Trong bài kí đề danh khoa Nhâm Tuất của Thân Nhân Trung có câu: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Trong "Chiếu cầu hiền", vua Quang Trung cũng thể hiện lòng thiết tha mong mỏi người hiền tài ra phò vua giúp nước, sẵn sàng tôn vinh họ là tinh tú trên trời cao, sẵn sàng "ghé chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi". Vậy người hiền tài là gì? Vì sao người hiền tài lại được trọng dụng như vậy? Người hiền tài là gì? Sự cần thiết của việc trọng dụng hiền tài Người hiền tài là gì? Theo nghĩa Hán Việt, "hiền" là đối xử tốt với mọi người, làm trọn bổn phận của mình đối với người khác; "tài" là tài năng – khả năng vượt trội của bản thân trong một hoặc nhiều lĩnh vực. Như vậy, người hiền tài là người học rộng, tài cao, có đạo đức. "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" là câu nói của ai? Câu nói nổi tiếng trên là của Thân Nhân Trung. Thân Nhân Trung (1418 – 1499) là một danh sĩ thời Hậu Lê, người tỉnh Bắc Giang. Ông đỗ tiến sĩ năm 1469, được triều đình trọng dụng, đã góp nhiều công sức trong việc đào tạo và tuyển chọn nhân tài. Ông từng là thành viên chủ chốt của Hội Tao đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Câu "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" là câu văn được trích trong bài văn bia do Thân Nhân Trung soạn theo lệnh vua Lê Thánh Tông. Bài văn bia có nhan đề "Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Bảo Đại thứ ba" được khắc lên bia đặt trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nội dung bài văn bia đề cao vai trò của người hiền tài và khẳng định ý nghĩa của việc khắc bia tiến sĩ. Danh ngôn về tài và đức Những câu nói hay về người tài giỏi: "Tôn tài thì đại thịnh, tôn nịnh thì đại nguy, tôn lộc thì đại suy." (Lê Quý Đôn) "Trên đời chỉ có một thứ mà ta cúi đầu thán phục: đó là thiên tài và chỉ có một thứ mà ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt." (V. Huy-gô) "Thiên tài và đức hạnh giống như viên kim cương: đẹp nhất là lồng trong chiếc khung giản dị." (X. Batle) "Trên đời không có gì vĩ đại bằng con người. Trong con người không có gì vĩ đại bằng trí tuệ." (Aham-Minton) "Không có tài sản nào quý bằng trí thông minh, không vinh quang nào lớn hơn học vấn và hiểu biết." (F. Dola) "Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc." (Nguyễn Huệ) "Đất nước có nhiều người tài, đất nước càng hưng thịnh." (Mặc Tự) "Tài trí là vũ khí tinh thần của con người." (Phương ngôn Nga) "Kẻ bất tài đấu lực, người có tài đấu trí." (Ngạn ngữ Trung Hoa) Ví dụ về người hiền tài – Những tấm gương về người hiền tài Có muôn vàn những tấm gương về người hiền tài trong lịch sử 4000 năm đất nước. Có thể kể đến những tấm gương tiêu biểu: Thời trung đại: Nguyễn Hiền – trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam (12 tuổi đỗ trạng nguyên) là người nổi tiếng thông minh, uyên bác. Khi làm quan, Nguyễn Hiền ra sức phò vua giúp nước, tiến nhiều kế sách dẹp giặc. Trạng Hiền còn giúp dân khai hoang mở đất, đắp đê phòng lụt, tạo mùa màng thắng lợi, nhân dân ấm no. Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là nhà quân sự, chính trị lỗi lạc thời Trần. Với tài năng mưu lược tuyệt vời, Trần Quốc Tuấn đã chỉ huy quân đội nhà Trần đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288, ghi vào sử sách nước nhà những trang chói lọi nhất trong lịch sử đánh giặc chống ngoại xâm, góp phần là nên hào khí Đông A của thời đại. Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi - quân sư của Lê Lợi, người đề ra chiến lược cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh... là cánh tay đắc lực giúp Lê Lợi chiến thắng trong khởi nghĩa Lam Sơn. Thời bình, Nguyễn Trãi hết lòng phò vua xây dựng đất nước. Tuy nhiên, triều đình rối ren, loạn lạc, ông tạm lui về ở ẩn, giữ khí tiết thanh cao. Cuối cùng vướng phải án oan Lệ Chi Viên thảm khốc nhất trong lịch sử trung đại: tru di tam tộc. Thời hiện đại: Nhà bác học Lương Đình Của đã dành rất nhiều thời gian và công sức để lai tạo ra giống lúa mang lại năng suất cao cho ngành nông nghiệp, giúp kinh tế đất nước phát triển. Nhà Toán học Ngô Bảo Châu với tài năng vượt trội ở lĩnh vực Toán học đã chứng minh thành công một bổ đề trong Toán học, được nhận giải thưởng fields đưa nước Việt Nam tự hào với bạn bè thế giới. Rất nhiều những tấm gương người hiền tài ở mọi lĩnh vực đã đem tài năng, trí tuệ ra giúp nước như: Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Văn Tố, Tạ Quang Bửu, Vũ Đình Tụng, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giầu, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng... Vậy, người hiền tài có mối quan hệ như thế nào với đất nước? Vai trò của người hiền tài Người hiền tài có vai trò quyết định sự hưng vong, thịnh suy của một đất nước, dân tộc. Phát huy được vai trò của người hiền tài, đất nước sẽ phồn vinh. Tài năng, trí tuệ của người hiền tài khi đem ra cống hiến sẽ thúc đẩy sự phát triển của nước nhà. Không coi trọng bồi dưỡng, phát triển nhân tài, xã hội, đất nước sẽ trì trệ, lạc hậu. Làm thế nào để trở thành người hiền tài? Để trở thành người hiền tài – người vừa có tài, vừa có đức, cần: - Không ngừng học tập để trau dồi tri thức; trau dồi kĩ năng sống và làm việc; - Có ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, hoàn thiện nhân cách bản thân. - Mang tài năng cống hiến, xây dựng cho đất nước. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ nêu suy nghĩ của bạn về sự cần thiết của việc trọng dụng hiền tài. Sự cần thiết của việc trọng dụng hiền tài Người hiền tài là người tài giỏi, ưu tú, có phẩm chất cao quý nổi bật. Hiền tài được ví như "nguyên khí", như "quốc bảo"... nên trọng dụng người hiền tài là điều vô cùng cần thiết. Cần trọng dụng hiền tài bởi người hiền tài có vai trò quan trọng đối với sự thịnh suy của một đất nước. Thế nước sẽ "mạnh" rồi "lên cao" khi có người hiền tài dốc sức tô điểm. Ngược lại, thế nước sẽ "yếu" rồi "xuống thấp" nếu vắng bóng hiền tài. Trọng dụng người hiền tài sẽ phát huy được tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của họ. Không biết trọng dụng người hiền tài sẽ "lãng phí" nguyên khí quốc gia, gây "chảy máu chất xám". Thật đau lòng khi trí tuệ Việt, tài năng Việt lại mang đi làm giàu cho nước bạn. Người hiền tài ở bất cứ thời kì nào cũng giữ vai trò trọng chốt trong kiến thiết nước nhà. Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: "Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều." Nhờ biết trọng dụng nhân tài, nhà nước ta đã thu hút được rất nhiều người có tài, đức vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước ngay từ những ngày đầu vô cùng khó khăn của chính quyền cách mạng. Một cây cột không thể chống đỡ cả căn nhà, mưu lược một người không thể dựng nghiệp quốc gia, vì vậy cần trọng dụng nhân tài để để cùng nhau điểm tô cho non sông gấm vóc.