Ngữ văn: Chuyện chức phán sự đền Tản Viên - Nguyễn Dữ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 4 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    TÌM HIỂU CHUNG

    1. Tác giả Nguyễn Dữ

    - Nguyễn Dữ (chưa rõ năm sinh năm mất), sống vào thế kỉ XVI, người xã Đỗ Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

    - Ông xuất thân trong gia đình khoa bảng (cha đỗ tiến sĩ đời Lê Thánh Tông), là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, từng đi thi và ra làm quan, nhưng không bao lâu thì từ quan lui về ở ẩn.

    - Ông để lại tác phẩm nổi tiếng là "Truyền kì mạn lục".

    2. Tác phẩm

    A) Thể loại truyện truyền kì

    • Là một loại truyện ngắn.
    • Có nguồn gốc từ Trung Hoa.
    • Dùng yếu tố kì ảo làm phương thức nghệ thuật để phản ánh cuộc sống.
    • Thường sử dụng cốt truyện dân gian và dã sử hoặc các môtíp dân gian để xây dựng thành truyện mới.

    • Mang đậm yếu tố hiện thực và chất nhân văn.

    B) Về "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ

    - "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ là tác phẩm viết bằng chữ Hán gồm 20 truyện, ra đời vào nửa đầu thế kỉ XVI.

    - "Truyền kì mạn lục" là sách ghi chép lại những câu chuyên lạ trong dân gian.

    C) Bố cục: 4 phần.

    - P1: "Ngô Tử Văn.. không cần gì cả"

    ⭢ Ngô Tử Văn và hành động đốt đền tà.

    - P2: "Đốt đền xong.. khó lòng thoát nạn"

    ⭢ Tử Văn gặp bách hộ Thôi và Thổ thần.

    - P3: "Tử Văn vâng lời.. mất"

    ⭢ Tử Văn đối chất ở Minh ti, được tha và nhận lời tiến cử của Thổ thần.

    - P4: Còn lại.

    ⭢ Cuộc gặp gỡ của Tử Văn và người quen cũ.

    ⭢ Lời bình của tác giả.

    D) Tóm lược

    Ngô Tử Văn người đất Lạng Giang, vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không chịu được. Cuối đời Hồ, có tên giặc tử trận ở gần đền, từ đấy làm yêu quái trong dân gian. Tử Văn tức giận rồi châm lửa đốt đền.

    Về nhà, chàng lên cơn sốt rồi thấy tên giặc kia đến dọa nhưng chàng mặc kệ, cứ ngồi thản nhiên. Chiều tối lại có ông già đến, tự xưng Thổ Công. Ông già kể cho Tử Văn rõ mọi sự tình rồi bày cho chàng cách ứng xử khi bị bắt xuống Minh ti. Tử Văn đứng trước Diêm Vương tâu trình rõ đầu đuôi sự việc, lời lẽ cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào. Diêm Vương sinh nghi bèn cho người đến đền Tản Viên để chứng thực. Quân lính về tâu nhất nhất đúng lời Tử Văn nói. Diêm Vương tức giận liền sai quân lính đày tên giặc giả danh kia xuống ngục Cửu U.

    Tử Văn sống lại, cùng dân làng mua gỗ dựng lại. Thổ Công cảm kích bèn đến mời Tử Văn về làm phán sự cho đức Thánh Tản ở đền Tản Viên. Tử Văn nghe nói, vui vẻ nhận lời, rồi không bệnh mà mất.

    ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

    1. Giới thiệu nhân vật Ngô Tử Văn

    - Giới thiệu trực tiếp, ngắn gọn về tên họ, quê quán, đặc biệt là tính tình, phẩm chất của nhân vật:

    "Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang. Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực."

    ⭢ Định hướng rõ cho sự tiếp nhận câu chuyện của người đọc.

    • Đó là cách giới thiệu nhân vật (mở truyện) truyền thống, quen thuộc, giống cách kể chuyện của dân gian.

    2. Tính cách nhân vật Ngô Tử Văn: Khảng khái, cương trực, yêu chính nghĩa, dũng cảm, kiên cường và giàu tinh thần dân tộc..

    A) Sự việc đốt đền Cương trực, yêu chính nghĩa

    • Diễn biến:

    + Tên Bách hộ "hưng yêu tác quái" trong dân gian: "Bộ tướng của Mộc Thạnh có viên Bách hộ họ Thôi, tử trận ở gần đền, từ đấy làm yêu làm quái trong dân gian".

    + Tử Văn tức giận, công khai đốt đền trừ hại cho dân: "Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời, rồi châm lửa đốt đền."

    + Chàng tự tin vào hành động chính nghĩa của mình: "Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, lo sợ.. chàng vẫn vung tay không cần gì cả."

    • Ý nghĩa:

    + Nghệ thuật: Xây dựng tình huống truyện hấp dẫn, kịch tính.

    + Tính cách Ngô Tử Văn: Khảng khái, cương trực, dũng cảm vì dân trừ hại.

    + Nội dung: Thể hiện quan điểm và thái độ muốn đả phá sự mê tín thần linh của quần chúng nhân dân.

    • Thể hiện tinh thần chính nghĩa vì dân trừ hại.

    B) Sự việc sau khi đốt đền Khảng khái, kiên định.

    • Diễn biến:

    + Tử Văn bị bệnh và nằm mộng thấy tên Bách hộ họ Thôi: "Trong khi sốt, chàng thấy một người khôi ngô, cao lớn, đầu đội mũ trụ đi đến, nói năng và quần áo rất giống người phương Bắc".

    + Thái độ điềm nhiên không khiếp sợ trước những lời đe dọa của tên bách hộ: "Tử Văn mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên".

    + Thổ Công được giúp đỡ, tìm đến tỏ lời mừng: "Tôi là Thổ Công đây, nghe thấy việc làm rất thú của nhà thầy, vậy xin đến để tỏ lời mừng".

    + Thổ Công nói rõ sự thật cho Tử Văn nghe: "Ô, đấy là viên tướng bại trận của Bắc triều, cái hồn bơ vơ ở Nam quốc.. chứ có phải tôi đâu".

    + Thổ Công đưa ra kế sách mong Tử Văn giúp mình khi xuống Minh ti: "Hễ ở Minh ti có tra hỏi, thầy cứ khai ra những lời của tôi.. mà thầy cũng khó lòng thoát nạn".

    • Ý nghĩa:

    + Nghệ thuật: Sử dụng yếu tố kì ảo làm tăng sức hấp dẫn cho truyện.

    + Tính cách Ngô Tử Văn: Tính tình cương cường, tự tin vào việc làm của mình.

    + Nội dung: Phản ánh hiện tượng thần thánh ở các đền miếu cũng tham của đút nên bênh vực tên Bách hộ.

    Người làm việc tốt, việc nghĩa, sẽ được sự đồng tình ủng hộ.

    C) Sự việc ở Minh ti Dũng cảm, kiên cường.

    • Diễn biến:

    + Sự gan dạ trước quang cảnh đáng sợ nơi cõi âm: "Ngô Soạn này là một kẻ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng".

    + Mặc dù bị Diêm Vương mắng và tên Bách hộ vu oan nhưng Tử Văn vẫn cứng cỏi đối đáp: "Tử Văn bèn tâu trình đầu đuôi như lời Thổ Công đã nói, lời rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào".

    + Diêm Vương cả nghi, sai người đi lấy chứng thực và sự thật được phơi bày: "Lũ các ngươi chia tòa sở, giữ chức sự, cầm lệnh chí công, làm phép chí công.. còn nói sao hết được!".

    • Ý nghĩa:

    + Nghệ thuật: Câu chuyện được thắt nút dần với những xung đột ngày càng căng thẳng, dẫn đến cao trào.

    + Tính cách Ngô Tử Văn: Quyết đấu tranh cho chân lí, cho lẽ phải, biện hộ cho mình và cứu giúp Thổ thần.

    + Nội dung: Sự thắng lợi của cuộc đấu tranh vì chính nghĩa. Cái thiện – chính nghĩa đã thắng cái ác – gian tà.

    D) Sự việc kết thúc truyện Giàu tinh thần dân tộc.

    - Diễn biến:

    + Thổ Công tiến cử Tử Văn vào chức phán sự: "Nay thấy đền Tản Viên khuyết một chân phán sự, lão đã vì nhà thầy hết sức tiến cử, được đức Thánh Tản ngài đã bằng lòng.."

    + Tử Văn nhận lời: "Tử Văn vui vẻ nhận lời, bèn thu xếp việc nhà, rồi không bệnh mà mất."

    + Hình ảnh Ngô Tử Văn xuất hiện ở cuối truyện: ".. trong sương mù có xe ngựa đi đến ầm ầm, lại nghe tiếng quát:

    • Người đi đường tránh xa, xe quan phán sự!.. người ngồi trên xe chính là Tử Văn".

    • Ý nghĩa:

    + Nghệ thuật: Đưa ra những chi tiết, hình ảnh để chứng minh tính chân thật của truyện.

    + Tính cách Ngô Tử Văn: Mong muốn đem lại công bằng cho mọi người dân.

    + Nội dung: Thưởng công xứng đáng, có ý nghĩa noi gương cho người sau.

    • Khích lệ mọi người dũng cảm đấu tranh chống cái ác bảo vệ công lý.

    • Khẳng định niềm tin chính nhất định thắng tà, thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ, sự đấu tranh triệt để với cái xấu, cái ác để bảo vệ chính nghĩa.

      TỔNG KẾT

    1. Chủ đề

    • Phê phán những bất công trong xã hội đương thời, nhất là nạn bọn tham quan ô lại gây nên bao nỗi khổ cho người dân.

    • Phê phán hồn ma tên tướng giặc xảo quyệt, kẻ đã giả mạo Thổ thần.
    • Truyện còn phơi bày hiện thực đầy rẫy những bất công từ cõi trần đến cõi âm.

    • Ca ngợi tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn.
    • Niềm tin công lí, chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng gian tà.
    • Hãy đấu tranh đến cùng chống cái ác, cái xấu.
    • Lời bình cuối truyện đề cao bản lĩnh của kẻ sĩ.

    2. Nghệ thuật

    • Nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, nhân vật được xây dựng sắc nét, tình tiết và diễn biến truyện giàu kịch tính, có sử dụng yếu tố kì ảo, kết truyện có lời bình tạo ấn tượng đối với độc giả, tiêu biểu cho thể loại truyền kì.
     
    chiqudollVYVYVYVYVY thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...