Tự Truyện Ráng Chiều Cuối Đông - Tịnh Yên

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Tịnh Yên 89, 24 Tháng một 2022.

  1. Tịnh Yên 89

    Bài viết:
    1
    Tác phẩm: Ráng Chiều Cuối Đông

    Tác giả: Tịnh Yên

    Thể loại: Truyện ngắn

    Tôi đang lui cui nhóm bếp lửa để bắc nồi khoai lên luộc, hôm qua mưa, củi sau vạt hè ướt hết, tôi thổi mãi, khói cay xè cả mắt, thằng Hải em tôi từ đâu hớt hải chạy về, nó lấm lét "chị! Hình như thằng Kha bị ốm", "nó ốm sao?" - tôi hỏi nó, "em không biết, em thấy người nó nóng ran". Tôi ngó ra ngoài, ánh nắng cuối chiều hắt vệt dài xuống sân, giờ này chắc mẹ tôi chưa về, tôi kêu thằng Hải canh nồi khoai rồi lật đật chạy lên nhà trên, Kha ốm thật, mặt nó đỏ lựng, nóng hầm hập, thấy tôi nó cười cười: "Hôm qua em ướt mưa chị ạ"... "

    Qua mày đi mót khoai phải không?", nó không trả lời, tay với cái chăn bông màu lục trùm hết đầu, tôi thấy nó cuộn tròn rưng rức, hình như nó đang khóc, bên cạnh, cái nồi nhỏ còn dính mấy hạt cơm nằm chỏng chơ. Tôi nhớ mỗi lần mình ốm, mẹ hay giã nước gừng, chế nước sôi, bỏ thêm tí đường vào cho mình uống, thế là tôi cũng về nhà, lấy gừng làm cho nó một ly, ngoài cửa, thằng Hải thập thò "chị, hình như khoai gần chín, chị lo về đi, để mẹ thấy thì nát đít", tôi thương thằng Kha không thể tả, nó đang đói, đêm ở một mình, thế nhưng nghĩ tới trận đòn hôm trước, tôi buông nó ra chạy tót về nhà mình, ngoài kia, trời tối dần.

    Kha 9 tuổi, nhanh thật, thoáng cái mà nó đã về ở nhà trên được được hơn 4 năm rồi, ngày đó mẹ nó mang nó tới, nó gầy còm, đen nhẻm, mẹ nó thưa chuyện với bà nội muốn trả nó để đi vào nam xây dựng cuộc sống, bà và mẹ tôi chưa kịp định thần, chưa kịp nhìn xem thằng nhỏ có nét nào dòng giống nhà mình không thì mẹ nó đã vội lao ra đường, leo lên chiếc xe ôm đợi sẵn rồi lao vút đi, chẳng ngoái đầu lại nhìn nó một lần, nhanh như khi mang nó tới, hôm đó trời mưa tầm tã. Nó tới nhà tôi, cứ như từ trên trời rơi xuống, cha tôi còn đi rừng, cha đi mỗi đợt dăm bữa nữa tháng mới về, vào rừng sâu rồi là tuyệt không cách gì liên lạc được, mẹ tôi bình thản: "Ông bà đã cho vợ chồng con xây nhà ở dưới thì cứ nhà con con ở, bà muốn giữ muốn nuôi ai thì kệ, con không can thiệp, còn chuyện gì khác thì con chờ anh ấy về rồi nói", bà tôi tay chống nạnh, mồm nhai trầu bỏm bẻm: "Này nhà chị Nhàn, chị nhìn mặt nó thì chị rõ nó là máu nhà ai, dòng giống nhà này không để thất lạc được, chị không phải lo, tôi nuôi nó", mẹ tôi cắp cái nón, bước về nhà dưới, mắt ráo hoảnh. Mấy ngày sau đó, mẹ tuyệt nhiên không ngó ngàng gì tới thằng Kha, mẹ cũng cấm tiệt hai chị em tôi hỏi han gì về nó, mẹ nói đợi cha về. Cuối cùng mẹ cũng không đợi được cha, thằng Kha ở với ông bà chưa được mươi ngày thì một đêm khuya, chú Tư đập cửa nói gì đó, mẹ chỉ kịp mang vội cái làn, xách theo cái đèn pin chạy theo chú, mấy ngày sau thì cha mất, cha bị rắn độc cắn khi đi rừng. Mẹ mặc áo tang, trắng mắt tiễn cha ra đồng, chưa kịp hỏi vì sao thằng Kha chỉ lớn hơn thằng Hải vài ba tháng!

    Cha mất, bà nội đâm ra ghét thằng Kha, chút tình thương mới nhen nhóm cho nó vỡ vụn, bà nói nó là oan nghiệt, mới tới mấy ngày đã phạm tội sát cha, thế nhưng giờ biết bỏ nó cho ai, mặt mũi mẹ nó vuông tròn thế nào mấy ai còn nhớ, thế là từ đó nó sống ở nhà trên với bà, cứ lay lắt, cứ hững hờ mà lớn.

    Cha tôi ngày trước là dân xây dựng, thuở còn ăn nên làm ra, cha nhận một lúc mấy công trình lớn, nhà tôi thuộc dạng khá giả trong vùng, bà với mẹ cảnh mẹ chồng nàng dâu cơm không lành canh không ngọt, tính mẹ thẳng thắn, nghĩ gì nói nấy, bà ngày càng cay nghiệt với mẹ, cha thương mẹ, cất cái nhà ở riêng. Một dạo, cha đi mãi mấy tháng mới về, cha về, người gầy sụp, hai mắt hốc hác, tay cha xách thêm cái điểu cày, mẹ thảng thốt, trước, cha là thành viên tích cực trong ban "tuyên truyền vận động người dân tránh xa khói thuốc" mà thôn lập ra sau khi trong thôn có mấy người chết vì ung thư phổi. Cha tôi làm ăn thua lỗ - "thua thì thua, trời không thương thì đành chịu, chứ công cán của người ta phải tính cho sòng phẳng" - mẹ nói rồi lóc cóc đạp xe lên ngân hàng vay tiền trả nợ cho cha. Phải hơn nữa năm sau cha tôi mới đứng dậy được, cha theo chú Tư lên rừng chặt gỗ, mẹ ở nhà gồng gánh nuôi hai chị em tôi, nhiều đêm cha ngồi trước bực thềm ứa nước mắt, cha nói đợi trả xong nợ rồi sẽ về gánh bớt nhọc nhằn cho mẹ, chẳng ai ngờ cha mất, chưa kịp bù đắp, cha đã vội gạch thêm mấy vết lằn chằng chịt trên vai mẹ. Mẹ sấp ngửa, quần ống thấp ống cao làm thuê đủ thứ để nuôi con và trả nợ, hàng xóm tặc lưỡi "cái con thế mà thương, chồng chết, còn mang về cho đứa con lạc loài", mẹ tủi hờn, nước mắt chảy ngược vào trong.

    Mẹ tôi làm tròn bổn phận dâu con, giỗ tết gì thì lên nhà trên lo bàn cỗ, miệng nói tay làm, thoăn thoắt đủ năm mười mấy cái giỗ, bà trở trời đau mỏi, mẹ lên giặt giũ cơm nước, nhưng tôi chưa từng thấy mẹ nhìn thằng Kha. Bà tôi lâu dần bớt ghét mẹ, có bận tôi nghe bà kêu mẹ dọn lên nhà trên ở với bà nhưng mẹ chỉ im lặng không nói gì, bà thở dài, ước gì bà biết được những cay nghiệt mà mẹ đã trải qua, có lẽ gần cuối đời, con người ta thường hay hoài niệm những chuyện xưa cũ. Bà già nhanh hơn từ sau bận cha mất, tôi thường thấy bà nhìn thằng Kha rồi đưa vạt áo lên lau nước mắt. Thằng Kha vào lớp một, bà nhờ chú trưởng thôn xin cho nó cái chế độ gì của trẻ mồ côi, nó lãnh tháng được hơn hai trăm tiền lương. Cái thằng ngoan lạ, nó học bà làm mọi việc trong nhà, 6 tuổi, nó biết nấu cơm. Hôm nó đi thi học sinh giỏi về được giải nhất, tôi trốn mẹ chạy sang khen nó, chỉ thấy nó lẩm bẩm "chả cần, tối ngủ được mẹ ôm như chị sướng hơn", lòng tôi bỗng chênh vênh, hình như tôi không còn ghét nó nữa.

    Dạo này mẹ hay kêu tôi mang khi thì củ khoai, khi thì bát cơm lên cúng cho bà, tôi thấy lạ, bèn hỏi: "Sao bà mất hơn trăm ngày rồi mẹ còn cúng?", mẹ không nói gì, tôi biết mẹ đang nhìn thằng Kha ở nhà trên. Bà mất, nó sống một mình, nó đưa quyển sổ lương của nó cho mẹ, mẹ tôi thủng thẳng "nhà này mồ côi cha chứ mẹ thì còn, không giữ sổ ấy được", nó quay lên, từ nay nó mồ côi cả bà. Nó tính bỏ học, mẹ cấm tiệt, cha mày học hành đàng hoàng, phải cái số hẩm hiu thua thiệt, máu của cha thì không được thất học, bằng không thì đi khỏi nhà, nó vâng dạ, buổi đi học, buổi mót lúa mót khoai, rau dưa mẹ trồng ngoài vườn, muốn ăn thì ra chăm bón mà hái, mấy lần đóng học, mẹ cho nó mượn tiền, mẹ ghi tất vào quyển sổ, bắt nó ký vào, nhưng mẹ không cho nó bỏ học. Đêm, mưa, sấm chớp đùng đùng, tôi và thằng Hải hai đứa hai bên ôm chặt lấy mẹ, ở nhà trên, nó nằm co ro một mình.

    Lên lớp bốn, nó vẫn là học sinh giỏi, nhưng không còn tôi học chung trường nữa, nó hay bị bắt nạt, mấy đứa trong lớp kêu nó là thứ chết cha, tới mẹ cũng không cần, nó lao vào như con thú bị thương, nhưng mấy đứa kia đông, nó nhỏ thó, tụi kia xô nó té vào vũng bùn, người nó ướt sũng, cả bọn phá lên cười. Mẹ tôi từ đâu chạy tới quẳng cái đòn gánh xuống trước mặt tụi nó "đứa nào, đứa nào nói nó là thứ chết cha chết mẹ, cha nó nằm đó – mẹ vừa nói vừa chỉ tay về phía nghĩa trang cuối đồng- còn mẹ nó đây – mẹ vỗ vỗ vào ngực, từ này đứa nào giám bắt nạt nó thì chết nghe chưa?", mẹ quẩy gánh lên "Cha tụi mày chết, còn ba đứa thì phải chụm lại mà sống mới nên người được, ai đời thấy nó bị bắt nạt mà hai đứa chỉ đứng nhìn. Đứng lên, đi về, mỗi đứa một việc lau chùi nhà cửa đi, mai đưa ông Táo rồi", ba đứa tôi lẽo đẽo theo mẹ, thằng Hải reo lên "chị ơi, ngày trước em nghe bà nội nói" ráng vàng thì nắng, ráng đỏ thì mưa ", chị xem kìa, kia có vệt ráng vàng to quá, chắc mai trời sẽ nắng chị nhỉ?"

    - Hết -
     
    TRƯƠNG PHỤNGTrần Việt Đức thích bài này.
    Last edited by a moderator: 25 Tháng một 2022
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...