Đường Tăng Tây Du Ký - Phim Ảnh Và Sự Thật

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi thehungmanutd, 16 Tháng tư 2022.

  1. thehungmanutd

    Bài viết:
    1
    Đối với phần lớn người VN thuộc thế hệ 8x, 9x và đầu những năm 2000 thì tác phẩm phim truyền hình Tây Du Ký với hành trình của 4 thầy trò Đường Tăng từ Đông Thổ Đại Đường sang Tây Thiên cầu thỉnh chân kinh đã là một phần tuổi thơ không thể nào phai nhạt. Trong phim thì có lẽ ai cũng biết nhân vật Đường Tăng được xây dựng là một anh thầy chùa đẹp trai và đầy lòng "từ bi bát ái", ngay cả với.. yêu quái. Đường Tăng khi lên đường "xuất ngoại" thỉnh kinh thì được hoàng đế Đại Đường nhận làm ngự đệ, tổ chức "party" đưa tiễn và tặng hẳn một con chiến mã xịn xò chắc cũng ngang tầm với siêu xe ngày nay. Trên đường đi thỉnh kinh thì Đường Tăng lại còn được bề trên sắp xếp cho vài đồ đệ theo "bảo kê" đều là các tay anh chị mặt khỉ, đầu heo từng đại náo thiên cung, "vào tù ra khám" mà chắc không cần nói thì ai cũng biết là ai. Mà ngay cả khi có bị yêu quái bắt tới lần thứ 1000 đi nữa thì anh Đường Tăng vẫn được các vị "cán bộ cấp cao" ở cõi trên xuống cứu sống một cách ngoạn mục nhất, đơn giản vì yêu quái bắt Đường Tăng toàn là "pet cưng" của các vị ấy. Nhưng đó chỉ là trên phim ảnh mà thôi, ít ai biết rằng Tây Du Ký tuy là phim dựa trên tiểu thuyết hư cấu cùng tên, nhưng Đường Tăng lại là một nhân vật lịch sử có thật và hoàn toàn khác xa với những gì chúng ta vẫn nghĩ.



    Đường Tăng (tức tăng nhân đến từ nước Đại Đường) có tên phiên âm từ tiếng Tàu ra tiếng Việt là Trần Hy. Ông sinh khoảng năm 600 tại vùng Lạc Châu (Hà Nam, Trung Quốc ngày nay) vào cuối đời Tùy, đầu đời nhà Đường, vương triều hùng mạnh nhất lịch sử Trung Quốc. Gia đình ông có truyền thống nhiều đời làm quan to, nhưng đến bố ông là Trần Huệ thì chán đời nên từ quan ở nhà nghiên cứu Nho Học. Đến đời các anh trai ông và ông thì chán luôn ở nhà nên đều vào chùa đi tu hết cả (nhà có phúc thật). Vào chùa ông có pháp danh là Huyền Trang. Nhờ tư chất thông minh nên sư Huyền Trang tu hành rất tinh tấn, 21 tuổi đã tinh thông kinh sách Phật Giáo Đại Thừa. Sư ham học nên nhận rất nhiều vị cao tăng làm sư phụ để học hỏi, nhưng học nhiều quá lại bị "tẩu hỏa nhập ma" vì giáo lý của các vị sư phụ dạy lại mâu thuẫn nhau và không thống nhất. Cay cú về vấn đề nan giải trên nhưng không tìm ra giải pháp nên sư Huyền Trang nung nấu ý định táo bạo đó là đi phượt sang nước Tây Trúc (thuộc Ấn Độ ngày nay) nơi khởi nguồn của Phật Giáo để tìm ra chân lí thật sự và thỉnh các bộ kinh của các cao tăng ở đây về dịch thuật để phổ độ cho chúng sinh Đại Đường, vốn ăn chơi trác táng và làm việc ác không biết chán. Tuổi trẻ nghĩ là làm, năm 629, bất chấp lệnh cấm tăng nhân xuất ngoại của vua Đường, và bằng cách đút lót cho lính canh hay cách nào đấy, mà sư đã vượt biên rời khỏi Đại Đường một cách trót lọt. Sư đi bộ với hành lý trên vai, không có nhà vua nào tiễn đưa, cũng không hề có con chiến mã đồng hành như anh Đường Tăng đẹp trai trên phim ảnh. Hành trình của sư vô cùng gian khổ khi đã phải một mình vượt qua nhiều sa mạc nắng gió khô hạn của miền tây Trung Quốc, đôi khi phải chịu cảnh đói khát, và phải đối đầu với giặc cướp, thổ phỉ mà không hề có sự bảo vệ của mấy anh đồ đệ mặt khỉ, đầu heo nào như trong phim. Nếu không có kỹ năng của một chuyên gia sinh tồn và một ý chí mạnh mẽ thì có lẽ sư đã bỏ mạng giữa sa mạc trên hành trình sang miền đất Phật. Không như Đường Tăng trên phim phải mất 14 năm ròng rã mới tới được Tây Thiên, Đường Tăng thật chỉ mất 1 năm để đến được Ấn Độ, nhưng ngài cũng không cưỡi mây phi về nước ngay như Đường Tăng trong phim mà ngài đã ở lại Ấn Độ tận 17 năm để du học Phật pháp với các cao tăng tại đại học La- nan- đà (trung tâm Phật giáo thời bấy giờ). Tại đây ngài phát hiện nhiều giáo lý Phật Giáo ở Đại Đường không hề tồn tại ở giáo lý nguyên thủy Ấn Độ mà đã bị tam sao thất bản rất nhiều dẫn đến mâu thuẫn nhau, gây khó khăn cho người tu hành. Sau 17 năm dài học tập tại thủ phủ của Phật Giáo, ngài cảm thấy đã đủ sức phổ độ chúng sinh và quyết định trở về Đông Thổ Đại Đường với hành trang lượt về phảì gánh thêm là 600 bộ kinh văn tiếng Phạn. Cũng như ngày ra đi, ngài phải mất 1 năm ròng vượt bao gian nan hiểm nguy qua nhiều sa mạc mới về được lãnh thổ Đại Đường. Nhưng trời không phụ lòng người, và nhờ thời Đường đạo Phật được coi trọng, nên khi vừa hay tin có một nhà sư đi tầm đạo thỉnh kinh ở Thiên Trúc 17 năm về trước đã trở về và đang làm thủ tục nhập cảnh ngoài thành, hoàng đế Đại Đường rất vui mừng và ra lệnh làm lễ tiếp đón Huyền Trang đại sư theo nghi thức quốc gia thời bấy giờ ngay tại kinh thành Trường An. Sau khi vinh quang trở về, ngài được nhà vua xây hẳn một tu viện gần kinh thành để tiếp tục tu hành và hoằng dương Phật pháp. Việc đầu tiên khi trở về đó là ngài đã viết ra quyển sách Đại Đường Tây Vực Ký ghi lại hành trình của mình cũng như các thánh tích Phật giáo, phong tục, tập quán các nước ngài đã đi qua. Sau đó ngài tiếp tục giành cả phần đời còn lại để thuyết pháp cho dân chúng, ngài cũng để lại công trình dịch thuật 600 quyển kinh tiếng Phạn sang chứ Hán và có thể kể tên một số như Kinh chính do ngài dịch còn phổ biến đến ngày nay như Đại thừa kinh, Địa tạng Kinh, Kinh Đà la ni, Kinh Bát nhã ba la mật. Có thể nói nhờ công lao thỉnh giáo và dịch thuật kinh sách của ngài mà Phật giáo ngày càng hưng thịnh dưới thời nhà Đường và phát triển khắp vùng Á Đông đến tận ngày nay.

    Vậy nên nếu bạn đã hữu duyên đọc được bài viết này, thì từ đây về sau mỗi khi xem lại các thước phim Tây Du Ký trên facebook, hay trông thấy ảnh chế của Đường Tăng đâu đó trên mạng, mong bạn đừng vội cười nhạo mà hãy có cái nhìn khác, tôn trọng hơn đối với Đường Tăng "phiên bản gốc", tức Huyền Trang đại sư, một bậc cao tăng hết lòng vì chúng sinh, một học giả, dịch giả, một phượt thủ, nhà địa lý học, chuyên gia sinh tồn vĩ đại của Trung Quốc và cả Á Đông.
     
    hoctam123 thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng tư 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...