NLVH: Phân tích 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí - NV9

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 14 Tháng một 2023.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Phân tích 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí - Chính Hữu

    Quê hương anh nước mặn, đồng chua

    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá


    Anh với tôi đôi người xa lạ

    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

    Súng bên súng, đầu sát bên đầu

    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

    Đồng chí!

    [​IMG]

    Bài thơ "Đồng chí" là một trong những thành công của văn học Việt Nam thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được Chính Hữu sáng tác vào mùa xuân năm 1948 khi ông vừa cùng đồng đội tham gia chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947. Khổ thơ đầu của bài thơ đã khắc họa đầy đủ, sâu sắc những cơ sở hình thành nên tình đồng chí – thứ tình cảm mới mẻ và cao đẹp nảy sinh giữa những anh bộ đội cụ Hồ. Mở đầu bài thơ, tác giả viết:

    "Quê hương anh nước mặn đồng chua

    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá"

    Quê hương của "anh" và "tôi" được tái hiện vô cùng chân thực: "Anh" đi từ vùng "nước mặn đồng chua", là vùng đồng bằng chiêm trũng, đất nhiễm phèn khó làm ăn, "tôi" từ miền "đất cày lên sỏi đá", nơi đồi núi, trung du cằn cỗi, bạc màu, đất khó canh tác. Hình ảnh thơ sóng đối qua phép đối một cách khéo léo: "Quê hương anh" với "làng tôi", "nước mặn đồng chua" với "đất cày lên sỏi đá." đã diễn tả sự tương đồng cề cảnh ngộ xuất thân của những người lính. Họ đều là người nông dân bước ra từ những luống cày, từ những vùng quê lam lũ nghèo khổ. Họ có chung một giai cấp, chung những nỗi lo âu về con trâu thửa ruộng, về thóc giống mùa màng. Từ ngữ thơ rất cô đọng và hàm súc, vì dưới con mắt của những người dân làng quê VN, hai hình ảnh làng quê dù chỉ là những danh từ chung nhưng nó đặc trưng và gợi ra nhiều đặc điểm cụ thể dễ nhận biết của từng vùng miền. Phải chăng sự đồng cảnh ấy là cơ sở đầu tiên cho tình cảm của những người lính? Có lẽ ai trong chúng ta khi quen biết một bạn mới là người đồng hương hay có hoàn cảnh xuất thân giống với mình cũng sẽ thấy chút gần gũi và thân thuộc. Còn với Chính Hữu, quê nhà thơ ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, là nơi "có hai loại địa hình là đồng bằng và bán sơn địa, nhận sự bồi đắp của sông La tạo nên vùng quê trù phú, có non nước hữu tình và nhiều thắng cảnh đẹp.", khác với vùng đất ngập mặn hay miền trung du. Vậy nên nói về "anh", nói về "tôi" chính là tất cả những gì Chính Hữu thấu hiểu và cảm nhận được từ những người lính. Hai câu thơ như những lời thủ thỉ, tâm sự mà những người lính dành cho nhau khi họ tự hào giới thiệu về mảnh đất quê mình. Họ đến từ những "phương trời" xa xôi, hẻo lánh, "người không nuôi nổi đất, đất không nuôi nổi người" (Chế Lan Viên), song vì nghe theo tiếng gọi của non sông, họ đều bỏ lại cuốc cày để gặp nhau trong quân ngũ. Cuộc gặp gỡ ấy được tác giả kể lại một cách giản dị mà xúc động:

    "Anh với tôi đôi người xa lạ

    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau"

    Cách mạng của nước ta lúc bấy giờ là vận hội đổi đời của những người nông dân. "Chẳng hẹn quen nhau", những người lính gặp nhau như một cái duyên tình cờ. Từ sự xa lạ ban đầu, họ quen nhau, hội tụ về một đội ngũ và gắn bó với nhau. Lời thơ mộc mạc, dung dị, đậm chất khẩu ngữ. "Anh với tôi" đứng chung một dòng thơ, kết hợp với danh từ chỉ đơn vị "đôi" khiến họ trở nên gắn kết mật thiết, không thể tách rời, như báo trước một tình cảm nảy nở, khăng khít trong chiến đấu:

    "Súng bên súng, đầu sát bên đầu

    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ"

    "Súng" là hoán dụ cho nhiệm vụ chiến đấu, "đầu" biểu tượng cho lí tưởng, suy nghĩ; với mỗi người lính, chúng luôn sát cánh và đi liền với nhau. Bằng phép điệp từ, tác giả đã nhấn mạnh sự gắn kết trọn vẹn cả về lý trí, lý tưởng và mục đích đấu tranh cao cả của người chiến sĩ: Hy sinh vì độc lập tự do của quê hương. Sự gắn kết ấy khiến họ đứng chung một quân ngũ, biến đồng ngũ trở thành cơ sở để tình đồng chí được kết tinh một cách chắc chắn và bền chặt hơn. Vì nếu chỉ dừng lại ở đồng cảnh là người nông dân, họ có thể sẽ là những ông Hai, lão Hạc, không cùng song hàng quân ngũ và trở thành đồng chí. Tình gắn kết giữa họ đã trở nên keo sơn hơn khi họ cùng nhau chia sẻ những khắc nghiệt đời lính.

    "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ"

    Mối tình tri kỉ được biểu hiện bằng hình ảnh cụ thể, giản dị và gợi cảm, đó là "chung chăn" trong đêm giá lạnh. Câu thơ có bút pháp tả thực "đêm rét" khiến ta nhớ đến hình ảnh người chiến sĩ "Rải lá cây làm chiếu. Manh áo phủ làm chăn" trong bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của nhà thơ Minh Huệ. Nhưng vượt qua cái rét khắc nghiệt của thiên nhiên, những người đồng chí đã cùng san sẻ hơi ấm cho nhau, ấm áp và thành thật. Từ Hán Việt "tri kỉ" được đặt cuối câu đầy trang trọng, thiêng liêng và nặng lòng, cho thấy sự gần gũi, hiểu bạn như hiểu mình của những người chiến sĩ. Câu thơ cuối là một câu đặc biệt, chỉ gồm hai tiếng "đồng chí" kết hợp với dấu chấm than thành mọt lời thốt lên đầy xúc động và ngưỡng mooj vê tìn đồng chí mới mẻ xh trong những năm tháng cách mạng và kc. Câu thơ cũng được tg lấy đặt nhan đề, kết tinh đầy đủ chủ đề tp. Nó là tấm bản lề quy định tính quy nạp cho phần thơ 1 và tính diễn dịch cho phần thơ hai, đồng thời là chiếc đòn gánh gánh hai phần thơ đồ sộ trĩu nặng về tư duy và đong đầy về cảm xúc, tạo nên sự duyên dáng rất riêng cho bài thơ. Chữ "đồng" trong câu thơ này là điểm hội tụ lí giải cho "tình đồng chí" : Là đồng cảm, đồng thương, đồng cam cộng khổ. Câu thơ là nơi kết tinh bao tình cảm đẹp: Tình hữu ái giai cấp, tình bạn, tình người trong chiến tranh. Hai tiếng "đồng chí" vừa giản dị, thân mật, vừa cao quý, lớn lao. Quả thực, Cách mạng đã tặng cho người lính một thứ tình cảm thiêng liêng, một báu vật thời đại trân quý.

    [​IMG]
     
    Ưu Đàm Thanh TiLieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...