Sáo trúc là một loại nhạc cụ dân tộc sử dụng hơi thở và các ngón tay để chơi. Đây là một loại nhạc cụ khá đơn giản mà có thể tự học được ở nhà. Ở đây mình chủ yếu đề cập tới sáo ngang 6 lỗ vì mình cũng đang sử dụng nó. Mình sẽ tổng hợp ngắn gọn những kiến thức cơ bản nhất cho những ai mới trở nên thích thú với bộ môn sáo trúc này nhé. 1. Ai chơi được sáo trúc? Bất cứ ai yêu thích cũng có thể chơi nhé nhưng nếu có làn hơi tốt, ngón tay dài linh hoạt và môi dày một tí là một lợi thế đó, nhưng thông qua luyện tập thường xuyên bạn cũng hoàn toàn có thể cải thiện được. 2. Chọn sáo nào? Cây sáo phù hợp rất quan trọng nhé. Sáo ngang thì có nhiều loại, nhiều dòng, đa dạng mẫu mã, từ chất liệu làm sáo tới tone độ của từng cây sáo sẽ khác nhau. Với những cây sáo có tone càng thấp thì cần một làn hơi đủ khỏe mới có thể chơi tốt. Vậy nên những bạn mới bắt đầu mình khuyên các bạn nên chọn cây sáo có tone Đô (ký hiệu C), vì đây là cây sáo vừa đủ để các bạn tập, có thể thổi được khá nhiều bài hát và âm độ chuẩn để các bạn luyện cảm âm. Bạn cũng không cần phải chọn cây sáo quá đắt tiền, tầm 100-150-200 nghìn là ổn và theo mình thì sáo nứa Bắc thổi khá tốt nhé. Với những người chuyên nghiệp thì người ta sẽ chọn bất cứ cây sáo nào phù hợp với màu sắc và thông điệp bài hát muốn truyền tải nữa đó. 3. Luyện cái nào trước? Nếu bạn nóng vội muốn chơi ngay một bài mà không luyện hơi cho nhuần nhuyễn thì sẽ không thể chơi hay được vì sáo vốn là dùng hơi thở để duy trì. Các bạn phải học cách lấy hơi, giữ hơi và thổi sao cho phù hợp với từng nốt trên thân sáo. Luyện hơi là một việc cần phải làm thường xuyên kể cả đối với những người chơi chuyên nghiệp. Việc kiểm soát tốt hơi thở sẽ góp phần làm tiếng sáo vang, rõ và hay hơn rất nhiều. Việc luyện lên xuống các quãng cũng rất cần thiết nhé. (Riêng với mình thì phần thay đổi giữa các quãng là căng nhất) Sau khi đã thổi được các nốt cơ bản thì bắt đầu luyện ngón. Ở đây chủ yếu tập các bài phản xạ với từng nốt, làm cho ngón tay di chuyển thật linh hoạt trên cây sáo vì các kỹ thuật ngón đòi hỏi sự dẻo dai của các ngón tay. Cụ thể các bài tập bạn có thể tham khảo thêm nhé. Đã luyện thành những bước cơ bản rồi thì bạn hãy tìm những bản nhạc cho người mới tập chơi và luyện tập nhé. Mới đầu sẽ hơi khó một chút để kết hợp các kỹ thuật với nhau, hơi thổi cứ bị xì xì và lên xuống quãng sẽ chưa tốt nhưng cứ luyện đi luyện lại các bạn sẽ chơi được thôi. Đừng chọn những bài quá khó nhé, bạn sẽ cảm thấy nản đó. Bạn cũng cần phải biết cách vệ sinh để sáo có thể thổi ra âm thanh tốt nhất nhé. Đến đây là hết rồi, cảm ơn các bạn đã đọc. Chúc các bạn thành công, sớm tự thực hiện cho bản thân và mọi người những bản nhạc hay nhất nhé.