phái nữ muốn nam giới biết cũng có trích đoạn nói về phụ nữ cần cảm giác an toàn. Tôi tự nhận thấy rằng đa phần người hướng nội rất cần cảm giác này. Có thể so sánh người hướng nội với phụ nữ vì điểm chung giữa họ là sự nhạy cảm. Cảm giác an toàn vẫn luôn là điều quan trọng nhất với họ. Cho nên, họ sẽ cảm thấy khó chịu khi người đàn ông có nhiều" em gái "hay cô bạn thân với những lời nói, cử chỉ có phần thái quá, kể cả trên mạng xã hội hay ngoài đời. Thay vì chờ họ lên tiếng, hãy trấn an và giải thích mối quan hệ của mình với những người kia để cô ấy không lo lắng. Bởi lẽ, phụ nữ là chúa suy diễn. Trong con người họ luôn trỗi dậy bản năng tự vệ:" Em không phải không tin anh, mà là em không tin cô ta ". Bản năng tự vệ cảnh báo mối quan hệ của hai người hiện tại sẽ bị phá hủy bởi người thứ ba. Có thể lấy một câu chuyện trên mạng bấy lâu làm ví dụ: Hai anh chị ngồi với người bạn trong quán café. Khi có điện thoại hay tin nhắn đến, anh chồng cố tình cho vợ xem màn hình của mình để cô ấy biết được đó là nội dung gì, ai gọi và ở đâu. Khi người vợ ra ngoài, anh bạn kia hỏi:" Tội gì anh phải làm thế? ". Lúc đó, anh mới giải thích, vợ anh không nói hay yêu cầu anh phải làm vậy, nhưng nếu không cho cô ấy biết rõ mọi thứ thì sự bất an trong người cô ấy sẽ trỗi dậy rồi lo lắng đủ điều. Việc làm ấy chỉ là xuất phát từ sự tôn trọng. Làm như vậy có thể tạo cảm giác an toàn, trấn an họ và khiến họ cảm thấy ấm áp hơn. >> Hãy hiểu sự im lặng của người hướng nội theo một nghĩa khác Nếu bạn đang yêu một người hướng nội nhưng nhận thấy có vẻ như họ ít hỏi han, quan tâm mình thì xin đừng lo lắng. Đừng cho rằng họ không còn cảm thấy hứng thú với bạn nữa, mà đơn giản chỉ là họ cần yên tĩnh nghỉ ngơi do áp lực của cuộc sống, công việc xảy ra xung quanh thôi. Chừng nào người hướng nội cảm thấy mình đã hồi phục năng lượng bằng việc họ thấy bạn đáng tin tưởng hoặc có chuyện quan trọng nào đó cần thảo luận thì họ sẽ lên tiếng. Nên nhớ, một khi họ đã lên tiếng thì ắt có chuyện gì đó rất quan trọng và bạn cần tận dụng cơ hội này để nói chuyện với anh ấy/cô ấy. Bởi lẽ, sau đó họ sẽ lại im lặng trong khoảng thời gian nhất định trước khi tiếp tục nói chuyện với bạn. Chỉ cần nhớ quy tắc đơn giản: Đa phần họ không muốn tốn thời gian cho các cuộc chuyện trò vô bổ, ví dụ như anh chàng kia vừa trúng vé số? Có liên quan họ không? Hoặc bà hàng xóm đó bắt ghen tại trận ông chồng? Có liên quan tới họ không? Tất nhiên là không rồi! Cưa đổ người hướng nội, bạn phải nhớ rằng hãy cưa đổ họ bằng sự im lặng đầy chân thành và mang lại cảm giác an toàn. Hãy thật kiên nhẫn với sự im lặng không hồi đáp của họ, bởi lẽ sự im lặng của người hướng nội luôn chứa đựng sự suy xét phân tích trước sau. Có lẽ cảm xúc của họ còn chứa đựng sự đề phòng cảnh giác trước các mối quan hệ mới, nhất là những người hướng nội vừa phải trải qua chuyện tình cảm không may trước đó. Hãy yêu họ bằng sự tử tế và chân thành nhất mà bạn có. Chỉ có như thế, vòng tròn xã hội bấy lâu nhỏ hẹp của họ sẽ mở rộng ra và chào đón bạn đến với thế giới của họ. >> Vậy lời khuyên nào dành cho bạn khi đang tìm hiểu người hướng nội? Vì người hướng nội luôn đề cao sự an toàn của bản thân và tự trọng trong lòng mình nên họ thường có xu hướng yêu hoặc kết hôn muộn hơn so với người khác. Họ yêu vì đó là tình yêu, chứ không vì sự thúc ép của người thân, bạn bè hay nhìn trào lưu những ngày Valentine, ngày sinh nhật.. mà người ta có cặp có đôi còn mình thì đang lẻ bóng. Không, không phải như vậy! Mà họ đã quen với việc một mình, giống như bản tính người hướng nội đã gán lên chính con người họ từ khi sinh ra rằng: À, đó là tôi, tôi thích một mình như vậy! Vậy nên, chuyện tình yêu tôi sẽ không vội vàng đâu. Nhưng nếu bạn đang tìm hiểu một cô gái hay chàng trai hướng nội thì sao? Nếu bạn đã đối xử ân cần, nghiêm túc và chân thành mà họ vẫn im lặng và có vẻ dửng dưng, còn bạn vẫn chưa được đáp lại thì bạn có nên tiếp tục tình cảm ấy hay không? Theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn là thời gian. Bạn đừng quá lo lắng. Những gì bạn đã cho đi, người hướng nội quan sát tốt nên họ khắc ghi rất sâu trong tâm trí của mình. Họ không bao giờ quên, chỉ là họ vẫn sẽ ở yên trong thế giới nội tâm của mình. Họ chỉ thực sự bước ra ngoài" vùng an toàn "ấy để đón nhận tình cảm của bạn khi biết rõ rằng bạn có phải là đối tượng mang lại cho họ cảm giác an toàn và thực sự đáng tin tưởng - điều họ cần nhất ở đối phương hay không. Ngược lại, họ vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm và chờ đợi nửa kia của mình như tiêu chí ban đầu đã đề ra. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải nhớ rằng sau khi người hướng nội đã chấp nhận tình cảm của bạn thì xin hãy duy trì khoảng cách như lúc trước với họ. Bạn không nên kéo họ ra khỏi thế giới cố hữu bấy lâu nay hay ép buộc họ phải ở cùng thế giới với bạn nếu không muốn về lại" friendzone "một lần nữa. Mặc dù họ đã quen với việc một mình, nhưng họ cũng rất cần một tình yêu, miễn sao tình yêu ấy mang lại cho họ cảm giác an toàn. Bạn vẫn nên chấp nhận thế giới riêng của người hướng nội. Họ không phải khi nào cũng kè kè bên cạnh bạn để nhắn tin, gọi điện, hỏi thăm từng giờ, từng phút hay từng giây. Hãy để mặc họ. Hãy để thế giới yên ả của người hướng nội không có bất kỳ sự xáo trộn nào cả. Vì thế giới ấy được ví như mặt hồ tĩnh lặng, chỉ cần bạn ném một viên đá xuống thôi, thì mặt hồ sẽ nổi sóng và cũng có nghĩa bạn đã" thua cuộc ". Hãy hỏi về những gì quen thuộc với người ấy, ví như về bản thân họ, về công việc, gia đình, những quan điểm, về những điều họ thích hay không thích.. Những lưu ý là: Đừng cố lấn tới khi họ không muốn nói chuyện. Khi ấy, bạn không những phí công mà còn làm phiền người ta nữa. Khi nào muốn nói chuyện hay không muốn, họ sẽ cho bạn biết (có thể khi đó họ đã hết năng lượng để giao tiếp với bạn rồi), hãy dành cho họ một chút thời gian để lấy lại năng lượng cần thiết. Đối với người hướng nội, có thể trong một ngày chỉ cần 2 câu:" Chào buổi sáng "và" Chúc ngủ ngon"là đủ rồi. Cưa đổ một người hướng nội, chỉ tốt thôi thì chưa đủ, mà bạn còn phải rất tinh tế và nhạy cảm nữa.
"Hai người hướng nội yêu nhau sẽ như thế nào?" Bấm để xem Nếu một cặp đôi hướng nội yêu nhau thì giữa họ sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị. Trong khi người khác nhìn vào tình yêu này có thể sẽ nhận xét rằng yêu như vậy thì chán lắm, cứ bình lặng như thế, không có gì hấp dẫn, yêu nhau mà không cãi nhau, không giận hờn nhau thì giống bạn bè hơn. Tuy nhiên chỉ có những người hướng nội mới hiểu được vì sao tình yêu của họ lại không giống như người khác. 1. Bạn và nửa kia hay dành thời gian trong cùng một căn phòng mà không có bất kỳ tương tác nào. Bạn thích tận hưởng thế giới của riêng mình bằng các hoạt động như đọc sách, lướt web, chơi trò chơi điện tử hoặc vẽ cái gì đó. Đôi khi cả hai bạn ngồi gần nhau thì mỗi người vẫn chú tâm vào không gian riêng của mình, nhưng vẫn kết nối với nhau rất tình cảm nhẹ nhàng, chẳng hạn như chạm vào chân nhau hoặc nắm tay nhau. 2. Bạn cũng sẽ dành thời gian ở nhà vào buổi tối nhiều hơn, ít đi dự tiệc hay tham gia các sự kiện xã hội khác – và cả hai đều thấy ổn. Vào cuối tuần, những việc hay làm của các cặp đôi này là gọi thức ăn yêu thích về nhà, xem phim hoặc chơi trò chơi điện tử cùng nhau. 3. Cả hai bạn đều muốn nhờ nửa kia nhấc máy gọi đặt hàng giùm hoặc cả hai đều không muốn gọi điện. Khi nhân viên giao hàng tới, cả hai bạn sẽ đồng thanh: "Này anh/em, phiền anh/em có thể lấy hàng giúp em/anh được không?". 4. Rất nhiều cuộc trò chuyện của hai bạn xoay quanh một điều gì đó khá thú vị mà trong thời gian gần đây các bạn đã đọc hoặc được nghe. 5. Mặc dù cả hai đều là người hướng nội, một người sẽ có xu hướng cởi mở hơn người kia. Do có được thêm "tần số" giao tiếp xã hội, người này đôi lúc được xem là "khuôn mặt đại diện" cho hai bạn. Đôi khi, điều này có thể mang đến cho người đó cơ hội thú vị để trải nghiệm cảm giác "hướng ngoại" nhưng có thể lần khác họ sẽ cảm thấy mệt mỏi. 6. Khi yêu nhau, hai bạn có xu hướng giải quyết mọi mâu thuẫn bằng cách nhẹ nhàng nhất. Nhiều người hướng nội có xu hướng hơi ngại ngùng từ những bất đồng ấy vì có vẻ họ đang bị kích động. Thay vào đó, họ chia sẻ cảm xúc của mình và hy vọng sự bất đồng ấy sẽ nhanh chóng được xua tan. Các cặp vợ chồng hướng nội trưởng thành biết rằng những cuộc trò chuyện đầy tranh cãi này sẽ đưa họ ra khỏi vùng an toàn, do đó, họ luôn phải cố gắng để giữ cho mối quan hệ của mình được ấm áp, dễ chịu. 7. Cả hai bạn đều thích những cuộc trò chuyện có ý nghĩa. Tất nhiên, sẽ luôn có những lời hỏi thăm nho nhỏ, ví dụ như "Ngày hôm nay anh/em cảm thấy thế nào?". Nhưng cuối cùng, từ đó cả hai bạn sẽ kết nối qua những ý tưởng lớn hơn cùng cảm xúc đích thực. 8. Người hướng nội thường không thoải mái với những cuộc hẹn hò online hoặc ở nơi đông người. Vì vậy, bạn và nửa kia trước đó chỉ có thể gặp nhau thông qua người quen, những người có thể nhận ra rằng hai bạn sẽ hợp nhau do sở thích và tính cách. 9. Những ngày đầu tiên hẹn hò của hai bạn thường khá lúng túng, bởi vì người hướng nội có xu hướng cần thời gian để mở lòng cho những người mới. Tuy nhiên, sau khi qua được thời gian ban đầu, tính cách thực sự của cả hai sẽ được bộc lộ. Bên nhau, hai bạn rất vui vẻ hòa đồng, thậm chí có thể hay trêu chọc nhau nữa. 10. Ngôi nhà của hai bạn luôn chứa đựng sự yên tĩnh. Người kia sẽ không bật TV lớn tiếng hoặc nói chuyện ồn ào qua điện thoại. Cả hai người đều đề cao sự yên lặng vốn có. 11. Bạn có thể lắng nghe trái tim của mình khi hai người đang tranh cãi rồi sau đó bạn và nửa kia sẽ ngồi lại nói chuyện với nhau. Bạn thích lắng nghe hơn là nói với người kia, cả hai bạn đều quan tâm đến vấn đề mà mình vừa bỏ lỡ. Tương tự như vậy, cả hai đều cần rất nhiều thời gian để xoa dịu bầu không khí sau khi tranh cãi, bởi vì bạn nhận thấy mình đang lặp lại cuộc tranh cãi này trong tâm trí của mình. 12. Các bạn thực sự chỉ có một vài người bạn thân – và các bạn thấy ổn với điều đó. Người hướng nội thông thường có xu hướng giữ cho các vòng kết nối xã hội của mình ở mức vừa phải, bởi vì năng lượng kết nối của họ có giới hạn. Họ thích chất lượng hơn số lượng khi nói đến tình bạn. 13. Các bạn đều quan tâm đến cùng một kiểu hoạt động. Ví dụ, trong kỳ nghỉ, cả hai thích tương tác với nhau thật nhẹ nhàng như đi thăm bảo tàng hoặc đọc sách trên bãi biển mà không ai muốn đi đến chốn đông người. 14. Bạn không cần phải giải thích nhu cầu của mình về thời gian ở một mình – đơn giản nửa kia của bạn luôn hiểu và tôn trọng điều đó. 15. Cuối cùng, bạn đã tìm được một người thật sự có những tính cách "lạ lùng" như mình và họ cũng cảm thấy điều đó khá dễ chịu, "be like a home". 16. Trong bất kỳ cuộc gặp gỡ nào, những đoạn hội thoại giữa họ luôn có vẻ chậm rãi, từ tốn. Cuộc nói chuyện đó giống như kiểu hai người bạn với nhau nhưng ẩn chứa trong đó là tình cảm dành cho nhau thật sự mãnh liệt. Bất kể có tranh cãi nào đi chăng nữa, họ luôn kiềm chế và đưa ra quan điểm của mình một cách từ tốn, đầy sự tôn trọng. Nếu chưa đi đến sự thống nhất, họ sẽ nói chuyện thêm vài lần nữa. Tuyệt nhiên giữa họ không có chuyện làm tổn thương nhau. Lớn tiếng chỉ khiến năng lượng của họ bị hao tổn. Biết được điều này nên họ không bao giờ làm vậy. 17. Vì những người hướng nội có khả năng lắng nghe rất tốt nên khi một trong hai người có khúc mắc, người kia sẽ không ngần ngại lắng nghe xem đó là gì. Thực sự, họ không cần giải pháp từ người kia mà đơn giản, họ chỉ muốn được nói ra cho nhẹ lòng. Sự quan tâm, thấu hiểu luôn là nền móng vững bền cho tình yêu của họ. 18. Bên cạnh những lúc đi chơi cùng nhau, họ lại thích tận hưởng cảm giác một mình. Dù là hành động gì đi nữa, họ thích nghỉ ngơi, nhâm nhi ly café sữa, đọc sách, ngắm lại album ảnh của cả 2 người, vào trang cá nhân của người kia hay đơn giản chỉ là đọc lại tin nhắn. Họ tuyệt đối không làm phiền không gian ấy của đối phương. Cả hai đều hiểu rằng cần phải lấy lại năng lượng sau những lúc bên nhau. 19. Họ thường không thích ở nơi đông đúc quá lâu. Họ có thể "chịu đựng" một buổi hòa nhạc, diễu hành hay những sự kiện đặc biệt nhưng không phải ở những nơi đông người. Trong những tình huống như vậy, họ rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi. Nếu được mời đến những nơi như vậy, họ sẽ cố gắng vui vẻ và không để cho nửa kia phải lo lắng. Vậy nên, trong những ngày lễ, họ thích ở nhà cùng nhau, nấu ăn, dọn dẹp, hay hoạt động nhẹ nhàng. Họ không thích đi ra ngoài những ngày này trừ khi có lý do đặc biệt. Dù cho tình yêu của những người hướng nội có trầm lặng, không khoa trương, ồn ào nhưng hai người hướng nội yêu nhau đôi khi nói cả đêm không hết chuyện. Nhiều lúc, họ chỉ cần nhìn vào mắt nhau là hiểu được người kia muốn nói gì. Người hướng nội yêu nhau sẽ rất bền chặt, bình dị, không ồn ào nhưng chân thành, thấu hiểu hơn, và họ tự biết làm cho nó thú vị theo cách mà họ cảm nhận.
"Điểm yếu trong mối quan hệ của các cặp đôi hướng nội" Bấm để xem Cặp đôi hướng nội khi yêu nhau hoặc khi kết hôn có điểm thuận lợi là sự lắng nghe đầy chân thành và quan tâm đến nửa kia. Đây chính là tiền đề cho một mối quan hệ bền vững và cũng là mong muốn của nhiều cặp đôi khác. Mặc dù vậy, những cặp đôi hướng nội vẫn có những nguy cơ tiềm ẩn không kém phần rắc rối như cặp đôi hướng nội - hướng ngoại gặp phải, chỉ có điều khác biệt trong cách hành xử mà thôi. Một trong những ưu điểm của cặp đôi hướng nội là: Họ luôn cố gắng giải quyết mọi mâu thuẫn bằng sự nhường nhịn và tránh tranh cãi không cần thiết. Cách xử lý đầy bình tĩnh và nhẹ nhàng ấy luôn được đánh giá cao và rất nhiều người khác cũng mong muốn được như vậy. Nhưng sự nhẫn nhịn này lại có hai mặt khi cả hai tránh né các vấn đề thực sự nghiêm túc. Những mâu thuẫn, khác biệt hay nhu cầu, sở thích riêng là những chủ đề được họ ít đề cập đến vì cho rằng tranh luận các chủ đề này chỉ khiến họ thêm mệt mỏi. Ví dụ một anh chồng tranh thủ ngày nghỉ để đọc sách và xem phim, còn cô vợ lại muốn hâm nóng lại tình cảm vợ chồng bằng cách đi ra ngoài mua đồ về nấu ăn. Có thể xem đây là khởi nguồn của mẫu thuẫn nho nhỏ để sau này dẫn đến những rắc rối lớn hơn. Có thể một trong hai người sẽ nhường nhịn nhau. Tuy nhiên, nếu việc nhường nhịn này cứ tiếp tục diễn ra nhiều lần sẽ khiến họ bất mãn. Họ cho rằng chỉ cần hiểu mình trước thì người kia cũng có suy nghĩ y chang như thế. Nếu họ dành cả ngày chỉ để đọc sách thì họ cho rằng nửa kia cũng thích đọc sách, và điều này chưa hoàn toàn chính xác mà chỉ là "từ bụng ta suy ra bụng người". Họ chưa thực sự nhìn nhận được rằng, nếu một trong hai người thích đọc sách, hoạt động để lấy lại năng lượng thì nửa kia cũng có cách để lấy lại nguồn năng lượng tương tự, ví dụ như nấu ăn, đi dạo, đi mua sắm vòng vòng gần nơi họ ở.. chứ cách thức nạp lại năng lượng không phải hoàn toàn giống nhau. Về lâu về dài, những ức chế do không được nửa kia thấu hiểu cũng dẫn đến những hệ quả không tốt. Họ lại dành thời gian suy nghĩ rất nhiều và dễ rơi vào tình trạng không muốn nói cho nửa kia biết. Họ có thể nhiều lần muốn lên tiếng về những cảm giác không mấy dễ chịu này nhưng rồi lại thôi. Sau nhiều lần như vậy, họ không muốn nói thêm gì và lại tiếp tục chịu đựng cảm xúc tiêu cực ấy một mình. Thực lòng mà nói, ngọn núi lửa sau một thời gian không phun trào nếu có hoạt động trở lại thường gây hậu quả cho hệ sinh thái xung quanh hơn là một ngọn núi lửa thường xuyên phun trào (vì xung quanh ngọn núi lửa đó hầu như không có hệ sinh thái nào). Hãy tưởng tượng nếu cảm xúc chôn chặt trong lòng không được giải tỏa mà cứ bị dồn nén suốt thời gian dài đến ngày không còn sức chứa nữa thì hậu quả sẽ như thế nào? Khi viết bài này, tôi vẫn đang dùng quan điểm cá nhân để viết, tôi vẫn đang yêu một cô gái hướng nội. Viết về chủ đề người hướng nội yêu nhau thì ít nhất tôi vẫn có thể vung tay vài dòng, chứ viết về cặp vợ chồng hướng nội e là quá sức của mình. Bởi lẽ tôi không thể nào dùng cặp mắt của một người đang yêu để nhận xét một cặp vợ chồng đã kết hôn, chưa kể đến hôn nhân là chủ đề rất phức tạp, nếu viết không cẩn thận thì rất dễ gây hiểu lầm. Thật may mắn là khi đang bí ý tưởng thì tôi gặp được một người chị tên là Ngân An. Chị đã mạnh dạn chia sẻ câu chuyện của chị và khiến tôi có thêm những góc nhìn mới mà trước đây tôi chưa bao giờ được biết đến. "Điều khó khăn nhất của một cặp đôi hướng nội là ở chỗ, hai người giống như hai cái lò xo cùng bị nén, nhưng thời điểm bùng nổ lại rất nhiều lần lệch nhau. Mà lệch nhau, nếu không thực sự thấu hiểu, hoặc có thấu hiểu đấy nhưng quá sức sẽ dễ dàng xa nhau. Người ta mặc định người hướng nội là ít nói, luôn thể hiện mọi thứ bằng hành động, ít khi tranh luận, ít hơn thua. Thực sự thì đó chỉ là vẻ bề ngoài. Người hướng nội lầm lì với người lạ nhưng lại có thể đóng vai một triết gia đối với gia đình. Họ cực kỳ ít tranh luận với người ngoài nhưng với cái đầu cứng, nhiều khi lại không hề nhường nhịn, xuề xòa với chính những người trong gia đình mình. Trong mối quan hệ thân thiết của mình, người hướng nội đôi khi lại gặp trúc trắc hơn hẳn với những mối quan hệ ngoài xã hội. Chồng tôi và tôi đều là người hướng nội. Nhưng nếu tôi là cô gái hướng nội sau bề ngoài sôi nổi thì chồng tôi ngược lại, anh hướng nội trong chính vẻ bề ngoài yên lặng của mình. Bởi thế, nhiều người cho rằng chúng tôi không thể tìm thấy sự đồng điệu khi tôi nói như máy khâu còn anh yên lặng suốt ngày. Thực tế chúng tôi rất hòa hợp trong quan niệm, cách đánh giá, nhìn nhận hay kể cả lòng tin. Chồng tôi rất thích thơ. Và tôi thích đọc cho anh ấy những bài thơ tôi viết. Chồng tôi luôn có vẻ là người bỏ qua cho sự trẻ con bồng bột của tôi, nhưng tôi mới là người kéo anh đi qua những cơn thất vọng không lối thoát trong đời. Những cơn tuyệt vọng mà người ngoài không thể nhìn thấy - hoặc không được anh ấy cho phép thấy. Nhiều lúc anh ấy dường như đã dựa hoàn toàn vào sự cứng cỏi của tôi. Còn tôi thì tìm sự bình yên trong tác phong điềm đạm của anh ấy. Nhưng rõ ràng chúng tôi cùng hướng nội và tần số rung động rất gần nhau. Mọi thứ đều rất tốt. Ngay cả khi tôi biết mình có thai thì cũng đoán được chắc chắn luôn thái độ của anh ấy ra sao. Tôi bình thản thông báo và chúng tôi làm đám cưới. Thời điểm tôi không dùng một biện pháp bảo vệ nào và biết chính xác mình sẽ có thai, tôi cũng đồng thời khẳng định là anh ấy sẽ cầu hôn tôi không hề khiên cưỡng. Tức là chúng tôi cực kỳ hòa hợp, đồng điệu và hiểu được mối quan hệ của mình gần như cùng một lúc và cùng một cách với nhau. Nhưng hôn nhân đã dạy tôi rằng ngay cả khi hai người cùng hướng nội hiểu rõ về nhau thì thời điểm bùng cháy bên trong họ vẫn hoàn toàn lệch nhau. Chồng tôi đi công tác một tuần. Với tất cả nhớ thương, tôi nghĩ khi anh ấy trở về tôi sẽ nấu một bữa ăn thịnh soạn. Nhưng áp lực trong công việc suốt một tuần ở nơi xa lạ khiến anh ấy chỉ về nhà một lát và bảo tôi ăn một mình, còn anh đi uống bia với" tập thể bạn bè "để" xả ". Tương tự như khi tôi sắp đến ngày sinh, tôi sợ đau, sợ mổ, sợ nuôi con khó.. Nhưng với chồng tôi, qua tháng thứ bảy tức là đã chắc chắn đứa trẻ sẽ an toàn chào đời. Điều anh ấy lo lắng không phải là những đau đón, khó khăn trong lúc sinh nở của tôi mà là nỗi lo tôi sảy thai, lưu thai khoảng thời gian trước đó. Vì thế, thời khắc và mối lo nghĩ của hai người hướng nội không trùng khớp và chúng tôi đã xung khắc. Tôi bảo anh không thương tôi nhưng anh cho rằng những đau đớn khi sinh con, chịu đựng những vết khâu là việc người đàn bà nào cũng phải trải qua. Đáng lẽ phải mừng vì khoảng thời gian thường xảy ra những điều đáng tiếc đã qua rồi và không nên phàn nàn gì nữa. Như tôi đã nói. Người hướng nội như những chiếc lò xo được nén lại rất sâu. Bởi thế, khi họ lo nghĩ thì ít ai chạm tới. Nhưng khi đã giải tỏa được rồi thì họ trở nên" hớn hở "hơi quá và thậm chí nhiều lúc vô duyên. Chồng tôi để mặc vợ đau buốt vì vết mổ. Anh yên tâm đã có bà ngoại nên đi ăn mừng. Tôi giận chồng ghê gớm vì vô tâm nhưrng tôi đồng ý là trước đó anh đã lo cho tôi từng bữa cơm, quả trứng. Hình như cảm giác có con khiến anh cần phải giải tỏa và trở nên sôi nổi quá đà, ngay cả khi điều ấy đồng nghĩa với việc không trực tiếp về nhà chăm con. Nhiều điều tương tự diễn ra. Chúng tôi cùng hướng về gia đình nhưng ở những thời điểm tôi tập trung vào học cách ủ tempeh, suốt gần nửa năm tôi không nói được câu thứ ba với chồng qua điện thoại, dù anh đi công tác xa nhà. Không phải tôi hết yêu. Nhưng lúc ấy tempeh gần như quyết định cả một hướng đi mới cho gia đình và cuộc sống cá nhân nên tôi không đủ sức hỏi han đến chồng. 6 năm hôn nhân, chúng tôi đã trải qua rất nhiều xung đột và bài học. Hai con người tưởng như đã hiểu nhau đến tận cùng lại có khi xung đột tưởng không thể dung hòa, không thể duy trì nổi gia đình nhỏ. Lúc đó, chúng tôi mới hiểu được rằng kể cả khi cả hai người đều hướng tới cái chung thì không có nghĩa những nhịp rung động cũng trùng khớp nhau." Lệch nhịp "nói chung đã rất khổ sở rồi nhưng sự lệch nhịp của hai người hướng nội nhiều khi mệt mỏi vô cùng bởi cả hai đều nhạy cảm quá mức. Yêu đương và hôn nhân là cơ hội để cả hai khám phá về mình và khám phá về nhau, nhất là những người hướng nội thì hành trình khám phá này nhiều thử thách hơn bao giờ hết." (An Ngân) "Chị và mẹ chồng cùng là người hướng nội, hiểu nhau đến nỗi có thể đọc được suy nghĩ của nhau. Chị hướng nội thuần hơn, còn bà thì hay tham gia các nhóm văn nghệ, hát hò. Mọi người hay nhầm bà là người hướng ngoại nhưng thật ra bà làm như vậy vì sợ bị chê là không hòa đồng, ít nói. Lúc ở nhà bà mới thể hiện sự hướng nội của mình. Bài viết rất đúng ở chỗ những người hướng nội đã giận nhau thì giận rất dai và hình như không ai có thiện chí muốn hòa giải. Điều đó đẩy mọi chuyện đi rất xa." (Thu Hà) Cũng trong lần tôi đang tìm minh chứng cho tựa đề này thì may thay tiêu đề "Sai lầm khi lấy người vợ quá ít nói" trong mục Tâm sự của báo VnExpress hiện lên trước mắt. Nội dung trong bài báo này cũng đề cập đến những bất đồng như bề mặt nước biển. Dù bề mặt khi nào cũng hiền hòa với màu xanh dịu mát nhưng ẩn sâu bên dưới lại là sự chuyển động không ngừng. "Tôi có người vợ biết chăm lo cho chồng, gì chứ nấu ăn ngon là nghề của cô ấy. Từ việc nhà cửa đến chăm lo con cái, một mình cô ấy lo hết. Lâu lâu tôi cũng phụ giúp khi có thời gian rảnh. Cô ấy thuộc tuýp người hướng nội, ít nói, thẳng tính, có gì nói nấy, không khéo giao tiếp nên không được lòng mọi người. Cô ấy cũng biết điều này và đang cố gắng thay đổi. Tôi cũng biết tính cách của mình hướng nội giống vợ. Lúc đầu lấy nhau nghĩ" Thôi, lấy người ít nói giống mình về cho khỏe, lấy người nói nhiều về nghe nhức đầu ". Tuy nhiên, sau khi cưới tôi nhận ra rằng nhiều cặp vợ chồng khác hạnh phúc là do vợ chồng trái ngược tính nhau: Chồng ít nói, ôn hòa, vợ lại sôi nổi, năng động hoặc ngược lại. Bản thân tôi nghiệm ra cũng đúng. Trong thâm tâm, tôi là một người hướng nội, không thích lãnh đạo người khác. Nhiều khi, đi đâu ăn gì tôi muốn người khác quyết định và mình chỉ việc làm theo. Tôi chỉ thích ngồi nghe người khác nói chứ không muốn nói nhiều. Mặc dù đang là trưởng phòng quản lý một nhóm nhân viên nhưng tôi rất ít nói chuyện hay giao tiếp với nhân viên cấp dưới. Tôi cũng cố gắng đi học nhiều để thay đổi bản thân, có lẽ do bản chất hoặc do tôi chưa rèn luyện nên vẫn chưa thay đổi được, chưa thể hoạt bát, vui vẻ, nói nhiều được. Tôi rất thích có một người vợ cá tính, biết ăn nói, vui vẻ, hoạt bát, thích đi đây đi đó, chụp hình" tự sướng "như các cô gái trên mạng xã hội. Có cô vợ như thế chắc tôi sẽ chiều chuộng, nghe theo cô ấy. Tôi nghĩ cuộc hôn nhân của mình sẽ thú vị lắm, sẽ đầy màu sắc tươi vui. Chúng tôi sẽ cùng nhau đi ăn uống, du lịch. Tôi không biết tạo kiểu chụp hình thì có vợ hướng dẫn, không biết ăn nói sẽ có vợ nói và tôi chỉ cần lắng nghe. Tôi sẽ yêu vợ nhiều lắm! Nhìn lại vợ tôi hiện tại điểm gì cũng được, chỉ có tính cách giống tôi quá nên cuộc hôn nhân rất tẻ nhạt, vợ chồng ít khi nói chuyện cùng nhau, đi đâu chơi cùng cũng không thú vị. Cuối tuần chở nhau đi hóng mát, ngồi café cũng không biết nói gì nên thành ra ít đi. Tôi cũng muốn bỏ tiền ra để đi du lịch cùng nhau nhưng mấy lần đi thấy không có gì thú vị. Nhiều người tư vấn cả hai vợ chồng hãy đi học giao tiếp để thay đổi bản thân mà thấy khó quá, bản tính khó thay đổi. Tôi phải làm sao với cuộc hôn nhân này?". Khoan nói đến chuyện ai đúng ai sai, nhưng theo tôi, vấn đề ở đây là cả hai đều giữ chuyện trong lòng và ngại chia sẻ với nhau, đóng kín sự giao tiếp, thậm chí là bỏ qua các cơ hội khi bên kia chủ động mở lời. Có thể đó là chuyện không vui trong công việc hoặc trong đời sống hàng ngày. Biết đâu suy nghĩ của anh chồng cũng là suy nghĩ của vợ? Sự lệ thuộc về nhu cầu cảm xúc ấy khiến khoảng im lặng tăng dần lên ngày qua ngày. Cả hai đều mong muốn nửa kia lên tiếng trước để được sẻ chia. Trong trường hợp này, sự im lặng nếu không được kịp thời phá vỡ thì rất dễ dẫn đến những điều không hay. Nhiều ý kiến chia sẻ bài báo cũng cho rằng sự bất ổn này đến từ hai phía. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những mối nguy hại sẽ xảy ra ở những cặp đôi hướng nội. Ở cặp đôi hướng ngoại - hướng nội cũng có điểm tương tự, nhưng người hướng ngoại sẽ lên tiếng trước, từ đó giúp cho nửa kia dễ bề lên tiếng về những mong muốn, suy nghĩ và nhu cầu của bản thân. Nếu cả hai thảo luận được và cùng nhau đi đến suy nghĩ thống nhất thì kết quả sẽ khiến cặp đôi này hài lòng về cuộc sống hôn nhân của họ. Vậy nên, cặp đôi hướng nội - hướng ngoại nhiều lúc được cho là sự bù trừ hoàn hảo và có xu hướng hạnh phúc hơn. >> Một số biện pháp tháo gỡ khó khăn của cặp đôi hướng nội • Nếu bạn hoặc cả hai người đều nhận thấy mối quan hệ này đang có vấn đề thì hãy chấm dứt việc chú ý quá nhiều vào nó. Thay vào đó, một trong hai bên (hoặc cả hai thì càng tốt) hãy cùng nhau ngồi lại hỏi han. Những câu hỏi này không quá khó mà rất đơn giản. Chẳng hạn như nhìn nét mặt của anh ấy/cô ấy không vui thì hãy lập tức lên tiếng: "Có chuyện gì không ổn với em/anh thế? Trông em/ anh không được vui. Có anh/em ở đây rồi. Đừng sợ." kèm theo cái nắm tay, vuốt tóc hoặc hôn lên trán nhẹ nhàng thôi, thì bạn sẽ khiến nửa kia cảm thấy an toàn và dễ chiu. Khi có được cảm xúc tích cực này, họ sẽ dễ dàng nói ra cho bạn biết những suy nghĩ đang dồn nén trong lòng. Ngược lại, trong trường hợp họ vẫn chưa nói cho bạn biết vấn đề là gì thì cũng không nên sốt sắng mà hãy từ từ thăm dò, quan sát nét mặt của họ trong từng câu chuyện thì sẽ dễ dàng hơn hoặc chọn thời điểm riêng tư của hai người với nhau để hỏi, nhưng cũng nhẹ nhàng thôi nhé. • Mọi vấn đề nên được giải quyết càng sớm càng tốt và không nên để những hiểu lầm đó bị chôn chặt quá lâu. Người hướng nội hay có xu hướng giữ suy nghĩ một mình và hầu như không muốn cho ai biết, kể cả người bạn đời của mình. Dù có nhường nhịn nhau rất giỏi nhưng trong trường hợp hiểu lầm đang đe dọa đến hạnh phúc của cả hai thì tốt nhất một trong hai hoặc cả hai nên nói ra. Cách tốt nhất vẫn là hẹn nhau một ngày nào đó trong tuần vì điều này sẽ giúp bạn có thời gian để chuẩn bị tất cả những gì sẽ nói vào ngày hôm đó. Ngồi ở nhà trong không gian yên tĩnh, pha tách café, ngồi dựa vào nhau để thổ lộ tâm tình. Khi chỉ có hai người với nhau thì hãy mạnh dạn nói thẳng, không nên che giấu. Ví dụ như "Em thấy không hài lòng anh ở điểm này, theo em vẫn là.." hoặc "Anh đang thấy có điều này khúc mắc mãi mà chưa biết nói sao..". Bên cạnh đó, hãy dùng cụm từ "theo em/theo anh" để tăng sự chủ kiến trong câu nói chứ không phải mang tính áp đặt. Phương thức này sẽ là điểm khởi đầu cho việc "bóc trần" những hiểu lầm trước kia và mọi khó khăn giữa hai người sẽ dần được tháo gỡ. • Dù bạn là người hướng nội luôn dành nhiều thời gian một mình đi chăng nữa, bạn cũng nên chủ động ra ngoài để gặp gỡ, chuyện trò cùng bạn bè. Đi một mình hoặc cả hai người thì càng tốt. Nếu là một mình thì bạn dễ thực hiện điều này thoải mái hơn. Cách làm này sẽ giúp bạn khơi dậy tính cởi mở, hạn chế sự gò bó hoặc im lặng quá mức. Không có ý nói rằng bạn đang được "cải tạo", mà bạn sẽ luôn chủ động trong mọi tình huống để có thể hỏi han, quan tâm người khác khi cần thiết. Nếu là hai người đi với nhau thì cách làm này sẽ giúp mối quan hệ luôn được "đổi gió". Hãy cùng nhau đi đến một nhà hàng, tặng hoa tặng quà cho nhau; hãy cùng nhau đến rạp chiếu phim với căn phòng ít người hoặc nếu đi bộ cùng nhau thì hãy nắm tay nhẹ nhàng tình cảm và luôn tưởng tượng rằng hai bạn đang hẹn hò như lúc mới yêu vậy. Một chiếc bóng đèn sẽ sáng đẹp mãi nếu người sử dụng luôn lau chùi lớp bụi bẩn bên ngoài, một chiếc xe máy sẽ hoạt động tốt hơn sau mỗi lần bảo hành, một chiếc máy tính sẽ hoạt động nhanh hơn nếu người chủ của nó thường xuyên kiểm tra, diệt virus, dọn ổ cứng.. Và hai bạn sẽ thêm hiểu nhau và thương nhau nhiều hơn nếu mối quan hệ luôn được "làm mới" như vậy. • Luôn tôn trọng suy nghĩ riêng tư của nhau và không nên ép nửa kia phải nói ra nếu điều đó không thực sự cần thiết. Cũng có thể suy nghĩ đó chỉ là nhất thời nhưng chẳng may lại có thể gây tổn hại đến tình cảm của hai người thì sao! Người hướng nội rất giỏi quan sát, nhận định tình huống và đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, không phải khi nào cũng cần làm điều này. Trong cuộc sống có sự khác biệt suy nghĩ là hoàn toàn bình thường, miễn sao hai luồng suy nghĩ đó đều cùng về một hướng. Trong đời sống vợ chồng, có những vấn đề cứ động đến là rất dễ gây tranh cãi, nhưng ở cặp đôi hướng nội thì sự bất đồng ngầm cũng không kém phần nguy hiểm. Thay vì né tránh, họ cần biết cách xử lý các vấn đề này linh hoạt để giúp hai người hiểu nhau và được hạnh phúc hơn.
"Liệu cặp đôi hướng nội – hướng ngoại có thực sự hoàn hảo?" Bấm để xem Trong bất kỳ mối quan hệ nào giữa người với người cũng luôn có sự bù trừ tạo nên điểm thú vị và hấp dẫn lẫn nhau; chẳng hạn như một người nói nhiều và một người ít nói, một người cao và người còn lại hơi lùn, một người hoạt bát và một người trầm lặng hay một người mạnh mẽ và một người mềm mỏng, v. V.. Người ta vẫn hay cho rằng sự bù trừ này thường mang tính chất trung hòa, tựa như trong bộ môn hóa học tồn tại phương trình phản ứng giữa axit và bazơ tạo ra muối và nước vậy. Do đó, một cặp hướng nội - hướng ngoại cũng sẽ không nằm ngoài quy luật này. >> Trường hợp nam hướng ngoại - nữ hướng nội Cặp đôi nam hướng ngoại - nữ hướng nội cũng là kiểu "trái dấu hút nhau". Có khá nhiều bạn cho rằng nếu yêu một người giống mình thì cũng không lấy gì làm thú vị. Con người ta tìm đến nửa kia cũng chỉ vì ở đối phương có nét tính cách mà bản thân mình chưa có hoặc đang còn thiếu. Ưu điểm Chính vì trái dấu hút nhau, tương hỗ nhau mà hai bên đều làm chỗ dựa, đòn bẩy và nâng đỡ người còn lại. Chẳng hạn như bạn nữ hướng nội sẽ thường xuyên lắng nghe những chia sẻ, mọi cảm xúc vui buồn xảy ra trong cuộc sống của bạn nam hướng ngoại. Cô sẽ thường xuyên lắng nghe với tấm lòng trìu mến, phân tích xem liệu rằng bạn trai của mình có đang gặp phải vấn đề gì không. Nếu vấn đề nằm trong tầm kiểm soát và hiểu biết của mình, cô sẽ đưa ra lời gợi ý tốt nhất nhằm tháo gỡ khúc mắc đó; còn nếu vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát, cô sẽ lắng nghe và động viên tinh thần bạn trai. Được chia sẻ mọi cảm xúc tích cực của mình, đa phần các bạn nam dù mạnh mẽ đến đâu, họ cũng dễ dàng bộc bạch nỗi niềm sâu kín và luôn cho rằng trong mắt cô ấy, mình cũng là con người và cần được thấu hiểu, cảm thông. Anh ta xem cô ấy là hình mẫu rất tuyệt vời. Nếu bạn nữ hướng nội không ưa thích các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời vào cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ thì anh chàng hướng ngoại sẽ là nhân tố thúc đẩy, khuyến khích cô bạn của mình ra ngoài nhiều hơn. Đa phần người hướng nội có chút gì đó hơi thụ động, nếu không ai rủ đi đâu thì họ sẽ ở nhà. Thường thì phương pháp này của anh chàng hướng ngoại sẽ khiến cô bạn thay đổi không gian riêng cố hữu của mình và xem mọi thứ ở bên ngoài ra sao, còn bao lâu thì tùy ý cô ấy. Anh chàng có thể dẫn cô gái đi đến một bữa tiệc, xem một buổi hòa nhạc hay liveshow mà cả hai đều rất thích. Hơn nữa, trong giao tiếp, anh chàng hướng ngoại sẽ phần nào giúp cô bạn hướng nội của mình được "bảo vệ" và đỡ lời khi giới thiệu bản thân đến người khác, vì đa phần người hướng nội thích được ai đó chủ động hỏi trước hơn là mình lên tiếng. Ví dụ anh chàng sẽ nói "Đây là A, bạn gái (hoặc vợ) tôi" chẳng hạn. Chào hỏi được "đỡ lời" trước như vậy chắc chắn khiến các cô gái hướng nội cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn ở các sự kiện xã hội. Trong hôn nhân, các ông chồng hướng ngoại có phần thoải mái hơn khi không bị kiểm soát quá nhiều. Những người phụ nữ hướng nội thường rất thích dành thời gian một mình để đọc sách, đan len, may vá, nghe nhạc hoặc viết lách. Khi đó, không gian của người đàn ông có vẻ như được "mở rộng ra" nhiều hơn so với thường lệ. Mặc dù cô gái hướng nội thích hoạt động một mình nhưng vẫn muốn biết nửa kia của mình đang làm gì và ở đâu. Trừ một số trường hợp bất đắc dĩ, còn lại, người phụ nữ hướng nội luôn tôn trọng không gian và sở thích của chồng mình, tuyệt đối không can thiệp. Hiếm khi nào các cô căn vặn chồng mình đêm qua đi đâu, với ai và tại sao giờ này mới về, vì họ luôn giữ trong lòng rồi sau đó chỉ hỏi khi cần thiết mà thôi. Những người phụ nữ hướng nội trong hôn nhân hay tình yêu cũng cảm thấy dễ chịu và hay được làm mới hương vị cuộc sống. Anh chàng hướng ngoại sẽ biết những địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí và họ dể dàng đưa ra lời đề nghị với nửa kia nhằm thay đổi và tạo làn gió mới cho chuyện tình cảm của mình. Nếu cô là người hơi nhút nhát thì anh chồng hay người yêu sẽ là người giúp đỡ cô từ từ khắc phục nỗi lo lắng ấy, thêm tự tin nhằm phát huy điểm mạnh trong con nguời cô. Nam giới là người sẽ bắc cầu và dìu các chị em phụ nữ đi qua khó khăn của cuộc sống. Trường hợp này có thể thực sự xem họ là người đàn ông trụ cột của gia đình. Những sự tương hỗ qua lại vừa đề cập bên trên thường giúp cho mối quan hệ của các cặp đôi nam hướng ngoại - nữ hướng nội trở nên tốt đẹp hơn. Điểm yếu Mặc dù vậy, sự đối nghịch về "hướng" này cũng mang lại chút phiền toái không nhỏ cho cuộc sống tình yêu và hôn nhân của họ. Một người thì hướng ra, người kia lại lui vào và hay tạo ra nhiều tình huống dễ gây hiểu nhầm dẫn đến sự rạn nứt trong mối quan hệ. Chồng thích giao lưu bạn bè, thường xuyên đi tiệc tùng và chiêu đãi, trái ngược với vợ luôn hạn chế các mối quan hệ xã hội. Mỗi lần miễn cưỡng đi cùng chồng đến chỗ đông người, cô vợ cảm thấy lạc lõng, thậm chí tổn thương khi nép mình một góc nhìn chồng giao lưu với mọi người. Người chồng thắc mắc: "Tại sao vợ mình không thể hòa đồng với người khác nhỉ? Mình phải làm gì để thay đổi cô ấy?". Cuốn sách "Hướng Nội" của Susain Cain có đề cập đến một ví dụ: Khi Greg và Emily sống chung với nhau được hơn 5 năm thì giữa họ phát sinh một vấn đề dẫn đến cãi vã thường xuyên. Greg muốn tổ chức tiệc ở nhà, những buổi họp mặt sôi nổi vào thứ 6 hàng tuần và số lượng lên đến 52 lần/năm. Còn Emily cảm thấy khiếp sợ các sự kiện này. Cô là mẫu người kín đáo, không ưa tiệc tùng và về nhà làm tiệc tiếp đãi mọi người. Cô thích yên lặng xem phim bên Greg hơn là phải nhảy nhót, chơi bời theo kiểu của anh. Emily có một thỏa thuận rằng: Greg có thể tự do mở tiệc, còn cô sẽ vắng mặt vào tối thứ 6 để thăm em gái. Và tất nhiên lời đề nghị này khiến Greg giận dỗi. Người chồng hướng ngoại sau một ngày khá mệt mỏi và ủ rũ vì khối lượng công việc tại công ty, anh về nhà bỏ cặp xuống, cởi cà vạt và nằm yên trên ghế salon với bộ dạng không thể nào chán hơn. Anh cần nghỉ ngơi một lúc và chẳng muốn làm gì thời điểm này. Thêm vào đó, anh không muốn có thêm cuộc trò chuyện thân mật nào với cô vợ hướng nội của mình. Tuy nhiên, lúc này người vợ lại muốn được trò chuyện sau cả ngày vắng chồng, muốn được tâm sự tỉ tê to nhỏ với anh. Từ vẻ bề ngoài, người chồng hướng ngoại hình như là người hướng nội còn người vợ hướng nội lúc này là người hướng ngoại rồi. Cô ấy muốn nói chuyện trong khi anh ấy chỉ muốn được yên tĩnh và nghỉ ngơi. Diễn đàn Webtretho hay mục Tâm sự Eva không hề xuất hiện của những lời chia sẻ như này. Nhiều chị em cho biết họ chỉ muốn khoe một món ăn vừa học được, vừa nấu được; hay chỉ muốn nói cho chồng biết họ đã tích cóp được một khoản tiền và sẽ "bao trọn gói" cho chuyến đi chơi xa tuần sau v. V.. Chỉ là niềm vui đó chẳng được tày gang và các cô nhanh chóng bị mất hứng, không muốn nói thêm. Đợi khi các anh chàng đó tỉnh lại rồi thì họ không còn thiết tha hay háo hức như ban đầu nữa. Vậy là, bữa cơm tối diễn ra thật buồn tẻ và chán ngắt. Cách để nói chuyện với người hướng nội Đặc điểm người hướng nội: • Luôn giữ nguồn năng lượng, sự nhiệt thành và sự hứng thú cho bản thân mình và chỉ chia sẻ những điều này với những người thân hoặc ai đó tin tưởng. Luôn có sự cẩn trọng trong việc chia sẻ các thông tin cá nhân với người khác. • Cần thời gian để suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời. Cần thời gian để phản hồi trước khi tương tác với những sự kiện xã hội bên ngoài. • Thích tương tác kiểu 1 – 1. • Thích được ai đó mời phát biểu và cũng có xu hướng thích viết suy nghĩ, ý kiến ra giấy trong những buổi trò chuyện. • Thỉnh thoảng nghĩ là sẽ nói với bạn những thứ mà họ không nói đến trước đó. Phương pháp thực hiện: • Hẹn bàn luận về chủ đề bất kỳ mà hai bạn đang gặp phải vào một ngày nào đó trong tuần hoặc trong tháng. Cách thức này giúp họ có thời gian chuẩn bị mọi thứ từ trong suy nghĩ của bản thân. • Không ngắt lời khi họ đang nói, bởi họ khó có thể trình bày lại từ đầu khi bị ai đó chen ngang lời. Do đó, hãy để họ nói hết, sau đó đến lượt thì bạn mới nói ra mọi suy nghĩ và cảm xúc của mình. • Suy nghĩ và đếm từ 1 đến 5 thật chậm trước khi nói – một người hướng nội rất dễ ghi nhớ những gì bạn nói trước đó. • Lặp lại toàn bộ những gì đã nghe họ trình bày để có thể chắc chắn rằng điều họ nói cũng được bạn để ý và nắm bắt rõ ràng. Nếu có thể, hãy hỏi ngược lại xem lời tóm tắt trên của mình đúng hay chưa. • Học cách ngồi yên lặng khi cả hai đang ở cùng nhau. Rất có thể họ đang cạn kiệt năng lượng nhưng vấn muốn ở bên cạnh bạn lúc đó. • Anh ấy/cô ấy là người lắng nghe giỏi nhưng chắc chắn một điều họ cũng dễ dàng bắt chuyện lại với bạn. • Hãy hỏi về một ngày của họ trôi qua như thế nào. Thỉnh thoảng, họ cũng cần thổ lộ tâm tư trong lòng. • Thỉnh thoảng, họ thích được giao tiếp bằng cách viết ra. Họ dễ dàng làm điều này khi có ít nhân tố khiến họ bị "kích thích". Hãy để lại một tấm danh thiếp cá nhân, hay để lại lời nhắn ở một góc nào đó trên bàn ăn trưa, ăn tối, trong cặp, trong ngăn đựng tài liệu hoặc thậm chí để dưới gối cũng được. • Tận hưởng khoảng lặng. Hãy hít thở thật sâu và cùng ngồi bên nhau mà không nói gì cả, rồi cùng nhau chia sẻ cảm nhận của mình nếu cần. Hãy hiểu cho việc năng lượng của họ sẽ bị giảm bớt trong một cuộc nói chuyện và bày tỏ sự đánh giá cao điều đó. • Hãy sử dụng những cách thức giao tiếp không lời: Hôn trán, quàng tay, nắm tay hoặc ôm thật chặt anh ấy/cô ấy. Con gái hướng nội thích những cuộc trò chuyện có chiều sâu hơn là cuộc đối thoại "bà tám". Họ thích bàn về chủ đề gia đình, con cái và cuộc sống hơn là chủ đề đời tư của người khác. Họ dễ lảng tránh khi đề cập đến ai đó chẳng liên quan chút gì đến mình. Cuộc trò chuyện càng sâu sắc, càng mang tính triết lý bao nhiều lại càng kích thích họ mở lòng nhiều hơn, từ đó họ dễ bộc bạch tâm tư cùng những điều sâu kín nhất mà trước đó ngại chia sẻ. Rất tiếc là các anh chàng hướng ngoại lại chưa có kỹ năng này, nếu có thì cũng khá hời hợt. Sau cùng, những cô gái hướng nội lại cảm thấy tổn thương, tự ôm nỗi lo vào lòng. Bên cạnh đó, một sai lầm nữa của nhiều anh chàng hướng ngoại là cố gắng thay đổi tính cách hướng nội của cô gái mình yêu hoặc đang muốn lấy làm vợ. Anh không biết rằng cố gắng thay đổi tính cách tự nhiên của bạn đời tức là bạn phủ nhận tính tốt của cô ấy. Điều này vô tình làm bạn đời mang tâm lý buồn giận, tổn thương và mất lòng tin. Người hướng nội thường giữ mọi cảm xúc và suy nghĩ cho riêng mình mà hiếm khi nói với ai, kể cả người bạn đời của mình. Mọi cảm xúc không tốt nếu có phát sinh, họ cũng chẳng chịu lên tiếng và cứ thế chôn chặt theo thời gian. Họ là mẫu người ngại đụng độ và tránh mọi va chạm vì họ cho rằng thật mệt mỏi để giải quyết chúng. Họ mong muốn nửa kia thấu hiểu những suy nghĩ và mong muốn của mình chứ không cần phải nói ra. Khổ nỗi là nhiều anh chàng hướng ngoại có chút vô tư, mong người bạn đời ấy có gì thì cứ nói ra, không nên giấu trong lòng. Thế nên sự mâu thuẫn trong suy nghĩ thường xuyên khiến hạnh phúc của cả hai ở trong trạng thái chao đảo. Quay lại ví dụ ưu điểm trên kia chẳng hạn, "hiếm khi nào các cô căn vặn chồng mình đêm qua đi đâu, với ai và tại sao giờ này mới về chẳng hạn vì họ luôn giữ trong lòng rồi sau đó chỉ hỏi khi cần thiết mà thôi." Giờ tưởng tượng thế này, nếu người chồng thường xuyên phải về muộn do tính chất công việc mà chưa có thời gian giải thích với vợ, cùng thời điểm đó người vợ hướng nội hay suy nghĩ và suy diễn vì sao anh ấy lại thường xuyên về muộn mà lạ đời là cô không muốn hỏi và không muốn lên tiếng. Tình huống đặt ra là nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì sẽ như thế nào? >> Trường hợp nam hướng nội - nữ hướng ngoại Nếu như trong tình yêu hay hôn nhân, nam giới được gọi là phái mạnh còn nữ giới mặc định được xem là phái yếu thì ở cặp đôi nam hướng nội - nữ hướng ngoại lại có đôi chút khác biệt. Có thể xem nữ hướng ngoại là phái mạnh, còn nam hướng nội hơi yếu một chút. Trong trường hợp này thì không bàn đến chuyện trụ cột hay vấn đề tài chính, sức khỏe mà là cách hành xử của họ dễ khiến người khác hiểu lầm như vậy. Ưu điểm: Cô gái hướng ngoại trong mối quan hệ này được xem là cá tính và nổi bật hơn so với bạn trai. Không ai khác, cô chính là trung tâm của mối quan hệ và lắm lúc cô chính là người "điều hướng" mối quan hệ này. Chẳng hạn như vào những dịp cuối tuần, một chàng trai hướng nội thường ôm sách hay nghe nhạc mà không lấy làm hứng thú lắm với mấy buổi sự kiện tổ chức đâu đó ngoài kia, hoặc cũng cho phép mình ra ngoài hít thở không khí nhưng không biết đi cùng ai thì cô bạn gái hướng ngoại sẽ giúp anh ta làm điều đó. Cô biết khá nhiều các địa điểm vui chơi giải trí và luôn cảm thấy vui vẻ, năng động ở chốn đông người. Không lạ gì vì đặc điểm của người hướng ngoại là luôn cần sự tương tác của nhiều người, nhiều sự việc xảy ra xung quanh mình. Từ đó, họ sẽ cảm nhận niềm vui trong cuộc sống dồi dào hơn. Các cô gái hướng ngoại thường là người chủ động nhiều hơn trong những lần gọi điện, nhắn tin cả ngày cho các chàng trai. Ngược lại, các chàng trai hướng nội luôn sẵn sàng lắng nghe mọi tâm tư, nỗi lo lắng đang dấy lên trong lòng mà thực sự khó có thể chia sẻ cùng ai. Có rất nhiều người cho rằng sinh ra làm con gái đã thiệt thòi, yêu được hay lấy được người quan tâm mình thì không còn gì đáng chờ hơn. Một chàng trai ít nói nhưng biết lắng nghe được xem như "của hiếm". Trong mắt họ, người con trai như vậy rất tuyệt vời và họ luôn cảm thấy rất hãnh diện. Ngược lại, các chàng trai cũng được tự do trong không gian yên tĩnh của mình. Cả hai luôn có không gian riêng vào những ngày cuối tuần hoặc các dịp lễ đặc biệt, chỉ là cách tận hưởng có thể khác nhau. Một bên chỉ yêu thích tĩnh lặng, còn một bên sẽ kết nối năng lượng bản thân mình cùng bạn bè, đám đông cùng buổi tiệc vui vẻ. Cả hai không xâm phạm quyền riêng tư và không phán xét gì nhau, tôn trọng sự khác biệt của nhau. Họ luôn cảm thấy rất dễ chịu. Ưu điểm này giúp mối quan hệ dù ngược hướng nhưng vẫn luôn ở trong trạng thái ổn định. Nếu chẳng may anh ta cảm thấy e ngại hay có chút rắc rối với giao tiếp xã hội thì đã có cô ấy "đỡ lời" rồi. Chàng trai sẽ cảm thấy tự tin hơn nhờ vào cách kết nối của cô từ phía anh đến những người khác, sự việc khác còn cô gái luôn cảm thấy được bảo vệ che chở trong vòng tay của anh ấy. Nhược điểm Sự khác biệt liên quan đến "hướng" gây ra không ít tranh cãi và mâu thuẫn giữa cặp đôi này. Các chàng trai hướng nội có thể cảm thấy mệt mỏi và ủ rũ khi chẳng may bị bắt đi xem buổi biểu diễn ca nhạc của một ai đó mà họ cực kỳ ghét. Đơn giản họ chỉ muốn ở nhà nằm nghỉ, đọc sách hoặc uống một ly café sữa yêu thích. Các cô gái lại cho rằng sự im lặng của anh ta bắt đầu từ nguồn cơn của sự yếu đuối, cô độc, bị ép buộc mà thôi. Ấy vậy họ bắt đầu cho rằng mối quan hệ này thật nhàm chán. Trong thế giới cá tính của một cô gái hướng ngoại không có kiểm soát và chừng mực, các chàng trai hay cảm thấy ngộp thở và muốn giảm bớt tình trạng này một chút. Các cô gái vốn năng động, ưa thích trò chuyện trên trời dưới biển thường khó có thể chấp nhận hình ảnh ai đó khá trầm lặng, ít nói. Khổ nỗi, người hướng nội không mảy may quan tâm đến các chủ đề sáo rồng, nhạt thếch. Vậy nên, họ sẽ bỏ qua hoặc không muốn lắng nghe dù câu chuyện đó có đôi chút hài hước. Một bên nói, một bên lảng tránh hay dẫn đến mẫu thuẫn kiểu như "Nãy giờ em nói rất nhiều mà sao anh không lên tiếng vậy?"... " Vì anh thấy chúng quá nhảm nhí và thực sự cảm thấy xấu hổ."... " Em thấy vui mà."... " Còn anh thì không". Đấy, cách kể chuyện và cảm nhận của hai giới, hai hướng thông thường chênh nhau. Hoặc trong ngữ cảnh nào đó, các cô gái có thể cảm thấy xấu hổ về người bạn đời của mình khi ai đó nói: "Sao anh ta ít nói vậy? Suốt cả buổi ngồi im re, chẳng biết mời rượu hay chúc ai cả." Tương tự như cặp đôi nam hướng ngoại - nữ hướng nội thì cặp đôi nữ hướng ngoại - nam hướng nội vẫn tồn tại những bất đồng nhất định. Anh chàng sẽ có xu hướng nhường nhịn nhiều hơn, trong khi cô gái sẽ hơi lấn lướt. Nếu có mẫu thuẫn xảy ra, anh vẫn sẽ nhịn và chỉ biết cười trừ cho qua chứ không làm to chuyện vì bản tính thích giải quyết mọi việc trong êm đẹp. Trừ khi mọi chuyện diễn ra êm đẹp, còn nếu có đức tính gì đó chưa tốt của người vợ mà không sớm được giải quyết, e là cãi nhau to đến nơi. Ví dụ, có người vợ không có thói quen tiêu pha tiết kiệm, thích mua sắm mọi thứ theo cảm tính nên mỗi lần nhìn chồng luôn tay ghi chép những thứ chi tiêu trong nhà như một "anh nội trợ" đích thực, cô đâm ra chạnh lòng: "Hóa ra, anh ấy đang kiểm soát ngay cả mình!". Trong khi đó, anh chồng lại nghĩ: "Vợ mình chỉ biết vung tay quá trán, không thể nắm tay hòm chìa khóa trong gia đình. Không thể để tình trạng này tiếp diễn. Cần phải làm điều gì để cô ấy thức tỉnh!". Cách để nói chuyện với người hướng ngoại Đặc điểm người hướng ngoại: • Chia sẻ nguồn năng lượng, niềm vui, sự nhiệt tình của mình với hầu hết mọi người xung quanh. • Luôn có những phản hồi nhanh chóng và luôn bị thu hút bởi những sự kiện mang tính cộng đồng. • Dễ dàng chia sẻ thông tin cá nhân. • Giao tiếp 1-1 hoặc giao tiếp nhóm với họ dễ như ăn bánh và luôn mang lại cho họ niềm vui. • Luôn biến suy nghĩ thành lời nói, điều đó được thể hiện thông qua việc tương tác với những người khác và họ cũng rất nhanh chóng đi đến kết luận về vấn đề nào đó. Thêm nữa, họ thường không cho người khác cơ hội để trình bày và không mấy khi có được các câu nói sao cho thật ý nghĩa trong khi thảo luận. • Thích các cuộc hội thoại trực diện mặt đối mặt, phát biểu bằng lời nói hơn là viết. Phương pháp thực hiện: Nếu bạn là người hướng nội và bạn muốn nâng cao khả năng giao tiếp với người hướng ngoại thì sau đây là vài chỉ dẫn để bạn có thể cân nhắc và tham khảo: • Hãy kể cho đối phương biết về những gì bạn muốn nói. Hẹn thời gian để hai bên có được ngày nói chuyện sao cho thoải mái nhất. Đừng quên tạo ghi chú nhắc nhở, bạn có thể khoanh đỏ ngày trên lịch hay hẹn giờ ngày đó trong điện thoại. • Thực hành các câu hội thoại ngắn nhưng rõ ràng. Điều này sẽ giúp người hướng ngoại có thể dễ dàng lắng nghe bạn hơn. • Đừng sợ việc phải hét lên hoặc nói to nếu cần. Bạn có thể cảm thấy như bị kích động vậy, nhưng đôi lúc người ta sẽ không mấy tin tưởng những gì bạn nói nếu bạn cứ nói lí nhí mãi như vậy. • Tập nói ra những suy nghĩ ở trong đầu, bất kể chúng có vớ vấn thế nào đi chăng nữa. • Cho phép có được những khoảng lặng trong khi hai người đang thảo luận. Không phải khi nào bạn cũng bắt kịp được diễn biến không ngừng nghỉ của đối phương khi đó là một người hướng ngoại. • Nếu cảm thấy thật khó khăn để trình bày hoặc đưa ra một quyết định nào đó thì bạn hãy nói rõ điều đó cho đối phương biết vì không phải khi nào bạn cũng sẵn sàng nói ra những gì bạn đang nghĩ. • Viết tất cả những cảm nhận của bạn ngay lúc này lên một tờ giấy và đưa cho họ, nếu bạn cảm thấy vấn đề đó khá nhạy cảm và khó nói nên lời. • Không nên quá lo lắng khi bạn xuống tinh thần bởi cuộc thảo luận bất thành. Không có gì là tồi tệ khi bạn phải đón nhận các cảm xúc tiêu cực ấy. Rồi mọi thứ cũng sẽ trôi trở lại bình thường. • Hãy nói cho đối phương biết những cảm nhận của bạn về anh ấy/cô ấy và không có gì là khó khăn để tạm gác mọi thứ qua một bên. Chắc hẳn người đó cũng rất muốn biết rằng họ đang được quan tâm. Nếu còn cảm thấy chưa đủ dũng khí để nói lên thành lời thì bạn có thể gửi email, viết lại một tờ giấy ghi chú nho nhỏ nhưng cũng đừng quên gửi lời khen đến họ. >> Phương thức giải quyết mối bất đồng Sự khác biệt trong hai hướng, hai kiểu tính cách mang lại trải nghiệm thú vị về những gì xuất hiện ở người kia. Hơn nữa, điểm khác biệt giữa hai người lại là chìa khóa rất quan trọng để giúp cho mỗi cá nhân nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của mình nhằm phát huy điểm mạnh và hạn chế mức thấp nhất mức xung khắc có thể xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc trong tình yêu hoặc hôn nhân. Bước 1: • Cả hai cần phải nói ra những gì mình thấy về vai trò của bản thân trong mối quan hệ này và mỗi người có thể thay phiên nhau nói trong vòng 15 phút. • Chỉ nói về quan điểm cá nhân và để cho đối phương cũng được nói lên quan điểm của họ. • Tóm tắt lại những gì người kia đã nói trong khoảng 5 phút và thay phiên nhau. • Đối chiếu lại với người ấy xem lời nói tóm tắt như thế đã chính xác hay chưa. • Nói lại những điều chưa đúng của nửa kia trong quan điểm của mình vừa nêu lên. • Nói lời cảm ơn. Bước 2: • Dành khoảng 15 phút để nói về những điểm mạnh/ điểm yếu của bản thân về vai trò của mình trong mối quan hệ. Ví dụ, nam giới có thể nói về cách anh ta suy nghĩ và quan sát mối quan hệ nhưng sẽ hạn chế thảo luận bằng việc không thể hiện cảm xúc ra bên ngoài. Nữ giới có thể nêu lên việc cô ấy có rất nhiều thứ cần làm cho gia đình nhưng cô có thể từ chối sự gần gũi khi nào cũng phải "sâu sắc" như nam giới hướng nội. • Diễn đạt lại ý chính của nửa kia, làm rõ mọi sự hiểu lầm gặp phải trong cách trình bày. • Thảo luận khoảng chừng 5 phút về cảm giác ngay lúc này của bạn. Dừng lại một chút để lắng nghe cơ thể nếu bạn thực sự không chắc về các cảm giác mà mình đang có. • Diễn đạt lại hình ảnh mà bạn tưởng tượng về cảm xúc của người bạn đời đã phải trải qua trước đó: Mệt mỏi, lo lắng, bồn chồn, hồ hởi.. Bước 3: • Mỗi người có thể đề xuất cách thay đổi vai trò của nửa kia trong mối quan hệ, miễn sao cảm thấy phù hợp. Ví dụ, nữ giới hướng nội có thể đề xuất rằng mình cần được nghỉ ngơi ở những dịp cuối tuần ít nhất một lần một tháng, mong nửa kia có thể lắng nghe nhiều hơn, nhẹ nhàng hơn và ít chơi game hơn. Nam giới có thể đề nghị bạn gái dù có bức xúc hay không hài lòng về mình thì cứ nói ra, đừng giữ trong lòng và nên tiêu pha cho gia đình ở mức hợp lý hơn và anh cũng cần được cô quan tâm nhiều hơn dù cho anh ở một mình. • Không đưa ra bất kỳ lời trách cứ nào nếu chẳng may họ tái diễn cách cư xử như cũ. • Hãy công nhận rằng sự cố gắng thay đổi ở chính mình và chính họ tuyệt vời như thế nào. Bước 4: • Tự mình "báo cáo" sự thay đổi của bản thân cùng với sự thay đổi của đối phương. • Hãy dành khoảng 15 phút nói về những gì bạn thích ở nửa kia. Chẳng hạn: Em thích cách anh lắng nghe; anh thích cách em nói về quyển sách mà anh đang đọc; anh thích đề nghị của em cho chuyến du lịch lần tới.. • Diễn đạt lại ý đã nêu, làm rõ những ý chưa chính xác. • Trong khoảng 10 phút, hãy cố gắng nghĩ về ý tưởng cho chuyến đi chơi, buổi hẹn hò hợp với tính cách của cả hai người. Ví dụ như cùng nhau đến viện bảo tàng xem kiến trúc lịch sử rồi sau đó đến buổi hòa nhạc đông vui, ghé thăm cửa hiệu café nổi tiếng hay đi xem phim lãng mạn. • Thảo luận những gì bạn nghĩ và cảm nhận về sự hưởng ứng của người ấy. Hẹn một ngày nào đó sẽ thực hiện một trong những ý tưởng vừa rồi, trong tháng kế tiếp chẳng hạn. • Khoanh vòng tròn đỏ lên lịch, đánh dấu ngày hẹn. • Thực hiện trách nhiệm về việc lên kế hoạch. Nếu cả hai cùng biết rõ sự khác biệt và lạc quan cho rằng sự khác biệt ấy như một thử thách, một món quà trời ban thì cả hai sẽ cảm thấy bớt đi phần nào gánh nặng để cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt. Vì lúc này, mọi điểm tốt trong tính cách sẽ lộ ra và dễ dàng phát huy hơn rất nhiều thay vì cứ soi xét điểm yếu của nhau. Không có tính cách nào tốt hơn tính cách nào và bạn cần nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực hơn. Và hướng nội hay hướng ngoại cũng không quan trọng bằng cả hai cùng nhìn về một hướng.
"Người hướng nội yêu như thế nào?" Bấm để xem Em gặp một người đàn ông mới, lần đầu đi ăn với họ. Trong khi phục vụ mới bưng phần ăn của anh ta ra trước nhưng chưa có phần của em, anh ta đã cắm cúi ăn trước, không hề để tâm đến việc người ta đã mang đồ ăn của em ra hay chưa, em có thìa, dĩa chưa. Cái chuyện vô cùng cỏn con. Em có thể ăn sau, có thể tự mình lau thìa, dĩa nhưng quan sát người ta và em nghĩ: "Anh chàng này hơi vô ý." Rồi khi anh ta ăn xong, lấy khăn giấy lau miệng rồi tiện tay quẳng ngay xuống sàn nhà trong khi gầm bàn có sọt rác. Như vậy, mình biết được thêm là anh này không có ý thức vứt rác đúng nơi đúng chỗ. Rồi đi uống café. Nếu là lần đầu gặp mặt thì tốt hơn hết nên ngồi đối diện nhau. Chưa thân mật đến mức ngồi kè kè sát bên nhau. Đó là còn chưa kể khi anh ta bước vào quán café cứ phăm phăm đi trước như đang đi một mình, kéo cửa ra và không hề để ý em đang đi sau. Cánh cửa bật lại va trúng vào em. Người biết ý tứ sẽ giữ cửa cho phái nữ, nhường cho phái nữ vào trước. Em chưa xét về trình độ học vấn, hoàn cảnh, cách ăn nói hay thái độ, vì lần đầu gặp mình cũng chưa đánh giá được gì nhiều và tốt hơn hết là không nên đánh giá. Em chỉ đang nhấn mạnh về vấn đề QUAN SÁT. Đôi khi những cái tiểu tiết mà mọi người vẫn thường bỏ qua lại rất có lợi cho chúng ta. Chúng ta đoán được phần nào con người họ, lối sống, sở thích, thói quen của họ. " Vì người hướng nội suy nghĩ mọi vấn đề có chiều sâu hơn nên những tiểu tiết đó tự nhiên góp phần làm cho lối tư duy và phán đoán của chúng ta trở nên có logic, có căn cứ hơn là nếu chúng ta coi nhẹ nó. (Bi - A. T) >> Người hướng nội đưa ra nhận định bằng sự quan sát Người hướng nội thường đứng yên một chỗ các sự vật chuyển động rồi mới có những nhận định cho riêng mình. Cách quan sát của họ tốt đến nỗi từng chi tiết dù nhỏ nhất vẫn có thể nhận ra và liên kết, xâu chuỗi lại với nhau để có được đáp án sau cùng. Họ chưa bao giờ coi thường những chi tiết vì họ biết rằng những gì nhỏ nhất kia nếu không được đánh giá khách quan thì rất có thể gây ra những kết cục không mấy tốt đẹp. Có thể thấy, trong câu chuyện vừa rồi, cô gái đã dùng đôi mắt của mình quan sát từng cử chỉ và hành động của chàng trai. Chỉ tiếc là toàn bộ những gì anh chàng làm đều cho thấy sự thiếu tinh tế và thiếu thông cảm cho người khác. Một hành động rất nhỏ trước mắt họ, ví dụ anh chàng thay vì vứt giấy ăn đã sử dụng vào sọt rác thì lại vứt ngay ra sàn; lần đầu gặp mặt anh chàng lại ngồi sát bên cô gái như đã thân quen, tệ hơn là anh lại thiếu ga lăng lúc đi cùng khi để cô gái va trúng cửa. Quả thật hơi" nhọ "cho anh chàng này và có vẻ như chuyện hẹn hò lần này cũng sẽ là lần cuối cùng với họ. Hy vọng anh chàng đó sẽ rút ra bài học trong việc hẹn hò với những cô gái khác. Tôi hoàn toàn đồng ý với cô gái. Cô không hề phán xét không có cơ sở mà chỉ là đang đưa ra những lời nhận xét dành cho đối phương. Cô không hề nói cách hành xử của người kia sai hay đúng mà có thể chưa hoàn toàn hợp với hoàn cảnh mà lẽ ra đối phương cần thể hiện bản lĩnh đàn ông của mình. Bất cứ mối quan hệ khởi đầu nào, ấn tượng tốt đẹp để lại sẽ giúp cho cả hai tạo được cảm xúc tốt, vừa duy trì vừa tiếp tục giai đoạn sau của mối quan hệ. Có thể nói, cách quan sát của cô gái giúp cô phần nào hiểu được họ là ai, là người như thế nào và từ đó suy ra được trong cuộc sống thường nhật thì họ cũng sẽ y chang như vậy. >> Cách nhìn nhận, đánh giá của người hướng nội Nam giới hướng nội không thích những cô gái không biết giữ ý tứ, không lễ phép. Họ là những người rất coi trọng gia đình nên yêu cầu bạn gái mình bắt buộc phải biết tôn trọng người lớn tuổi. Họ không thích nữ giới kiêu ngạo, luôn đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với người khác mà có thể điều kiện của cô ta chả ra làm sao. Gặp những người như vậy họ sẽ không biểu hiện sự bất mãn của mình nhưng trong lòng chỉ muốn nhanh chóng tránh xa. Họ khó mà chấp nhận được những cô gái quá hiện đại. Những cô gái ăn mặc quá táo bạo, sặc sỡ khiến họ cảm thấy lố bịch. Họ không bao giờ nghĩ đến việc hẹn hò với những cô gái như vậy. Còn với nữ giới sẽ có chút khác biệt. Họ để ý và có phần kỹ tính hơn qua những chi tiết trong suy nghĩ và hành động của người đó, đồng thời sẽ" chấm điểm "tùy theo hoàn cảnh. Ví dụ, bạn cài nón bảo hiểm cho họ, được 1 điểm; bạn về nhà nhắn tin cảm ơn vì tối nay họ thanh toán hóa đơn bữa ăn, 2 điểm; bạn chúc ngủ ngon hay buổi sáng tốt lành sẽ được 2-3 điểm; bạn ăn mặc chỉn chu lịch lãm được cộng 10 điểm nhưng ngược lại bạn sẽ bị trừ hết 20 điểm, và họ sẽ chỉ cằn nhằn suốt buổi. Bạn không hút thuốc hay uống rượu sẽ được cộng 20 điểm; bạn bất chấp trời mưa để chạy đến cơ quan mang cho họ cái ô bỏ quên ở nhà, bạn sẽ được cộng thêm 60 điểm; bạn hỏi thăm họ khi chỉ cần nhìn nét mặt là cộng 80 điểm, còn bạn vô tâm thì bị trừ 150 điểm, bạn không tán tỉnh hay làm gì" bất thường "trên Facebook, bạn sẽ được sự tin tưởng từ họ bằng 100 điểm, ngược lại bạn sẽ bị trừ 200 điểm. Trong phần" Cưa đổ một người hướng nội khó hay dễ "có viết rằng:" Cưa đổ một người hướng nội, bạn tốt thôi còn chưa đủ, mà bạn còn phải rất tinh tế và vô cùng nhạy cảm nữa". Chỉ thế thôi cũng đủ để hiểu được rằng, người hướng nội luôn có những đánh giá tương đối khách quan dành cho người đang theo đuổi hoặc đang yêu mình. >> Mong muốn của người hướng nội khi yêu Giả sử bạn đã cưa đổ một người hướng nội, bạn vẫn sẽ phải tiếp tục thể hiện sự tinh tế và nhạy cảm như lúc ban đầu. Người hướng nội khi yêu thường không ồn ào và không mong muốn tình yêu của mình bị người khác để ý, phán xét quá nhiều. 1. Yêu thương họ trong lặng lẽ Người hướng nội không thích các mối quan hệ có tính chất khoa trương, ồn ào. Họ không cần hình ảnh, trạng thái của cả hai được đăng trên Instagram hay Facebook mọi nơi mọi lúc bởi sự chú ý của mọi người xung quanh có thể khiến họ cảm thấy lo lắng. Khi yêu một người hướng nội, hãy yêu họ thật bình dị. Nhẹ nhàng kéo họ ra khỏi đám đông và hôn lên trán họ chẳng hạn. Đắp cho họ một cái chăn lên người khi họ đang ngủ trên ghế. Hãy pha một tách cà phê cho họ vào buổi sáng sớm. Hãy quan tâm chăm sóc họ một cách sâu sắc, trong một không gian chỉ có hai người và họ sẽ luôn cảm nhận được tình yêu thương đong đầy từ bạn. 2. Tôn trọng sự phản chiếu bản thân của người hướng nội Những người hướng nội có trí tưởng tượng phong phú. Thế giới trong đầu họ có xu hướng thường xuyên chao đảo, liên tục suy nghĩ và suy nghĩ. Họ mơ mộng về màu sắc, âm nhạc và luôn tạo ra những câu chuyện trong tâm trí mình. Đôi khi họ cũng sẽ bị cuốn theo những câu chuyện tưởng tượng đó. Xin đừng dựa vào tính cách này để cho rằng họ đang lơ đãng hay bỏ rơi bạn. Khi yên lặng là họ đang trò chuyện với bộ não của mình. Họ không buồn, cũng không hề chán nản hoặc mắc chứng sợ xã hội đâu, chỉ là người hướng nội đang dành thời gian khám phá những suy nghĩ của bản thân mà thôi. 3. Hãy để người hướng nội có thời gian nạp lại năng lượng Người hướng nội có thể tự mình khôi phục trạng thái tinh thần tốt hơn những người khác. Họ ở trong phòng của mình, đọc sách và ngân nga giai điệu bài hát yêu thích đầy say mê. Họ đi dạo, lang thang trong thành phố, từ tốn nhấm nháp một tách cà phê hay đơn giản dành thời gian chỉ để ở một mình. Không phải họ cần không gian bởi vì muốn chia tay với bạn, hoặc bởi vì không muốn dành thời gian cho bạn. Họ cần không gian đó để nuôi dưỡng tâm hồn tốt hơn. 4. Bạn cần chấp nhận cách mà người hướng nội yêu Người hướng nội có vòng tròn các mối quan hệ xã hội nhỏ, và họ cũng mất rất nhiều thời gian để mở rộng vòng tròn nhỏ hẹp ấy. Người hướng nội không phải lúc nào cũng nói về cảm xúc của bản thân bởi vì nó quá phức tạp để có thể diễn tả, nhưng nếu bạn là một phần trong vòng tròn xã hội đó thì hãy cứ yên tâm rằng họ vẫn luôn quan tâm đến bạn. Hãy biết rằng bạn là người đặc biệt, vì đó là cách chúng ta thể hiện sự tôn trọng của mình. Đó là cách gần gũi nhất của người hướng nội và đó cũng là món quà chứa đựng sự yêu mến nhất của người hướng nội. Có thể nói rằng, người hướng nội khi quan sát, đánh giá mọi vấn đề bằng những cử chỉ và tác động của môi trường xung quanh thế nào thì khi yêu họ vẫn sẽ yêu bằng sự quan sát ti mỉ đến từng chi tiết như vậy.
"Những điều người hướng nội muốn nói với bạn trong chuyện ấy" Bấm để xem Những người hướng nội được mệnh danh là người hay im lặng, thích ở một mình và yêu thích sự sáng tạo. Dù cho những đặc điểm này gắn liền với cuộc sống nội tâm của bản thân nhưng có rất nhiều người ngạc nhiên khi họ phát hiện ra rằng người hướng nội tỏ ra là người bạn tình rất tuyệt vời. Có một câu nói khá nổi tiếng, đó là "Don't judge a book by its cover" tạm dịch nghĩa là "Chớ nhìn mặt mà bắt hình dong". Bình thường những người hướng nội đã ít nói, ưa sự yên tĩnh và luôn có phản ứng "thu mình" ở những nơi đông người thì khi đối mặt với "chuyện ấy" họ vẫn sẽ lưu giữ những tính cách này. 1. Lãng mạn không phải là điều khiến cho người hướng nội cảm thấy thích thú. Lãng mạn trong "chuyện ấy" với họ hoàn toàn chỉ là những gì giả tạo và không thật tâm cho lắm. Nếu bạn muốn được lòng của người hướng nội trong chuyện này, tốt hơn hết là bạn nên thành thật, chân thành nhất có thể. Nói với họ ý định của mình và tuyệt đối không "vòng vo tam quốc". Nếu bạn muốn thoải mái khi "yêu", hãy tạm thời quên mấy chuyện lãng mạn kia đi. 2. Nếu thực sự tôn trọng người ấy thì tốt nhất hãy chọn nơi yên tĩnh hoặc những nơi mà bạn cảm thấy ít bị để ý. Họ khá xấu hổ nếu chẳng may tiếng động nơi họ đang nằm bị "phát tán" ra bên ngoài. Đừng quên là bình thường họ đã rất yêu sự yên tĩnh rồi đấy! 3. Trước khi "yêu", hãy luôn có những cuộc trò chuyện sâu sắc. Cảm xúc là bước dạo đầu rất cần thiết cho người hướng nội trong chuyện "yêu". Nếu bạn muốn đưa một người hướng nội lên đỉnh cảm xúc, hãy thử thảo luận về một cuốn sách, một tác phẩm nghệ thuật. Những người hướng nội sẽ nhanh chóng cảm thấy dễ chịu và cởi mở hơn - nếu bạn cũng có sự quan tâm và niềm đam mê giống họ. 4. Hãy luôn nhẹ nhàng. Sự mạnh bạo luôn là điều ám ảnh và khiến họ dễ bị tổn thương, gây hậu quả không nhỏ đến hạnh phúc đôi lứa. Quan sát từng cử chỉ, nét mặt của họ và hành động kích thích nhẹ nhàng khi "yêu". 5. Những cuộc hội thoại dù là ngắn gọn đi chăng nữa có thể gây nên trục trặc không nhỏ. Thậm chí điều này còn có thể khiến người hướng nội cảm thấy phiền lòng. Người phải chịu thiệt hại nhiều nhất sẽ chính là bạn nếu bạn cố gắng nói chuyện trong khi "yêu". Vậy nên đừng làm điều đó. Càng ít nói càng tốt. 6. Bạn sẽ biết nếu người hướng nội có thực sự đạt được cực khoái hay không. Bởi họ sẽ không và không bao giờ giả vờ được. 7. Người hướng nội sẽ đánh giá bạn qua sự quan sát. Sau đó, họ sẽ nói cho bạn biết theo cách thẳng thắn nhất. Do vậy bạn nên sẵn sàng để lắng nghe và tiếp thu. 8. Người hướng nội luôn là những người lắng nghe tuyệt vời nhất. Hãy nói với họ về những gì bạn muốn trên giường. 9. Người hướng nội có trí tưởng tượng phong phú. Họ có thể sử dụng trí tuệ khổng lồ của mình để tưởng tượng mọi thứ. Họ có thể chỉ dẫn cho người kia từng bước về những tình huống sao cho cả hai cảm thấy thỏa mãn và hài lòng nhất. 10. Người hướng nội không cần được ôm hay giữ trong vòng tay sau khi "yêu". Họ thực sự không thích bị động chạm. Vậy nên hãy để cho họ không gian riêng tư, vì đó là điều thuộc về bản chất của họ. ---Hết---