VỢ CHỒNG A PHỦ Tô Hoài I. Tác giả - Tô Hoài (1920 - 2014), tên khai sinh là Nguyễn Sen. - Tô Hoài sinh ra tại quê nội ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ. Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). - Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. - Sáng tác của ông thiên về diễn tả những sự thật đời thường. - Các tác phẩm của ông thuộc nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận.. - Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. - Một số tác phẩm tiêu biểu: + Dế Mèn phiêu lưu ký (truyện dài, 1941) + O chuột (tập truyện ngắn, 1942) + Cỏ dại (hồi ký, 1944) + Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953) + Tự truyện (1978) + Quê nhà (tiểu thuyết, 1981) + Cát bụi chân ai (hồi ký, 1992) + Chiều chiều (tiểu thuyết, 1999) + Chuyện cũ Hà Nội (ký sự, 2010).. II. Tác phẩm 1. Xuất xứ "Vợ chồng A Phủ" là tác phẩm đặc sắc nhất trong tập "Truyện Tây Bắc" (1953) của nhà văn Tô Hoài. 2. Hoàn cảnh sáng tác Truyện được viết vào năm 1952 và là sản phẩm của chuyến thâm nhập thực tế, "cùng ăn, cùng ở, cùng gắn bó" với đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc suốt 8 tháng của Tô Hoài trên núi cao đến các bản làng mới giải phóng. 3. Bố cục Gồm ba phần: · Phần 1: Từ đầu đến "Đến bao giờ chết thì thôi". Hoàn cảnh sống của Mị. · Phần 2. Tiếp theo đến "Vì thế mà sinh sự đánh nhau ở Hồng Ngài". Cuộc đời của A Phủ. · Phần 3. Còn lại. Cuộc gặp gỡ và tự giải thoát của Mị và A Phủ. 4. Ý nghĩa nhan đề - Truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" được in trong tập Truyện Tây Bắc (1953). Trong suốt những ngày tháng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc" với cán bộ và đồng bào miền núi Tây Bắc đã đem đến cho nhà văn Tô Hoài nguồn cảm hứng sáng tác. - Tô Hoài đặt cho tác phẩm của mình nhan đề là "Vợ chồng A Phủ" - đây là một nhan đề ngắn gọn nhưng mang nhiều ý nghĩa. Nhan đề trên đã chỉ ra cho người đọc hai nhân vật trung tâm của tác phẩm: A Phủ và Mị. - Đồng thờ cho thấy mối quan hệ giữa hai nhân vật: "Vợ chồng". A Phủ và Mị vốn là hai con người xa lạ. Nhưng vì món nợ với nhà thống lí Pá Trá mà gặp gỡ (Mị là con dâu gạt nợ nhà thống lý. A Phủ vì đánh người làng mà phải nộp tiền theo lệ làng nhưng không có tiền, được thống lý cho mượn rồi lại thành mang nợ). Trong những ngày tháng khổ sở của Mị tại nhà thống lý Pá Tra, sự xuất hiện của A Phủ đã đánh thức tấm lòng đồng cảm trong tâm hồn vốn đã vô cảm của Mị. Bởi họ là những con người cùng cảnh ngộ. Trong đêm Mị giải cắt dây cởi trói cứu A Phủ, dường như cũng chính là đang giải cứu cho bản thân. Hai người trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra đến Phiềng Sa, cũng tìm đến được với ánh sáng của cách mạng. Quá trình họ gặp gỡ và trở thành vợ chồng cũng chính là quá trình đi ra từ bóng tối đến ánh sáng. Cuộc đời của vợ chồng A Phủ khi gặp được lý tưởng của cách mạng đã thay đổi hoàn toàn. Nhà văn Tô Hoài sáng tác tác phẩm này nhằm phản ánh số phận đau thương và con đường tìm đến tự do của nhân dân Tây Bắc. Nhan đề "Vợ chồng A Phủ" đem đến cho người đọc những hiểu biết ban đầu về tác phẩm. III. Hướng dẫn học bài Câu 1 Tìm hiểu số phận, tính cách nhân vật Mị. Cảnh ngộ của Mị: + Là con dâu gạt nợ (do cha mẹ Mị không trả được nợ cho thống Lí) + Mị làm đi làm lại những công việc thường ngày, không ngừng nghỉ, lùi lũi như con rùa trong xó cửa + Sống trong căn phòng chỉ có ô vuông bằng bàn tay, không biết được trời mưa hay nắng + Tính cách và thân phận của Mị: + Trước khi về nhà thống Lí: Mị là cô gái trẻ đẹp, hiền dịu, có hiếu với cha mẹ, chăm chỉ và có nhiều chàng trai để mắt tới + Khi về nhà thống Lí: Mị sống vật vờ, héo mòn - Đêm tình mùa xuân: + Mị nhớ lại tất cả kỉ niệm trước kia của mình: Cô gái có tài thổi sáo rất hay, tiếng sáo đưa Mị thoát khỏi thực tại + Mị sắm sửa đi chơi thì A Sử về, hắn trói Mị vào cột nhà, khiến cô chịu đau đớn tinh thần, thể xác - Khi nhìn thấy A Phủ bị trói: Mị dửng dưng rồi khi nhìn thấy hai giọt nước mắt A Phủ lăn dài trên gò má, Mị tỉnh thức, nàng cởi trói cho A Phủ cả hai người chạy trốn → Tâm trạng Mị từ tuyệt vọng tới hi vọng, Mị dám đứng lên đấu tranh để thoát khỏi kìm hãm Câu 2: Ấn tượng về tính cách nhân vật A Phủ. Bút pháp của nhà văn khi miêu tả Mị và nhân vật A Phủ có gì khác nhau? *Nhân vật A Phủ: - Chàng trai khỏe mạnh, có tài, nhiều cô gái trong bản mê - Dám đánh trước thái độ hống hách, cậy quyền thế của A Sử + Các động từ mạnh diễn tả hành động của A Phủ: Chạy vụt ra, ném con quay, xộc tới, kéo, xé, đánh tới tấp + Hành động quyết liệt thể hiện lòng căm thù trước kẻ thù + Yêu công lí, tính cách can trường - A Phủ bị bắt, phải vay nhà thống lí một trăm đồng bạc nộp vạ cho làng, nên chàng trở thành người ở đợ nhà thống lí - A Phủ làm mất bò, bị thống lí trói vào cột giữa trời - A Phủ được Mị cứu thoát khỏi nhà thống lí, nước mắt A Phủ thức tỉnh Mị - A Phủ khao khát được sống tự do, điều đó giúp chàng chiến thắng nỗi đau thể xác và số phận nghiệt ngã để giành lấy tự do *Cách miêu tả nhân vật - Nhân vật Mị: Được miêu tả bằng nghệ thuật so sánh, thủ pháp vật hóa, cực tả nỗi cơ cực đời Mị + Sử dụng hình ảnh ẩn dụ độc đáo, nói lên số phận bất hạnh của Mị - Nhân vật A Phủ: Được khắc họa thông qua hành động, làm nổi bật tính cách táo bạo, gan góc, sự phản kháng mạnh mẽ của chàng trai yêu tự do. Câu 3: Những nét độc đáo trong việc quan sát và diễn tả của tác giả về đề tài miền núi (nếp sinh hoạt, phong tục, thiên nhiên, con người, xây dựng tình huống, cốt truyện, nghệ thuật dẫn truyện) ? Nét độc đáo trong cách quan sát và diễn tả của tác giả về đề tài miền núi: - Chi tiết, hình ảnh miêu tả núi rừng đậm chất thơ - Cách kể chuyện tự nhiên, sinh động. Truyện có kết cấu, bố cục chặt chẽ, cách dẫn dắt lôi cuốn, sự đan cài chi tiết khéo léo - Nghệ thuật xây dựng nhân vật bằng nhiều bút pháp khác nhau khắc họa được tính cách, số phận nhân vật: Tả tâm lí, ngoại hình gắn với suy nghĩ thầm lặng - Ngôn ngữ mang âm hưởng núi rừng, giọng điệu trần thuật có sự hòa kết giọng người kể với nhân vật tạo chất trữ tình IV. Luyện tập Qua số phận nhân vật Mị và A Phủ, hãy phát biểu ý kiến về giá trị nhân đạo của tác phẩm. - Tô Hoài đã bộc lộ niềm cảm thông với những người dân lao động vùng cao Tây Bắc chịu sự áp bức của bọn thực dân, chúa đất chúa mường. - Ca ngợi sức sống tiềm tàng mãnh liệt của những người lao động đã dám vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do. - Khẳng định sức mạnh của ánh sáng cách mạng giúp con người có một cuộc sống tốt đẹp hơn. - Hết- Cảm ơn các bạn đã xem bài viết của mình. Chúc các bạn học tập tốt!