Phân tích điểm đặc sắc trong chế định hôn nhân gia đình của bộ Quốc triều hình luật

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mayla, 13 Tháng sáu 2023.

  1. Mayla

    Bài viết:
    5
    MỞ ĐẦU

    "Quốc triều hình luật" ra đời trong triều đại nhà Hậu Lê (sơ kỳ) – thời kỳ đất nước ta đạt đến đỉnh cao của chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Các vua đầu triều đã sớm có ý thức xây dựng những quy định, và luật lệ để quản lý các vấn đề trong nước nhưng đỉnh cao của quá trình xây dựng hệ thống luật pháp của nhà Lê nhất chính là việc ban hành QTHL (còn gọi là "Bộ luật Hồng Đức" hoặc "Lê triều hình luật") dưới triều Lê Thánh Tông năm 1483. QTHL là một bộ luật có tính chất tổng hợp, phạm vi điều chỉnh rất rộng và được xây dựng dưới dạng hình sự, áp dụng chế tài hình luật. Mặc dù được xây dựng trên cơ sở bộ luật của nhà Đường nhưng các nhà làm luật đã phát triển nó một cách độc đáo rất riêng. Trong đó, nội dung về chế độ hôn nhân gia đình đã thể hiện tư tưởng tiến bộ, những nét đặc sắc của các vua Lê nói riêng và xã hội Việt Nam bấy giờ nói chung. Để làm rõ những nét đặc sắc trên em đã chọn đề tài "Phân tích điểm đặc sắc trong chế định hôn nhân gia đình của bộ Quốc triều hình luật" .

    NỘI DUNG

    I. Những nét đặc sắc trong chế định hôn nhân của bộ Quốc triều hình luật

    Về chế độ hôn nhân, bộ QTHL đã đề cao giá trị và tôn trọng người phụ nữ hơn so với quy định trong Đường luật sớ nghị - bộ luật của nhà Đường (Trung Quốc), thể hiện ở một số điểm sau:

    1. Người con gái được quyền từ hôn khi có lí do chính đáng

    Trong xã hội phong kiến nói chung, chế độ hôn nhân không tự do, hôn nhân của con cái là do cha mẹ sắp đặt với mục đích trước tiên là vì quyền lợi của gia đình, dòng họ. Theo quan điểm Nho giáo địa vị người con gái luôn ở vị trí thấp kém ngay từ khi mới bắt đầu xác lập hôn nhân. Tuy nhiên pháp luật thời Lê đã khéo léo bổ sung thêm quyền lợi cho người con gái để phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc là xác định vị trí quan trọng của người phụ nữ trong gia đình. Do đó trong bộ QHTL đã có những điều khoản tiến bộ bảo vệ người con gái ngay từ khi chuẩn bị bước chân về nhà chồng.

    Theo như Điều 322 quy định: "Con gái hứa gả chồng mà chưa thành hôn, nếu người con trai bị ác tật hay phạm tội hoặc phá tán gia sản thì cho phép người con gái được kêu quan mà trả đồ sính lễ" [1] . Người con trai cũng có quyền từ hôn nếu người con gái bị ác tật hay phạm tội. Đây là quan điểm tiến bộ của nhà lập pháp triều Lê cho phép người con gái có quyền từ hôn ngang bằng như con trai. Quy định này khác xa với pháp luật nhà Đường chỉ quy định hình phạt cho bên nhà gái, cấm quyền từ hôn của người con gái, nếu người con gái vi phạm thì bị phạt 60 trượng.

    2. Người vợ có quyền xin li hôn trong một số trường hợp

    Ngoài quy định về việc người chồng được phép "ruồng rẫy" li hôn người vợ một cách bất bình đẳng thì người vợ cũng có quyền xin li hôn trong hai trường hợp: Trường hợptheo Điều 308: "Phàm chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ" ; và trường hợp theo Điều 333: "Nếu con rể lấy chuyện phi lí mà mắng nhiếc cha mẹ vợ, đem việc thưa quan sẽ cho li dị" [2] . Quy định về quyền li hôn của người vợ là điểm độc đáo của pháp luật nhà Lê.

    Pháp luật cũng bảo vệ quyền của người vợ sau khi li hôn. Điều 308 QTHL quy định: ".. Nếu đã bỏ vợ mà lại ngăn cản người khác lấy vợ cũ thì phải tội biếm". Bên cạnh đó, các nhà làm luật đã kế thừa các quy định về chế tài Thất xuất và Tam bất khứ của pháp luật Trung Hoa để bảo vệ và đề cao người phụ nữ và lần đầu tiên trong QTHL thiện chính thư. Nếu người vợ thuộc một trong ba điều Tam bất khứ thì dù có phạm phải Thất xuất (trừ tội gian dâm) thì chồng không được bỏ vợ: Một là, người vợ để tang nhà chồng 3 năm; hai là, khi lấy nhau nghèo, về sau giàu có; ba là, khi lấy nhau có bà con, lúc bỏ nhau không còn bà con để trở về. Sự kế thừa này đã thể hiện tính nhân đạo, bản chất bác ái của người Việt Nam, đồng thời cũng là sự quan tâm tới số phận của người phụ nữ. Như vậy, có thể nói chế định pháp lý về quan hệ vợ chồng trong QTHL đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đặc biệt là trong việc xác lập quyền, vị thế tương đối bình đẳng giữa vợ và chồng, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người vợ.

    3. Bộ luật thừa nhận người vợ có quyền sở hữu đối với tài sản riêng và đồng sở hữu tài sản chung với chồng

    QTHL là bộ luật đầu tiên quy định các khối tài sản của vợ chồng. Điểm đặc sắc này thể hiện qua các quy định tại Điều 374: ".. Nếu điền sản là của chồng và vợ trước làm ra, thì chia làm hai phần, vợ trước và chồng mỗi người một phần, phần của vợ trước thì để riêng cho con, còn phần chồng lại chia như trước. Nếu điền sản là của chồng và vợ sau làm ra, thì cũng chia làm hai phần, chồng và vợ sau mỗi người một phần, phần của chồng thì chia như trước, còn phần của vợ sau thì được nhận làm của riêng.." và Điều 375: ".. còn điền sản của vợ chồng làm ra thì chia làm hai, vợ chồng mỗi người được một phần; phần của vợ được nhận làm của riêng.." [3] .

    Sự quy định thành phần khối tài sản chung, riêng rõ ràng của vợ chồng là điểm rất tiến bộ và độc đáo của pháp luật nhà Lê và nó vẫn được tiếp thu trong việc xây dựng pháp luật hiện nay. Việc chia đôi khối tài sản chung chứng tỏ rằng sự đóng góp của người vợ vào khối tài sản chung là ngang bằng với người chồng. Sự bình đẳng tương đốinày còn thể hiện ở quyền định đoạt tài sản chung. Như vậy địa vị pháp lý của người vợ được cải thiện hơn hẳn so với các quan niệm Nho giáo qua việc thừa nhận quyền bình đẳng về tài sản giữa vợ và chồng.

    Quyền sở hữu và định đoạt đối với tài sản riêng thể hiện tại Điều 376: "vợ chồng đã có con, nếu một người chết trước sau đó con cũng lại chết thì điền sản thuộc về chồng hay vợ..", nếu vợ chết trước thì "điền sản của vợ chia làm ba, để cho chồng hai phần, cho người họ (người thừa tự) một phần" . Tài sản riêng của vợ chồng là những tài sản của mỗi bên vợ chồng có trước khi kết hôn, do được thừa kế từ gia đình mỗi người. Sự thừa nhận quyền sở hữu tài sản riêng cũng là một điểm tiến bộ của QTHL mà ta không thể tìm thấy trong pháp luật phong kiến Trung Quốc. Có sự khác biệt đó là do ở Trung Quốc con gái không có quyền thừa kế tài sản mà chỉ có của hồi môn khi đi lấy chồng còn ở Việt Nam thì quyền thừa kế của con trai và con gái là như nhau, thậm chí con gái có thể thừa kế hương hỏa.

    4. Nét đặc sắc trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng

    Trong pháp luật Trung Hoa và Hoàng Việt luật lệ có các quy định về nhân thân giữa vợ và chồng nhưng Q lại quy định nhiều hơn, thể hiện tương đối quyền bình đẳng giữa vợ và chồng. Cụ thể, người chồng không được tuỳ tiện đánh đập, đối xử tàn bạo đối với vợ. Hành vi đánh vợ của người chồng vẫn bị xử lý theo pháp luật nhưng với mức phạt thấp hơn ba bậc so với các trường hợp phạm tội thông thường khác. Chồng có ý giết vợ thì chỉ được giảm tội một bậc. Chồng đánh chết vợ là bất mục - một trong mười tội nặng nhất trong xã hội phong kiến (Điều 482).

    Trong việc duy trì và bảo vệ chế độ đa thê, pháp luật nhà Lê đã dành cho vợ quyền thưa kiện trong trường hợp chồng vi phạm trật tự thê thiếp. Điều 309: "Ai lấy nàng hầu lên làm vợ thì xử tội phạt; vì quá say đắm nàng hầu mà thờ ơ với vợ thì xử tội biếmphải có vợ thưa mới bắt tội"; có nghĩa là nếu người vợ không thưa kiện thì hôn nhân sau, mặc dù vi phạm trật tự thê thiếp vẫn có giá trị. Trong khi đó theo pháp luật nhà Đường thì người chồng vẫn bị phạt kể cả khi người vợ không thưa kiện. Như vậy, nhà làm luật thời Lê đã rất đề cao tập quán tôn trọng tình nghĩa vợ chồng, cho phép các thành viên tự cư xử, tự duy trì trật tự trong gia đình, và người vợ cũng được bình đẳng tham gia vào mối quan hệ đó. Trong việc thực hiện nghĩa vụ đồng cư, người chồng cũng phải có trách nhiệm. Nghĩa vụ này chỉ có ý nghĩa khi cả hai vợ chồng cùng thực hiện. Nếu chỉ có người vợ thực hiện thì cũng không thể đảm bảo được lợi ích của gia đình.

    Quốc triều hình luật có những quy định về hình phạt đối với những người đàn ông khi có hành vi gian dâm hay thông gian. Điều 401 quy định: "Gian dâm với vợ người khác thì bị xử tội lưu hay tội chết; với vợ lẽ người khác thì bị giảm một bậc..". Theo điều 405 QTHL "Thông gian với vợ người, thì xử phạt 60 trượng..". Sự trừng phạt này vừa có tác dụng bảo vệ quyền lợi của gia đình, của người vợ, vừa ngăn chặn những hành vi đó trong tương lai.

    II. Những nét đặc sắc trong chế định gia đình của bộ Quốc triều hình luật

    Gia đình trong chế độ phong kiến là gia đình gia trưởng phụ hệ có quy mô nhỏ chỉ 4 thế hệ, trong khi đó ở Trung Quốc là 9 thế hệ. Trên bình diện pháp lý, khái niệm gia đình tức là các quan hệ giữa các thành viên trong gia đình gồm các quan hệ nhân thân và các quan hệ tài sản[4] .

    Trong quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, pháp luật nhà Lê không phân biệt con trai - con gái. Theo như quy định tại Điều 388: "Cha mẹ mất cả, có ruộng đất, chưa kịp để lại chúc thư, mà anh em tự chia nhau, thì lấy 1/20 số ruộng đất làm phần hương hỏa, giao cho người con trai trưởng giữ, còn thì chia nhau" ;Điều 391: "người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng" [5] ; cả con trai lẫn con gái đều có quyền hưởng phần thừa kế như nhau trừ trường hợp có di chúc. Việc thừa nhận quyền bình đẳng giữa con trai và con gái trong việc chia thừa kế là một điểm tiến bộ mới xuất hiện lần đầu trong QTHL.

    QTHL còn quy định cha mẹ, người thân không được bán tài sản của con, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt. Điều 377 quy định: "Khi chồng chết, con còn nhỏ, mẹ đi cải giá, mà lại đem bán điền sản của con, thì xử phạt 50 roi.. trả ruộng cho con..". Điều 379: "Ông bà cha mẹ chết cả, mà người trưởng họ bán điền sản của con cháu không có lý do chính đáng thì bị xử phạt 60 trượng.."

    Trong quan hệ đối với con nuôi làm nảy sinh một loại quan hệ trong gia đình. Theo các điều 380, 381 và một số điều khoản khác đã điều chỉnh mối quan hệ này như: Nhận con nuôi phải làm văn tự; con nuôi từ nhỏ và ở với cha mẹ thì được xem như con đẻ; con nuôi vi phạm nghĩa vụ với cha mẹ nuôi thì bị phạt nhẹ hơn so với con đẻ (Điều 506). Con nuôi cũng được chia điền sản nếu được chứng nhận– có văn tự. Nếu người trưởng họ chia điền sản ấy không đúng phép thì bị phạt.

    III. Nguyên nhân tạo nên những nét đặc sắc trong QTHL

    Thứ nhất, QTHL được xây dựng trong thời kỳ chế độ phong kiến phát triển rực rỡ nhất, nhà nước không chỉ bảo vệ địa vị thống trị và quyền lọi của giai cấp phong kiến mà còn đại diện cho lợi ích của cả cộng đồng dân tộc nhân dân. Nhà làm luật đã nhìn rõ nguồn gốc bình dân và ý thức sức mạnh nhân dân, gia đình là phần tử cấu thành nên dân tộc, người trong gia đình không bị áp bức thì gia đình mới phát triển, gia đình phát triển thì dân tộc mới mạnh.

    Thứ hai, nhà làm luật triều Lê có trình độ kĩ thuật làm luật cao, có sự nhìn nhân đúng đắn về đặc điểm xã hội Đại Việt và phong tục tập quán của người Việt lúc bấy giờ đồng thời ý niệm rằng luật pháp của nhà nước chỉ có hiệu lực và hiệu quả thực tế khi phù hợp với xã hội và con người Việt.


    KẾT LUẬN

    QTHL đã thể hiện phong tục tập quán rất riêng của nước ta, nó là một thành quả bất hủ mà đến bây giờ giá trị của nó được xem như di sản quý báu của ông cha ta để lại. Mặc dù vẫn tồn tại nhiều hạn chế như các quy định vẫn thiên về bảo vệ quyền gia trưởng của người chồng nhưng những quy định tiến bộ trong chế định hôn nhân và gia đình vẫn còn nguyên tính thời sự mà chúng ta phải học tập. Một số quy định của QTHL đã được kế thừa, ghi nhận trong pháp luật hiện hành. Đây là một giá trị quý báu mà chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu và phát triển.

    [1] Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê) (2013), NXB Tư pháp, Hà Nội, tr. 150

    [2] Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê) (2013), NXB Tư pháp, Hà Nội, tr. 154

    [3] Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê) (2013), NXB Tư pháp, Hà Nội, tr. 168 - 169

    [4] Giáo trình Lịch sử và nhà nước pháp luật Việt Nam (2017), NXB Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 218

    [5] Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê) (2013), NXB Tư pháp, Hà Nội, tr. 178
     
    Dương2301 thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...