Bài thơ: Ngọn nến Tác giả: Vũ Đình Hạnh "Ngọn nến" của nhà thơ Vũ Đình Hạnh là bài thơ nhẹ nhàng, giản đơn mà đậm chất triết lý. Với thể thơ ngũ ngôn quen thuộc; những hình ảnh thơ gần gũi: bông hoa, cánh diều, ngọn nến; ngôn từ mộc mạc dễ thuộc dễ nhớ, bài thơ mang đến thông điệp sâu sắc: Để tạo nên giá trị cho bản thân, có khi con người phải trải qua những trải nghiệm gian khổ. Nắng, mưa là những hiện tượng của tự nhiên, tượng trưng cho khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng cần thiết để cho hoa đậm hương thắm sắc. Gió trời cũng vậy, có thể khiến cánh diều chênh chao, nhưng cần thiết để diều chạm đến mây trời. Ngọn nến cùng cần phải đốt cháy mình để tạo nên ánh sáng. Mọi gian khổ đều có giá trị của nó. Giá trị ấy chính là thành quả ngọt ngào, là sắc hương của hoa, là tầm cao của diều, là ánh sáng của nến. Sâu xa hơn, đó là thành công của con người. Mượn sự vật để mang đến thông điệp cho con người, lời thơ mang đến nhiều suy ngẫm sâu xa, thôi thúc chúng ta cần nỗ lực, cố gắng hết mình, dù đôi lúc phải hi sinh, thiệt thòi... thì mới có được thành quả xứng đáng, mới tạo nên giá trị bản thân. Văn bản: Biết chắt hương từ mưa biết lọc màu từ nắng hoa làm nên say đắm giữa mảnh vườn hoang sơ Muốn tiếng mình bay xa diều lên phải đón gió hết chao chiêng chao ngửa mới ngang tầm trời mây. Thân mảnh mai hao gầy ngọn nến kia tỏa sáng muốn làm nên chút nắng phải đốt mình nên thôi. (Dẫn từ Tuyển tập thơ Việt Nam 1975 - 2000, NXB Hội nhà văn Việt Nam, 2001, tr71)