Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thức thơ Đường luật qua một số bài thơ trung đại

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 30 Tháng mười 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thức thơ Đường luật
    qua một số bài thơ trung đại đã học

    Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề là viết thu hoạch sau khi nghiên cứu về một đề tài đã được thực hiện. Vấn đề nghiên cứu rất đa dạng, phong phú, có thể đó là một vấn đề đặt ra trong học tập, cũng có thể xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, đã và đang đặt ra trong cuộc sống..

    Để viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề cần:

    - Lựa chọn một vấn đề cần phải tổng kết, làm rõ thêm trong các bài đã học hoặc một vấn đề có ý nghĩa đặt ra từ cuộc sống. Việc lựa chọn để tài cho bài nghiên cứu của mình là bước đầu tiên và rất quan trọng.

    - Tiến hành nghiên cứu theo một quy trình: Xác định mục đích và cách thức nghiên cứu, thu thập và lựa chọn tài liệu; ghi chép, sử đụng các công cụ tra cứu như từ điển, sách báo, Internet.. ; tổng hợp kết quả nghiên cứu.

    - Xây dựng dàn ý (đề cương) của báo cáo kết quả nghiên cứu. Đề cương của báo cáo kết quả nghiên cứu thường có các nội dung lớn sau đây:

    Phần mở đầu:

    + Nêu vấn đề (đế tài) được lựa chọn để nghiên cứu.

    + Lí do, mục đích và phương pháp nghiên cứu.

    Phần nội dung:

    + Lần lượt trình bày các kết quả nghiên cứu về đề tài đã chọn. Triển khai các lí lẽ, dẫn chứng, lập luận chứng minh cho các luận điểm được nêu ra.

    + Có thể trích dẫn ý kiến người khác, cước chú, lập biểu bảng, thống kê về đối tượng nghiên cứu để chứng minh cho tính chính xác trong các lập luận và nhận định của mình.

    + Tạo sự so sánh cần thiết với các đối tượng nghiên cứu khác để tạo nên sức hấp dẫn và thuyết phục cho bài viết.

    Phần kết luận:

    + Khái quát ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề đã được trình bày.

    + Nêu các đề xuất, khuyến nghị của người nghiên cứu (nếu có).

    [​IMG]

    Bài tham khảo:

    Đặc điểm hình thức thơ Đường luật

    qua một số bài thơ trung đại đã học

    1. Giới thiệu

    Thơ Đường luật (còn được gọi là thơ luật Đường) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây là thể loại thơ tiêu biểu nhất thời nhà Đường nói riêng và là tinh hoa của thi ca Trung Hoa nói chung. Trong quá trình giao lưu, xâm nhập văn hóa, thơ Đường luật đã du nhập sang một số đất nước lân cận như Nhật Bản, Triều Tiên.. trong đó có Việt Nam.

    Trong văn học Việt Nam, giai đoạn đầu, khi chữ Nôm còn chưa phát triển, thơ Đường luật Việt Nam không chỉ tiếp thu thi pháp mà còn tiếp thu cả văn tự. Giai đoạn này, thơ Đường luật được viết bằng chữ Hán. Có thể kể đến các tác phẩm như: Nam quốc sơn hà (Lí Thường Kiệt) ; Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải) ; Bạch Đằng hải khẩu (Nguyễn Trãi) ; Độc Tiểu Thanh Kí (Nguyễn Du) ;.. Đến khi chữ Nôm phát triển mạnh mẽ, thơ Nôm Đường luật ra đời, được viết bằng chữ Nôm. Càng về sau, với tinh thần dân tộc hóa, thơ Nôm Đường luật dần dần được Việt hóa, sáng tạo trở thành di sản văn học mang đậm dấu ấn phong cách con người trung đại Việt Nam.

    Về chương trình Ngữ Văn 10 đổi mới (bộ Cánh Diều), học sinh được làm quen với hàng loạt các bài thơ Đường luật như: Cảm xúc mùa thu (Đỗ Phủ) ; Tự tình bài 2 (Hồ Xuân Hương) ; Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến) ; Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão). Tuy nhiên, chưa có một bài nghiên cứu về thơ Đường luật nào được trình bày một cách cụ thể trong sách giáo khoa. Đây là lí do tôi chọn nghiên cứu đề tài này để giúp bản thân nắm vững hơn đặc điểm của thơ Đường luật đồng thời giúp các bạn học có thêm thông tin bổ ích về thể thơ này.

    Bài nghiên cứu tập trung phân tích đặc điểm của thể thơ Đường luật qua một số bài thơ trung đại đã học: Cảm xúc mùa thu (Đỗ Phủ) ; Tự tình bài 2 (Hồ Xuân Hương) ; Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến) ; Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão).

    2. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu

    2.1. Cơ sở lí luận

    Thơ Đường luật trung đại Việt Nam có hàng ngàn bài, tính cả thơ Đường luật Trung Quốc là cả một kho tàng tư liệu vô cùng đồ sộ. Xét về hình thức thì thơ đường luật được chia thành các dạng như: Thất ngôn bát cú: Tám câu, mỗi câu sẽ có 7 chữ. Đây được xem là dạng phổ biến nhất của thể thơ Đường luật. Thất ngôn tứ tuyệt: 4 câu, mỗi câu 7 chữ. Ngũ ngôn bát cú: 8 câu, mỗi câu 5 chữ. Ngũ ngôn tứ tuyệt: 4 câu, mỗi câu 5 chữ. Ngoài những dạng được kể trên thì còn rất nhiều dạng không phổ biến khác. Người Việt Nam khi làm thơ đường luật cũng hoàn toàn tuân theo những nguyên tắc này.

    Về đặc điểm thi pháp, các bài thơ Đường luật có những điểm giống nhau cơ bản do quy định nghiêm ngặt về niêm, luật, đối, vần, bố cục.. Trong bài nghiên cứu này, tác giả lựa chọn báo cáo về đặc điểm của thơ Đường luật (thất ngôn bát cú Đường luật và thất ngôn tứ tuyệt Đường luật) trên các phương diện: Số lượng câu chữ, luật bằng trắc, niêm, vần, bố cục, đối.

    2.2. Phương pháp nghiên cứu

    Trong bài nghiên cứu, tác giả chủ yếu áp dụng phương pháp nghiên cứu phân tích văn bản, bám sát các văn bản thơ trung đại đã học để tìm hiểu, phân tích, rút ra những kết luận cần thiết.

    3. Kết quả nghiên cứu

    Luật thơ Đường căn cứ trên thanh bằng và thanh trắc, và dùng các chữ thứ 2-4-6 và 7 trong một câu thơ để xây dựng luật. Thanh bằng gồm các chữ có dấu huyền hay không dấu; thanh trắc gồm các dấu: Sắc, hỏi, ngã, nặng.

    Nếu chữ thứ 2 của câu đầu tiên dùng thanh bằng thì gọi là bài có "luật bằng"; nếu chữ thứ 2 câu đầu dùng thanh trắc thì gọi là bài có "luật trắc". Trong một câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 6 phải giống nhau về thanh điệu, và chữ thứ 4 phải khác hai chữ kia. Ví dụ, nếu chữ thứ 2 và 6 là thanh bằng thì chữ thứ 4 phải dùng thanh trắc, hay ngược lại. Nếu một câu thơ Đường mà không theo quy định này thì được gọi "thất luật".

    Trong một bài thơ Đường luật là ý nghĩa của hai câu 3 và 4 phải "đối" nhau và hai câu 5, 6 cũng "đối" nhau, câu 1 - 2; 3 -4 (trong thơ tứ tuyệt) cũng có đối như vậy. Đối thường được hiểu là sự tương phản (về nghĩa kể cả từ đơn, từ ghép, từ láy) bao gồm cả sự tương đương trong cách dùng các từ ngữ. Đối chữ: Danh từ đối danh từ, động từ đối động từ. Đối cảnh: Trên đối dưới, cảnh động đối cảnh tĩnh.. Nếu một bài thơ Đường luật mà các câu 3, 4 không đối nhau, các câu 5, 6 không đối nhau thì bị gọi "thất đối".

    Các câu trong một bài thơ Đường luật giống nhau về luật thì được gọi là "những câu niêm với nhau" (niêm = giữ cứng, ở đây được hiểu là giữ giống nhau về luật). Hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì trong cả hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc, thành ra bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Ở những câu theo nguyên tắc là cần phải niêm, nếu tác giả sơ suất mà làm thành không niêm thì bài đó bị gọi là "thất niêm".

    Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Trong một bài thơ Đường luật chuẩn, vần được dùng tại cuối các câu 1, 2, 4, 6 và 8. Những câu này được gọi là "vần với nhau". Nếu một bài thơ Đường luật mà chữ cuối của một trong các câu này không giống nhau về vần thì được gọi "thất vần".

    Những chữ có vần giống nhau hoàn toàn gọi là "vần chính", những chữ có vần gần giống nhau gọi là "vần thông". Hầu hết thơ Đường luật dùng vần thanh bằng, nhưng cũng có các ngoại lệ.

    3.1. Đặc điểm thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

    Ví dụ: Bài thơ "Tỏ lòng" - Phạm Ngũ Lão:

    Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thu,

    Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.

    Nam nhi vị liễu công danh trái,

    Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.


    - Bố cục: Bốn câu trong bài theo thứ tự là các câu: Khai, thừa, chuyển, hợp.

    Câu khai (câu 1) – mở ra ý thơ;

    Câu thừa (câu 2) – mở rộng, triển khai, cụ thể hóa ý thơ;

    Câu chuyển (câu 3) - chuyển ý (câu quan trọng để bộc lộ ý thơ trong bài thơ tứ tuyệt) ;

    Câu hợp (câu 4) – gắn kết với câu chuyển để tổng kết, thâu tóm ý thơ.

    - Số tiếng: Mỗi câu 7 tiếng, số dòng: Mỗi bài 4 dòng

    - Vần: Vần chân (gieo ở cuối câu), độc vận (gieo 1 vần trong cả bài), vần cách (gieo ở cuối câu 2 và câu 4)

    - Nhịp: 4/3

    - Đối: Một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt đúng luật Đường thì câu 1 - câu 2; câu 3 - câu 4 sẽ đối nhau; Nếu không có đối là thất luật.

    - Hài thanh: Các tiếng 2 - 4 - 6 trong từng câu phối thanh bằng - trắc theo mô hình sau:

    (Các tiếng còn lại phối thanh tự do, không gò bó).

    [​IMG]

    Nếu tiếng thứ 2 của bài là thanh bằng thì phối theo mô hình:

    Câu 1: B - T - B

    Câu 2: T - B - T

    Câu 3: T - B - T

    Câu 4: B - T - B

    - Niêm: Câu 1 và câu 4; câu 2 và câu 3 niêm với nhau (phối thanh giống nhau)

    3.2. Đặc điểm thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

    Ví dụ bài thơ "Thu hứng" - Đỗ Phủ:

    Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,

    Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.

    Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,

    Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

    Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,

    Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

    Hàn y xứ xứ thôi đao xích,

    Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.


    - Số tiếng: Mỗi câu 7 tiếng, số dòng: Mỗi bài 8 dòng

    - Cấu trúc: Thể thơ thất ngôn bát cú gồm bốn phần: Hai câu đề nêu cảm nghĩ chung về người, cảnh vật, hai câu thực miêu tả chi tiết về cảnh, việc, tình để làm rõ cho cảm xúc nêu ở hai câu đề; hai câu luận: Bàn luận, mở rộng cảm xúc, thường nêu ý tưởng chính của nhà thơ; hai câu kết: Khép lại bài thơ đồng thời nhấn mạnh những cảm xúc đã được giãi bày ở trên.

    - Vần: Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Trong một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật chuẩn, vần gieo ở cuối câu 1, 2, 4, 6, 8. (vần chân), độc vận (gieo 1 vần trong cả bài). Vần trong cả bài thơ là vần bằng.

    - Nhịp: 4/3

    - Đối: Trong bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, đối thường ở hai câu thực và hai câu luận. Các chữ đối nhau phải cùng từ loại (cùng danh từ, động từ) Có khi đối giữa hai vế trong một câu; phổ biến là đối về từ, ngữ, các vế của câu trên với câu dưới, có khi đối giữa hai câu thực và hai câu luận. Nếu đối ý thì có hai dạng: Đối tương đồng và đối tương phản.

    - Hài thanh: Các tiếng 2 - 4 - 6 trong từng câu phối thanh bằng - trắc theo mô hình sau:

    (Các tiếng còn lại phối thanh tự do, không gò bó).

    [​IMG]

    Nếu tiếng thứ 2 của bài là thanh bằng thì phối theo mô hình:

    Câu 1: B - T - B

    Câu 2: T - B - T

    Câu 3: T - B - T

    Câu 4: B - T - B

    Câu 5: B - T - B

    Câu 6: T - B - T

    Câu 7: T - B - T

    Câu 8: B - T - B

    - Niêm: Nguyên tắc niêm trong một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật chuẩn như sau:

    Câu 1 niêm với câu 8

    Câu 2 niêm với câu 3

    Câu 4 niêm với câu 5

    Câu 6 niêm với câu 7

    3.3. Đặc điểm của thể thơ Nôm Đường luật

    Thơ Nôm Đường luật là một thành tựu rực rỡ của thơ ca Việt Nam. Đó là những bài thơ được viết bằng chữ Nôm theo thể Đường luật (gồm cả những bài theo thể Đường luật hoàn chỉnh và những bài theo thể đường luật phá cách – những bài có xen câu ngũ ngôn, lục ngôn vào thơ thất ngôn). Tuy nhiên để thưởng thức được cái hay, cái đẹp của những tác phẩm thơ Nôm Đường luật cần phải nắm rõ bản chất thơ Nôm Đường luật về phương diện nội dung. Trước hết cần nắm được đặc điểm của thơ Nôm Đường luật. Điểm mấu chốt tạo nên cái hay của mỗi bài thơ Nôm Đường luật là sự kết hợp hài hòa giữa "yếu tố Nôm" và "yếu tố Đường luật". Hai yếu tố này hòa quyện, đan xen vào nhau tạo nên giá trị của mỗi tác phẩm thơ Nôm Đường luật. Mỗi một yếu tố có những giá trị biểu đạt, biểu cảm, giá trị thẩm mỹ khác nhau.

    "Yếu tố Nôm" trong thơ Nôm Đường luật được xây dựng bằng hai nội dung: Thứ nhất, đó là những gì thuộc về dân tộc; thứ hai, là những gì thuộc về dân dã, bình dị (Nôm là đọc biến âm của Nam và Nôm còn được hiểu là nôm na, dân dã).

    "Yếu tố Nôm" được biểu hiện ở các mặt đề tài, chủ đề là hướng tới những vấn đề của đất nước, dân tộc; biểu hiện về mặt ngôn ngữ là chữ Nôm, từ Việt, ngôn ngữ văn học dân gian, ngôn ngữ đời sống; về hình ảnh là những hình ảnh chân thực, bình dị, dân dã; về câu thơ là những câu năm chữ, sáu chữ đan xen bài thất ngôn; về nhịp điệu là cách ngắt nhịp ¾ trong câu thơ bảy chữ (lẻ trước, chẵn sau) khác với cách ngắt nhịp 2/3, 4/3 (của thơ Đường luật).

    Xét ở chủ đề thiên nhiên trong thơ Nôm Đường luật chúng ta thấy rõ "yếu tố Nôm" được sử dụng chủ yếu trong việc xây dựng những bức tranh thiên nhiên dân dã, bình dị, giàu chất dân tộc; không có những bức tranh hoành tráng, kì vĩ. Ví dụ trong thơ Nguyễn Trãi: Việc xuất hiện một số hình ảnh dân dã, bình thường trong cuộc sống như bè muống, lãnh mùng, kê, khoai, lạc.. trở thành đề tài ngâm vịnh quả thực rất hiếm thấy. Tuy nhiên, hình ảnh cây chuối là một ngoại lệ, nó khiến cho thơ của Nguyễn Trãi đậm chất dân tộc hơn tạo nét riêng trong dòng văn học trung đại. Chủ đề của bài "Cây chuối" cũng khác hẳn so với sự ước lệ trong văn học trung đại..

    4. Ý nghĩa của việc tìm hiểu luật thơ Đường luật

    - Việc tìm hiểu luật thơ Đường luật giúp người đọc, người học nắm được đặc điểm thể thơ để có cách tiếp cận văn bản một cách khoa học, dễ dàng hơn.

    - Hiểu được các đặc điểm về thơ Đường luật còn giúp người tiếp cận văn bản có thể hiểu được tác dụng của những yếu tố như vần, đối, phối thanh.. Biết được bài thơ gieo vần gì, đối có ý nghĩa bổ sung hay tương phản nhau, phối thanh đúng chuẩn giúp tạo sự hài hòa như thế nào..

    - Hiểu luật thơ còn giúp người tiếp cận nhận ra được sự phá cách đầy tính sáng tạo ở những tác giả tài năng.

    - Hiểu được luật thơ còn giúp người đọc, người học có thể làm được các bài thơ Đường luật đúng chuẩn..

    Kết luận:

    Bạn đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK và like bài viết để đọc tiếp nha!


    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Danh mục tài liệu tham khảo:

    1. Sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Cánh diều

    2. Web Wikipedia tiếng Việt và một số trang mạng khác.
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng mười một 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    HS cũng có thể triển khai viết báo cáo về đặc điểm hình thức thơ Đường luật theo dàn ý sau:

    * Mở đầu: giới thiệu về thơ Đường luật và ý nghĩa của việc tìm hiểu hình thức thơ Đường luật.

    - Thơ Đường luật: còn được gọi với cái tên là thơ luật Đường. Đây là một thể thơ Đường với các luật được xuất hiện từ thời nhà Đường của Trung Quốc, phát triển rất mạnh mẽ ở một số đất nước Đông Á lân cận với tư cách là thể loại thơ tiêu biểu: Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam.

    * Nội dung:

    - Giới thiệu các bài thơ Đường luật trung đại đã học và cách phân loại chúng.

    - Phân tích bố cục chung của một bài Đường luật thất ngôn bát cú, các câu đề, thực, luận, kết và vai trò của chúng trong bài thơ. Từ đó giới thiệu thêm về thơ tứ tuyệt.

    - Giới thiệu bố cục, vần, đối, niêm, luật trong thơ Đường luật. (Có ví dụ minh họa)

    + Bố cục: thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt..

    + Vần: Thông thường chỉ gieo một vần (vần bằng) ở cuối các câu 12468 ở thơ bát cú, và 124 ở bài thơ tứ tuyệt

    + Đối: được sử dụng khá đa dạng và được chú trọng

    Vị trí đối: Thường sử dụng trong 2 câu thơ thực, luận trong bát cú, từ đối cùng thể loại (tính, danh, động từ, số từ)

    Các cách đối:

    Đối 2 vế trong cùng 1 câu

    Đối câu trên và dưới theo từ ngữ, các vế (phổ biến nhất)

    Đối giữa 2 câu thực - luận

    Các dạng đối ý: Đối tương đồng, đối tương phản

    + Niêm, luật: theo mô hình (như trên)

    Tác dụng của các yếu tố hình thức trong việc thể hiện nội dung: Góp phần thể hiện tư tưởng tình cảm của nhân vật trữ tình.

    - Thơ Nôm Đường luật

    + Khái niệm: Thơ Nôm Đường luật là một thành tựu rực rỡ của thơ ca Việt Nam. Đó là những bài thơ được viết bằng chữ Nôm theo thể Đường luật (gồm cả những bài thơ theo thể Đường luật hoàn chỉnh và cả những bài theo thể Đường luật phá cách).

    + Thời gian hình thành: Thơ Nôm Đường luật ra đời từ thế kỉ XIII, cuối thời nhà Lý đầu thời nhà Trần sau sự xuất hiện của chữ Nôm.

    (Tiên phong: Nguyễn Thuyên (hay Hàn Thuyên) - nhà Trần thế kỉ 13)

    + Đặc trưng: Sự kết hợp hài hòa giữa "yếu tố Nôm" Việt hóa của dân tộc đời sống quen thuộc, và "yếu tố Đường luật" như niêm, luật, đối. Hai yếu tố này hòa quyện, đan xen vào nhau tạo nên giá trị của mỗi tác phẩm thơ Nôm Đường luật.

    * Kết thúc

    - Khái quát, tổng hợp lại vấn đề đã trình bày.
     
    chiqudoll, Dana Lê, Annie Dinh8 người khác thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...