NLVH: Đánh giá và phân tích truyện thần thoại Sự tích cây lúa/Nữ thần Lúa - Chương trình mới

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lê Kiều Mi, 12 Tháng mười hai 2023.

  1. Lê Kiều Mi

    Bài viết:
    85
    Nữ thần Lúa là một trong những vị thần thuộc thần thoại Việt Nam. Trong nét văn hóa của rất nhiều vùng miền và dân tộc ở Việt Nam đều có xuất hiện hình tượng một nữ thần Lúa đã ban cho họ những "hạt ngọc của đất trời", nuôi dưỡng biết bao thế hệ từ khi sinh ra. Sau đây là bài đánh giá và phân tích truyện thần thoại Sự tích cây lúa, dựa theo yêu cầu của SGK chương trình mới.

    Đánh Giá, Phân Tích Truyện Nữ Thần Lúa

    [​IMG]

    "Việt Nam đất nước ta ơi,

    Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn."

    "Biển vàng" bao la, bạt ngàn thẳng cánh cò bay vốn là biểu tượng và là nét đẹp của con người Việt Nam. Hình ảnh cây lúa gắn liền với người nông dân "một nắng, hai sương" đã làm rung động trái tim biết bao thế hệ. Thế nhưng cây lúa có từ đâu? Xuất hiện từ bao giờ? Đó vẫn còn là một ẩn số. Bởi vậy mà với khát khao chinh phục tự nhiên, lý giải các điều bí ẩn, người xưa sáng tạo ra những thần thoại, truyện cổ tích. Trong đó không thể không nhắc đến "Sự tích cây lúa" chứa đựng bao từ tưởng và mà các tác giả dân gian đã gửi gắm.

    "Sự tích cây lúa" thuộc thể loại thần thoại suy nguyên với nhiều yếu tố nghệ thuật đặc sắc điển hình của một truyện thần thoại.

    Truyện kể rằng: Thuở ấy có một vị nữ thần Lúa rất xinh đẹp, dáng người ẻo lả, tính tình thường hay giận dỗi. Khi này, trần gian đang phải hứng chịu nhiều cơn lũ lụt to khủng khiếp, triền miên. Dù là cây cối hay động vật đều không sống nổi. Con người cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ đó. Chứng kiến tình cảnh vô cùng thê lương, Ngọc Hoàng đã cắt cử cô con gái của mình - nữ thần Lúa, giáng trần cứu thế. Sau khi hạ phàm, nữ thần đã gieo những hạt giống xuống đất, một thời gian sau cây đẻ nhánh, trổ bông và kết hạt. Những cây lúa này khi chín đều tự động tìm đường về nhà. Khi con người cần ăn chỉ cần cho những hạt lúa vào nồi, lúa sẻ tức khắc biến thành hạt cơm trắng phau, no tròn. Một ngày nọ, có một người phụ nữ kia, vì mãi loay hoay, bận bịu nhiều việc mà chưa kịp mở cửa kho, quét dọn sân trước nhà. Khi nữ thần dắt những cây lúa về, nhìn mặt sân vương vãi rác rưới, nữ thần đã vô cùng khó chịu, bước vào tới bên trong gặp người phụ nữ, bà không chỉ nổi nóng với đám lúa mà còn sẵn tay đang cầm cây chổi phang cho một nhác không chút nể nang. Thế là nữ thần và những cây lúa nổi giận. Nữ thần không cho lúa chín tự về nhà nữa mà con người phải xuống tận ruộng để cắt đem lúa về. Lúa sau khi cắt xong cần phải được phơi phóng, sàn sải qua nhiều công đoạn. Nếu con người muốn ăn thì cho lúa và nước vào nồi, bắt lên bếp lửa, một thời gian sau gạo mới có thể chín thành cơm. Về sau, để giảm bớt cực nhọc nên con người đã sáng chế ra nhiều công cụ lao động hữu ích. Nữ thần Lúa vẫn không quên được sự phũ phàng của con người vì vậy mà nhiều lần còn cay nghiệt cấm không cho lúa kết hạt, bởi thế mà có những hạt lúa gọi là lúa lép. Để tránh điều này, sau khi người nông dân thu hoạch mùa màng thường làm lễ cúng hồn Lúa, cũng là cúng thần Lúa. Ngày nay, tại nhiều địa phương ở Việt Nam ta vẫn gìn giữ truyền thống này, hằng năm bà con lại tổ chức lễ hội rất đông vui, rôm rả.

    Qua câu chuyện này ta có thể thấy, cốt truyện được xây dựng không quá cầu kỳ hay nhiều tình tiết phức tạp. Nhưng truyện đã lý giải được nhiều vấn đề như: Nguồn gốc cây lúa, nguồn gốc các nông cụ, hiện tượng lúa lép.. Thể hiện lên được khát khao, mong ước cho người nông dân vơi bớt nỗi vất vả, lúa gạo thì trúng mùa bội thu, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của quá trình sản xuất lao động. Không chỉ vậy, truyện còn đề cao giá trị dân tộc của nhân dân ta.

    Vậy những giá trị dân tộc ấy được thể hiện ở đâu? Đó chính là chi tiết những lễ hội là một phần trong văn hóa người Việt Nam chúng ta đã được nhắc đến. Nếu truyện chỉ đơn giản kết thúc sau những việc làm "cay nghiệt" của nữ thần thì chẳng phải câu chuyện này có thể trở thành thần thoại của nhiều quốc gia khác cũng có nền nông nghiệp lúa nước phát triển sao? Nhưng cái hay của tác giả dân gian ở đây là họ đã tạo ra được "căn cước văn chương" cho tác phẩm, cho mọi người đọc vào đều biết: Đây là thần thoại Việt Nam!

    Sở dĩ, mỗi truyện thần thoại đều cần mang yếu tố dân gian để định vị được nguồn gốc là bởi vì thần thoại luôn mang những nét đặc trưng về không gian và thời gian trong truyện đó là chúng thường không được nêu cụ thể, xác định rõ ràng, chi tiết mà lại được mô tả một cách phiếm chỉ, đề cập một cách khái quát và chung chung.

    Như đối với không gian trong truyện "Sự tích cây lúa", thay vì chỉ rõ một nơi chốn cụ thể, truyện lại dùng từ "trần gian" vốn là có thể bao quát cả thế giới. Còn về thời gian, truyện sử dụng những từ ngữ quen thuộc thường dùng trong các tác phẩm dân gian như "thuở ấy", "khi này".. Và một điều đặc biệt nữa mà câu chuyện đã tuân thủ đó là bản chất tuyến tính của thời gian, các sự kiện trong câu chuyện được sắp xếp luôn đảm bảo mối quan hệ trước - sau, nhân - quả.

    Những đặc điểm về không gian và thời gian như vậy vô cùng thỏa mãn tính chất truyền miệng của một tác phẩm dân gian, khi mà gần như trong quá trình lưu truyền, dân gian cũng chỉ thường tập trung vào nội dung cốt lõi vừa đơn giản lại súc tích, thay vì tập trung vào nhiều chi tiết hay phát triển câu chuyện theo một hướng công phu, sắc sảo

    Truyện cũng đã rất thành công trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật. Nếu bước vào truyện "Thần Trụ Trời", ta có thể bắt gặp một vị thần sở hữu quyền năng vô hạn và sức mạnh cùng tài năng phi thường, có khả năng "qua từ vùng này đến vùng nọ, hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác". Hay trong thần thoại Trung Quốc, có vị Nữ Oa được miêu tả với tầm vóc khổng lồ, sức mạnh vĩ đại:

    "Bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng,

    Ông Tứ Tượng mười bốn con sào."

    Thì đối với nữ thần Lúa trong "Sự tích cây Lúa" lại hoàn toàn ngược lại. Nữ thần được miêu tả bằng những tính từ "xinh đẹp", "ẻo lả", tính tình lại "hay giận dỗi". Hình tượng ấy rất tương đồng với một cô thiếu nữ tuổi đôi mươi. Chứng tỏ, tác giả dân gian đã xây dựng nhân vật một cách rất gần gũi, thân quen giống như sự gắn bó, thân thuộc giữa cây lúa với nhân dân ta.

    Vốn dĩ theo Gorki: "Thần là sự khái quát nghệ thuật của những sự tiến bộ lao động". Quả thật, trong truyện chúng ta có thể thấy, suốt quá trình phát triển nền nông nghiệp lúa nước: Tìm ra, lao động, cải tiến, duy trì. Tất cả đều được nhân dân mượn hình ảnh vị thần làm cơ sở, làm căn cứ, làm một nguyên do. Bởi với tính tò mò nhưng trái ngược đó lại là xã hội mà khoa học chưa phát triển, cái giai đoạn mà theo Mark là "Trong những điều kiện xã hội vĩnh viễn không bao giờ trở lại nữa", thì con người đã sử dụng trí tưởng tượng, khả năng quan sát, tư duy để thỏa mãn những tò mò đó.

    Chi tiết khi thuở ban đầu con người nhận được sự giúp đỡ của nữ thần Lúa đã thể hiện lên khát vọng người nông dân Việt Nam có thể vơi bớt nỗi vất vả, lúa gạo trúng mùa bội thu. Nhưng khi nữ thần nổi giận chính là khẳng định một lần nữa sự thật rằng: Người nông dân luôn luôn phải cần cù cù, chăm chỉ, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

    Vất vả là thế nhưng với ngữ điệu trong câu chuyện và chính những gì trong thực tế mà ta thấy, nhân dân ta luôn cần mẫn lao động, coi "lao động là vinh quang". Làm không phải chỉ cứ đơn giản là làm, mà còn phát huy tính sáng tạo, vận dụng nhiều thành tựu tiên tiến để ngày một nâng cao năng suất, ngày một khẳng định giá trị của nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng.

    Ngày nay, lúa gạo Việt Nam đã không chỉ còn đơn thuần là kế sinh nhai của người nông dân mà đã vươn ra thế giới, xuất hiện trong bữa ăn của nhiều quốc gia. Tiêu biểu phải kể đến thành tựu gạo ST25 được kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các đồng nghiệp nghiên cứu đã đạt giải "Gạo ngon nhất thế giới" vào năm 2019.

    "Sự tích cây lúa" suốt bao thế hệ qua tuy đã phủ bụi thời gian nhưng những khát vọng, giá trị và thông điệp người xưa mong muốn vẫn vẹn nguyên đó và tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Các yếu tố nghệ thuật trong truyện đã rất thành công, nêu lên được nội dung và ý tứ của một truyện thần thoại. Chắc hẳn, những câu chuyện như thế cần được lưu truyền và phổ biến rộng rãi hơn nữa để các thế hệ tuổi trẻ tiên phong như chúng em có thể có được cơ hội học hỏi từ các vị tiền bối nhằm lưu giữ, phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống và cảm nhận được vẻ đẹp của hình ảnh từng "hạt ngọc trời" được người nông dân nâng niu.
     
    Dương2301, Hạ Quỳnh LamLieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...