Phố bàng Hồng Hà - Hoàng Anh Tuấn

Thảo luận trong 'Tản Văn' bắt đầu bởi Phan Kim Tiên, 7 Tháng năm 2022.

  1. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    Phố bàng Hồng Hà

    Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

    * * *​

    Mỗi độ cuối hè, khi những quả bàng màu xanh sậm chuyển dần sang màu vàng ửng thì đàn chào mào má bạc, đuôi đỏ từ đâu bay về ăn quả bàng chín. Những quả bàng chín nhất, mọng nhất sẽ được chúng thưởng thức đầu tiên. Nắng trốn vào trong từng quả bàng. Chào mào tranh nhau mổ từng hạt nắng. Giọng hót vàng hơn nắng hè và ngọt hơn bàng chín. Bà bảo chúng mày cứ hái những quả mà chào mào ăn dở, sẽ là những quả ngọt nhất, ngon nhất đấy con ạ.

    Nhà chật, bố buộc dây thép vào hai cây bàng để phơi quần áo. Quần áo ướt nước rỏ long tong dưới nắng hè lấp lánh. Cái dây phơi nặng trĩu xuống. Mẹ bảo đứa nào lên buộc hộ mẹ. Tôi sợ độ cao, cái Thơ xung phong trước khi ném cho tôi một cái bĩu môi: "Con trai gì mà nhát". Tôi ủn mông cho nó. Buộc dây phơi cho mẹ xong nó ngồi trên chạc cây bàng ăn quả bàng, lại còn "nhem nhem có đứa chết thèm", tôi xin một quả nó không cho. Tôi chạy đi chơi bi. Nó ăn xong không xuống được ngồi khóc ri rỉ trên chạc cây cho đến lúc bố tôi đi làm về bế xuống.

    Bà bảo mỗi thứ cây đều có thể là một vị thuốc, cây bàng cũng vậy. Lá bàng rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô rồi trộn với kinh giới, bạc hà, vỏ quýt sau đó đem sắc lấy nước uống. Chỉ uống một lần khi nước còn nóng, sau đó đắp chăn kín cho ra mồ hôi sẽ trị bệnh cảm sốt. Búp bàng non ngâm rượu dùng để chữa viêm lợi, sâu răng, viêm sâu đến mấy cũng khỏi tiệt. Những thứ thuốc bình dân, dễ kiếm ấy lúc nào bà cũng có sẵn trên gác bếp, trong chạn bát. Những vị thuốc bắc thảo thơm như tấm lòng bà nội. Mùi thuốc bắc phơi sương của bà nội cứ bay rập rờn trong nỗi nhớ của tôi, dù bà đã đi xa, xa lắm.

    Dưới tán bàng râm mát, anh em tôi cùng lũ trẻ hàng xóm cùng nhau chơi đồ hàng. Người bán bày thức ăn trên lá bàng. Người mua trả tiền bằng lá bàng. Cô dâu mặc váy lá bàng. Quan trạng đội mũ cánh chuồn lá bàng. Đám rước dâu hay đám vinh quy bái tổ rước dọc phố bàng. Tiếng cười trong trẻo lẫn vào tiếng ve inh ỏi. Chợ sẽ tàn và đám rước sẽ tan khi có ông bố, bà mẹ cầm roi tre chạy ra. Lũ trẻ con thấy người lớn chạy te tái như gà con kiếm ăn lạc mẹ gặp phải.. diều hâu bay lượn. Rồi chúng tôi lại thì thầm, dấm dúi hẹn nhau mai nhé.. ừ.. ừ.. nhớ nhé.. Nỗi đau roi tre không bao giờ lấn át được niềm vui trẻ nhỏ, thật đấy.

    Tôi lớn lên và tôi đi xa phố bàng Hồng Hà. Nhưng kí ức ngày xưa của tôi thì vẫn luôn ở đấy, trong trẻo và hồn nhiên đến lạ kì. Lá bàng xòe bàn tay vẫy, thân bàng nhoài mãi ra đường như dáng mẹ, dáng bà để chờ đợi, để nhớ thương tôi trở về dưới mát rượi tuổi thơ..

    Nhà tôi ở phố Hồng Hà, một con phố nhỏ chạy dọc ven bờ sông Hồng, vì vậy mà tên phố cũng mang tên sông. Sông thì trôi mãi ra biển, còn phố thì chạy đến ngang bãi soi nhập vào phố Soi Tiền, một con phố ở phía trước của bãi soi mọc đầy lau sậy.

    Phố Hồng Hà trồng toàn bàng. Những cây bàng mọc hai bên vỉa hè, nhưng chúng cố nhoài người ra đường rồi đan kín vào nhau tạo nên một vòm bàng hun hút. Vòm bàng kín mít đến nỗi mà nắng hè không lọt qua được, nhưng vẫn miệt mài chiếu rọi trên cao nên ánh sáng lọc qua vòm bàng vừa xanh, lại vừa trong như màu chuỗi ngọc trên cổ bà nội mà ngày lễ tết bà mới lấy ra đeo, có khi giống màu vỏ chai bia Trung Quốc mà bố tôi vẫn tu ừng ực sau mỗi chiều đi xe đạp thể dục.

    Trước cửa nhà tôi có hai cây bàng. Hai cây bàng này bố tôi đánh ở bờ sông về từ lâu lắm rồi. Chắc có con chào mào nào ăn quả bàng chín rồi nhả hạt mà bén rễ ở đấy. Những cây bàng nhà khác thì thân mập mạp, riêng hai cây bàng nhà tôi thân khẳng khiu, dù rằng hai cây bàng ấy được trồng đầu tiên ở phố này. Bố tôi bảo, dưới tầng đất sâu chỗ hai cây bàng mọc lên, trước kia là cái sân phơi thuốc nam được đổ bằng bê tông rất dày của xí nghiệp dược nên rễ của hai cây bàng không thể đâm xuống mà chỉ đâm ngang để hút dưỡng chất nên nó mới gầy guộc là vậy.

    Hai cây bàng gầy nhưng lại cho quả sai hơn những cây bàng khác. Và đặc biệt, những quả bàng khác có ruột màu mỡ gà, thì quả bàng của hai cây bàng gầy có ruột màu hồng đào, mà bà tôi gọi là giống bàng đào. Mỗi buổi trưa hè, khi bà nội khép gà mắt ngủ và cái quạt cọ trong tay bà lỏng ra là tôi bấm tay cái Thơ vội vàng trở dậy. Mỗi bước chân càng khẽ khàng càng làm cho giát giường kêu cót két càng to càng khiến tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Bà tôi trở mình, hung hắng ho, phe phẩy quạt rồi lại chìm vào giấc ngủ tĩnh mịch, bình yên như một buổi trưa trong ca dao. Tôi cầm cây sào dài để chọc còn cái Thơ giơ vạt váy ra để hứng quả bàng rơi xuống. Nếu quả bàng chạm đất sẽ bị dập nát ăn mất cả ngon.

    Tôi thấp quá nên phải nhảy lên mới chọc được. Có lúc quả bàng rơi trúng vạt váy, cái Thơ thích quá cười khanh khách, nhưng cũng có khi quả bàng rơi trúng đầu nó u lên một cục to tướng, nó khóc ngoạc mồm ra, tôi phải dỗ tí cho thêm mày hai quả bàng nữa, nó mới chịu nín. Lau vội vào áo quả bàng vỏ vàng óng mật ong, đưa lên môi cắn một miếng ngập chân răng vào thịt quả hồng điều, tự nhiên thấy mắt sáng lên, thấy lưỡi mềm ra, còn con tì, con vị thì thi nhau nhảy múa trong bụng, và nước miếng không biết ở đâu mà tứa về nhiều thế.

    Ăn no bàng chín, tôi lấy viên đá đập hạt bàng lấy nhân ăn tiếp. Nhân quả bàng mới gọi là ngon, bùi hơn lạc luộc, ngó sen. Đặt hạt bàng vừa gặm xuống vỉa hè rồi cầm một viên đá hộc đập thật mạnh lên hạt bàng, bóc hết lớp xơ đi sẽ trơ cái nhân trắng nõn như hạt gạo nếp nương, như con ong non. Bỏ tỏm cái hạt nếp nương, cái con ong non ấy vào miệng, chưa kịp nhai đã thấy nó dính vào kẽ răng vì ít quá. Muốn xem nhân bàng ngon thế nào, phải để dành khoảng dăm ba cái nhân, rồi nhai chậm rãi thôi để cảm nhận vị bùi trước khi số nhân ấy kịp chui tọt xuống dạ dày của một đứa háu ăn. Nhưng có mấy ai để dành được như thế, vì được cái nào là cho vào miệng cái ấy.

    Từ tháng mười trở đi, những mắt lá bàng xanh biếc bắt đầu chuyển sang đỏ rực, rồi bất ngờ một sáng mùa đông, khi gió bấc tràn về mang theo hơi lạnh se sắt thì những cây bàng đồng loạt thắp lửa như những ngọn đuốc. Từ xa, đàn chim sẻ phía bờ sông Hồng đã nhìn thấy những ngọn đuốc khổng lồ, chúng rủ nhau bay về hót ríu ran trong vòm lá. Tiếng hót của đàn chim sẻ làm cây bàng giật mình trút xuống từng chiếc lá. Tôi thì chắc chắn rằng lá bàng vừa rụng ấy là giọt nước mắt đỏ ối của người mẹ nhớ đứa con xa, còn cái Thơ thì quả quyết lá bàng rụng như những đôi môi hồng tươi của cô gái trẻ. Tôi cãi mỗi cây bàng chỉ có một đôi môi thôi chứ, lấy đâu ra lắm thế. Nó nguýt một cái rõ dài rồi bảo, anh vào hỏi bà mà xem.

    Bà tôi nói, đứa nào bảo giống môi thì cuộc đời sẽ vui vẻ vì môi là để cười, để nói, còn đứa nào bảo giống nước mắt thì có lẽ cuộc đời sẽ.. buồn hơn đấy con ạ. Bà nhìn ra phía sông Hồng xa xôi trước mặt trút một tiếng thở dài như gió. Có phải vậy không mà đi cạn tuổi thanh xuân tôi vẫn tri âm, tri kỉ với nỗi buồn?

    Những giọt nước mắt đỏ ối, những đôi môi hồng tươi rồi cũng rụng hết, chỉ còn trơ lại những cành cây như bàn tay khô xác chĩa lên nền trời xám xịt màu chì. Tôi khép cửa sổ, khép lại nỗi buồn ảm đạm lòng mình. Trong giấc mơ, tôi nghe thấy tiếng gì cựa mình thật khẽ, nghe lách tách. Rồi một sớm giêng hai, tôi mở toang cửa sổ. Mưa bụi giăng tơ trên những chồi non vừa chớm hé. Mưa bụi mỏng manh như đuôi mày thiếu nữ. Trăm nghìn chồi non là ngàn vạn ngọn nến xanh trong. Tôi nhận ra mùa xuân đã về trên những chồi non, lộc biếc. Và trong lòng người nỗi buồn đỏ ối đã rụng đi nhường chỗ cho niềm vui xanh nõn đang bật mầm. Mùa xuân dâng lên trong lòng người, phơi phới và hân hoan.

    Những sớm mùa đông khi tôi còn nằm trong chăn ấm, đã nghe thấy tiếng chổi tre của cô lao công quét lá bàng rụng xao xác mặt đường. Tôi thò tay ra khỏi chăn, thấy hơi lạnh trườn qua từng ngón tay vội trùm chăn ngủ tiếp. Tiếng vòng quay bánh xe chở rác và tiếng chổi tre cứ xa dần, nhỏ dần rồi tan vào làn sương mỏng. Chiếc xe đẩy của cô lao công đã chở đi rồi những mùa đông thơ bé của tôi, những mùa đông không bao giờ trở lại. Tôi dậy đi học, ăn nắm xôi đỗ xanh muối vừng gói trong lá bàng mà mẹ mua sẵn đặt trên bàn. Mùi lá bàng thơm quyện với vị xôi nếp dẻo, vừa chạm vào môi đã trôi xuống cổ. Người quét lá bàng và người bán xôi gói trong lá bàng mỗi sớm mai giờ đi đâu rồi nhỉ?

    Khi cái nắng hè bắt đầu oi bức, thì cây bàng trong phố Hồng Hà bắt đầu trổ hoa. Những chùm hoa bàng be bé, li ti như những vì sao trốn tìm trong kẽ lá. Hoa bàng trăng trắng như ngà, hoa bàng xanh xanh như ngọc. Mỗi tối bà thường kê một chiếc chõng tre trên hè phố. Giọng bà trầm ấm, ngọt ngào kể bao câu chuyện cổ tích bắt đầu từ "ngày xửa, ngày xưa.." với cô Tấm ở hiền, thắng Lý Thông ở ác. Bà phê phẩy quạt cọ rồi gãi rôm dọc sống lưng cho tôi. Đầu tôi nặng dần, mắt tôi rơi xuống. Và tôi thấy mình đang bay trên vòm hoa bàng trắng xanh, trên khoảng trời sao lấp lánh.

    Hoa bàng rụng như sao sa từng loạt mơ hồ xuống vai áo bà tôi. Hoa bàng rơi như cơn mưa từng trận hư ảo vào giấc mơ tôi. Trong giấc mơ chập chờn, tôi thấy mỗi bông hoa bàng nở ra một con đom đóm. Đàn đom đóm bay như lân tinh. Bà thảng thốt: "Có phải ông về đấy không?". Một con đom đóm lập lòe bất chợt đậu xuống bàn tay bà nội. Bàn tay đồi mồi và chai sần mưa nắng. Đậu rồi bay, nhanh vừa bằng một cái chớp mắt. Bà tôi khóc, nước mắt đùng đục tràn qua kẽ tay. Đàn đom đóm vụt biến mất. Hoa bàng lại rơi, nhiều như nước mắt. Ông nội tôi hi sinh năm Mậu Thân ở chiến trường Tịnh Biên, năm mươi năm chưa một lần trở lại quê nhà.

    Mỗi độ cuối hè, khi những quả bàng màu xanh sậm chuyển dần sang màu vàng ửng thì đàn chào mào má bạc, đuôi đỏ từ đâu bay về ăn quả bàng chín. Những quả bàng chín nhất, mọng nhất sẽ được chúng thưởng thức đầu tiên. Nắng trốn vào trong từng quả bàng. Chào mào tranh nhau mổ từng hạt nắng. Giọng hót vàng hơn nắng hè và ngọt hơn bàng chín. Bà bảo chúng mày cứ hái những quả mà chào mào ăn dở, sẽ là những quả ngọt nhất, ngon nhất đấy con ạ.

    Nhà chật, bố buộc dây thép vào hai cây bàng để phơi quần áo. Quần áo ướt nước rỏ long tong dưới nắng hè lấp lánh. Cái dây phơi nặng trĩu xuống. Mẹ bảo đứa nào lên buộc hộ mẹ. Tôi sợ độ cao, cái Thơ xung phong trước khi ném cho tôi một cái bĩu môi: "Con trai gì mà nhát". Tôi ủn mông cho nó. Buộc dây phơi cho mẹ xong nó ngồi trên chạc cây bàng ăn quả bàng, lại còn "nhem nhem có đứa chết thèm", tôi xin một quả nó không cho. Tôi chạy đi chơi bi. Nó ăn xong không xuống được ngồi khóc ri rỉ trên chạc cây cho đến lúc bố tôi đi làm về bế xuống.

    Bà bảo mỗi thứ cây đều có thể là một vị thuốc, cây bàng cũng vậy. Lá bàng rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô rồi trộn với kinh giới, bạc hà, vỏ quýt sau đó đem sắc lấy nước uống. Chỉ uống một lần khi nước còn nóng, sau đó đắp chăn kín cho ra mồ hôi sẽ trị bệnh cảm sốt. Búp bàng non ngâm rượu dùng để chữa viêm lợi, sâu răng, viêm sâu đến mấy cũng khỏi tiệt. Những thứ thuốc bình dân, dễ kiếm ấy lúc nào bà cũng có sẵn trên gác bếp, trong chạn bát. Những vị thuốc bắc thảo thơm như tấm lòng bà nội. Mùi thuốc bắc phơi sương của bà nội cứ bay rập rờn trong nỗi nhớ của tôi, dù bà đã đi xa, xa lắm.

    Dưới tán bàng râm mát, anh em tôi cùng lũ trẻ hàng xóm cùng nhau chơi đồ hàng. Người bán bày thức ăn trên lá bàng. Người mua trả tiền bằng lá bàng. Cô dâu mặc váy lá bàng. Quan trạng đội mũ cánh chuồn lá bàng. Đám rước dâu hay đám vinh quy bái tổ rước dọc phố bàng. Tiếng cười trong trẻo lẫn vào tiếng ve inh ỏi. Chợ sẽ tàn và đám rước sẽ tan khi có ông bố, bà mẹ cầm roi tre chạy ra. Lũ trẻ con thấy người lớn chạy te tái như gà con kiếm ăn lạc mẹ gặp phải.. diều hâu bay lượn. Rồi chúng tôi lại thì thầm, dấm dúi hẹn nhau mai nhé.. ừ.. ừ.. nhớ nhé.. Nỗi đau roi tre không bao giờ lấn át được niềm vui trẻ nhỏ, thật đấy.

    Tôi lớn lên và tôi đi xa phố bàng Hồng Hà. Nhưng kí ức ngày xưa của tôi thì vẫn luôn ở đấy, trong trẻo và hồn nhiên đến lạ kì. Lá bàng xòe bàn tay vẫy, thân bàng nhoài mãi ra đường như dáng mẹ, dáng bà để chờ đợi, để nhớ thương tôi trở về dưới mát rượi tuổi thơ..
     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng mười 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...