Phân tích khổ 1 bài thơ Viếng Lăng Bác - Viễn Phương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nắng2601, 17 Tháng năm 2022.

  1. nắng2601

    Bài viết:
    12
    [​IMG]

    Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh

    Phân tích khổ 1 bài thơ Viếng lăng Bác - Viễn Phương


    Bài làm

    Bác Hồ luôn là đề tài muôn thuở trong thơ ca của Việt Nam. Người là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ, nhà văn thể hiện tài năng trong các tác phẩm của mình. Có thể nói, Bác chính là hình ảnh đẹp nhất, ngời sáng nhất trong thơ ca Việt Nam. Không ít tác phẩm viết về Người, viết về những cuộc viếng thăm, gặp gỡ Người, nhưng có lẽ, cảm xúc nhất trong những tác phẩm đó là "Viếng lăng Bác" của nhà thơ Viễn Phương. Bài thơ là nỗi niềm của một người con ở tận miền Nam xa xôi được trở ra thăm Bác sau ngày Bác đi xa.

    Viễn Phương là một nhà thơ xuất hiện khá nhiều trong dòng văn học Cách mạng ở miền Nam từ những ngày còn trong thời gian chiến đấu. Nhưng tác phẩm "Viếng lăng Bác" có lẽ là tác phẩm thành công nhất của ông khi viết về Bác Hồ. Cả bài thơ chứa đựng trong đó là nỗi niềm đau xót, là sự xúc cảm chân thành dành cho vị Cha già của dân tộc của một người con nơi phương xa được trở về thăm. Mở đầu bài thơ, tác giả đã mở lời chào giới thiệu với chúng ta, với Bác Hồ kình yêu rằng:

    "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác"

    Mở đầu bài thơ chúng ta đã thấy tác giả dành cho Bác một sự kính trọng vô cùng thiêng liêng. Tác giả xưng là "Con và Bác" cách xưng hô thể hiện sự ngọt ngào thân thương rất Nam Bộ dành cho Bác. Trong cách xưng hô ấy chúng ta cũng thấy được sự kính trọng và yêu thương của tác giả. Đồng thời cũng thể hiện sự gần gũi kính yêu đối với Bác. Cách gọi ấy tưởng chừng như rất bình thường, nhưng với Viễn Phương, nó vẫn mang sắc thái tình cảm riêng, bởi ông là người con của miền Nam, miền Nam anh dũng chiến đấu, miền Nam trong trái tim Bác. Nào ngờ đất nước đã thống nhất, Nam Bắc đã sum họp một nhà, ấy vậy mà Bác không còn nữa. Và cũng ở ngay dòng thơ đầu tiên chúng ta cũng có thể thấy được sự tinh tế của tác giả trong việc dùng từ. Viễn Phương đã dùng từ "thăm" thay vì từ "viếng" để giảm nhẹ nỗi đau thương mà vẫn không che giấu được nỗi xúc động của cảnh từ biệt sinh li. Và câu nói ấy cũng như lời tự sự của nhà thơ rằng con, một người ở miền Nam xa xôi về thăm người cha kính yêu, thăm nơi Bác nghỉ. Nỗi đau như cố giấu mà giọng thơ vẫn có gì ngậm ngùi.

    Cũng giống như Viễn Phương thì đã có rất nhiều tác giả đã ghé qua thăm lăng Bác, mỗi nhà thơ sẽ để lại những cảm xúc riêng, những cảm xúc chân thật nhất và lòng kính yêu dành cho Bác. Giống như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:


    "Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

    Miền Nam mong Bác nỗi mong cha"

    Qua hai dòng thơ trên chúng ta cũng thấy được Tố Hữu và Viễn Phương đều có những tình cảm kính trọng dành cho Bác và mỗi nhà thơ sẽ thể hiện theo cách nhớ riêng. Tố Hữu viết về ân nghĩa nặng sâu giữa Bác và miền Nam thân thương bằng những câu thơ tràn đầy tình nghĩa. Còn với Viễn Phương chúng ta lại thấy sự mộc mạc giản dị đơn thuần của một người con ở đất niềm Nam xa xôi mong ước được đến thăm lăng Bác.

    Không những xúc động khi được ra viếng lăng Bác nhà thơ Viễn Phương cũng rất ấn tượng với hàng tre quanh lăng Bác:


    'Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

    Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

    Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng'

    Như chúng ta cũng đã biết hình ảnh dân tộc Việt Nam ta qua bao nhiêu năm chiến đấu luôn gắng liền với lũy tre làng, hàng tre xanh thắm vững chãi như ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Và giờ đây khi bác đi thì bao quanh Bác vẫn là hình ảnh của làng tre ấy, như Bác đang đứng trong nhân dân, luôn là niềm hy vọng điểm tựa và là ngọn đuốc soi sáng đường đi cho dân tộc ta. Hiện lên trong sương khói quảng trường Ba Đình lịch sử là hình ảnh hàng tre xanh bát ngát. Hàng loạt các từ láy miêu tả dáng đứng vững vàng của hàng tre trong mưa sa bão táp. Ai đã từng một lần vào viếng lăng Bác đều thấy nơi đây hội tụ hàng trăm loài cây cỏ quý giá cùng biết bao viên đá hoa cương cẩm thạch. Nhưng tác giả lại bị cuốn hút hơn bởi hình ảnh hàng tre. Tre bao đời này đã trở thành biểu tượng của con người Việt Nam, hàng tre bao trùm bóng mát rượi, lên bao thế hệ cuộc đời, tre có mặt xung quanh trong cuộc sống của người dân, tre tham gia vào cuộc kháng chiến cùng người dân "tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre giữ làng giữ nước giữ mái nhà tranh giữa đồng lúa chín" (Thép Mới). Tre mang bao phẩm chất của con người Việt Nam: Mộc mạc, thanh cao, ngay thẳng bất khuất. Dấu hiệu hàng tre đầu tiên ở nơi Bác cũng là dấu hiệu của dân tộc Việt Nam. Bởi Bác cũng chính là biểu hiện Việt Nam, tiêu biểu cho con người Việt Nam hơn bao giờ hết.

    Hàng tre xanh ấy được trồng xung quanh lăng Bác như muốn thay cả dân tộc Việt Nam canh giấc ngủ ngàn thu cho Người, thổi làn gió mát vào lăng, đưa những khúc nhạc du dương vào giấc ngủ của Người. Để Người tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc nhất định giải phóng miền Nam. Và hôm nay những người con miền Nam ruột thịt đã ra thăm Người – vị cha già kính yêu của dân tộc.

    Hàng tre trước mắt Viễn Phương hiện lên "bát ngát". Không phải bất cứ từ nào khác mà lại là "bát ngát" tạo cho người đọc như cảm thấy sự cao lớn, sự mênh mông, rộng lớn của những hàng tre bao quanh lăng của Người. Ấn tượng đó của nhà thơ chợt chuyển thành một sự cảm thán. Thán từ "Ôi" là từ cảm thán đứng ở đầu câu, đã biểu hiện xúc động pha lẫn niềm tự hào khôn xiết của tác giả. Niềm tự hào về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đầy vĩ đại lớn lao. Về Người cha đã làm nên lịch sử của dân tộc. Trong cái nhìn xúc động của nhà thơ, hàng tre vừa thực, vừa ảo, lung linh trong tâm tưởng. Hàng tre ấy cũng là hình ảnh cây cối mang màu đất nước tụ về đây giữ giấc ngủ bình yên cho Người. Hàng tre như những chiến sĩ đang canh giấc cho Bác. Đó cũng là hình ảnh của dân tộc kiên cường, bất khuất, gắn bó, trung thành bên Bác. Hình ảnh hàng tre như khúc dạo đầu đã nói lên bao xúc động, bồi bồi của nhà thơ khi đến bên lăng Người.

    Chỉ với bốn dòng thơ ngắn ngủi nhưng chứa đầy cảm xúc, lòng yêu mến kính trọng của tác giả dành cho Bác. Qua những dòng thơ ấy chúng ta cũng mườn tượng được một phần nào khung cảnh xung quanh lăng Bác. Đồng thời cũng giúp người đọc hình dung được cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác. Đó cũng là cảm xúc của nhân dân ta khi đứng trước lăng Bác, đứng trước người cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

    Như vậy, với khổ thơ mở đầu bài thơ Viễn Phương đã đưa người đọc đến với những ấn tượng đầu tiên khi vào lăng Bác: Đó là hình ảnh hàng tre. Ai chưa từng đến thăm lăng Bác cũng cảm nhận được hàng tre ấy qua những dòng thơ đầy xúc cảm gần gũi của nhà thơ. Thông qua đó bộc lộ niềm tự hào về người con của dân tộc Việt Nam.
     
    Channnh thích bài này.
    Last edited by a moderator: 17 Tháng năm 2022
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...