Đọc hiểu tác phẩm Chí phèo Ngữ văn 11 - Kết nối tri thức - Câu chuyện và điểm nhìn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 16 Tháng sáu 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    A. Tác giả Nam Cao

    A. Sự nghiệp văn học

    - Đề tài sáng tác

    + Đời sống cơ cực của người nông dân

    + Các bi kịch của tầng lớp trí thức nghèo ở thành thị

    - Tác phẩm tiêu biểu "Chí Phèo", "Giăng sáng", "Lão Hạc", "Đời thừa", "Truyện người hàng xóm" "Sống mòn", "Đôi mắt", "Ở rừng"..

    B. Phong cách nghệ thuật

    + Chú trọng diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật, xây dựng các tính cách phức tạp, thực hiện nhiều đột phá trong nghệ thuật tự sự với lối trần thuật phối hợp nhiều điểm nhìn, giọng điệu;

    + Cách kết cấu linh hoạt;

    + Cách sử dụng ngôn ngữ sinh động, vừa gần gũi với ngôn ngữ giao tiếp đời thường, vừa giàu suy tưởng.

    C. Vị trí và tầm ảnh hưởng

    - Nam Cao khẳng định vị trí trong lịch sử văn học bằng thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết

    - Là nhà văn lớn, một cây bút xuất sắc của nền văn học hiện đại.

    - Là nhà văn hiện thực nhân đạo xuất sắc của thế kỉ XX

    B. Nhan đề

    - Lúc đầu, Nam Cao đặt tên truyện là Cái lò gạch cũ.

    - Nhà xuất bản Đời mới năm 1941, đổi thành Đôi lứa xứng đôi.

    - Năm 1945 trong tập Luống cày do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, tác giả đặt tên mới là Chí Phèo.

    =>Ý nghĩa nhan đề:

    + Chí: Ý chí, nghị lực, lương thiện (tốt đẹp).

    + Phèo (tiếng lóng) : Lộn tùng phèo Chí Phèo: Những điều lương thiện, tốt đẹp bỗng nhiên mất đi.

    C. Đọc hiểu tác phẩm

    1. Mạch truyện


    - Chí Phèo vừa đi vừa chửi

    - Chí Phèo là trẻ mồ côi, không rõ nguồn gốc

    - 20 tuổi làm canh điền cho Bá Kiến, bị Bá Kiến ghen và đẩy vào tù. Ở tù, bị tha hóa

    - Chí Phèo quay về làng Vũ Đại tìm Bá Kiến trả thù nhưng bị Bá Kiến lừa gạt, dụ dỗ và biến Chí thành tay sai cho hắn. Chí Phèo trở thành con quỷ dữ, trượt dài trên tội lỗi.

    - Chí gặp và yêu Thị Nở, nhớ lại quá khứ khi chưa đi tù, muốn quay về cuộc sống lương thiện. Hắn bị từ chối, thất vọng, nhận ra bi kịch bản thân. Chí tìm giết Bá Kiến và tự sát.

    - Thị Nở nghĩ về những "Chí Phèo con" trong tương lai.

    2. Đề tài – chủ đề

    - Khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước năm 1945: Một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa.

    3. Không gian, thời gian

    A. Độ dài thời gian:

    - Chiều hướng, trật tự thời gian:

    + Thời gian đa chiều

    + Đoạn mở truyện tả tiếng chửi của Chí Phèo trong hiện tại

    + Đoạn văn tiếp theo là thời gian quá khứ về nguồn gốc Chí Phèo

    + Tiếp đến là quá khứ gần của Chí: Làm canh điền cho ông lí Kiến "rồi" đi tù ", rồi hắn lại lù lù về.

    + Câu chuyện quá khứ khép lại, nhà văn đưa người đọc trở về với cuộc sống hiện tại của Chí. Nhưng trong hiện tại lại gợi những hình ảnh của quá khứ.

    + Đoạn kết tác phẩm" Chí Phèo ", khi nghe tin Chí Phèo chết, Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng, trong óc thị thoáng hiện ra cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại. Ở đây, hiện tại, quá khứ soi sáng cho nhau, tạo nên sự cộng hưởng về cảm xúc và ấn tượng cho người đọc trong sự phỏng đoán về tương lai

    + Thời gian hồi tưởng – tâm tưởng: Chí Phèo đối diện với cảnh sống hiện tại, cảnh vật ngày hôm nay như khêu gợi kỷ niệm của ngày qua. Mơ ước xưa hiện về. Hắn đã mất ý thức về thời gian. Nhưng sau lần gặp thị Nở, tình cảm tự nhiên và sự săn sóc tận tình của người đàn bà tội nghiệp này đã góp phần đánh thức ý thức về nhân phẩm và cùng với nó là ý thức về thời gian của Chí Phèo

    - Nhịp điệu, sự vận động của thời gian:

    + Trong truyện" Chí Phèo ", nhịp điệu thời gian có khi chậm lại bởi những đoạn suy tư và hồi tưởng của Chí về thời quá khứ. + Nhưng cũng có khi thời gian lại vận động rất nhanh khi tác giả kể về quá trình tha hóa nhân tính lẫn nhân hình ở nhân vật Chí Phèo.

    => Thời gian tâm lí.

    B. Không gian nghệ thuật trong truyện" Chí Phèo "– Nam Cao:

    - Không gian làng Vũ Đại:" Chí Phèo "có phạm vi hiện thực được phản ánh trải ra trên cả bề rộng không gian (một làng quê) : Làng Vũ Đại

    - Hình ảnh thu nhỏ của xã hội phong kiến nông thôn Việt Nam đương thời.

    - Không gian túp lều ven sông

    - Không gian đêm trăng

    C. Sự kết hợp giữa không gian và thời gian nghệ thuật trong" Chí Phèo ": Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện" Chí Phèo "nhiều khi lẫn vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau. Thời gian và không gian của tâm lí (nhân vật).

    4. Lời kể, ngôi kể và điểm nhìn

    - Sự luân phiên của các điểm nhìn: Điểm nhìn của người kể được luân phiên với điểm nhìn của nhân vật =>Tạo cảm giác thú vị, thu hút người đọc

    - Điểm nhìn trần thuật trong đoạn mở đầu: Được dịch chuyển linh hoạt giữa người kể chuyện với lời kể của nhân vật. Mở đầu truyện ngắn là cái nhìn trần thuật của người kể chuyện. Sau đó, với hình thức lời nửa trực tiếp, điểm nhìn của chủ thể trần thuật lại hóa thân vào điểm nhìn của Chí Phèo =>Hình thức này cho phép chủ thể trần thuật di chuyển điểm nhìn rất linh hoạt, đồng thời với kiểu độc thoại nội tâm, chủ thể trần thuật có điều kiện soi chiếu vào những mảng tâm trạng sâu kín nhất của nhân vật, giúp người đọc hiểu rõ hơn về từng nhân vật trong tác phẩm.

    - Điểm nhìn trong phân đoạn miêu tả cảnh Chí Phèo gây sự với người nhà bá Kiến: Người kể không hoàn toàn miêu tả cảnh Chí Phèo gây sự với người nhà bá Kiến chỉ từ điểm nhìn của mình bởi trong lời kể của tác giả có đan xen lời bàn tán, xì xèo, suy luận của người dân xung quanh đứng hóng chuyện.

    - Điểm nhìn trong phân đoạn Chí Phèo lúc đón nhận bát cháo hành của Thị Nở:

    + Người kể chuyện đặt điểm nhìn của mình với vai trò là người chứng kiến toàn bộ sự việc, hiểu rõ tính cách cũng như tâm lý của những người trong cuộc, từ đó đưa ra cách miêu tả chân thực nhất về diễn biến tâm lý của từng nhân vật.

    + Thái độ người kể chuyện đối với Chí Phèo và Thị Nở qua hệ thống điểm nhìn và lời kể: Người kể chuyện đã đặt mình và vị trí của nhân vật, nói lên tâm tư, nguyện vọng của họ. Chí Phèo thì muốn quay lại làm người lương thiện, muốn có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Thị Nở thì khát khao hạnh phúc dù xấu xí và đã quá tuổi lấy chồng. Tất cả đều thể hiện sự tôn trọng đối với mỗi nhân vật

    + Giọng điệu trần thuật gần gũi, dễ hiểu, thể hiện rõ sự thay đổi trong tâm sinh lý của Chí Phèo từ con quỷ làng Vũ Đại muốn trở lại làm người bình thường, kiếm tìm hạnh phúc.

    - Điểm nhìn trong đoạn kết thúc tác phẩm:

    + Từ vai trò là một người kể chuyện, chứng kiến toàn bộ câu chuyện diễn ra, hiểu rõ diễn biến, tâm lý của mỗi nhân vật, tác giả chuyển mình thành giọng điệu của người dân làng Vũ Đại, bàn tán xôn xao về vụ việc vừa qua với những sắc thái, cung bậc cảm xúc khác nhau.

    + Người kể chuyện không đưa ra lời bình luận trực tiếp nào cho sự việc xảy ra ở làng Vũ Đại mà tác giả thể hiện sự đánh giá của mình qua lời nói của người dân làng Vũ Đại => Qua đó, người kể chuyện thể hiện góc nhìn đa chiều của mình.

    * Nhận xét chung về lời kể và điểm nhìn:

    Lời kể và điểm nhìn của người kể chuyện thể hiện thái độ công bằng, bình đẳng, đánh giá một cách trung thực, khách quan nhất về nhân vật Chí Phèo. Với ông, con người đều có quyền bình đẳng, phê phán xã hội vô nhân đạo đày đọa con người. Vì vậy, dưới góc nhìn khách quan của mình, Nam Cao đã đòi lại công bằng cho một người được coi là" đáy xã hội ", bị mọi người hắt hủi.

    5. Nhân vật

    A. Làng Vũ Đại - Chí Phèo

    - Thái độ làng Vũ Đại khi Chí Phèo mới từ nhà tù trở về làng: E sợ, vì:

    + Ngoại hình như thằng săng đá (cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết.. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế)

    + Hành động của hắn: Uống rượu say khướt; chửi bới ở cổng nhà bá kiến; tay lúc nào cũng nhăm nhăm cầm cái vỏ chai; ăn vạ..

    - Bà cô Thị Nở - đại diện cho định kiến - dứt khoát không cho cháu mình đến với Chí Phèo:

    + Bà nhìn lại mình rồi áp đặt lên Thị Nở, bà cho rằng đã ngoài 30 tuổi rồi ai lại đi lấy chồng.

    + Hơn nữa, Chí Phèo còn là thằng không cha không mẹ, còn làm nghề rạch mặt ăn vạ, bà thấy nhục nhã thay cháu mình.

    B. Bá Kiến - Chí Phèo

    - Nói giọng nhỏ nhẹ:" Anh Chí ơi! Sao anh lại làm thế? ";" Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì anh mà anh phải chết.. "- Chuyển sang giọng nói thân mật:" Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi! Đi vào nhà uống nước. ";" Nào đứng lên.. mang tiếng cả. "..

    - Đưa mắt nháy con một cái và quát:" Lý Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người nhà đun nước, mau lên! "=> Dụ dỗ để dần biến Chí thành tay sai cho hắn.

    C. Thị Nở - Chí Phèo

    - Hành động thể hiện lòng trắc ẩn của thị Nở dành cho Chí Phèo: Thị nghĩ hắn bị ốm và nấu cháo cho hắn ăn => Sự quan tâm, lo lắng của một người đàn bà dành cho Chí Phèo.

    - Hình ảnh cái lò gạch cũ: Thị Nở nghĩ về" Chí Phèo con "trong tương lai. => Một vòng tròn luẩn quẩn gợi về một quy luật tàn bạo trong xã hội cũ.

    D. Chí Phèo – Chí Phèo

    - Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo vào buổi sáng sau cuộc gặp gỡ với thị Nở đêm trước:

    + Hắn nghe thấy tiếng chim ríu rít bên ngoài

    + Hắn nhận ra cái lều ẩm thấp vẫn mới chỉ hơi lờ mờ. Chưa bao giờ hắn nhận thấy thế bởi chưa bao giờ hết say.

    + Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài.

    + Nghĩ đến rượu hắn thấy hơi rùng mình

    + Hắn nghe thấy tiếng chim hót ngoài kia vui quá. Nghe thấy tiếng cười nói của người đi chợ, tiếng gõ mái chèo.. Chao ôi là buồn!

    + Hắn nghĩ về ao ước của mình trước kia, từng mong muốn có một gia đình nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải..

    + Rồi hắn lại thấy mình già rồi mà vẫn cô độc, tự thấy buồn cho đời..

    - Phản ứng tâm lý và hành động của Chí Phèo sau khi bị Thị Nở từ chối chung sống:

    + Hắn đang chìm đắm trong tình yêu, nghĩ về một tương lai tươi sáng cho cả hai và tự thấy vui trong mình.

    + Thị Nở đột nhiên đến, chửi vào mặt hắn, hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu. Hắn bỗng ngẩn người → cảm giác hụt hẫng khi bị từ chối.

    + Thoáng một cái, hắn lại như hít thấy hơi cháo hành

    + Thị bỏ về, hắn sửng sốt, đứng lên gọi lại. Hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái. Hắn lăn khoèo xuống sân. → Hắn muốn níu kéo, muốn giữ lại niềm hạnh phúc mới được nhen nhóm của mình.

    + Hắn nhặt một hòn gạch vỡ, toan đập đầu. Hắn nghĩ: Đập đầu ở đây chỉ thiệt; đập đầu ở đây, để mà nằm ăn vạ ai?

    + Hắn muốn đến đâm chết con khọm già nhà nó.. Muốn đập đầu, phải uống thật say, uống thêm chai nữa. Và hắn uống. Nhưng càng uống càng tỉnh ra. Hắn lại cứ thẳng đường mà đi đến nhà bá Kiến.

    =>Người kể chuyện có đưa ra những phán đoán đáng tin cậy để người đọc hiểu được tâm lí và hành động của nhân vật.

    - Sự ám ảnh của hơi cháo hành đối với Chí Phèo:

    + Lần đầu tiên hắn được chăm sóc bởi bàn tay của một người đàn bà. Bát cháo hành chính là minh chứng rõ nhất cho sự quan tâm, chăm sóc hay chính là tình yêu của thị Nở dành cho hắn

    + Trong khi hắn đang muốn quay lại làm người, thị xuất hiện, trút giận lên hắn đã khiến hắn tỉnh ra, hơi cháo hành xuất hiện như một sự hồi niệm về một mối tình ngắn ngủi thoáng qua giữa hai người.

    - Câu nói" Ai cho tao lương thiện?": Đây không phải là lời của một kẻ say, đây chính là lời của một Chí Phèo chân chính muốn nói, hắn đã tỉnh táo sau khi gặp thị Nở, con người chân chính của hắn đã quay về và hắn muốn trở lại làm người, làm một người bình thường như hắn từng mong ước.

    6. Giá trị hiện thực và tư tưởng nhân đạo

    - Giá trị hiện thực:

    + Sự đàn áp, bóc lột và tàn ác của bọn thực dân, phong kiến đối với những người nông dân trong xã hội xưa

    + Số phận của người nông dân Việt Nam trước cách mạng vô cùng thê thảm, bần cùng và trở thành lưu manh. Họ bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa và cái chết là điều tất yếu để giải thoát họ khỏi những đau khổ.

    - Giá trị nhân đạo:

    + Lời kết án đanh thép xã hội thực dân, phong kiến tàn bạo đã tàn phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động hiền lành, chất phác.

    + Niềm cảm thông, chia sẻ, đau xót khi chứng kiến những con người hiền lành, lương thiện bị dày vò, tha hóa thành con quỷ dữ của cả làng Vũ Đại.

    + Khẳng định niềm tin của tác giả vào bản chất lương thiện của những người nông dân cả khi tưởng như họ đã mất cả nhân hình lẫn nhân tính

    + Là lời cảnh báo của tác giả với số phận của những người nông dân Việt Nam trước Cách mạng, nếu không thay đổi thì cuộc sống của họ cũng sẽ bế tắc, tuyệt vọng, tha hóa, lưu manh hóa và cái chết sẽ là điều không thể tránh khỏi.
     
    LieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...