39. DỊ VẬT KỲ LẠ TRONG CƠ THỂ NGƯỜI Bấm để xem Một nữ bệnh nhân 30 tuổi phàn nàn về những cơn đau đầu thường xuyên. Chụp X quang, người ta nhận thấy một vết tròn màu thẫm trong đầu của cô. Vật đó có kích thước gần 5 mm với hình dạng khá phức tạp, có nguồn gốc không phải của tự nhiên. Do vật lạ trở nên trong suốt dưới tác dụng của tia Rơnghen, các chuyên gia y tế kết luận: Nó không phải là kim loại và xếp dị vật trên vào loại "không xác định". Từ 30 năm trước, báo chí khoa học bắt đầu đưa ra những tuyên bố nghiêm túc về việc phát hiện ra các vật kỳ lạ trong cơ thể người. Vào giữa những năm 1980, Harloy và Clark, nhân viên y tế của một bệnh viện ở Oxford, Anh, khi dùng kính hiển vi kiểm tra nước ối của một phụ nữ mang thai, đã phát hiện một dị vật có kích thước gần 0,5 mm nằm giữa các nhiễm sắc thể. Nó giống như một ma trận gồm những hình vuông xếp thẳng hàng, có dạng như một đoạn mã nhị phân. Trong bài báo nói về sự việc này, tạp chí Nature lần đầu tiên đã gọi dị vật kiểu trên là implant, ý nói đến khả năng nó có thể được cấy từ bên ngoài vào. Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ lâu đã thu thập được hàng trăm vật cấy (implant) rất đa dạng, được lấy ra trong quá trình phẫu thuật. CIA còn có một chuyên gia hàng đầu chuyên nghiên cứu về vấn đề này là tiến sĩ Roger Leir. Từ giữa năm 1990, Roger Leir đã được giao tìm hiểu hơn 100 người có những vật lạ nguồn gốc không xác định nằm trong cơ thể. Phần lớn trong số họ đã đồng ý phẫu thuật để lấy những dị vật ra. Một trong những dị vật lý thú đầu tiên là có hình dáng chữ T dài gần 1 cm. Nó gắn vào xương bàn chân của một phụ nữ khoẻ mạnh tên là Patricia và được bao phủ bằng một lớp màng sinh học màu tối, ngay cả dao mổ sắc cũng khó tách ra. Lớp màng kỳ lạ gắn chặt với phần lõi cứng của dị vật là xương bàn chân. Phần mô xung quang dị vật có cấu tạo rất khác lạ, dường như chúng đã bị dịch chuyển hay nói đúng hơn là được sắp xếp lại. "Dị vật gắn liền với xương chân để làm gì, khi nào và vì sao, tôi hoàn toàn không rõ. Phần da bên ngoài không hề có một vết sẹo nào dù là nhỏ nhất để có thể chứng minh khả năng vật lạ được cấy ghép vào cơ thể bằng phẫu thuật", tiến sĩ Leir ngạc nhiên nói. Các dị vật được lấy ra từ cơ thể người rất đa dạng. Đó là những vật hình cầu màu xám nhạt rất giống nhau có cấu tạo bằng canxi, hoặc bằng những chất phức tạp chưa từng biết đến. Trong bộ sưu tập của CIA còn có những dị vật hình kim có thành phần hoá học gần giống với cấu tạo của các... thiên thạch. Chúng không có màng hữu cơ bao bọc xung quanh, nhưng lại không hề gây ra một phản ứng tự vệ nào của cơ thể dưới dạng sưng tấy hay u nang. Trong rất nhiều trường hợp lớp màng sinh học bao quanh các dị vật được cấu tạo từ keratin - một loại tế bào da, thường chỉ nằm ở lớp ngoài cùng của da người. Từ hơn 10 năm nay, trên da của một bệnh nhân ở Nga theo định kỳ nhô ra những... mẩu nhỏ kim loại ở những vị trí huyệt châm cứu, gây ra những vết thương đau đớn rất lâu khỏi. Chúng là những dị vật có hình dạng kích thước từ 1mm đến 1 cm, chứa silic, magie và bạc. Những hoá chất này không thể gọi là "những món quà của sức khoẻ" nhưng dù sao cũng không quá độc như thuỷ ngân được tìm thấy trong cơ thể người thợ điện 53 tuổi Pavel Popkov ở Nikolaiev-an-Amur (Nga). Bác sĩ phẫu thuật sau khi mổ vết sưng tấy trên vai ông đã phát hiện cả một... nhúm thuỷ ngân óng ánh. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy, tình trạng sức khoẻ cùng các chỉ số sinh hoá của Pavel Popkov hoàn toàn bình thường, bất chấp một số lượng thuỷ ngân đang nằm trong cơ thể. Thuỷ ngân còn được tìm thấy khắp người Popkov, trừ phần đầu. Dường như thuỷ ngân đã vào cơ thể anh ta bằng con đường tiêm, nhưng Pavel Popkov đã bác bỏ khả năng này. Một vết sưng tấy có thuỷ ngân nữa cũng được phát hiện trong cơ thể một chàng trai mới 18 tuổi. Thông tin gần đây nhất liên quan đến việc phát hiện kim loại trong cơ thể người đến từ Pháp, qua câu chuyện kể của một chuyên gia phẫu thuật trẻ em nổi tiếng Andre Mayer tại một hội nghị quốc tế. Khi đó, ông phải phẫu thuật cho một đứa bé mới 6 tháng tuổi bị bệnh tim và có trục trặc trong tuần hoàn máu. Ngay sau khi mở lồng ngực, giáo sư Mayer phát hiện một vật thể bằng kim loại nằm ngay cạnh động mạch chủ. Sau khi lấy dị vật ra, bệnh tim của đứa bé cũng biến mất. Cả bác sĩ và mẹ đứa bé đều không hiểu được, vì sao một vật tương đối lớn có hình đầu đạn từ hồi thế kỷ XVIII - XIX lại có thể nằm ngay bên cạnh tim của cậu bé. Ánh sáng và từ trường tác động cùng lúc vào các phân tử trái và phải với số lượng như nhau (A). Những liên kết bị phá vỡ (B) để tạo nên một dạng phân tử trái hoặc phải (C) * Một số giả thuyết Phần lớn những người Mỹ có dị vật trong người đều "nhớ lại" rằng đã từng gặp người ngoài trái đất. Họ có khuynh hướng giải thích sự có mặt của các dị vật trong người mình là do kết quả của lần tiếp xúc này. Nhưng bằng cách nào mà các "sinh vật thông minh" có thể cấy các dị vật vào cơ thể họ mà họ không dùng dao kéo thì không ai biết. Tuy nhiên, Leir cho rằng, việc tiếp xúc với người hành tinh khác chỉ là kết quả của quá trình sáng tạo không nhận thức của não bộ con người hay còn gọi là ảo giác. Trên cơ sở này, ông đã giải thích rõ một số trường hợp hoang tưởng của các bệnh nhân có dị vật trong người. Ông nhận thấy ở họ có những cảm giác hồi hộp, lo lắng, sợ hãi hay cả hiệu quả thấp của việc gây mê hay gây tê khi phẫu thuật. Các chuyên gia tâm lý nghiên cứu về vấn đề này cũng đưa ra một kết luận chung: Dù những người này từng được tiếp xúc với đại diện của thế giới khác tuy không có những bệnh lý rõ ràng, nhưng họ cũng có những biểu hiện của bệnh rối loạn thần kinh chức năng. Theo một số chuyên gia, dị vật xuất hiện trong cơ thể người hoàn toàn có khả năng là kết quả của hoạt động tự phát và không thể điều khiển trong nhận thức của con người, đã hình thành nên hiện tượng vật chất hóa hay teleportasia (nghĩa là quá trình tự chuyển dời của đồ vật, thậm chí con người) từ vị trí này sang vị trí khác. Trong trường hợp môi trường nảy sinh chỉ là yếu tố thứ yếu, quá trình teleportasia có thể diễn ra trong không khí, trong các lớp đất đá trên núi. Đó là lý do giải thích việc phát hiện ra những sản phẩm do bàn tay con người làm ra – những công cụ, đồ kim hoàn, đồ vật kim loại, nằm trong các tầng than, đá vôi hay đá hoa cương vốn được hình thành từ hàng trăm triệu năm trước đây. Tuy niên, lời giải thích đúng và hợp lý nhất vẫn phải chờ thời gian để có một nghiên cứu đúng đắn hơn nữa.
40. SỰ LỰA CHỌN BÍ ẨN CỦA TỰ NHIÊN Bấm để xem Nếu tự nhiên là một cô gái thì người ấy sẽ có 2 tay trái và 2 chân phải – một cơ thể không cân đối. Thật vậy, các phân tử không thể thiếu cho sự sống, các axit amin của protein hoặc đường của AND, chỉ tồn tại ở một hình dạng không gian duy nhất, chỉ bên phải hoặc bên trái của hai hình đối nhau qua gương. Nếu đã tồn tại dạng này, thì dạng kia sẽ không có trong tự nhiên nữa. Tại sao vậy? Có lẽ lời giải ẩn chứa ở từ trường của các ngôi sao. Từ lâu, vấn đề "cùng tay" của tự nhiên đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà sinh vật học và hóa học, bởi hình dáng của các phân tử sẽ quyết định đến hiệu quả sử dụng của nó. Chẳng hạn, một số loại dược phẩm chỉ có thể sử dụng các phân tử trái, hay phải mà thôi. Louis Pasteur cũng từng cố gắng tạo ra hình dạng của axit tatric có trong nước nho, nhưng vô ích. Giải thích cho vấn đề "cùng phía" này, một số nhà sinh học cho rằng: Trước kia, số các phân tử phải và trái bằng nhau, rồi tự nhiên đã lựa chọn để giữ lại một dạng duy nhất. Tuy nhiên họ không có bằng chứng thực nghiệm về điều này. Nhiều nhà hóa học khác lại tin là sự sống chỉ xuất hiện trong một môi trường đã bất đối xứng lớn. Chẳng hạn, sự trùng đôi của AND là không thể có trong một môi trường mà các phân tử phải và trái bằng nhau. Như vậy sự thật cần được tìm ra theo cách khác, đó là các lực bên ngoài tác động vào phân tử. Mới đây, hai nhà nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm từ trường ở Grenoble (Pháp) Geert Rikken và Ernst Raupach, đã chọn ánh sáng và từ trường để nghiên cứu. Từ lâu người ta đã biết rằng để nhận biết các phân tử trái và phải, cách tốt nhất là dùng máy chiếu. Bởi sự hút ánh sáng phụ thuộc vào những đặc tính điện của phân tử, hay hình dạng không gian của chúng. Bằng việc phối hợp rất hợp lý giữa ánh sáng và từ trường, Rikken và Raupach đã thành công khi làm mất cân bằng một nhóm các phân tử hóa học ban đầu, gồm các phân tử phải và trái với số lượng như nhau. Các phân tử này hút ánh sáng khác nhau trong điều kiện có từ trường song song với tia sáng. Kết quả là cân bằng bị phá vỡ, các phân tử được tạo ra hoặc chỉ cùng phải, hoặc cùng trái. Từ trường càng mạnh thì sự mất cân bằng càng lớn. Từ phát hiện này các nhà nghiên cứu cho rằng: Rất có thể dạng "tay một phía" – phân tử cùng phải hoặc cùng trái - đã xuất hiện ở các ngôi sao (nơi có từ trường mạnh hơn hàng triệu lần so với thí nghiệm và hàng nghìn tỷ lần so với các vùng trên trái đất). Nghiên cứu còn dẫn tới một khám phá thú vị khác. Đó là chỉ cần sự vượt trội rất nhỏ về số lượng của một loại so với loại kia (một phân tử trái được thêm trên 1.000 phân tử phải có trước), cũng đủ để làm đảo lộn trật tự các phân tử. Kết quả là chúng đều ở một phía của gương. Tuy nhiên, để chứng minh được tầm quan trọng của hiện tượng này, hai nhà nghiên cứu còn phải thí nghiệm được tương tự với những phân tử chuyển hóa, như các axit amin. Vấn đề đặt ra ở đây là thiếu phương tiện và một số người phản đối, bởi theo họ, thí nghiệm này ảnh hưởng đến "nguồn gốc của sự sống".
41. SỌ PHA LÊ - PHÁT HIỆN BÍ ẨN NHẤT THỂ KỶ XX Bấm để xem Hàng chục sọ người bằng pha lê được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới vào thế kỷ XX, khiến cho các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu lịch sử đau đầu trong việc lý giải những bí ẩn liên quan đến chúng. Những chiếc sọ này không được tạo ra theo kỹ thuật thông thường. Chiếc sọ đầu tiên thuộc loại này được tìm thấy vào năm 1927 tại Trung Mỹ, trong chuyến khảo sát của nhà khảo cổ học nối tiếng của người Anh F. Albert Mitchell-Hedges về một thành phố cổ của người Maya. Những công trình bí ẩn cổ xưa nay bị che phủ hoàn toàn trong một diện tích 33 ha rừng rậm. Ở đó có những kim tự tháp đổ nát bằng đá, những bức tường nhà ở sát nhau và cuối cùng là một hí trường rộng lớn có thể chứa hàng nghìn khán giả. Mitchell-Hedges đã đặt tên cho thành phố của những công trình đá sụp đổ này là Lubaantun. Ba năm sau, Mitchell-Hedges cho con gái mình là Anna cùng đi trong chuyến khảo sát tiếp theo tại đây. Vào một ngày tháng 4/1927, cô gái 17 tuổi này tình cờ phát hiện thấy một vật kỳ lạ nằm dưới đống đổ nát của một bàn cờ cổ xưa. Đó là một chiếc sọ người làm bằng thạch anh (một dạng pha lê trong suốt), được đánh bóng hoàn hảo và có kích thước y như thật. Khi được phát hiện chiếc sọ bị thiếu phần xương hàm dưới. Nhưng chỉ 3 tháng sau, người ta đã tìm ra được phần xương này cách đó vài chục mét. Phần xương gắn rất khít với hộp sọ qua những bản lề hoàn hảo và có thể cử động mỗi khi có người chạm vào. Từ thời điểm đó, những câu chuyện lạ lùng bắt đầu xảy ra với những người tiếp xúc với chiếc sọ, mà người đầu tiên là Anna. Cứ mỗi lần đặt chiếc sọ bên cạnh giường ngủ, Anna lại gặp những giấc mơ khá kỳ lạ. Thức dậy, cô có thể kể lại chi tiết mọi điều đã nhìn thấy trong mộng, chủ yếu liên quan đến cuộc sống của người da đỏ từ hàng nghìn năm về trước. Ban đầu, Anna chưa chú ý đến sự liên quan giữa hộp sọ và những giấc mơ. Nhưng chúng vẫn tiếp tục đến với cô khi cô vẫn để chiếc sọ pha lê ngay cạnh giường ngủ – mỗi lần đều có những chi tiết mới về cuộc sống xa xưa của người da đỏ, trong đó có những điều mà các nhà khoa học chưa từng biết đến trước đây. Những đêm chiếc sọ được đem đi nơi khác, Anna lại không bắt gặp những giấc mơ kiểu như vậy nữa... Sau cái chết của người cha vào đầu thập niên 60, Anna quyết định trao chiếc sọ cho nhà nghiên cứu nghệ thuật Frank Dordland. Khi xem xét tỉ mỉ từng chi tiết, ông phát hiện ra chiếc sọ có một hệ thống hoàn chỉnh các thấu kính, lăng kính và rãnh tạo nên những hiệu ứng quang học kỳ lạ. Dordland còn ngạc nhiên hơn khi nhận thấy, khối pha lê này được đánh bóng lý tưởng đến nỗi, kính hiển vi cũng không thể nhìn thấy những dấu vết của quá trình gia công. Cuối cùng ông quyết định tham vấn hãng Hewlett-Packard, nơi chuyên sản xuất các máy phát thạch anh và đây được đánh giá là nơi có uy tín nhất trong lĩnh vực thẩm định thạch anh. Thật bất ngờ khi biết kết quả thử nghiệm: Chiếc sọ này xuất hiện từ rất lâu, trước thời kỳ xuất hiện của những nền văn minh đầu tiên tại khu vực này của châu Mỹ. Ngoài ra, loại thạch anh có chất lượng cao đến như vậy cũng chưa hề thấy ở đây. Một phát hiện kỳ lạ khác là chiếc sọ được chế tạo từ một khối tinh thể hoàn chỉnh. Một kỹ sư hàng đầu của công ty thử nghiệm cho biết: Loại thạch anh tạo nên chiếc sọ pha lê có độ cứng tới 7 theo thang độ Moos – chỉ thua 3 loại đá là hoàng ngọc (topaz), cương ngọc (coridon) và kim cương. Ngoài kim cương ra, không vật liệu nào cắt được nó. Với cấu trúc tinh thể kiểu như trên, bất cứ một nỗ lực nào nhằm đẽo gọt loại vật liệu này cũng chỉ làm nó vỡ ra. Để có thể tạo ra chiếc sọ hoàn hảo như vậy, cần phải có những phương pháp phân tích chính xác nhất: Việc cắt cần phải khớp hoàn toàn với trục của tinh thể. Các chuyên gia từ Hewlett-Parkard cuối cùng cũng phải bối rối nói rằng: "Cái vật đáng nguyền rủa này đơn giản là không thể tồn tại. Người đã làm ra nó không có bất cứ một khái niệm nhỏ nhất nào về tinh thể học và quang học. Họ hoàn toàn phớt lờ các trục đối xứng và vật này chắc chắn phải vỡ ra ngay từ những bước chế tác đầu tiên. Vì sao điều này không xảy ra thì khó có thể tưởng tượng nổi". Các chuyên gia công nghệ tại đây còn khẳng định, trên chiếc sọ không hề có bất cứ một dấu vết nhỏ nhất nào thao tác cơ khí – thậm chí cả những vết trầy xước nhỏ do đánh bóng. Để đánh bóng vật liệu cứng như vậy theo độ hoàn hảo của chiếc sọ, cần phải mất trăm năm... * Các hộp sọ được làm từ "pha lê dẻo"? Nhận định này được gián tiếp khẳng định từ một trong những phát hiện gần đây được tạp chí FATE công bố tháng 8/1996. Mùa đông năm 1994, một chủ trang trại gần Kreston (bang Colorado – Mỹ) khi cưỡi ngựa trong khu đất của mình, vô tình nhìn thấy một vật lấp lánh nằm dưới đất. Đó chính là một chiếc sọ người bằng kính hay pha lê trong suốt. Có điều chiếc sọ này lại méo mó và vặn vẹo giống như thể trước khi đông cứng nó là một loại chất dẻo nào đó. Chiếc sọ này từ đâu ra và vì sao lại méo mó như vậy hiện vẫn còn là một bí ẩn. Bị thu hút trước những phát hiện kỳ lạ này, các nhà lịch sử học và các nhà dân tộc học bắt đầu lao vào một chiến dịch tìm kiếm, với hy vọng lần ra chút ánh sáng về những sọ người kỳ bí. Chẳng bao lâu, những dấu vết đầu tiên đã được tìm thấy trong các truyền thuyết của người da đỏ cổ xưa. Theo đó, có tới 30 chiếc sọ pha lê của "Thần chết" và chúng được lưu giữ riêng biệt dưới sự canh gác chặt chẽ của các nhà tư tế và những chiến binh đặc biệt. Việc nỗ lực tìm kiếm cũng cho ra những kết quả đầu tiên. Những chiếc sọ tương tự cũng được phát hiện tại kho của một số bảo tàng và trong các bộ sưu tập cá nhân. Chúng không chỉ tìm thấy tại châu Mỹ (Mexico, Brazil, Mỹ) mà còn lại tại châu Âu (Pháp) và châu Á (Mông Cổ, Tây Tạng – Trung Quốc). Những hộp sọ kiểu này còn nhiều hơn cả con số 30 theo như truyền thuyết, cho dù tất cả đều không hoàn thiện như hộp sọ Mitchell-Hedges. Phần lớn chúng đều có vẻ thô hơn rất nhiều. Dường như chúng đã được làm sau đó để "nhái" những chiếc sọ lý tưởng, vốn được coi là quà tặng của các vị thần dành cho loài người. Một trong những nhà nghiên cứu về hộp sọ pha lê có uy tín nhất, Frank Josheph, bỗng nảy ra một ý tưởng: Liệu người "nguyên mẫu" của hộp sọ "Mitchell-Hedges" có khuôn mặt như thế nào. Để trả lời câu hỏi này, người ta giao nhiệm vụ cho hai nhóm riêng biệt nhằm đảm bảo tính khách quan: Phòng thí nghiệm của cảnh sát New York (nơi chuyên trách dựng lại khuôn mặt người theo các xương sọ) và một nhóm các chuyên gia ngoại cảm tiếp xúc với chiếc sọ trong trạng thái thôi miên. Kết quả là cả hai nhóm trên đều cho biết: "nguyên mẫu" của xương sọ Mitchell-Hedges là sọ của một cô gái trẻ. Chân dung của cả hai bên đưa ra rất giống nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả những xương sọ kiểu trên đều có liên quan đến con người. Người ta còn bắt gặp những kiểu như "xương sọ Maya" và "xương sọ người ngoài hành tinh", những loại đó ít có các đường nét của con người. Một số nhà khoa học cho rằng: Người xưa dùng những hộp sọ bí ẩn này để chữa bệnh và thực hiện các liệu pháp tâm lý. Quan sát và phỏng vấn những người chứng kiến cho thấy, sọ pha lê quả thật đã tác động lên bất cứ ai đến gần, dù ở mức khác nhau. Một số người cảm thấy khó chịu và có nỗi sợ khó hiểu, còn số khác thì ngất xỉu và mất trí nhớ trong một thời gian dài... Nhưng có những đối tượng lại cảm thấy rất bình an, thậm chí cảm thấy sảng khoái. Một số người sau khi "giao tiếp" với chiếc sọ "Mitchell-Hedges" đã khỏi hẳn những căn bệnh nặng. Nữ chủ nhân của "xương sọ người hành tinh khác" là Joke fon Ditan thì cam đoan, khối u trong não của bà ta đã xẹp dần và biến mất nhờ chiếc sọ pha lê này. Còn Juan Parks, người được thừa kế sọ pha lê Marks từ một nhà sư Tây Tạng, cũng khẳng định chiếc sọ có thể chữa được bệnh. Các nhà ngoài cảm và một số người có khả năng nhạy cảm cao đều có chung một đánh giá: Những hộp sọ pha lê đã đưa họ vào những trạng thái gần như thôi miên, kèm theo là những mùi vị và âm thanh kỳ lạ, những ảo thị sáng chói. Đôi khi ở những thời điểm đặc biệt, họ còn nhìn thấy những ảo ảnh từ quá khứ xa xôi hay cũng có thể từ tương lai tới. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều ý kiến thiên về giả thuyết cho rằng, sọ pha lê là một loại máy thu phát đặc biệt, làm việc trong những dải năng lượng tâm lý và dạng ý nghĩ. Đối với loại máy này, không hề có rào cản về khoảng cách hay thời gian. Chúng rất có thể được dùng để liên lạc với những người ở hành tinh khác. Vấn đề bây giờ là liệu có thể đưa ra được một giả thuyết nào đó, giải thích tính chất kỳ lạ của những tinh thể nói chúng và sọ pha lê nói riêng hay không? Các tinh thể vốn có một tính chất chúng khá kỳ diệu là có bộ nhớ riêng như các đối tượng sinh học sống. Điều này liên quan nhiều đến cấu trúc tinh thể chặt chẽ của chúng. Mỗi khoáng chất đều có một tấm lưới không gian riêng biệt, qua đó xác định được những tính chất vật lý và đặc tính kỳ lạ của chúng. Đây chính là nơi ghi lại những sự kiện xảy ra trong quá trình hình thành và phát triển của tinh thể. Họ dù thế nào, tất cả những lý giải trên vẫn chỉ dừng lại ở mức độ giả thuyết và chiếc sọ pha lê vẫn luôn là một trong những phát hiện bí ẩn nhất của thế kỷ XX.
42. NHỮNG BÍ ẨN XUNG QUANH HIỆN TƯỢNG ĐA PHU Bấm để xem Quan sát thế giới loài vật, ông tổ của thuyết tiến hóa - Darwin cho rằng con cái thường nhút nhát, ít thích giao phối hơn con đực và chỉ chọn một con đực nào nổi bật nhất. Từ học thuyết này, Darwin đã suy ra phụ nữ cũng có thái độ ứng xử như vậy. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu gần đây lại nhìn nhận khác. Trên tạp chí khoa học Proceeding of Royal Society số gần đây, nhà tâm lý học – sinh vật học Steven Gangestad, Đại học New Mexico (Mỹ), đã giới thiệu một công trình nghiên cứu bằng phương pháp vấn đáp và xét nghiệm hormone đối với 51 phụ nữ. Ông rút ra kết luận: Trong chu kỳ rụng trứng, phụ nữ có khuynh hướng bị những người đàn ông khác thu hút hơn chồng mình và đôi lúc sẵn sàng ngoại tình. Tuy số phụ nữ được Steven Gangestad khảo sát còn chưa lớn, nhưng kết luận này lại được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận, vì nó phù hợp với nhiều phỏng đoán lâu nay. Cách đây 3 năm, giáo sư sinh vật học nổi tiếng Jared Diamond, Đại học Y khoa Los Angeles (Mỹ), đã từng đưa ra một nhận định tương tự. Một cuộc khảo sát khác đã được các nhà xã hội học Mỹ thực hiện trong các vũ trường cho thấy: Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ thường thích ăn mặc hở hang hơn bình thường. Một nghiên cứu tiếp theo về phụ nữ thuộc bộ tộc du mục Bushman sống ở sa mạc Kalahari tại miền Nam châu Phi kết luận: Trong thời kỳ rụng trứng, bản năng tình dục của phụ nữ gia tăng, vì vậy họ sẵn lòng quan hệ tình dục thoải mái với chồng cũng như nhiều người đàn ông khác. Trước đó, một công trình nghiên cứu ở Anh chứng minh rằng, phụ nữ đồng tính vẫn cảm thấy "sung" hơn trong thời kỳ rụng trứng. Hàng ngàn năm nay, nam giới thường dùng mọi biện pháp để kiểm soát khả năng sinh sản và bản năng tình dục của phụ nữ. Dù vậy, xu hướng ngoại tình theo chu kỳ kinh nguyệt vẫn tồn tại vì xét về di truyền học, xu hướng này là di sản còn sót lại của lịch sử tiến hóa. Đến giữa thế kỷ XX, các công trình nghiên cứu di truyền học vẫn tiếp tục củng cố học thuyết của Darwin. Qua nghiên cứu trên ruồi giấm, các nhà khoa học kết luận: Con đực cải thiện giống nòi bằng cách giao phối với con cái càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, con cái không bao giờ hành động "buông thả" như vậy. Nhà sinh học Angus John Bateman dùng phương pháp loại suy từ loài vật sang loài người và kết luận: Con đực càng "háo sắc" bao nhiêu thì con cái càng thụ động bấy nhiêu. Theo Bateman, con đực rất dễ sản xuất tinh dịch nên càng phung phí tinh dịch bao nhiêu càng có nhiều con cháu bấy nhiêu, trong khi con cái sản xuất ít trứng hơn, do đó rất chăm chút tìm kiếm con đực thích hợp mới cho trứng. Tuy nhiên hiện nay, luận thuyết của Bateman đang bị nhiều nhà nghiên cứu về sinh vật học ứng xử phản bác. Thậm chí họ còn yêu cầu xem xét lại học thuyết chọn lọc giới tính của Darwin. Nhà nhân chủng học và linh trưởng học Sarah Balaffree Hrde thuộc Đại học California-Davies (Mỹ) đã nhận xét: Trong thời kỳ có thể thụ thai, khỉ đầu chó cái chỉ chờ khỉ đực đầu đàn đi chỗ khác là nó sẽ giao phối ngay với con đực "trẻ trung" khác. Trong thập niên 1980, Hrde là một trong những người đầu tiên bác bỏ hình mẫu con cái con cái luôn thụ động trong quan hệ giới tính của Darwin qua nhiều bằng chứng: Khỉ Langur cái háo hức đi bắt cặp với nhiều khỉ đực, hoặc khỉ cái dù mang thai vẫn tranh nhau giao phối với con đực vừa tranh giành được vị trí đầu đàn. Theo bà, khỉ cái làm thế để che giấu gốc tích cha ruột của khỉ con, vì nạn sát hại con rất phổ biến trong thế giới loài khỉ. * Những bí mật xung quanh hiện tượng đa phu... Vào thời bấy giờ, cộng đồng khoa học rất hoài nghi luận điểm của Sarah Balaffer Hrde, khi bà bác bỏ quan niệm con cái luôn thụ động trong quan hệ giới tính. Nhưng sau đó, nhiều nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận rằng, con cái có "máu đa tình" không khác gì con đực đa thê. Lâu nay, các nhà khoa học cứ nghĩ chỉ có con đực mới đánh nhau vì "bạn gái". Nhưng Jakob Bro-Jorgensen, Hội Động vật học London (Anh), đã quan sát thấy trong quần thể linh dương Tây Phi, con đực thường tập trung vào một khu vực trong mùa giao phối và chờ các con cái đánh nhau chí tử giành lấy con đực nổi trội nhất. Đối với một số loài vật, khả năng duy trì nòi giống phụ thuộc trực tiếp vào khả năng tìm kiếm nhiều bạn tình của con cái. Ở loài khỉ, con cái càng tìm kiếm nhiều bạn tình, thì thế hệ con của nó càng được "bảo hiểm" tốt hơn. Ngoài ra, do chúng sống theo chế độ "tỳ thiếp" của khỉ đực, nên ngoại tình sẽ giúp chúng tránh khỏi hiện tượng đồng huyết. John Hoogland ở Đại học Maryland (Mỹ) đã chứng minh rằng: Chó cái giống Cymomys gunnisonni sẵn sàng giao phối với nhiều con đực. Ngoài mục đích sinh sản nhiều, chúng còn muốn con sinh ra có sức khỏe tốt hơn so với con của những con cái chỉ giao phối với một con đực duy nhất. Một nghiên cứu mới đây của Đại học Leeds (Anh) trên loài dế Gryllus bimaculatus cũng cho thấy, chất lượng tinh trùng quyết định đến sức khỏe của đời con: Người ta đã cho nhóm dế cái thứ nhất giao phối với một con đực anh em và nhóm thứ hai giao phối một con đực khác không cùng dòng họ. Kết quả là: Nhóm thứ hai sinh con mạnh khỏe hơn. Các công trình nghiên cứu trên thằn lằn sa mạc Lacerta agilis và rắn vipere mõm tròn cũng cho kết luận tương tự. Sở dĩ con cái ngoại tình vì chúng có cơ hội tìm được một con đực tương thích với chúng về mặt di truyền, Jeanne và David Zed, thuộc Đại học Nevada (Mỹ), đã suy đoán. Để khẳng định giả thuyết này, họ cho nhện bọ cạp giống Cordylochernes scorpioides giao phối hai lần với một con đực hoặc một lần với hai con đực khác nhau. Theo cách này, mọi con cái đều nhận được một lượng tinh dịch như nhau, nhưng con cái nào giao phối với nhiều con đực hơn sẽ có tỷ lệ nhện con sống sót đến giai đoạn trưởng thành cao hơn. Đương nhiên, các kết quả nghiên cứu trên loài vật không thể được sử dụng để suy ra cho loài người. Nhưng một nghiên cứu gần đây cũng ghi nhận rằng: Phụ nữ có khả năng ngửi mùi và biết được người đàn ông nào có hệ miễn dịch thích hợp với mình. Trong tác phẩm "Lý thuyết và thực tế của vai trò người cha tại Nam Mỹ", hai nhà nhân chủng học Steve Beckerman ở Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) và Paul Valentine ở Đại học London (Anh) đã đúc kết 20 năm nghiên cứu của họ bằng hình ảnh sau: "Một đứa bé chào đời. Người mẹ công khai nêu tên một hoặc nhiều người đàn ông mà bà đã quan hệ tình dục. Nếu người đàn ông nào chịu trách nhiệm làm cha, dân làng sẽ đồng ý cho người ấy chăm sóc bà mẹ và đứa bé đó". Theo công trình nghiên cứu này, trong một số bộ tộc Nam Mỹ, người mẹ muốn bảo vệ con cái khỏi đói kém hoặc mồ côi đã hợp thức hóa vai trò của người tình như người cha thứ hai trong gia đình. Họ tự do làm điều ấy vì theo một truyền thuyết rất phổ biến ở khu vực Mỹ Latinh: Bào thai do tinh trùng của nhiều người đàn ông tạo thành. Trẻ em thuộc các bộ tộc Bari ở Venezuela hoặc Ache ở Paraguay được nhiều người cha cùng chăm sóc nên tỷ lệ sống sót cao hơn những đứa trẻ sống với một người cha duy nhất. Theo kết quả khảo sát của nhà nhân chủng học Kim Hill, 63% trẻ em thuộc bộ tộc Ache đều có một hoặc hai người cha phụ. Còn trong bộ tộc Bari, Steve Beckeman đã ghi nhận 80% trong số 194 trẻ được nghiên cứu có nhiều cha phụ, sẽ sống tối thiểu 15 tuổi, trong khi chỉ có 64% trong 628 trẻ có một người cha duy nhất sống đến lứa tuổi này. Tùy theo vị trí của người phụ nữ trong bộ tộc, họ có quyền lựa chọn thêm người cha cho con cái. Trong bộ tộc Currioaco ở Colombia, nam giới giữ cương vị chủ gia đình. Con cái ra đời mà không chắc chắn mang dòng máu của người cha trong nhà sẽ bị ngược đãi và thường chết sớm. Ngược lại, trong bộ tộc Canela, dân chúng lại nghĩ rằng: Làm cho phụ nữ mang thai là nhiệm vụ hết sức quan trọng và khó khăn mà một người đàn ông duy nhất khó đảm đương nổi. Tập tục phải có nhiều người đàn ông giúp một người phụ nữ mang thai cũng phổ biến ở châu Phi. Đối với người phụ nữ khó khăn, một người cha không thể nuôi nổi gia đình, hai người cha sẽ là điều kiện đảm bảo hơn và ba người cha gần như chắc chắn sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho con họ. Mô hình gia đình đa phụ như vậy không chỉ tồn tại trong các bộ tộc lạc hậu, mà còn phổ biến ở những tầng lớp nghèo khó trong xã hội văn minh và nó đã xuất hiện từ thời xa xưa. Một số bà mẹ ở vùng đô thị châu Phi, các khu phố nghèo ở Nam Mỹ hoặc Bắc Mỹ sẵn sàng quan hệ tình dục với nhiều người để đảm bảo cuộc sống sung túc hơn. Nhà di truyền học Bryan Sykes ở Đại học Oxford đã sử dụng phương pháp phân tích di truyền và phát hiện 50% thành viên trong dòng họ của ông không mang gene đặc thù của dòng họ. Trong vòng 700 năm qua, cứ mỗi thế hệ lại có 1,3% trẻ em chào đời trong dòng họ Sykes là con ngoại hôn. Một báo cáo của Hiệp hội ngân hàng máu ở Mỹ ghi nhận, trong năm 1999, đã có 25.000 ca xét nghiệm AND tìm quan hệ cha con được thực hiện ở Mỹ. Trong số này có 28% trường hợp không phải là cha ruột. Ở Thụy Điển, tỷ lệ ngoại hôn dao động từ 1 -10%. Ở Anh, tỷ lệ này là 5,9%.
43. THUYẾT ƯU SINH VÀ MẢNG TỐI CỦA DI TRUYỀN HỌC Bấm để xem Nhiều nhà khoa học đang đẩy mạnh nghiên cứu nhân bản để có được các bản sao người theo ý muốn: Gái hay trai, thiên tài hay có sở trường đặc biệt... Nhưng hẳn họ chưa quên trại giống "người thượng đẳng" của phát xít Đức, nơi phần lớn trong số 50.000 em nhỏ được sinh ra từ các ông bố bà mẹ hoàn mỹ lại có IQ dưới mức trung bình. Hitler từng tuyên bố nhiều lần: "Chúng ta phải tạo ra một giai cấp ưu việt nhất, có khả năng thống trị ở nhiều thế kỷ. Đội quân của chúng ta phải được lựa chọn trên nguyên tắc của học thuyết ưu sinh, để họ và con cái trở thành giai cấp quý tộc của hiện tại và tương lai, không chỉ ở nước Đức mà trên toàn thế giới". Theo lệnh của Hitler, nước Đức đã thành lập các trại giống cho những người thuộc dòng dõi "lenbenborn", tạm gọi là "nguồn gốc cuộc sống". Đó là những chàng trai được tuyển chọn trong quân đội theo tiêu chuẩn cực kỳ nghiêm ngặt, những cô gái hoàn mỹ về ngoại hình và thể lực, về tinh thần và tư tưởng (theo tiêu chuẩn của chủ nghĩa phát xít Đức). Họ được nuôi dưỡng cẩn thận và chứng minh học thuyết ưu sinh. Tuy nhiên, kết quả thu được lại khá thất vọng. Có khoảng 50.000 trẻ em ra đời từ các trại giống "người thượng đẳng" này. Sau khi chủ nghĩa phát xít thất bại và tan rã, người ta biết rằng phần lớn các em nhỏ đó có chỉ số thông minh dưới trung bình. Số trẻ này đần độn nhưng tính tình hung hãn hơn mức bình thường đến vài lần. Điều này đánh dấu chấm hết cho những tranh cãi còn dai dẳng, xóa nhòa khả năng thực hiện thuyết ưu sinh đối với con người. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận tính di truyền qua thực tế của những vĩ nhân mà con cháu của họ cũng danh tiếng không kém. Chẳng hạn, ông nội của Charles Darwin cũng là một nhà khoa học lớn: Erasme Darwin, người phát minh ra thuyết về nguồn gốc của Thái dương hệ từ những đám bụi trong vũ trụ. Đến đời con của Charles Darwin, cả ba đều là những nhà bác học lớn. Trong suốt 5 thế hệ kế tiếp của nhà soạn nhạc thiên tài Bach có tới 16 nhạc sĩ nổi tiếng và 20 nhạc công có hạng. Tuy nhiên, cũng có những con số đáng buồn về tính chất di truyền: Ví dụ con cháu của A.Tolstoi ngay đời kế tiếp đã có một người bị điên, đời thứ tư bị 3 người ngớ ngẩn và 2 người câm điếc. Cha của nhạc sĩ thiên tài Schuman là nhà thơ nhưng tính nết rất lẩm cẩm, mẹ ông là người hay bốc đồng và chị ông từng bị bệnh tâm thần. Bản thân Schuman chết trong bệnh viện vì căn bệnh tương tự. Nhiều bậc vĩ nhân và thiên tài khác cũng mắc căn bệnh này và thường bị bệnh rối loạn thần kinh hết sức bất thường. Họa sĩ thiên tài Van Gogh lúc nổi cơn điên cắt cả tai và đốt cháy bàn tay mình. Newton, Gogol, Pascal, Maupassant nhiều khi cũng lên cơn hoảng loạn làm mọi người xung quanh sợ hãi... Các ví dụ trên chứng tỏ rằng không phải gene di truyền quyết định tất cả đến những tính năng ưu việt được chắt lọc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và các nhà khoa học, những người đang nung nấu ý định nhân bản con người cần phải suy xét tới các tình huống "dở khóc dở cười", kiểu như: Cha thiên tài, con nhân bản lại khù khờ.
PHẦN 2: VŨ TRỤ VÀ NHỮNG HIỆN TƯỢNG KHOA HỌC CHƯA ĐƯỢC GIẢI MÃ 1. NHỮNG CƠN GIẬN CỦA VŨ TRỤ Bấm để xem Trong khi con người làm biến đổi trật tự của thiên nhiên, thì các sự kiện dữ dội nhất của vũ trụ lại tạo ra những khởi đầu mới. Nói cách khác, chính sự hỗn độn đã tạo ra mọi thứ. Được sinh ra từ "địa ngục" Big Bang, vũ trụ đã phải trải qua những giai đoạn dữ dội nhất. Những cơn mưa tiểu hành tinh và sao chổi đã va đập vào những thiên thể, ngôi sao và dải thiên hà khác khiến chúng bị nhập vào hoặc vỡ ra và dẫn tới các thảm họa có ở khắp nơi. Chỉ cần một ngôi sao chết, nó sẽ trở thành một lỗ đen hút tất cả các tia năng lượng mạnh và chỉ trong vài giây nó sáng rực lên bằng ánh sáng của cả triệu ngôi sao gộp lại. Tiếp đến, hố đen này "nuốt" tất cả vật chất đi qua nó, giống như một vật phàm ăn của vũ trụ và phát ra các vệt sáng mạnh gấp 500.00 lần ánh sáng của mặt trời. "Nhưng những cơn giận dữ ấy lại chính là những phương tiện mang lại cho thiên nhiên những điều mới, làm thay đổi các định luật vật lý từng có ảnh hưởng quyết định tới vũ trụ", một số nhà vật lý thiên văn nhận định. Điều này ngược với ý tưởng của Friedrich Hegel: Chẳng có gì là mới mẻ trong thiên nhiên cả. Thật vậy, từ thế kỷ XX, tầm lịch sử về vũ trụ đã được thay đổi. Vũ trụ của chúng ta không là thể bất biến và vận hành như một chiếc đồng hồ. Nó đang phải chịu một cuộc biến đổi trong đó các thảm họa – thường rất dữ dội – tạo ra những thay đổi có ảnh hưởng lớn tới con người. "Hiện thực không chỉ còn được định đoạt bởi những quy luật thiên nhiên áp dụng với những điều kiện đặc biệt ban đầu, nó cũng bị cắt gọt và điều khiển bởi một loạt những sự kiện ngẫu nhiên và lịch sử. Thứ tự luôn cứng nhắc trong khi sự hỗn độn lại được tạo ra liên tục", đó là ý chính trong cuốn best-seller của Trịnh Xuân Thuận Le Chaos at Harmonie (Hỗn độn và Hài hòa). Đây là một ý tưởng mà nhà thiên văn sẽ bảo vệ trong những trang tiếp theo của bài viết, mang đến một viễn cảnh mới trong cách nhìn nhận những thảm họa của vũ trụ.
2. SỰ VA ĐẬP CỦA THẾ GIỚI Bấm để xem Các tiểu hành tinh rơi rụng, các hành tinh đụng độ với nhau: Những thiên thể trong vũ trụ có một cuộc sống thật lộn xộn. Trong những vòng tròn chậm chạp và tĩnh lặng, hàng trăm nghìn các mảnh thiên thạch lớn quay từng hàng sát xung quanh mặt trời. Một mặt, sao Mộc – do kích thước quá lớn – che khuất gần hết các "cư dân" tiểu hành tinh ở vùng vành đai chính, mặt khác sao Hỏa đỏ một cách yếu ớt, nằm ở phía sau canh giữ những hành tinh đất khác. Đột nhiên, một tiểu hành tinh lướt sượt qua một thiên thạch khác. Bị lệch khỏi quỹ đạo bay, nó đụng vào một tiểu hành tinh bên cạnh khiến hành tinh này bị nổ tung. Vụ va chạm khổng lồ gây ra đợt sóng năng lượng làm đảo lộn các thiên thạch gần đó và thay đổi sự lưu thông của các tiểu hành tinh trên phạm vi lớn. Nhiều năm nay, các nhà khoa học đã biết được rằng nhiều vụ va chạm tiểu hành tinh từ xa xưa đã tạo ra hệ mặt trời ngày nay. Nhưng việc nhìn nhận đầu tiên về thảm họa chỉ mới được đưa ra cách đây không lâu, do một nhóm các nhà nghiên cứu Southwest ở Bolder (bang Colorado). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được thời gian chính xác của thảm họa mà chỉ biết nó cách đây 5,8 triệu năm. Dù thế, họ cũng có thể tái tạo lại những sự kiện một cách chính xác từ những mảnh vỡ của sự va đập lớn. Va đập vào một thiên thể nhỏ nhưng với tốc độ quá lớn, tiểu hành tinh có đường kính khoảng 25 km bị vỡ thành 39 mảnh có cấu trúc giống nhau vẫn đang di chuyển trên cùng một quỹ đạo. Những vụ va chạm đều là những tai biến ra ở phạm vi của nhiều hành tinh. Chúng thường xảy ra vào đầu thời kỳ hệ mặt trời, được sinh ra khi không gian liên hành tinh còn chứa đầy những mảnh thiên thạch và sao chổi. Những thứ này dần biến mất hoặc bị văng khỏi hệ mặt trời dưới tác động của lực hấp dẫn từ những hành tinh khổng lồ. Sao Kim dường như đã có rất nhiều cuộc va chạm mạnh từ khi xuất hiện và "vì thế nó quay rất chậm". Có thể lúc đầu hai vật thể đã sát nhập làm một rồi nó đã bị một sao băng cực lớn, cỡ sao Hỏa va đập vào. Việc va chạm đã khiến nó ngược với các hành tinh khác: "Mặt trời mọc ở phía tây của sao Kim chứ không như phía đông của các hành tinh". Vụ va đập này cũng là nguồn gốc của các hoạt động núi lửa ở những hành tinh gần trái đất khiến chúng không có thể sự sống? Đến nay, những giả thuyết về sự kỳ lạ của sao Kim vẫn đang mâu thuẫn nhau. Xa hơn nữa, việc khám phá những hành tinh ngoài hệ mặt trời đã chứng tỏ sự hiện diện của các tiến trình còn khủng khiếp hơn. Hệ thống các ngôi sao có hiện tượng những hành tinh khổng lồ di chuyển về hướng ngôi sao trung tâm. Trên đường đi, những ngôi sao nhỏ cỡ trái đất nếu va phải chúng thì bị vỡ tan, còn tệ hơn nữa, chúng sẽ bị văng ra khỏi hệ mặt trời và còn trôi trong khoảng tối vô tận của "sa mạc" không gian.
3. ĐIỆU NHẢY CHẾT NGƯỜI Bấm để xem Đối với ngôi sao, "những câu chuyện tình" thường kết thúc không có hậu, gây ra những vụ nổ sáng chói, kinh khủng. Một tai biến thực sự sẽ xảy ra khi hai ngôi sao đâm thẳng vào nhau. Nếu điều này diễn ra đối với mặt trời, những ngôi sao chổi sẽ là nạn nhân đầu tiên. Khi bị đẩy tới gần ngôi sao lang thang, những hình cầu bằng băng kia sẽ vỡ tung như những quả bom nhiệt hạch trong hệ mặt trời. Rồi điều này tiếp tục xảy ra với những hành tinh bé hơn của hệ mặt trời. Rồi điều này tiếp tục xảy ra với những hành tinh bị đánh bật ra khỏi quỹ đạo va chạm vào những hành tinh bé hơn của hệ mặt trời. Cuối cùng, hai hành tinh rực sáng sẽ đâm thẳng vào nhau, va chạm và nhập thành một ngôi sao khổng lồ. Sự hợp nhất chết người này không bền và ngôi sao đó sau khi đốt cháy hết vật chất sẽ kết thúc bằng việc nổ tung và phóng ra carbon tới hành tinh khác trong khoảng không liên hành tinh. Thật may mắn, điều giả tưởng nói trên hầu như không thể thực hiện được đối với mặt trời: Ngôi sao gần nhất và đáng đe dọa nhất – Proxima du Centaura - đang ở vị trí cách chúng ta khoảng 4,2 năm ánh sáng. Trên thực tế, một sa mạc vũ trụ dày đặc luôn ngăn cách phần lớn các ngôi sao với những "hàng xóm" trong dải thiên hà. Nhưng cũng có lúc chúng tới gần nhau đến mức không thể tránh được va chạm. Đó là trường hợp ở trung tâm của dải ngân hà, trong những tinh cầu, hàng triệu ngôi sao tập trung trong một không gian hẹp xung quanh ngoại vi của các dải thiên hà. Giữa chúng luôn có một lực hấp dẫn đủ mạnh để chúng chỉ cách nhau khoảng 1/10 năm ánh sáng. Những ngôi sao của đám tinh cầu bay hỗn loạn trong khoảng không hẹp và kết thúc bằng những cú va đập. Nhiều ngôi sao khác trong những "cộng đồng" này cũng như trong dải ngân hà các ngôi sao thường "sống cặp" với nhau. Hai ngôi sao quay xung quanh nhau và di chuyển rất "giữ gìn" cho nhau. "Điệu nhảy thiên thể" này sẽ kết thúc khi cặp sao gặp phải một ngôi sao neutron, tức là một ngôi sao nhỏ nhưng có mật độ các ảnh ghép lại cực kỳ dày đặc (kiểu như 10 ngôi sao cỡ mặt trời nén lại thành một có diện tích cỡ chỉ bẳng Paris) – vết tích của một ngôi sao khác chết khép lại. Sau những hành động tiệm cận nhau khá phức tạp, thành viên "nhẹ cân" trong "cặp tình nhân" sẽ tách khỏi "bạn nhảy" chơ vơ trong khoảng không để "cặp bồ" với ngôi sao neutron mà chẳng chút "ngượng ngùng". Sau khi giành được "người tình" ngôi sao neutron bắt đầu "nụ hôn ma cà rồng" của nó: Lực hấp dẫn mạnh mẽ, tiếp tục tăng thêm vật chất trong nó cho tới khi "nạn nhân chết hẳn". Số gas hút được bị rơi vào vòng cầu nóng rực bao quanh ngôi sao neutron, tạo thành những đợt nổ lớn ngoạn mục nhìn thấy được dưới dạng tia X. Cảnh tượng này tồn tại khá lâu với các tia trước đây giả thuyết là tia vũ trụ, hiện tại được chỉnh lý nhờ các nghiên cứu của hai nhóm thiên văn Mỹ được trợ giúp bởi kính viễn vọng Chandra.
4. LÀM SÁNG TỎ BÍ MẬT NỬA THẾ KỶ CỦA MẶT TRĂNG Bấm để xem Sáng ngày 15/11/1953, nhà thiên văn nghiệp dư Leon Stuart ở Oklahoma (Mỹ) đã chụp được một hình ảnh ngoạn mục: Một khối đá biến thành quả cầu lửa khổng lồ, bắn tung lên từ bề mặt của mặt trăng. Nếu điều này được xác nhận, thì Stuart sẽ là người đầu tiên trong lịch sử chứng kiến và ghi lại được tác động của một thiên thể tới chị Hằng. Các nhà thiên văn gọi hiện tượng đó là "Stuart's Event". Gần nửa thế kỷ qua, nhiều tàu thăm dò và 6 con tàu có người lái đã lần lượt hạ cánh trên vệ tinh của trái đất, nhưng vẫn không tìn ra dấu vết của vụ va chạm này ở mặt trăng. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi phủ nhận dữ liệu của Stuart và khẳng định rằng vật sáng kỳ lạ mà ông nhìn thấy chỉ là một thiên thạch, bị bốc cháy khi bay vào bầu khí quyển của trái đất. Tuy nhiên, giờ đây, hai nhà khoa học Mỹ đã chứng minh điều giả định của Stuart là hoàn toàn đúng: Họ tìm thấy dấu vết của vụ va chạm mà Stuart đã nhìn thấy – một miệng hố "mới tinh" trên bề mặt của mặt trăng. "Căn cứ vào chớp sáng kỳ lạ trên bức ảnh của Stuart, chúng tôi phỏng đoán rằng vật thể va vào mặt trăng có đường kính khoảng 20 m và tạo ra một cái hố rộng khoảng 2 km. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm được chiếc hố này", tiến sĩ Bonnie Buratti, phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA ở California, và Lane Johnson, Đại học Pomona, đã cho biết. Hai nhà nghiên cứu nói rằng: Do sự kiện diễn ra chưa lâu, nên chiếc hố có thể còn nguyên vẹn, nếu không bị xói mòn hay phong hóa. Họ sử dụng hai chỉ thị trên để chứng tỏ một miệng hố trên bề mặt (chứng tỏ đất ở đó chưa phải trải qua quá trình phong hóa, vốn làm cho đất có màu đỏ) và dấu hiệu thứ hai là các hố mới bao giờ cũng phản xạ ánh sáng nhiều hơn những vùng xung quanh. Buratti và Lane đã tìm kiếm trên một vùng rộng 35 km, nơi được xem là diễn ra vụ va chạm. Đầu tiên, họ lọc nhiễu trên các bức ảnh do tàu Lunar Orbiter gửi về từ năm 1967, nhưng trên đó không một miệng hố nào có vẻ phù hợp. Sau đó, họ tìm tới những bức ảnh rõ nét hơn, do tàu không gian Clementine chụp được năm 1994. Ở đây, Buratti và Lane đã có được điều mà họ muốn: Một miệng hố rộng 1,5 km với lớp bụi xanh sáng ở xung quanh và nằm ở vị trí chính giữa trong bức ảnh của Stuart. Từ những thông tin quan trọng này, hai nhà nghiên cứu đã tính được năng lượng giải phóng trong vụ va chạm là khoảng 5 mega tấn (gấp 35 lần sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima) và phỏng đoán rằng cứ sau nửa thế kỷ, lại có một vụ va chạm như vậy xảy ra trên mặt trăng. "Chúng tôi từng được dạy rằng mặt trăng là mảnh đất chết, nhưng phát hiện này đã phủ nhận điều đó. Giờ đây, chúng tôi thực sự có thể nhìn thấy những thay đổi trên mặt trăng", Buratti nói. Nghiên cứu của hai nhà khoa học được công bố trên số mới nhất của tạp chí vũ trụ học Icarus.
5. SỨC MẠNH NÀO TẠO NÊN NHỮNG CHIẾC HỐ BÍ ẨN Ở ARGENTINA? Bấm để xem Một thập kỷ nay, các nhà hành tinh học tin rằng, những bồn trũng thon dài chạy song song hàng trăm km và ở vùng Pampas hình thành từ các cuộc va chạm thiên thạch lớn. Hiện nay, có giả thuyết lại cho rằng: Đó chẳng qua chỉ là sản phẩm điêu khắc của gió trong hàng nghìn năm. Năm 1991, một số nhà địa chất học Argentina khi bay qua vùng Pampas (còn gọi là đồng bằng Pampean) đã quan sát thấy những hố trũng thon dài, như thể được tạc nên khi có rất nhiều vật thể khác nhau lao xiên xuống mặt đất, ở góc gần như nằm ngang. Các bồn trũng này chạy song song với nhau, cho thấy các mảnh thiên thạch đã bay cùng một hướng. Trên mặt đất, họ cũng tìm thấy một số mẩu thiên thạch và các mảnh kính được sinh ra do nhiệt độ cao của vụ va chạm. Từ những bằng chứng này, nhóm nghiên cứu suy đoán một thiên thạch lớn, rộng khoảng 150 – 300 m đã văng ngang với vận tốc 90.000km/h, và sượt qua mặt đất ở góc nhỏ hơn 7 độ. Sự kiện này xảy ra khoảng 10.000 năm trước đây, khi đó trong vùng mới chỉ có các thổ dân châu Mỹ sinh sống. Câu chuyện ly kỳ này được công bố 1992, khiến rất nhiều nhà khoa học "nóng mắt". Họ cho rằng một tảng thiên thạch lớn bay với góc thấp như vậy là không thể tồn tại. Sau một thập kỷ, Philip A.Bland và cộng sự của ông đã vào nghiên cứu. Khi phân tích ảnh vệ tinh của hàng ngàn km2 trong vùng Pampas, nhóm nghiên cứu nhận thấy bức tranh lịch sử phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng của họ. Tuy các hố trũng chạy dọc khắp vùng và ở mỗi vùng, đều thẳng hướng với nhau, nhưng trên ảnh vệ tinh, chúng chẳng giống tí nào với các hố thiên thạch cả, mà giống như các đụn cát hơn. Ngày 10/5 vừa qua, công bố trên tạp chí Science, Jay Melosh, cộng sự của Bland ở Đại học Arizona (Mỹ) cho biết: Những hố trũng này là do gió tạo nên, và ở mỗi địa phương, chúng xoay theo một hướng khác nhau, theo đúng hướng gió thịnh hành trong vùng. Xa hơn nữa, nhóm của Bland kết luận rằng những mẩu thiên thạch được tìm thấy từ một thập kỷ trước đó quả đúng là sản phẩm của các vụ thiên thạch va chạm với trái đất, nhưng đã xảy ra từ rất lâu. Chúng bị chôn vùi trong đất và cho đến gần đây thì lộ ra trong quá trình gió thổi mạnh các bồn trũng. Bằng chứng là các mẩu thiên thạch này và cả những mẩu mới được tìm thấy gần đây có hình dạng và thời gian hình thành hoàn toàn khác nhau, chứng tỏ chúng xuất hiện trong những thời điểm địa chất cũng hoàn toàn khác nhau. Vậy là sau một thế kỷ, bí mật về những chiếc hố trên đồng bằng Pampas đã có lời giải hợp lý hơn cả. Nhưng trong tương lai, có thể lại có những nhận định mới về những chiếc hỗ bí ẩn. Và chúng ta hãy cùng chờ xem.