Cảm nghĩ về lòng biết ơn. Từ cổ chí kim, ông cha ta đã luôn dạy bảo con cháu đời sau những bài học làm người đáng quý, một trong số đó không thể thiếu bài học về lòng biết ơn. "Con người có tổ có tông Như cây có cội như sông có nguồn". Chỉ vỏn vẹn qua hai câu thơ trên, ông cha ta đã truyền đạt hết tâm tư, khắc sâu trong tâm trí thế hệ sau một lòng biết ơn sâu sắc. Thật vậy ai sinh ra trên cõi đời này cũng đều có tổ tiên ông bà, cũng có gốc gác nguồn cội, không một ai tồn tại trên đời này mà không có đấng sinh thành. Đó đã là một sự thật hiển nhiên, không thể chối bỏ, cũng như cây thì phải có cội, sông thì phải có nguồn. Lòng biết ơn không phạm vi ở một khía cạnh là biết ơn với cha mẹ, mà nó còn mở rộng ra rất nhiều mặt trong đời sống. Cha mẹ là người sinh thành, nuôi nấng ta nên người, vất vả hy sinh cả một đời để đổi lấy nụ cười hạnh phúc cho chúng ta ngày nay, thì tất nhiên yêu quý, kính trọng, biết ơn cha mẹ đã là một nghĩa vụ mà người con nào cũng cần có, đó đã là định luật bất di bất dịch. Thế nhưng bên cạnh cha mẹ, ta còn có nhiều người để ta tỏ lòng biết ơn. Không ai khác đó chính là thầy cô, người đã cho ta những nét chữ nét nghĩa đầu đời. Thầy cô là những người lái đò thầm lặng, không biết bao nhiêu chuyến đò trí thức đã được thầy cô lèo lái và cập bến thành công. Người ta có câu "Không thầy đố mày làm nên" quả không sai. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì chính thầy cô đã uốn nắn ta nên người, truyền đạt hết những kiến thức bổ ích giúp chúng ta có được hành trang để vào đời. Chính vì thế 20-11 hàng năm đã có ngày nhà giáo Việt Nam để những người học trò tỏ lòng biết ơn, tri ân đến thầy cô. Ngoài ra trong đời sống ta còn tỏ lòng biết ơn đối với người đã tạo ra vật chất mà ta đang có. Có được hòa bình như ngày hôm nay ta phải biết ơn đối với cha anh, những người nằm xuống, những người đã hy sinh xương máu của mình để đổi lấy hai từ yên bình cho đất nước. Khi chúng ta ăn cơm thì chúng ta phải biết quý trọng, thầm cảm ơn đối với những bác nông dân đã rơi mồ hôi trên ruộng đồng để có bát cơm thơm ngọt hàng ngày cho chúng ta. Còn rất nhiều rất nhiều người khác mà chúng ta cần cảm ơn họ. Vì thế phải nuôi dưỡng lòng biết ơn để sau này có thể tự hào truyền đạt lại cho thế hệ đàn em, tiếp lửa cho các em sau này cũng biết giữ gìn giá trị truyền thống mà cha ông ta đã lưu truyền cho đến ngày nay. Lòng biết ơn là đức tính tốt mà mỗi người cần phải trang bị cho mình, dù bạn có thân phận, địa vị như thế nào trong xã hội đi chăng nữa thì lòng biết ơn cũng không thể thiếu. Nó góp phần xây dựng nhân cách tốt đẹp của chúng ta. Muốn trở thành một con người hướng tới chân, thiện, mỹ thì không thể nào thiếu lòng biết ơn được.