Những trích dẫn lí luận văn học độc - Lạ giúp nâng tầm bài viết và cách vận dụng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Love cà phê sữa, 13 Tháng mười 2022.

  1. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Những trích dẫn lí luận văn học độc - lạ giúp nâng tầm bài viết của bạn

    1. Nhà văn không phải là diễn viên trên sàn diễn. Nhà văn không phải là loài có cánh. Nhà văn phải đứng bằng hai chân giữa mặt đất đầy hiểm họa, giữa thập loại chúng sinh. (Nguyễn Minh Châu)

    Vận dụng: "Nhà văn không phải là diễn viên trên sàn diễn. Nhà văn không phải là loài có cánh. Nhà văn phải đứng bằng hai chân giữa mặt đất đầy hiểm họa, giữa thập loại chúng sinh." (Nguyễn Minh Châu) Văn chương sẽ còn giá trị gì khi nhà văn bẻ cong ngòi bút của mình theo những thứ mơ mộng hão huyền để lấy lòng công chúng? Văn chương sẽ là gì khi nhà văn chỉ toàn phản ánh những điều giả dối, cố tráng lên một lớp "men" trữ tình quá dày để che lấp đi hiện thực cuộc sống? Nhà văn, suy cho cùng, phải là người lặn ngụp sâu vào hiện thực để thấy bề sâu, bề xa, bề rộng của cuộc đời. Nhà văn phải là "người thư kí trung thành của thời đại", kịp thời phản ánh hơi thở và nhịp đập của muôn kiếp nhân sinh.

    2. Người làm xiếc đi trên dây rất khó

    Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn

    Đi trọn trên con đường chân thật.

    - Phùng Quán -


    Vận dụng:

    "Người làm xiếc đi trên dây rất khó/ Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn/ Đi trọn trên con đường chân thật." Là một nhà văn chân chính, anh cần phản ánh chân thực đời sống nhân dân, không tô hồng, mĩ lệ hóa hay bôi đen hiện thực. Nhưng liệu, trọn đời làm một nhà văn chân chính có dễ dàng, khi bao quanh anh luôn là những cái bóng, khi anh bị trói buộc bởi chiếc lồng sắt vô hình? Dù vô tình hay hữu ý, nhà văn hoàn toàn có thể uốn cong ngòi bút của mình để bóp méo, tô hồng hay bôi đen hiện thực. Để trọn đời làm một nhà văn chân chính, đó là điều không dễ dàng bởi hành trình sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng vô cùng gian nan và gai góc.

    Tuy nhiên, phản ánh chân thực không có nghĩa Ɩà nhà văn chỉ phản ánh hiện thực như nó vốn có. Nghệ thuật là lĩnh vực của sự sáng tạo. Hơn nữa, từ sâu trong huyết quản, nhà văn Ɩà người mang trong mình cá tính mạnh mẽ, mỗi người một phong cách, một "tạng" riêng. Đó chính là lí do vì sao nhiều người nghệ sĩ cùng phản ánh, khai thác về một đề tài nhưng dấu ấn họ khắc ghi trong lòng độc giả lại vô cùng riêng biệt. Mỗi người nghệ sĩ như một vị lãnh chúa tự xây dựng nên lâu đài văn học của riêng mình. Và chính điều đó làm cho hiện thực mà nhà văn phản ánh không hề khô khan, giáo điều, ngược lại, cuộc sống trên trang văn hiện lên vừa chân thực, sinh động, vừa hấp dẫn, lôi cuốn, gây ấn tượng mạnh với người đọc.

    3 . Tôi muốn làm một nhà văn chân thật,

    Chân thật trọn đời

    Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi,

    Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã,

    Bút giấy tôi ai cướp giật đi,

    Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

    - Phùng Quán -


    4. Tác giả tôi không sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh sáng trong sạch, phát hiện cái dơ bẩn ở quanh mình, để rồi khi sáng ngời lên vì trong sạch, anh ta lên tiếng mắng chửi cái dơ bẩn ấy. Tác giả tôi sống trên đất đã làm nên anh ta, đau nỗi đau của đất đã làm nên anh ta.

    (Henrich Boll)

    Vận dụng: "Tác giả tôi không sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh sáng trong sạch, phát hiện cái dơ bẩn ở quanh mình, để rồi khi sáng ngời lên vì trong sạch, anh ta lên tiếng mắng chửi cái dơ bẩn ấy. Tác giả tôi sống trên đất đã làm nên anh ta, đau nỗi đau của đất đã làm nên anh ta." (Henrich Boll). Nhà văn được sinh ra từ cuộc đời, sống giữa cuộc đời và vì cuộc đời mà cống hiến cho nghệ thuật. Sẽ ra sao nếu anh chỉ chăm chăm rèn câu đúc chữ, cố tráng lên văn chương của mình lớp men trữ tình quá dày? Là một nhà văn chân chính, anh phải chấm ngòi bút vào nghiêm mực cuộc đời, hòa mình vào cuộc sống của nhân dân để trang văn phập phồng hơi thở hiện thực, lắng đọng trong từng câu chữ là sự chiêm nghiệm của muôn kiếp nhân sinh.

    5. Văn học bao giờ cũng phải trả lời những câu hỏi của ngày hôm nay, bao giờ cũng phải đối thoại với những người đương thời về những câu hỏi cấp bách của đời sống.

    6. Tôi muốn nói với họ những gì tôi nhận ra trong cuộc sống này. Tôi không bao giờ chấp nhận vai trò của một thẩm phán, tôi không phải là biên niên sử lạnh lùng. Trái tim tôi luôn ở đó. (Svetlana Alechxevich)

    Vận dụng nhận định: "Tôi muốn nói với họ những gì tôi nhận ra trong cuộc sống này. Tôi không bao giờ chấp nhận vai trò của một thẩm phán, tôi không phải là biên niên sử lạnh lùng. Trái tim tôi luôn ở đó." (Svetlana Alechxevich) Nhận định quả thật đúng với Thạch Lam –nhà thơ bị đóng đinh trên cây thánh giá văn xuôi. Không ồn ào, sôi nổi; không mạnh mẽ, táo bạo, Thạch Lam là con người tinh tế và nhạy cảm trước mọi biến động tinh vi và nhỏ nhặt của cuộc sống. Có thể nói, Thạch Lam xuất hiện trên văn đàn như một sự "hòa giải giữa thơ và văn xuôi', giữa lãng mạn và hiện thực. Thạch Lam có khả năng diễn tả những biến thái tinh vi nhất trong lòng con người và sự vật. Đến với văn Thạch Lam, bạn đọc đã quen đến với một thứ truyện ít có cốt truyện, không có những tình tiết ngặt ngoèo mà có lúc chỉ là diễn tả trạng thái con người trong một phút giây, một khoảnh khắc ngắn ngủi. Thạch Lam trân trọng cuộc sống, trân trọng những vẻ đẹp bình dị trên cõi đời này. Bình dị mà sâu sắc, chứa chan tình nhân ái, Thạch Lam hướng người đọc tới sự thanh cao của cái đẹp, cái thiện.

    Là nhà văn lãng mạn nhưng nhiều truyện ngắn của Thạch Lam thiên về khuynh hướng hiện thực. Thế giới nhân vật của Thạch Lam phong phú và đa dạng, không chỉ là những người thuộc tầng lớp tiểu tư sản mà còn là những người lao động nghèo khổ, bất hạnh.

    Bằng cái nhìn nhân đạo của mình, Thạch Lam đã mang đến cho người đọc những day dứt khôn nguôi về một số phận, những cuộc đời. Những cuộc đời cứ chìm dần và mất hút vào trong bóng tối, không có tương lai, không một hi vọng.. Thạch Lam đã lặng lẽ âm thầm phản ánh đời sống khó khăn của con người với cái nhìn đôn hậu và đầy thương cảm, nhà văn đã nâng niu từng vẻ đẹp đời thường giản dị với tình cảm của một con người trân trọng và yêu mến những giá trị của cuộc sống. Những điều đó không chỉ làm nên một dấu ấn đẹp trên văn đàn mà còn tạo nên sức sống lâu bền trong văn Thạch Lam.

    7. Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát vào lòng người viết ra nó mười lần. (Nguyễn Huy Thiệp)

    Vận dụng vào bài phân tích" Vợ chồng A Phủ ": Nguyễn Huy Thiệp từng chiêm nghiệm:" Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát vào lòng người viết ra nó mười lần. "Phải chăng giọt nước mắt của A Phủ chính là" chút muối rắc đâu đó trên trang viết "? Nó khơi dậy niềm đồng cảm trong Mị, hồi sinh tâm hồn cằn cỗi tưởng chừng như đã chết lặng..

    8." Nghệ thuật mà không gắn với đời sống thì nó chỉ là một bông hoa ác mà thôi "(Nguyễn Huy Tưởng).

    Vận dụng vào phân tích tác phẩm:" Nghệ thuật mà không gắn với đời sống thì nó chỉ là một bông hoa ác mà thôi "(Nguyễn Huy Tưởng). Trong cuộc sống, cái đẹp và cái thiện luôn song hành với nhau, nhưng sẽ ra sao khi cái đẹp và cái thiện lại xung đột với nhau quyết liệt? Bi kịch của Vũ Như Tô trong" Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài "nhắc nhở chúng ta về mối họa lớn của sự tách rời và đối nghịch hóa giữa các giá trị. Nó chứng minh đầy sức thuyết phục rằng: Cái đẹp tự sát khi nó nhảy múa trên thân thể quằn quại của cái thiện nhưng giết chết cái đẹp vì cái thiện cũng là giết luôn cả cái thiện.

    Có thể nói, Vũ Như Tô là người tài nhưng chưa phải là một bậc hiền tài. Cái tài của Vũ Như Tô được thừa nhận qua lời nhận xét của các nhân vật khác. Chàng được ví như một kiến trúc sư có thể" sai khiến gạch đá như một viên tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ "; một họa sĩ" chỉ vẩy bút là chim, hoa đã hiện trên mảnh lụa thần tình, biến hóa như cảnh hóa công "; một nhà điêu khắc" có hoa tay tuyệt thế.. chạm trổ, nạm đục không kém đường gì.. ". Vũ Như Tô quả thực chính là một thiên tài" ngàn năm chưa dễ có một ".

    Nhưng, cái đẹp mà Vũ Như Tô tạo ra có thể tuyệt mỹ nhưng không tuyệt thiện. Vũ Như Tô là một nghệ sỹ có nhân cách, có hoài bão lớn, có lí tưởng nghệ thuật cao cả. Ban đầu, Vũ Như Tô ngang nhiên chửi mắng tên hôn quân Lê Tương Dực và kiên quyết không xây Cửu Trùng Đài. Ông cũng không phải là người hám lợi. Được vua ban thưởng vàng bạc, ông chia hết cho thợ. Lí tưởng nghệ thuật của Vũ Như Tô là lí tưởng nghệ thuật cao siêu, thuần túy. Nó thoát li khỏi hoàn cảnh thực tại của đất nước, đời sống của nhân dân. Vì quá say sưa với ước mơ xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài" bền vững như trăng sao, để dân ta nghìn thu còn hãnh diện "mà Vũ Như Tô đã không nhận ra thực tế: Cửu Trùng Đài được xây dựng bằng mồ hôi, xương máu, nước mắt của nhân dân.

    Vũ Như Tô là nhân vật bi kịch vừa có tội lại vừa không có tội, vừa" có chỗ đáng giận, có điều đáng thương ". Vũ Như Tô quý Cửu Trùng Đài hơn tính mạng của mình là điều rất đáng quý nhưng Vũ Như Tô quý Cửu Trùng Đài hơn tính mạng của hàng vạn người thì thật tội lỗi và đáng sợ.

    Lỗi lầm của Vũ Như Tô là chàng rất cao thượng trong khát vọng và ý chí sáng tạo của mình, nhưng chàng đã độc tôn chỉ một cái đẹp nghệ thuật, đặt nó lên trên mọi giá trị cơ bản khác, tuân thủ chỉ một mệnh lệnh của cái đẹp và dửng dưng với mệnh lệnh của cái thiện.

    Vũ Như Tô không hề nghĩ việc mình xây dựng Cửu Trùng Đài cho đất nước lại là có tội. Đến khi cuộc nổi loạn nổ ra, Đan Thiềm khuyên Vũ Như Tô chạy chốn nhưng ông vẫn không chịu vì tin vào việc làm" quang minh chính đại "của mình, vẫn hy vọng sẽ thuyết phục được An Hòa Hầu – kẻ cầm đầu phe phản loạn. Trước cường quyền và bạo lực người nghệ sỹ ấy không chịu cúi đầu, trước cái chết đe dọa, ông vẫn say mê ôm ấp hoài bão, lí tưởng của mình. Khi Vũ Như Tô và Đan Thiềm bị bắt, Cửu Trùng Đài bị đốt thì Vũ Như Tô mới bừng tỉnh. Ông đau đớn kêu lên:" Ôi! Mộng lớn! Ôi! Đan Thiềm! Ôi! Cửu Trùng Đài ". Trong tiếng kêu đau đớn ấy" mộng lớn "," Đan Thiềm "," Cửu Trùng Đài "được Vũ Như Tô đặt lên kế với nhau. Nỗi đau mất mát như hòa nhập làm một thành nỗi đau bi tráng tột cùng.

    9. Đãi khe suối, đãi dòng sông

    Mồ hôi đãi vàng bốc hơi trên cát

    Tôi đãi lại dọc triền cát bạc

    Tìm ánh vàng trong muối mặn mồ hôi"

    ( "Đãi cát tìm vàng" – Nguyễn Duy)


    10. Tác phẩm nghệ thuật là một hình ảnh thực tại, nhưng đó là hình ảnh có linh hồn mà chính cái linh hồn này mới làm cho tác phẩm sống. Nghĩa là dù trải qua thời gian vẫn gây được xúc động trong lòng người.

    (Nguyễn Đình Thi)


    11. "Văn chương là vùng đất cổ tích đối với những người nhìn nó từ xa, nhưng cũng giống như tất cả các cảnh quan khác, sự quyết rũ mờ dần khi lại gần hơn, gai nhọn và cây hồng hoang trở nên hữu hình" (Washington Irving).


    Nhận định này các bạn có thể vận dụng vào phần lí luận văn học về hiện thực cuộc sống, về cách nhà văn tiếp cận, khai thác hiện thực vào bề sâu, bề xa, bề rộng của nó. Đây cũng sẽ là một nhận định rất đắt nếu các bạn biết vận dụng vào tác phẩm văn học như "Chiếc thuyền ngoài xa".

    Gợi ý vận dụng vào bài thi học sinh giỏi về hiện thực cuộc sống.

    "Văn chương là vùng đất cổ tích đối với những người nhìn nó từ xa, nhưng cũng giống như tất cả các cảnh quan khác, sự quyết rũ mờ dần khi lại gần hơn, gai nhọn và cây hồng hoang trở nên hữu hình" (Washington Irving). Phải chăng, vì thấu hiểu được điều đó nên Nguyễn Minh Châu đã phơi bày trước mắt bạn đọc những góc khuất của hiện thực cuộc sống ẩn đằng sau chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ ấy? Nhà văn không chỉ nhìn thẳng vào hiện thực mà còn nhìn sâu, đào xới nó để hiện thực hiện lên với tất cả xù xì góc cạnh của nó.

    Hoặc các bạn có thể vận dụng vào phần dẫn "Phát hiện về hiện thực đời sống nghiệt ngã ngay sau khoảnh khắc Phùng xúc động vì chụp được cảnh đắt trời cho":

    "Văn chương là vùng đất cổ tích đối với những người nhìn nó từ xa, nhưng giống như tất cả các cảnh quan khác, sự quyến rũ mờ dần khi lại gần hơn, gai nhọn và cây hồng hoang trở nên hữu hình" (Washington Irving). Phải chăng, vì thấu hiểu được điều ấy nên Nguyễn Minh Châu đã ngậm ngùi vẩy vào "bức tranh đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh" những vết chì xám xịt? Đắng cay thay, bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ ấy lại là cảnh tượng đầy ngang trái, xót xa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng ba 2023
  2. Ngoc Pig

    Bài viết:
    8
    Cảm ơn bạn thật nhiều vì những chia sẻ hữu ích
     
  3. Ngoc Pig

    Bài viết:
    8
    Bài viết hữu ích quá ạ, mong chị ra nhiều bài hơn nữa ạ
     
  4. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cảm ơn bạn vì đã luôn theo dõi, ủng hộ bài viết của mình
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...