Soạn bài: Hạnh phúc của một tang gia - Số đỏ - Vũ Trọng Phụng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 22 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    I. Tác phẩm

    [​IMG]

    a) Hoàn cảnh sáng tác

    - "Số đỏ" viết năm 1936. Đây là năm đầu của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, không khí đấu tranh dân chủ sôi nổi. Chế độ kiểm duyệt sách báo khắt khe của Chính quyền Thực dân tạm thời bãi bỏ. Bối cảnh ấy đã tạo điều kiện cho nhà văn công khai, mạnh mẽ vạch trần thực chất thối nát, giả dối, bịp bợm của các phong trào Âu hóa, Thể thao.. được bọn thống trị khuyến khích và lợi dụng, từng lên cơn sốt vào những năm 30 của thế kỉ XX.

    b) Giá trị tác phẩm

    - Giá trị nội dung: Qua tác phẩm này, "nhà văn đả kích sâu cay cái xã hội tư sản thành thị đang chạy theo lối sống nhố nhăng đồi bại đương thời" (Nguyễn Thành Khung).

    - Giá trị nghệ thuật: Nghệ thuật trào phúng đặc sắc, mỗi chương là một màn hài kịch, mỗi nhân vật là một chân dung biếm họa xuất sắc.

    c) Đoạn trích

    - Thể loại: Tiểu thuyết trào phúng.

    - Bố cục:

    (1) Từ đầu.. cho Tuyết vậy: Niềm vui và hạnh phúc của các thành viên gia đình và mọi người khi cụ cố tổ qua đời.

    (2) Sáng hôm sau.. đám cứ đi: Cảnh đám ma gương mẫu.

    (3) Phần còn lại: Cảnh hạ huyệt.

    II. Đọc – hiểu văn bản

    1. Tìm hiểu mâu thuẫn và tình huống trào phúng


    Mâu thuẫn trào phúng: Là mâu thuẫn tạo nên tiếng cười dựa trên sự đối lập tương phản giữa bản chất bên trong và hình thức bên ngoài, giữa ý nghĩa và lời nói, lời nói và hành động của nhân vật, giữa hình thức và nội dung.

    Ý nghĩa nhan đề:

    - Nhan đề của đoạn trích phản ánh rất đúng một sự thật mỉa mai, hài hước: Con cháu của đại gia đình này thật sự sung sướng, hạnh phúc khi cụ cố tổ chết. Đây cũng là tình huống trào phúng chính yếu của toàn bộ chương truyện.

    - Tang gia mà lại hạnh phúc. Nhà có tang mà lại vui vẻ, sung sướng. Điều ấy thật oái oăm, trái khoáy, ngược đời.

    + "Hạnh phúc" là niềm vui của con người khi đạt được những ước nguyện trong cuộc sống.

    + "Tang gia" là lúc mọi người buồn đau khôn xiết khi người thân ra đi mãi mãi.

    Nhan đề phản ánh một sự mâu thuẫn trong tâm lí con người: Một bên là sự hạnh phúc của con người, một bên là sự mất mát không thể bù đắp được, vậy mà chúng lại song hành, gắn kết với nhau, đúng là truyện bi hài đáng cười.

    Kết luận: Như vậy, ngay nhan đề đã dự báo một màn bi hài kịch sắp diễn ra với nhiều cảnh nghịch lí, nhiều pha cười ra nước mắt.

    2. Niềm vui, hạnh phúc của các thành viên trong gia đình khi cụ cố tổ qua đời.

    A. Nguyên cớ của tấn bi hài kịch


    - Cụ cố tổ qua đời cũng đồng nghĩa với việc tờ di chúc của cụ đã tới lúc được thực thi, nghĩa là khi cụ quy tiên thì các gia tài kếch xù của cụ mới được cho đám con cháu, dâu và rể "chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa".

    - Tình huống này đã làm bộc lộ không biết bao nhiêu mâu thuẫn trào phúng khác đủ loại và làm đậm nét hàng loạt chân dung hài hước.

    b. Niềm hạnh phúc của những người trong và ngoài tang quyến

    Niềm hạnh phúc của những người trong gia đình cụ cố tổ.


    - Cụ cố Hồng:

    + Tuy 50 tuổi nhưng lâu nay chỉ mơ ước được gọi là cụ cố.

    + Dịp may đã tới, cụ nhắm nghiền mắt nghĩ đến lúc được mặc áo xô gai.

    + Lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu máo diễn trò già nua, ốm yếu giữa phố đông người để cho thiên hạ phải trầm trồ: "Ui kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!"

    - -> Nhân vật này điển hình cho loại người ngu dốt, háo danh

    Lưu ý: Nếu người chết có nhiều con cháu và con cháu càng khôn lớn bao nhiêu thì càng được coi là gia đình có phúc bấy nhiêu. Do đó để được những người đi đưa đám ma khen, cụ cố Hồng cố tình tỏ ra già yếu.

    - Văn Minh - nhà cải cách y phục Âu hóa "phân vân", "đăm đăm chiêu chiêu", "vò đầu rứt tóc" nhưng không phải vì cái chết của cụ cố tổ mà là làm thế nào để cái chúc thư kia sớm đi vào thời kì thực hành và xử trí với Xuân Tóc Đỏ ra sao khi hắn có "hai cái tội nhỏ" nhưng "một cái ơn to".

    - -> Đây là cơ hội để ông quảng cáo hàng, để kiếm tiền.

    - Bà Văn Minh được mặc đồ xô gai tân thời và được dịp lăng-xê những mốt y phục táo bạo nhất.

    - Cô Tuyết được dịp "mặc bộ y phục Ngây thơ - cái áo dài voan mỏng, trong áo coocse, trông như hở cả nách và nửa vú - nhưng mà viền đen, và đội một cái mũ mấn xinh xinh" đồng thời "trên mặt lại hơi có một vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám".

    - ->Cái chết của cụ cố tổ là cơ hội, là "sàn diễn thời trang" để bà Văn Minh và Tuyết thể hiện, trưng diện. Giọng văn mỉa mai, phô bày sự lố bịch, thiếu văn hóa, vô đạo đức.

    - Ông Phán mọc sừng cũng thật sự sung sướng vì không ngờ rằng cái sừng trên đầu mình lại có giá trị đến thế và ông tin chắc rằng mình sẽ được trả công xứng đáng. Bởi lẽ,

    Cụ cố tổ sở dĩ lăn đùng ra và cấm khẩu vì biết tin con rể mọc sừng - -> Đây là kẻ trục lợi, vô lương tâm, không biết liêm sỉ.

    - Cậu Tú Tân thì sướng điên người vì được dùng đến cái máy ảnh mới mua (khi chưa phát phục, cậu sốt ruột đến "điên người lên" vì cậu đã chuẩn bị mấy cái máy ảnh mà mãi không được dùng).

    - -> Đây là cơ hội hiếm có để cậu Tú giải trí và chứng tỏ tài nghệ chụp ảnh của mình.

    - Xuân Tóc Đỏ thì danh giá và uy tín càng cao vì chính nhờ hắn mà cụ cố tổ chết

    (Xuân có công tố cáo việc ông Phán mọc sừng trước mặt cụ cố tổ).

    - "Niềm hạnh phúc" còn lây ra cả những người ngoài tang quyến.

    - Hai viên cảnh sát Min Đơ và Min Toa đang lúc thất nghiệp thì được thuê giữ trật tự cho đám tang, đã "sung sướng cực điểm".

    - -> Đáng cười: Cảnh sát mà lại thích thú được thuê giữ trật tự cho đám ma.

    - Xã hội trưởng giả bè bạn cụ cố Hồng được dịp khoe các thứ huy chương, phẩm hàm. Nào là Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, nào là Cao Mến bội tinh, Vạn Tượng bội tinh.. và các thứ râu ria trên mép, dưới cằm, "hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn".

    - ->Đáng cười: Sự phô trương không đúng lúc, đúng chỗ. Hóa ra cái vẻ uy nghi, trưởng giả chỉ là cái vỏ để giấu bên trong bản chất "dê cụ".

    - Sư cụ Tăng Phú thì "sung sướng mà vênh váo" vì tin chắc rằng trong số thiên hạ đứng xem ở các phố thế nào cũng có người nhận ra rằng "sư cụ đã đánh đổ được Hội Phật giáo".

    - -> Chi tiết hài hước: Ông sư này không đến làm lễ mà để thiên hạ nhận ra mình với thành tích: Đánh đổ Hội Phật giáo.

    3. Cảnh "đám ma gương mẫu"

    - Một "đám ma to" được tổ chức "theo cả lối Ta, Tàu, Tây, có kiệu bát bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú dích".

    - Cái đáng cười: Đám ma hổ lốn, hỗn tạp, đám ma mà như đám rước.

    - Người đi đưa: Đông đúc, sang trọng, nam nữ "chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma".

    - Cái cười toát lên từ những hành vi, dáng điệu, ngôn ngữ hài hước của 2 đám người: Đám bạn cụ cố Hồng và đám "giai thanh gái lịch". Đám tang thành đám diễn trò bịp bợm, lố lăng, đồi bại về văn hóa.

    - Hàng phố "nhốn nháo cả lên khen đám ma to", họ chú ý kiểu quần áo tang của tiệm may Âu hóa

    - Đám người không phân biệt được phải trái, đúng sai.. chủ yếu là thỏa mãn sự hiếu kì, thích cái lạ đời, dị thường..

    - Giọng điệu, thái độ của nhà văn đối với xã hội thượng lưu.

    - Bằng một giọng văn mỉa mai và thủ pháp cường điệu hóa, Vũ Trọng Phụng đang giễu cợt những kẻ đang tổ chức và tham gia đám tang.

    - Điệp khúc "Đám cứ đi" có ý nghĩa hài hước đặc biệt. Miêu tả cái "đám cứ đi", nhà văn muốn phơi bày tất cả sự giả dối, bịp bợm, vô đạo đức của cái xã hội thượng lưu đang hãnh tiến, đắc chí.

    - Bên cạnh giọng văn mỉa mai, Vũ Trọng Phụng đã dựng lên một loạt các chân dung biếm họa bao gồm các cá nhân, tập thể. Kết hợp với sự tương phản tạo nên cái nghịch dị, làm bật lên tiếng cười trào phúng.

    III. Tổng kết

    1. Giá trị nội dung


    - Vạch trần sự thật xấu xa của xã hội thượng lưu, được gọi là "Âu hóa", "văn minh". Qua đoạn trích cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự tha hóa đạo đức của một bộ phận người dân trong xã hội Việt Nam trước đây.

    2. Giá trị nghệ thuật

    - Bút pháp châm biếm mãnh liệt.

    - Có nhiều tình huống khác nhau, tạo nên một màn hài kịch phong phú.

    - Thủ pháp tương phản, đối lập với phóng đại tạo nên những bức chân dung biếm họa độc đáo.
     
    Viên Mãn cô nươngMinn.102 thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tư 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...