Những biện pháp tu từ cơ bản

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 26 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    Biện pháp tu từ là cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ, nhằm đạt tới hiệu quả diễn đạt hay, đẹp, biểu cảm, hấp dẫn.

    1. So sánh: Đối chiếu hai sự vật, hiện tượng có nét nghĩa tương đồng nhằm làm cho đối tượng được nói đến trở nên sinh động, cụ thể và nổi bật.

    "Thân em như tấm lụa đào

    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"

    ( Ca dao)

    - Phép so sánh: "Thân em như tấm lụa đào.."

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Tăng sức gợi cảm, gây ấn tượng cho người đọc

    + Vẻ đẹp thanh cao, mềm mại của người phụ nữ.

    + Lời than, sự cam chịu trước số phận.

    [​IMG]

    2. Ẩn dụ: Dùng tên gọi của đối tượng này làm tên gọi của đối tượng khác dựa trên sự liên tưởng về mối tương đồng giữa hai đối tượng nhằm tạo ra cách diễn đạt hấp dẫn, thú vị.

    + Ẩn dụ cảm giác: Ví dụ: Tâm hồn giá lạnh, cuộc sống lênh đênh, tuổi xuân mơn mởn..

    + Ẩn dụ chuyển đổi: Chân trời, tay ghế, lưng đồi, eo biển..

    + Ẩn dụ hình tượng: Thuyền, bến, hoa, bướm, mặt trời, xuân..

    "Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

    Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ"

    (Viếng lăng Bác - Viễn Phương)

    - Biệp pháp ẩn dụ: "mặt trời trong lăng rất đỏ" : ý chỉ Bác Hồ kính yêu.

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Nhằm nhấn mạnh ý muốn nói, tăng sức gợi cảm trong diễn đạt.

    + Bác tượng trưng cho ánh sáng của lí tưởng, soi rõ đường đi cho cả dân tộc Việt Nam. Bác luôn tỏa rạng ánh hào quang bất tử như mặt trời chói lọi trên cao.

    3. Hoán dụ: Dùng tên gọi của đối tượng này làm tên gọi của đối tượng kia tuy chúng không có nét nghĩa giống nhau nhưng chúng có mối liên hệ, đi đôi với nhau trong thực tế làm cho cách nói ngắn gọn, tăng sức gợi hình gợi cảm trong diễn đạt.

    "Sen tàn, cúc lại nở hoa

    Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân".

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

    - Biện pháp: Hoán dụ, dùng "sen, cúc" để chỉ mùa hè và mùa thu.

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Sự diễn đạt hấp dẫn, lôi cuốn, tăng sức gợi cảm.

    + Sự vận hành tuần hoàn, thuận hợp của tự nhiên; mùa nào thức nấy.

    + Cái nhìn tinh tế của thi nhân.

    4. Nhân hóa: Gán ghép cho đối tượng được nói đến những thuộc tính của con người, nhằm nhấn mạnh đặc trưng của đối tượng được nói đến và làm tăng sự hấp dẫn trong diễn đạt.

    "Dòng sông mới điệu làm sao

    Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha

    Trưa về trời rộng bao la

    Áo xanh sông mặc như là mới may"

    (Dòng sông mặc áo - Nguyễn Trọng Tạo)

    - Biện pháp nhân hóa: "Dòng sông mặc áo"

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Giàu sức gợi hình, gợi cảm.

    + Hình ảnh đó làm nổi bật sự thay đổi màu sắc của dòng sông theo thời gian, theo màu sắc của bầu trời, gợi ra sự mềm mại, duyên dáng của dòng sông.

    + Qua đó tác giả ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông quê hương.

    5. Liệt kê: Sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và có ý nghĩa khái quát, có sắc thái biểu cảm.

    "Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng

    Em đã sống lại rồi, em đã sống

    Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

    Không giết được em, người con gái anh hùng"

    (Người con gái Việt Nam – Tố Hữu)

    - Biện pháp liệt kê: "Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung "

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Tố cáo sự tàn bạo của kẻ thù. Qua đó nói lên sự kiên cường, dũng cảm của nữ anh hùng Trần Thị Lý.

    + Thể hiện tình cảm trân trọng, ngợi ca của tác giả.

    6. Đảo ngữ: Sự thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp của câu, nhằm nhấn mạnh và làm nổi bật ý cần diễn đạt.

    "Lom khom dưới núi, tiều vài chú

    Lác đác bên sông, chợ mấy nhà"

    (Qua đèo ngang – Bà Huyện Thanh Quan)

    - Biện pháp: Đảo ngữ: Đưa từ láy "Lom khom", "Lác đác" lên đầu câu

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Sự tiêu điều, hoang vắng của cảnh vật, đời sống lam lũ vất vả của con người.

    + Tác giả bộc lộ sự thương cảm cho cuộc sống khó khăn, gian khổ của con người.

    + Câu thơ giàu hình tượng, hàm súc.

    7. Câu hỏi tu từ: Là hình thức câu hỏi nghệ thuật không đòi hỏi câu trả lời mà để khẳng định nhằm tạo ấn tượng, tăng sức biểu cảm trong diễn đạt.

    "Em là ai, cô gái hay nàng tiên?

    Em có tuổi hay không có tuổi?"

    (Người con gái Việt Nam - Tố Hữu)

    - Biện pháp: Câu hỏi tu từ: Em là ai, cô gái hay nàng tiên?

    Em có tuổi hay không có tuổi?

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Nhấn mạnh vẻ đẹp bất tử của người con gái Việt Nam

    + Tình cảm yêu quí, trân trọng, ngợi ca của tác giả.

    8. Phép đối: Các từ ngữ được sắp xếp tạo nên sự đối xứng nhau giữa hai vế của mỗi câu hoặc giữa hai câu về số lượng tiếng, về từ loại, về nghĩa, về kết cấu ngữ pháp nhằm mục đích gợi ra một vẻ đẹp hoàn chỉnh và hài hòa, nhằm diễn đạt một ý nghĩa nào đó.

    "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

    Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"

    (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi)

    - Biện pháp: Phép đối "nướng dân đen >< vùi con đỏ", "trên ngọn lửa hung tàn >< xuống dưới hầm tai vạ"

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Nhấn mạnh tội ác tày trời của bọn cướp nước.

    + Niềm xót xa thương cảm nỗi thống khổ của nhân dân và lòng căm thù giặc của tác giả.

    9. Tương phản: Sử dụng từ ngữ trái nghĩa, đối lập nhau để tạo hiệu quả cao trong diễn đạt.

    "Chúng đem bom nghìn cân

    Dội lên trang giấy trắng"

    (Trang giấy học trò – Chính Hữu)

    - Biện pháp: Tương phản: "bom nghìn cân" với"trang giấy trắng" mỏng manh.

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Khắc họa sự tàn khốc của chiến tranh và tội ác của kẻ thù đối với trẻ thơ.

    + Lòng căm giận và thương cảm của tác giả.

    + Câu thơ giàu hình tượng, hàm súc.

    10. Chơi chữ: Lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước làm cho câu văn hấp dẫn và thú vị.

    "Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!

    Thiếp bén duyên chàng có thế thôi

    Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé

    Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.

    (Khóc Tổng Cóc - Hồ Xuân Hương)

    - Biện pháp: Chơi chữ:" Cóc, bén, chàng, nòng nọc, chuộc " lớp nghĩa động vật

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Tiếng khóc -> sầu não.

    + Tạo cách hiểu độc đáo thú vị.

    11Nói quá : Là cách diễn đạt phóng đại tính chất, mức độ của đối tượng nói đến nhằm tô đậm tính chất của đối tượng và gây ấn tượng mạnh đối với người tiếp nhận.

    " Gặp nhau chưa kịp hỏi chào,

    Nước mắt đã trào, rơi xuống bỏng tay "

    (Ca dao)

    - Biện pháp: Nói quá" bỏng tay "

    - Hiệu quả sử dụng:

    +Tạo tiếng cười vui.

    + Tô đậm tình cảm.

    12. Nói giảm nói tránh: Dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề, tránh thô tục, thiếu lịch sự.

    " Bác đã đi rồi sao Bác ơi

    Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời "

    (Bác ơi – Tố Hữu)

    - Biện pháp: Nói giảm nói tránh: đi

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Giảm nhẹ sự đau buồn cho nhân dân khi nghe tin Bác mất.

    + Tạo sắc thái biểu cảm.

    13. Phép điệp: Sự lặp đi lặp lại một yếu tố nào đó về ngôn ngữ nhằm làm nổi bật ý muốn nói, gây cảm xúc mạnh.

    a. Điệp âm: Lặp đi lặp lại một âm nào đó liên tục trong câu.

    " Nỗi niềm chi rứa, Huế ơi!

    Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên "

    (Nước non ngàn dặm – Tố Hữu)

    - Biện pháp: điệp âm đầu"... "

    :"
    mà mưa ";"... "

    :"
    xối xả ";"... "

    :"
    trắng trời "

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Huế mù mịt, trắng xóa trong màn mưa dày đặc.

    + Tạo ấn tượng sâu đậm về mưa ở xứ Huế.

    b. Điệp vần: Lặp đi lặp lại một vần nào đó liên tục trong câu.

    " Lơ thơ tơ liễu buông mành "

    (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

    - Biện pháp: Điệp vần" ơ ":" Trắng, nắng "

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Hình ảnh thướt tha, mềm mại của cây liễu gợi vẻ đẹp của người con gái đài các kiều diễm.

    + Gợi hình gợi cảm.

    c. Điệp từ: Lặp đi lặp lại một từ nào đó trong câu.

    " Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên "

    (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)

    - Biện pháp: Điệp từ" nắng "

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Ánh nắng chan hòa khắp khu vườn Vĩ Dạ.

    + Tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và yêu thiên thiên tha thiết.

    d. Điệp ngữ: Lặp đi lặp lại một cụm từ (ngữ) nào đó liên tục trong câu

    " Này đây lá của cành tơ phơ phất

    Của yến anh này đây khúc tình si.. "

    (Vội vàng - Xuân Diệu)

    - Biện pháp: Điệp ngữ" này đây "

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Thiên nhiên căng tràn nhựa sống đang phơi bày trước mắt nhà thơ.

    + Thi nhân say sưa ngắm nhìn, tận hưởng, đắm say.

    e. Điệp cấu trúc: Lặp đi lặp lại một kiểu cấu tạo câu

    " Em đẹp, bàn tay ngón ngón thon

    Em duyên đôi má nắng hoe tròn "

    (Áo trắng – Huy Cận)

    - Biện pháp: Điệp cấu trúc: Cấu tạo câu thứ nhất lặp lại ở câu thứ hai.

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Nhấn mạnh vẻ đẹp yêu kiều, rạng rỡ của cô gái.

    + Gây ấn tượng cho người đọc, lòng ngưỡng mộ yêu quí của tác giả.

    f. Điệp thanh: Lặp đi lặp lại một thanh nào đó liên tục trong câu (thanh bằng (B) hoặc trắc (T)) nhằm gây ấn tượng, tạo giọng điệu, âm hưởng cho văn bản và thể hiện gián tiếp ý tưởng, tình cảm của người viết.

    " Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

    Heo hút cồn mây súng ngửi trời "

    (Tây Tiến – Quang Dũng)

    - Biện pháp: Điệp thanh; nhiều thanh trắc và thanh bằng cao lặp lại:" dốc lên, khúc khuỷu, dốc thăm thẳm, heo hút, súng ngửi"

    - Hiệu quả sử dụng:

    + Nhấn mạnh con đường hành quân của người lính đầy gian khổ, trắc trở, gập ghềnh.

    + Âm điệu mạnh mẽ, dứt khoát, thể hiện quyết tâm vượt qua gian khó của người chiến sĩ, thể hiện được sự tự hào, ngợi ca của tác giả khi viết về nhân vật trữ tình.

    + Góp phần làm nên tính hiện thực và lãng mạn cho câu thơ.
     
    Vyl Hana, Mèo A Mao Huỳnh MaiTôn Nữ thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tư 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...