QUẢ BÁO CÓ HAY KHÔNG Tác giả: Lê Ốc Châu Thành Thể loại: Tản văn * * * Hồi đó, lúc học cấp một mình được nhận học bổng, được giảm học phí vì thuộc diện hộ nghèo, rất nghèo. Nhưng được học bổng thì thầy hiệu trưởng nói là mình được giảm học phí rồi thì nhường học bổng lại cho bạn khác khó khăn hơn. Mà bạn đó thì ngày lễ nhà giáo vừa rồi đã tặng cho tất cả thầy cô bên ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm mỗi người một chiếc nhẫn vàng một chỉ, thầy giáo một cây vải may quần tây một cây vải trắng may áo sơ mi, cô giáo thì được tặng mỗi người một cây vải may áo dài, một cây vải may áo bà ba. Mình nhớ năm đó mình nghĩ là sẽ tặng cho bạn học giỏi mà nghèo hơn mình là bạn ngồi bàn nhất cơ. Nhưng ai ngờ lại tặng lớp trưởng, có mẹ là chủ tiệm vải, có hẳn cái nhà may còn là hội trưởng hội phụ huynh. Suốt mười hai năm học, chỉ đúng ba lần gặp được giáo viên chủ nhiệm đúng có lương tâm của người giáo viên. Cô giáo đầu tiên là cô dạy lớp ba, cô rất dịu dàng và không phân biệt đối xử giữa học sinh nghèo hay giàu, thông minh hay chậm hiểu cô đều như nhau, đó là lần đầu tiên mình được giữ cái học bổng của riêng mình đem về khoe với ba mẹ. Cô giáo thứ hai, là cô dạy lớp bốn. Nhà cô giàu sẵn rồi. Nên dù cô có là người cọc tính không biết nói lời xu nịnh nhưng cô không có tham lam. Mình nhớ năm đó, cô cùng mình cũng được gọi lên phòng giám hiệu để nhường học bổng, cũng như năm nào lại là bài ca nhường cho bạn nghèo hơn. Nhưng vì cô giáo lớp ba của mình là cô giáo dạy học của ban giám hiệu, cô cũng là học trò của hiệu trưởng, nên họ nể mặt không giành. Riêng cô chủ nhiệm lớp bốn của mình thì nói không nổi đạo lý nên bị dùng quyền ban giám hiệu bắt buộc. Mình nhớ lúc từ phòng ban giám hiệu về cô nắm tay mình và tức rung lên rồi rơi nước mắt. Ngày phát quà và nhận học bổng, mình được gọi tên nhưng người lên nhận lại là bạn nhà giàu đó. Kết thúc buổi lễ cô chủ nhiệm tìm mình và tự bỏ tiền mua cho mình phần quà mười quyển vở. Mình nghe người lớn đùa nhau là cho gói quà trông nó dày lên và nặng hơn những món quà khác cho mình đỡ tủi thân. Ba mẹ có khuyên mình đừng có buồn, rồi nói những lời an ủi động viên mà nhiều ba mẹ nghèo hay nói. Người thầy cuối cùng là giáo viên chủ nhiệm lớp mười một và giáo viên bộ môn giáo dục công dân. Trải qua mười hai năm ngồi trên ghế nhà trường. Mình dù từ lúc bắt đầu học được con chữ đã từng có ước mơ làm nghề giáo. Đến cuối cùng lại được đời xô đẩy đến con đường kinh doanh. Người ta có thể chửi mình mất dạy, nhưng họ dạy mình bằng lương tâm đồng tiền thì là có qua có lại mình chẳng nhớ ơn. Những giáo viên dù đã dạy mình hay chưa dạy mình nhưng tận tâm với nghề mình luôn luôn ghi nhớ và trân quý. Có người nhắc mình lễ nhà giáo đi thăm giáo viên chủ nhiệm năm xưa kêu mình đi xin lỗi cái đứa đánh mình chỉ vì lý do nó thích. Mình không nói ra vì đó là thầy cô yêu quý của các bạn, nhưng với mình thì không. Không có giáo viên nào dạy môn giáo dục công dân mà cho rằng nó thích đánh mình là vì lỗi của mình cả. Sinh ra không xinh đẹp là lỗi của mình? Nghèo là lỗi của mình? Nó thích đánh mình cũng là lỗi của mình. Thì giáo viên đó không xứng đáng để mình tôn trọng. Mọi người không biết, vì trước mặt cả lớp, cả thế gian cô là người rất giỏi đạo lý, và rất hay nói đạo lý. Nhưng trong phòng riêng ba người, chưa từng cho mình nói một tiếng chỉ kêu mình xin lỗi. Dù nó nói với cô rằng nó thấy mình không ưa nên nó đánh. Thì cô vẫn lớn giọng "đó là lỗi của em, đâu phải tự nhiên mà bạn không ưa em". Ngày đó mình nhớ mình không xin lỗi, nên bị cô phạt đứng trước cửa ký túc xá giáo viên đến hết buổi học, sinh hoạt lớp tuần đó cũng bị cô nêu tên nói là mình sai nhưng không biết nhận lỗi nên hạ hạnh kiểm. Mình cũng chỉ rơi nước mắt mà không nói gì. Ngày cuối cấp, mình có đến trước cửa ký túc xá đợi cô ra và nói "chúc cô, chồng cô, và các con cô đời đời bình an". Bả lườm mình nhưng không bắt bẻ được nên quay ngoắt bỏ đi luôn. Lúc đó mình vốn chỉ muốn tha thứ cho cô và không mong cô sẽ gặp quả báo vì những buồn tủi đã xảy ra của mình. Nhưng chính cái ngoảnh mặt đầy khinh rẻ của cô mà mình như bị tạt một xô nước lạnh vào mặt. Hình ảnh người cô, người mẹ hiền mà mình yêu mến cả năm học qua cũng khiến mình suy sụp, hụt hẫng xen lẫn bao nhiêu buồn tủi mà lầm lũi ra về. Ngày lễ nhà giáo năm lớp mười, các bạn học cũ rủ đi thăm cô nhưng mình lấy cớ bận không đi. Học kì hai năm lớp mười mình nghe nói chồng cô bị khai trừ ra khỏi ngành công an. Đầu năm lớp mười một, mình nghe tụi nó đi họp lớp nói là con cô có một người đã bị tai nạn chết hồi nghỉ hè, đứa còn lại thì bệnh suốt không khỏi nên cô không còn đi dạy nữa. Lớp mười hai tụi nó không rùm beng rủ nhau đi thăm cô nữa, mà chỉ đi một, hai đứa, rồi về kể lại mấy đứa kia, rồi trong mấy đứa kia lại có đứa kể mình nghe. Từ lúc không đi dạy, cô chuyển sang buôn bán để kiếm thêm thu nhập, nhưng vì biến cố quá nhiều nên cô và chồng quyết định về quê. Nào ngờ về quê được một tháng hơn thì chồng cô bị người ta đâm chém gì đó mà chết. Con trai nhỏ của cô thì lầm lì bướng bỉnh quậy phá làm khổ cô. Ai cũng thấy xót thương cho cô vì cô sống quá hiền, quá biết điều, cô tốt như vậy nhưng hoàn cảnh đúng là biết trêu người. Người ta còn nói, ông trời chỉ đày đọa người tốt thôi.. Có thể có rất nhiều người không tin vào nhân quả. Bản thân mình dù không tin quỷ thần nhưng thật sự tin có nhân quả. Đó cũng là động lực giúp mình sống tốt hơn mỗi ngày và mạnh mẽ bước tiếp dù chặn đường phía trước có chông gai như thế nào. Hãy sống cho thật tốt, thật ý nghĩa và hãy cố gắng để trở thành một người tốt. (Hết)