Soạn bài: Tấm lòng người mẹ - Trích những người khốn khổ - Victor Hugo - Ngữ văn 11 Cánh diều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 4 Tháng mười một 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    Kiến thức cơ bản:

    TẤM LÒNG NGƯỜI MẸ

    (Trích Những người khốn khổ - V. Huygo)

    I. Chủ đề và điểm nhìn trong truyện kể


    - Chủ đề là vấn đề cơ bản được đặt ra trong văn bản.

    - Chủ đề gồm chủ đề chính và chủ đề phụ.

    + Chủ đề chính: Chủ đề quán xuyến tàn bộ văn bản.

    + Chủ đề phụ: Chủ đề được thể hiện qua các nhân vật hoặc tình tiết riêng lẻ.

    - Điểm nhìn trong truyện luôn có sự thay đổi. Việc thay đổi này có tác dụng giúp đi sâu vào nội tâm nhân vật, mở rộng khả năng bao quát, nhận xét, đánh giả của người trần thuật; qua đó thể hiện quan niệm, tư tưởng, thái độ của nhà văn.

    - Trong truyện không thể thiếu những giá trị văn hóa và triết lí nhân sinh. Mỗi tác phẩm văn học là sản phẩm của một nền văn hóa, phản ánh giá trị văn hóa cộng đồng nơi tác phẩm sinh thành. Triết lí nhân sinh trong văn học là quan niệm và sự lí giải của nhà văn về các vấn đề chung liên quan đến cuộc sống, số phận con người, sự tồn tại phát triển của xã hội.

    II. Tìm hiểu chung

    1. Tác giả Vích-to Huy-gô


    A. Cuộc đời và con người

    - Ông sống trong một thời đại nước Pháp đầy bão tố rối ren về chính trị, mâu thuẫn chất chồng.

    - Gia đình của ông vô cùng phức tạp và mâu thuẫn lẫn nhau: Trong khi cha là người chiến sĩ trẻ thì mẹ lại là người ủng hộ cho phái bảo hoàng.

    - Ông là một nhà cách mạng có tư tưởng tiến bộ và lỗi lạc.

    - Con người ông mang một niềm khát khao tự do và trái tim tràn đầy yêu thương.

    B. Sự nghiệp

    - Ông là nhà văn lãng mạn lớn nhất của văn học Pháp thế kỉ XIX.

    - V. Huy-gô là nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà viết kịch. Ở lĩnh vực nào ông cũng gặt hái được thành công và vinh dự khi được người đời gọi là "thần đồng thơ ca", "người khổng lồ" và "một thiên tài sáng tạo".

    - Phong cách sáng tác hướng ngòi bút vào những người khốn khổ, phát hiện những mâu thuẫn của xã hội và giải quyết trên nguyên tắc tình thương. Là nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa lãng mạn không tưởng.

    - Các tác phẩm tiêu biểu: Nhà thờ Đức bà Pa-ri (tiểu thuyết, 1831) ; Những người khốn khổ (tiểu thuyết, 1862) ; Thằng cười (tiểu thuyết, 1869) ; Éc-na-ni (kịch, 1830) ;..

    [​IMG]

    2. Tác phẩm "Những người khốn khổ"

    A. Hoàn cảnh sáng tác

    - Ngay từ 1829, V. Huy-gô đã có ý định viết một cuốn tiểu thuyết về người tù khổ sai. Sau năm 1830, Huy-gô đặc biệt chú ý đến các vấn đề xã hội (phong trào đấu tranh của nhân dân lao động, những bất công xã hội, sự sa đọa của con người). Huy-gô bắt tay vào việc sưu tầm tài liệu và bắt đầu viết bộ tiểu thuyết này vào năm 1840, thoạt đầu gọi là "Những cảnh cùng khổ" và hoàn thành vào năm 1861.

    - Được xuất bản năm 1862.

    B. Tóm tắt (SGK) : Gồm 5 phần.

    3. Đoạn trích Tấm lòng người mẹ

    A. Vị trí: Đoạn trích nằm ở phần thứ nhất của tiểu thuyết Những người khốn khổ.

    B. Sự kiện chính và tóm tắt:

    "Tấm lòng người mẹ" là một truyện ngắn đầy cảm động của nhà văn Victor Hugo. Tác phẩm kể về cuộc đời của Phăng-tin, một người mẹ đơn thân đầy khó khăn nhưng luôn sống với tấm lòng yêu thương con cái. Cô đã hy sinh tất cả để nuôi dạy và chăm sóc cho đứa con của mình. Phăng-tin bị đuổi việc khỏi xưởng, bị tước quyền sống và quyền chăm sóc cho đứa con của mình. Cô gửi con về cho gia đình chủ trọ chăm sóc và trả tiền công mỗi tháng. Tuy nhiên, cô đã phải bán đi mái tóc của mình để có đủ tiền gửi về cho con mua quần áo đẹp. Cô đã hy sinh rất nhiều cho con, từ việc nhổ đi hai chiếc răng cửa của mình để có tiền chữa bệnh cho con đến việc đứng trên bờ vực của cuộc đời, hy vọng có thể giúp con của mình thoát khỏi nghèo đói. Tuy nhiên, cuộc sống của Phăng-tin lại trở nên khốn khó hơn khi cô bị lừa bởi đôi vợ chồng bất nhân và đành phải đi làm gái điếm để kiếm tiền nuôi con. Tác phẩm đưa ra một thông điệp sâu sắc về tình mẫu tử và tình người. Cô đã hy sinh tất cả cho đứa con của mình, vượt qua mọi khó khăn, cô đánh đổi tất cả để có thể nuôi dạy con một cách tốt nhất. Tấm lòng yêu thương của Phăng-tin đã làm nên một câu chuyện cảm động và đáng suy ngẫm.

    C. Ngôi kể: Ngôi thứ 3 – người kể chuyện toàn tri.

    D. Bố cục: 4 đoạn theo SGK

    - Phần (1) : Hoàn cảnh sống của Phăng-tin.

    - Phần (2) : Phăng-tin bán tóc để mua váy cho con gái.

    - Phần (3) : Phăng-tin bán răng để có tiền gửi về cho vợ chồng Tê-nác-đi-ê vì bị lừa rằng con gái bị bệnh nặng.

    - Phần (4) : Cuộc sống của Phăng-tin sau khi bán tóc, bán răng.

    E. Nội dung chính: Thân phận đáng thương, bất hạnh của Phăng-tin, đồng thời cho thấy tấm lòng người mẹ bao la, hi sinh bản thân mình vì con.

    III. Khám phá văn bản

    1. Tình huống truyện


    - Tình huống của đoạn trích xoay quanh việc Phăng-tin, vì túng quẫn và vì phải lo cho đứa con yêu quý của mình, nên cứ từng bước bị dồn vào đường cùng: Từ bán tóc, bán răng, và cuối cùng phải bán cả nhân phẩm để đi làm gái điếm.

    - Ý nghĩa:

    + Phản ánh cuộc sống cơ cực của một bộ phận người lao động trong bối cảnh xã hội ngột ngạt ở nước Pháp thời bấy giờ.

    + Tình huống truyện thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác giả.

    2. Không gian, thời gian

    - Thời gian: Mùa đông lạnh lẽo; lúc nào cũng như hoàng hôn; ban tối; trời chưa sáng

    - Không gian: Căn phòng tồi tàn nơi Phăng-tin ở, quảng trường..

    => Không gian và thời gian trong truyện được xây dựng đều có dụng ý như tô đậm thêm cuộc đời tối tăm, bế tắc, tương lai mờ mịt của Phăng-tin. Người đàn bà xấu số đó không thể thoát ra khỏi bóng tối của cuộc đời đè nén, không thể tìm đâu ra thứ ánh sáng của cuộc đời mình dù là nhỏ nhoi.

    3. Tấm lòng người mẹ

    A. Hoàn cảnh sống của Phăng-tin

    Hoàn cảnh của Phăng-tin: Khốn khổ, bi đát, bất hạnh (nghèo, ốm đau, xa cách con gái, bị chủ nợ giày vò, bị vợ chồng Tê-nác-đi-ê lừa gạt, bị nhân tình hành hạ)

    B. Tấm lòng thương con của người mẹ

    * Lần 1:

    - Vợ chồng Tê-nác-đi-ê bắt Phăng-tin gửi về 10 phơ-răng, lừa rằng để mua váy len cho Cô-dét.

    - Phăng-tin:

    + Khi nhận được thư: Cả ngày cầm lá thư trong tay đến nhàu nát.

    + Cuối cùng chị đã quyết định bán đi mái tóc, mua một cái váy len và gửi cho con.

    + Khi bán tóc, mua được váy cho con, dù cái đầu trụi tóc, chị vẫn tự an ủi bản thân: "Con ta không rét nữa. Ta đã lấy tóc ta dệt cho con mặc rồi" => Phăng-tin chấp nhận xấu xí vì con.

    * Lần 2:

    - Vợ chồng Tê-nác-đi ê: Chúng đòi Phăng-tin 40 phơ-răng, lừa rằng để mua thuốc chữa chạy bệnh sốt ban cho Cô-dét.

    - Phăng-tin:

    + "Chị cười rộ lên.. chạy ra phố, vừa chạy, vừa nhảy vừa cười khanh khách" Chị đã khinh bỉ tên bán răng dạo khi hắn hỏi mua hai cái răng của chị, nhưng rồi nỗi thương con vẫn lấn át tất cả. Chị hỏi bà Mác-gơ-rít về căn bệnh phát ban, và khi biết rằng căn bệnh đó có thể chết người, chị đã quyết định bán đi hai chiếc răng của mình.

    + Sau khi bán răng: Chỉ qua một đêm mà Phăng-tin già đi đến 10 tuổi; Phăng-tin chịu đựng nỗi đau thể xác vì con.

    * Lần 3:

    - Vợ chồng Tê-nác-đi ê: Chúng bắt Phăng-tin phải gửi về cho chúng 100 phơ-răng nếu không chúng sẽ tống cổ Cô-dét ra cửa giữa trời đông lạnh giá.

    - Phăng-tin:

    + Người mẹ đáng thương ấy biết làm gì để có một số tiền lớn như thế. Rồi cuối cùng, vì con, chị đã phải lựa chọn, lựa chọn bán nốt cái quý giá nhất của người phụ nữ: Thế là người đàn bà xấu số ấy đi làm gái điếm.

    4. Quan điểm, tư tưởng của tác giả

    + Phản ánh bối cảnh xã hội phong kiến phi nhân đạo dưới sự cai trị của Na-pô-lê-ông I.

    + Phản ánh cuộc sống cơ cực, bế tắc của những người lao động trong xã hội ấy.

    + Lên án những thế lực xấu xa, hắc ám trong một xã hội phi nhân đạo.

    + Thể hiện niềm đồng cảm, yêu thương của tác giả đối với những con người bất hạnh.

    + Phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp của những con người bất hạnh: Dù đói khổ, túng quẫn nhưng ở họ vẫn luôn ngời lên một tình yêu thương cao cả, mà cụ thể ở đây chính là tình mẫu tử thiêng liêng của Phăng-tin dành cho đứa con gái bé bỏng của mình.

    + Gửi gắm khát vọng về một xã hội công bằng và hạnh phúc.

    IV. Tổng kết

    1. Nội dung


    Truyện thể hiện sự thống khổ và tình yêu thương con của Phăng-tin, đồng thời cho thấy tấm lòng nhân đạo của nhà văn dành cho nhân vật này.

    2. Nghệ thuật

    - Tình huống truyện độc đáo.

    - Có nhiều chi tiết nghệ thuật đặc sắc: Kể chuyện hấp dẫn, xây dựng tính cách nhân vật đặc biệt, ngôn ngữ truyện sinh động..

    V. Vận dụng

    So sánh nhân vật Chí Phèo (trong Chí Phèo ) của Nam Cao và nhân vật Phăng-tin (trong Những người khốn khổ ) của Huy-gô để thấy sự giống nhau và khác nhau giữa hai nhân vật này.

    - Giống nhau:

    + Chung thân phận: Họ đều xuất thân vốn là những người dân lao động nghèo, hiền lành.

    + Chung số phận bất hạnh: Bị xã hội đương thời đẩy vào đường cùng.

    + Cả hai đều có những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn.

    - Khác nhau:

    + Phăng-tin dù cho có rơi vào hoàn cảnh cùng quẫn, phải bán mình nhưng chị vẫn giữ được "hồn người" - tình yêu thương con, đức hi sinh cao cả.

    + Chí Phèo đã chấp nhận bán linh hồn cho quỷ dữ vì mấy đồng bạc uống rượu, đánh mất đi không chỉ "hình người" mà còn đánh mất cả "hồn người".
     
    Last edited by a moderator: 6 Tháng mười một 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...