Sự thật về các Idol thời Tam Quốc

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi thehungmanutd, 19 Tháng tư 2022.

  1. thehungmanutd

    Bài viết:
    1
    Thời kỳ Tam quốc bên Tàu có lẽ đã quá quen thuộc với phần lớn người VN nhờ tác phẩm văn học Tam Quốc Diễn Nghĩa và gần đây là các tựa phim chuyển thể từ tác phẩm này. Nhưng ít ai biết rằng Tam Quốc Diễn Nghĩa được nhà văn La Quán Trung sáng tác tận thế kỷ 14 dưới thời nhà Minh, cách thời Tam quốc hơn 1000 năm. Ông viết ra tác phẩm này dựa trên nguồn sử liệu Tam Quốc Chí của sử gia Trần Thọ sống ngay sau thời kỳ Tam quốc. Ông cũng "múa bút" hư cấu nên nhiều tình tiết nổi tiếng làm nên tên tuổi cho các nhân vật trong Tam Quốc Diễn Nghĩa nhưng lại không hề được nhắc đến trong Tam Quốc Chí cũng như lịch sử. Sau đây là một số tình tiết hư cấu về thời tam quốc mà đảm bảo mhiều người Việt Nam và cả người Trung Quốc đều tin sái cổ là thật.



    Kết nghĩa đào viên và Tam anh chiến Lã Bố


    Trong lịch sử thì ba nhân vật Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi đúng là có thân thiết như anh em nhưng không hề có chuyện 3 người cắt máu ăn thề dưới vườn đào như trong tiểu thuyết. Ba ông này cũng không đánh "hội đồng" chiến thần Lã Bố trận nào, đơn giản vì Lưu Bị lúc này đã có tên tuổi gì đâu mà dám mò đến liên minh đánh Đổng Trác, vì vậy cũng làm gì có cơ hội gặp và đối đầu với Lã Bố

    [​IMG]

    Chiến thần Lã Bố giết bố nuôi Đổng Trác vì nàng Điêu Thuyền?

    Chiến thần "bất hiếu" Lã Bố đâm chết bố nuôi Đổng Trác là sự kiện có thật nhưng không phải vì tranh mỹ nữ Điêu Thuyền với bố nuôi mà trên thực tế trong quá trình làm con nuôi kiêm vệ sĩ cho "Đổng tướng quốc", nhiều lần Bố bị Trác mắng nhiếc, ném giáo vào người khi không vừa ý. "Cay cú" lâu ngày cộng thêm bị sự kích động của lão tư đồ Vương Doãn nên y mới quyết định lấy mạng Đổng Trác. Còn nàng mỹ nữ Điêu Thuyền trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa chỉ là sản phẩm hư cấu được La Quán Trung "cài" vào vụ án trên để thêm phần kịch tính mà thôi.

    [​IMG]



    Quan Vũ trảm Hoa Hùng và vượt 5 ải chém 6 tướng


    Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa và phim ảnh đều có tình tiết nổi tiếng đó là Quan Vũ chém chiến tướng Hoa Hùng của Đổng Trác trong nháy mắt khi Tào Tháo chưa kịp uống hết chén rượu. Tình tiết "ngầu lòi" vậy nhưng trong thực tế thì Quan Vũ không hề có dịp đối đầu với Hoa Hùng mà người chém chết Hoa Hùng thực ra là Tôn Kiên (ông già của Tôn Quyền) trong một lần khởi binh đánh Đổng Trác. Chuyện Quan Vũ tha mạng cho Tào Tháo ở đường Hoa Dung sau trận Xích Bích cũng không hề có thật, vì thực tế không có cái đường Hoa Dung nào cả, mà vì quân Tào chạy bán sống bán chết nên quân Thục đuổi theo không kịp. Và một chi tiết quan trọng làm nên tên tuổi Quan Vũ đó là "qua năm ải chém 6 tướng" cũng.. không có thật nốt mà chỉ là màn "lăng xê" của nhà văn La Quán Trung mà thôi.

    [​IMG]

    Gia Cát Lượng lập đàn mượn gió đông và câu nói phẫn uất của Chu Du

    Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa thì Gia Cát Lượng đã góp công lớn trong chiến thắng Xích Bích nhờ màn lập đàn cầu gió đông và kế sách thuyền cỏ mượn tên đầy "vi diệu". Nhưng thực tế thì Khổng Minh chỉ có công ngoại giao liên minh 2 thế lực Ngô và Thục cùng nhau đánh Tào mà thôi, còn chiến thắng Xích Bích là nhờ tài chỉ huy thao lược của đô đốc Chu Du và kế sách hỏa công của lão tướng Hoàng Cái, và cũng nhờ cái "ngu đột xuất" của Tào Tháo khi cho xích các chiến thuyền lại với nhau để rồi bị đốt cho tan nát. Câu nói phẫn uất nổi tiếng "Trời sinh Du sao còn sinh Lượng" của tướng Chu Du cũng không hề có mà đều do nhà văn La Quán Trung "đặt điều", "múa bút" mà ra. Trong lịch sử thì đại đô đốc Chu Du của Đông Ngô không hề có hiềm khích gì với quân sư Gia Cát Lượng của Thục Hán.

    [​IMG]

    Lời Kết

    Trên đây chỉ là những tình tiết hư cấu tiêu biểu cho thấy được tài năng "múa bút" vi diệu và tài "lăng xê" các nhân vật như Quan Vũ, Gia Cát Lượng lên hàng "ngôi sao" của nhà văn La Quán Trung trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Mặc dù có nhiều tình tiết hư cấu nhưng nhìn chung thì Tam Quốc Diễn Nghĩa vẫn là một tác phẩm lớn khi đã phản ánh gần như toàn bộ cục diện thời Tam Quốc, thời kỳ chiến loạn binh đao nhưng cũng xuất hiện không ít những bậc anh hùng hào kiệt.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...