Phân tích: Lấy Chồng Chung - Hồ Xuân Hương: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Jenny Nguyen Tran, 17 Tháng tư 2023.

  1. Jenny Nguyen Tran

    Bài viết:
    39
    Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ tài hoa nổi danh trong làng thi ca cùng thời với đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm của bà nói về số kiếp bọt bèo của người phụ nữ bị lễ giáo phong kiến ràng buộc, sự bất bình cho phận gái, phận má hồng truân chuyên lận đận: Bánh trôi nước, Khóc chàng Tổng cóc.. Nổi bật trong số các tác phẩm của bà là bài thơ "Lấy chồng chung". Bài thơ đã khắc họa rõ nét phận nữ nhân luôn phải chịu thiệt thòi, bởi sự khắt khe của tư tưởng phong kiến ăn sâu "trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng". Hãy cùng tìm hiểu xem hình ảnh người phụ nữ chịu cảnh chồng chung phải trải qua những gì.

    Mở đầu bài thơ là một lời chửi, một nỗi niềm bức xúc đau thương không kiềm nén được, buộc phải thốt ra thành lời chứ không đủ sức nuốt lệ vào trong để chịu đựng nữa. Tuy nhiên đối tượng bị chửi đó không cụ thể là ai mà chỉ chửi hoàn cảnh đưa đẩy cho số kiếp má hồng truân chuyên đau khổ, rơi vào cảnh chung chồng:

    "Chém cha cái kiếp lấy chồng chung".

    Tiếp theo là sự lý giải tại sao phải thốt lên sự bất bình đó:

    "Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng".

    Một sự so sánh vô cùng thực tiễn và rất ư rõ ràng trong sự đối lập. Một người được "đắp chăn bông", nghĩa đen là giấc ngủ thoải mái ấm áp, điều kiện sống dư dả về vật chất. Nghĩa bóng là một người đang được chồng thương yêu nên có mọi thứ. Trái ngược là "kẻ lạnh lùng". Lạnh lùng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Một người được thương yêu thì người kia phải gánh chịu sự ghẻ lạnh, ruồng rẩy của ông chồng, chứ xưa nay mấy ai được cảnh thương đồng như nhau. Một người được chăn bông ấm áp thì người kia phải chịu sự rét buốt của tiết trời và cả sự giá rét trong tâm hồn vì mình không còn được chồng yêu thương nữa. Tình yêu thương giờ đã dành cho người mới.

    Sự phân biệt rạch ròi giữa kẻ đang thịnh sủng và kẻ bị thất sủng:

    "Năm thì mười họa chăng hay chớ,

    Một tháng đôi lần có cũng không."

    Nỗi lòng của phận đàn bà chung chồng được nữ sĩ lột tả bằng hình ảnh rất chân thực, giản dị nhưng đau lắm, khắc khoải cô đơn lắm. Chồng chung nên tình yêu cũng phải chung, cũng phải bị chia sẻ như chia sẻ ông chồng. Có chồng mà cũng như không vì lẽ "năm thì mười họa, một tháng đôi lần' mà" chăng hay chớ "với" có cũng không'. Người vợ này phải chịu cảnh gối chiếc chăn đơn, cô phòng quạnh quẽ, nằm nghe tim giá buốt, lệ đọng bờ mi trong khi chồng đang vui vẻ trao yêu thương cho người vợ khác. Nữ sĩ sử dụng thành ngữ dân gian rất phù hợp và đắc địa, điều đó nhấn mạnh và phản ánh sự lẻ loi cô độc trong chính tâm hồn của bản thân mình dù mang tiếng có chồng.

    Nỗi đau càng đưa lên cao trào, tột độ khi phải:

    "Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,

    Cầm bằng làm mướn, mướn không công".

    Sự cơ cực bi thương được nữ sĩ sử dụng những thành ngữ "cố đấm ăn xôi", "làm mướn không công" để lột tả. Chính cách dùng từ rất đắc này đã mang lại hiệu quả, nhấn mạnh, đánh vào hủ tục, lề lối lạc hậu của phong kiến bao đời như những xiềng xích gông cùm trói chặt người phụ nữ vào tam tòng, tứ đức. Dù bị rẻ khinh, ruồng rẩy cũng phải làm tròn phận vợ hiền, chăm lo gia đình, giữ tròn tứ đức. Thật là cảnh sống lay lắt, đau khổ, nuốt lệ vào trong chứ không được bày tỏ cùng ai, càng không được cư xử tệ, càng không được vuốt ve xoa dịu nỗi đau của bản thân, phải tự vượt qua, tự vươn lên. Nhưng bản thân đã "cố đấm ăn xôi", đã "làm mướn không công" rồi mà vẫn chưa vừa, vẫn phải chịu cảnh "xôi lại hẩm". Hoàn cảnh bi thương chịu sự rẻ rúng lạnh lùng đã đành cam cho số phận, cũng cố mà lây lất qua ngày đoạn tháng để yên thân; có ngờ đâu éo le ngang trái, an phận cũng không được, vẫn phải chịu hành hạ về tinh thần, phải vén khéo trong ngoài dù trong lòng tan nát.

    Vì những đớn đau phải chịu của kiếp chồng chung mà cuối cùng khi nỗi đau đã lên tột độ, đã đạt cao trào, nữ sĩ phải khẳng định:

    "Thân này ví biết dường này nhỉ,

    Thà trước thôi đành ở vậy xong."

    Người phụ nữ này thà chịu miệng đời dị nghị, chịu mang tiếng không chồng còn hơn lỡ bước đưa chân vào cảnh đau thương, có hối hận cũng muộn màng. Hai câu kết cũng lột tả nỗi niềm ai oán, sự bất lực cho hoàn cảnh hiện tại của bản thân, dẫu biết chồng chất nỗi đau nhưng cũng đành ôm cay đắng mà sống tiếp chứ không còn lối thoát nào cả, không mong lúc nào được tháo cũi xổ lồng, thật bi đát lắm thay! Ca dao cũng đã miêu tả:

    "Bây giờ em đã có chồng,

    Như chim vào lồng như cá cắn câu.

    Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,

    Chim vào lồng biết thuở nào ra."

    Ai mang kiếp chung chồng đều chịu cùng một hoàn cảnh như vậy. Khoảnh khắc chồng yêu thương thì ít mà chịu phũ phàng cay đắng lại không sao kể xiết. Hồ Xuân Hương đã nói thay tiếng lòng của đại đa số phụ nữ thời bấy giờ bằng chính hoàn cảnh trái ngang của bản thân, bằng những lời lẽ thanh tao nhưng thấm thía và hiện thực. Không ai hiểu rõ bằng người trong cuộc, không ai thấu tỏ nỗi đoạn trường bằng chính bản thân mình trải nghiệm. Nỗi ai oán, sự bi thương được cô đọng lại đầy ý nghĩa, chỉ qua bài thơ thất ngôn bát cú nhưng đã đủ vẽ nên một bức tranh sinh động, kể một câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ trót má hồng phận bạc. Bài thơ thốt lên lời ai oán cho một thời đại phong kiến đẩy thân phận phụ nữ xuống đáy xã hội, họ phải chịu phục tùng và số phận cũng bị quyết định bởi cha, bởi chồng chứ không tự mình có thể sống theo ý mình được. Thật không ngoa khi nữ sĩ được mệnh danh là "Bà chúa thơ nôm" trên văn đàn thời bấy giờ. Với sự vận dụng tuyệt vời những thành ngữ, câu nói dân gian rất gần gũi với đời sống: Năm thì mười họa, cầm bằng, dường này.. nữ sĩ đã phản ánh một cách chân thực xã hội phong kiến đã đẩy bao kiếp người phụ nữ vào cảnh chồng chung đầy bi thương. Bài thơ đã khép lại nhưng vẫn văng vẳng bên tai tiếng khóc nghẹn ngào, lời oán than khôn nguôi của những ai chịu cảnh chung chồng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng tư 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...