Người Ở Bến Sông Châu (Sương Nguyệt Minh) Ngữ văn 10, Cánh Diều I. Tri thức ngữ văn 1. Thể loại truyện ngắn - Là thể loại tự sự cỡ nhỏ. Truyện ngắn hướng tới khắc họa một hiện tượng trong đời sống; cốt truyện thường diễn ra trong thời gian, không gian hạn chế; kết cấu không nhiều tầng, nhiều tuyến; thường có ít nhân vật. Truyện ngắn thu hút người đọc bởi nội dung cô đúc, chi tiết có sức ám ảnh, ý tưởng sắc sảo được thể hiện qua tình huống bất ngờ, lời văn hàm súc, mang nhiều ẩn ý. 2. Tác giả - Nhà văn Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn. - Sinh năm 1958 - Quê: Yên Mỹ, Yên Mô, Ninh Bình - Ông là nhà văn quân đội, đến với nghiệp văn chương khá muộn màng. - Năm 1992, lần đầu tiên có truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. - Hiện tại, nhà văn Sương Nguyệt Minh đang công tác tại Ban Sáng tác - Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Các tác phẩm tiêu biểu: - Đêm Thánh Vô Cùng - Lửa cháy trong rừng hoang - Người ở bến sông Châu - Nỗi đau dòng họ 3. Văn bản "Người ở bến sông Châu" a. Thể loại - Truyện ngắn b. Xuất xứ: - Sáng tác vào tháng 6/1997 xuất bản tại NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2016 c. Người kể chuyện: Ngôi thứ 3 d. Tóm tắt Tác phẩm kể về sự bất hạnh mà những người phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu sau năm 1975. Trong chiến tranh, cô Mây là nữ y tá dũng cảm. Hòa bình lập lại, cô trở về nhà thì thấy bản thân bị gọi là liệt sĩ, người yêu cũ tưởng cô đã hy sinh nên đi lấy vợ. Chịu đựng vết thương từ chiến trường, cô lại nhận thêm những thương tổn trong cuộc sống mới. Mây sống lặng lẽ trong nỗi cô đơn ở lều cỏ bên bến sông Châu, phụ giúp ông chèo đò, chở đám bạn của Mai đi học, nhận làm y tá ở trạm xá xã, nhận đỡ đẻ cho cô Thanh trong tình huống nguy kịch, cứu được cả hai mẹ con cô. Thím Ba chết vì vướng bom bị, dì Mây lại nhận nuôi bé Cún, dì gặp lại chú Quang- người thương binh dì cứu ở chiến trường. Kết thúc truyện là sự thay đổi trong tiếng ru của dì Mây. e. Bố cục - Phần 1: Từ đầu đến "di lên vách bếp" : Chú San đi lấy vợ, dì Mây trở về xóm Trại - Phần 2: Tiếp đến "Sóng nước lao xao" : Cuộc sống giản dị của dì Mây ở xóm Trại - Phần 3: Tiếp đến "ở phía cuối con đường về bến" : Dì Mây giúp cô Thanh (vợ chú San) vượt cạn - Phần 4: Còn lại: Phẩm chất cao đẹp của dì Mây II. Hướng dẫn trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa Câu 1: Xác định sự kiện chính của mỗi phần trong văn bản Người ở bến sông Châu. Theo em, cách xây dựng cốt truyện của mỗi tác giả có gì đặc sắc? - Sự kiện chính: + Dì Mây về làng đúng ngày chú San – người yêu cũ lấy vợ, tâm trạng ngổn ngang, giằng xé của dì Mây, chú San và những người thân trong gia đình. + Dì Mây ra sống ở lều cỏ bên bến sông Châu, phụ giúp ông chèo đò; tâm trạng buồn tủi của dì Mây, sự quan tâm và tình cảm của mẹ và Mai đối với dì Mây. + Dì Mây trở lại với nghề y tá, làm việc ở trạm xá xã; cô Thanh vợ chú San đẻ khó, suýt chết, dì Mây đỡ đẻ, cứu sống cả hai mẹ con. + Thím Ba chết vì vướng bom bi, dì Mây nhận nuôi thằng Cún con thím Ba; dì Mây gặp lại chú Quang – người thương binh năm xưa nay về chỉ huy công binh xây cầu qua bến sông Châu, dì Mây từ chối tình cảm của chú Quang; hằng đêm, tiếng dì Mây ru thằng Cún lan xa, vang vọng trên bến sông Châu - Cách xây dựng cốt truyện của mỗi tác giả có gì đặc sắc? + Các sự kiện tạo thành cốt truyện chủ yếu được sắp xếp theo trật tự thời gian, có xen kẽ một vài đoạn hồi tưởng vừa đủ để tạo sức gợi, cung cấp những thông tin cần thiết về cuộc đời nhân vật (trước khi nhập ngũ, hoàn cảnh bị thương tật). Các sự kiện chính được liên kết mạch lạc, dễ theo dõi. + Tác giả đã tạo dựng được tình huống truyện đặc sắc. Đó là tình huống éo le, khó đoán, bộc lộ rõ hoàn cảnh trớ trêu của các nhân vật mà trung tâm là nhân vật dì Mây – một phụ nữ, người nữ quân y sĩ từ chiến trường trở về đúng ngày người yêu đi lấy vợ. Từ tình huống nan giải này, tác giả miêu tả thành công tâm trạng giằng xé nhiều đớn đau của dì Mây, cảm thông với số phận của người phụ nữ sau chiến tranh, ca ngợi phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam. Câu 2: Ai là nhân vật trung tâm trong truyện ngắn này? Hãy vẽ sơ đồ về mối quan hệ giữa nhân vật trung tâm này với các nhân vật khác trong truyện. - Nhân vật trung tâm: Dì Mây vì: + Đây là nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối truyện, thường xuyên có mặt ở hầu hết các sự kiện + Qua nhân vật, tác giả tập trung bộc lộ rõ nét khác biệt, độc đáo của chiến tranh Việt Nam và chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. - Sơ đồ mối quan hệ giữa các nhân vật Câu 3: Phân tích, làm sáng tỏ tính cách và phẩm chất của nhân vật dì Mây trong truyện qua các tình huống và sự kiện tiêu biểu. Nêu nhận xét về cuộc đời và tính cách của nhân vật dì Mây - Hoàn cảnh - Trước khi đi xung phong: + Có mối tình đẹp đẽ, trong trẻo với chú San. + Nhưng phải chia tay nhau vì chú San đi học nghề ở nước ngoài. Còn dì thì xung phong làm cô y sĩ Trường Sơn. => Mỗi người mỗi ngả - Khi từ chiến trường bom đạn trở về: + Dì bị đạn phạt vào chân, phải đi tập tễnh. + Chú San thì đã lấy vợ đúng vào ngày dì trở về => Tình cảnh đáng thương, trớ trêu, tủi thân của dì. - Phẩm chất tính cách - Dứt khoát, cương quyết: + Thái độ của dì Mây rất cương quyết, thể hiện sự bản lĩnh kiên cường của người phụ nữ. Dì nhất quyết không đồng ý trước lời đề nghị "Mây, chúng ta sẽ làm lại" của chú San. +Trước sự thể đã rồi dì nhận phần thiệt thòi về mình, dì chỉ muốn một người đàn bà khổ. - Vượt lên hoàn cảnh: + Mặc dù phải dùng chân giả nhưng dì vẫn giúp ông chèo đò + Vẫn sống tiếp sau cú sốc đau đớn về tinh thần. - Yêu thương con người và tốt bụng: + Không khi nào dì Mây lấy tiền đò của những lứa học sinh đi học cấp 3 trường huyện. + Khi dì Mây giúp cô Thanh (vợ chú San) vượt cạn, khi cô Thanh đẻ thiếu tháng lại tràng hoa quấn cổ à phẩm chất tốt bụng, tính cách thương người, luôn nghĩ tới người khác của dì Mây. Mặc dù ở vào hoàn cảnh của dì việc làm đó chẳng hề dễ dàng, nhưng dì vẫn không chút e ngại, chần chừ, suy nghĩ gì mà lập tức tới giúp đỡ cô Thanh vượt qua cơn nguy hiểm, để mẹ tròn con vuông. => Có thể thấy dì Mây hiện lên với rất nhiều những phẩm chất cao thượng, tốt đẹp, dì đại diện cho những người con gái bước ra từ chiến tranh, mạnh mẽ kiên cường, nhưng đầy tình yêu thương, vị tha sâu sắc. Câu 4: Phân tích và nhận xét bút pháp miêu tả (tả cảnh và diễn biến tâm lí các nhân vật) của tác giả trong truyện ngắn Người ở bến sông Châu - Tả cảnh sống động: chọn đặc tả những cảnh nhằm ngụ ý hoặc chuẩn bị cho việc bộc lộ tâm trạng nhân vật: Cảnh đám rước dâu qua sông, cảnh bến sông Châu lúc chập tối như báo hiệu tình huống trớ trêu, sóng gió sắp xảy ra. Cảnh đám cưới bên nhà chú San được tả sống động, hồi hộp, kịch tính; cảnh bến sông Châu mênh mang thời chiến tranh qua hồi tưởng của nhân vật đậm màu sắc sử thi, lãng mạn (đoạn 1) ; cảnh bầu trời, đêm sông Châu vào cuối thu bí ẩn, huyền diệu, buồn đẹp, bộc lộ tâm trạng, tình cảm gắn bó tha thiết của nhân vật đối với làng quê bên bến sông Châu (đoạn 4). - Tả diễn biến tâm lý: Diễn tả tâm lí cha con gặp nhau ở bến sông Châu giàu tính tạo hình, có sức gợi và gây xúc động; diễn tả tâm lí nhân vật San và Mây lúc gặp nhau có sự đa dạng về cung bậc tình cảm, rất hồi hộp, kịch tính: Lúc đau khổ, uất ức, lúc như mê lịm đi, lúc bừng tỉnh, lúc nhớ thương da diết, cồn cào; lúc tỉnh táo, cương quyết. Câu 5: Câu chuyện diễn ra trong những không gian và thời gian nào? Tìm hiểu ý nghĩa của những hình ảnh dòng sông, con đò, cây cầu xuất hiện trong truyện. - Câu chuyện diễn ra ở 2 không gian chính: Không gian sinh hoạt gia đình (nhà ông ngoại và nhà chú San), không gian sông nước (bến sông - lều cỏ). Không gian nhà ông ngoại được tập trung thể hiện trong đoạn 1, ngày dì Mây về làng; không gian nhà chú San được đặc tả ở đoạn 3 gắn với việc sinh nở của cô Thanh. Không gian bến sông - lều cỏ chủ yếu nổi bật ở đoạn 2 và 4. Trong đoạn 4, không gian chiến trường cũng được gợi nhắc qua lời kể của công binh xây cầu. - Chuyện diễn ra trong thời gian: Ngày đầu tiên dì Mây trở về sau chiến tranh; những ngày tháng dì Mây sống ở bến sông Châu (chèo đò chở học sinh qua sông, làm ý tá ở trạm xá, nuôi nấng thằng Cún). Thời gian tuyến tính được xen kẽ bởi những khoảng thời gian quá khứ được gợi lại qua các hồi ức, đối thoại (nhan sắc, tình yêu của dì Mây và chú San trước chiến tranh, tình huống dì Mây bị thương ngoài mặt trận vì che chắn cho thương binh Quang). - Tác giả miêu tả một số hình ảnh như dòng sông, con đò, cây cầu.. vừa có nghĩa thực vừa mang tính ẩn dụ, biểu tượng. Dòng sông gợi lên ý nghĩa về dòng đời bí ẩn, nhiều biến động, sóng gió (như tình yêu của dì Mây và chú San), nhiều hoàn cảnh trớ trêu, đau khổ (như cuộc đời dì Mây, thím Ba, thằng Cún) ; con đò là hình ảnh tượng trưng cho thân phận con người (dì mây "lỡ đò"), cho sự chia li, sự chuyên chở, nâng đỡ (dì Mây chèo đò đưa chú San đi học nước ngoài, dì Mây hào phóng đưa học sinh qua sông, dì Mây đỡ đẻ cho cô Thanh) ; cây cầu là hình ảnh tượng trưng cho chiến tranh phá hoại ;cho sự kiến thiết, xây dựng, cho sự hàn gắn, kết nối, nghĩa tình (kết nối giữa quá khứ và hiện tại, nghĩa tình giữa dì Mây và thằng Cún, dì Mây và chú Quang).. Câu 6: Nhận xét về điểm nhìn và người kể chuyện trong văn bản. - Điểm nhìn: Người kể chuyện có khả năng di chuyển điểm nhìn linh hoạt, từ điểm nhìn bên ngoài (kể những điều nhân vật không thấy, không biết) sang điểm nhìn bên trong (kể thông qua cảm nhận, suy nghĩ của nhân vật Mai) và ngược lại. - Người kể chuyện: Có khả năng thâm nhập vào đời sống nội tâm phức tạp của các nhân vật (Mây, San, Mai, người ông), thường xuyên mượn vị trí quan sát, thái độ, cảm nhận của nhân vật Mai để kể chuyện. Bằng cách này, điểm nhìn nghệ thuật có sự chuyển đổi linh hoạt giúp người đọc biết được nhiều thông tin hơn, rõ hơn về nhân vật dì Mây, San và các sự việc có liên quan. Câu 7: Theo em, vấn đề đặt ra trong truyện ngắn này là gì? Vấn đề đó có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống hôm nay? Hãy ghi lại bằng một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng) Gợi ý: Bản lĩnh, lòng nhân hậu vị tha trong cuộc sống; vấn đề hậu chiến: Quan tâm hơn đến đời sống vật chất và tinh thần của những con người đã cống hiến cho dân tộc..