Tác phẩm: Mẹ kế Tác giả: Ôn An Na Thể loại: Truyện ngắn Lên ba tuổi, mẹ của bé Vy bỏ hai cha con mà đi. Bé không nhớ gì về mẹ ruột cả, ba tuổi là cái tuổi còn nhỏ để nhớ một điều gì đó quá lâu. Lên năm tuổi, cha của bé Vy đi thêm bước nữa, người đàn bà nọ có một đứa con trai kém cô 2 tuổi, tên là Tú. Cha bé chỉ làm bữa tiệc đơn giản, trình báo tổ tiên để bà ta về làm dâu nhà này. Lần đầu tiên gặp bé, bà ta cho bé một bộ quần áo mới và bảo: "Sau này ta sẽ là mẹ của con". Bé Vy cứ như vậy sống cùng cha, mẹ kế và em kế. "Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng". Câu nói này là câu mà bé Vy nghe nhiều nhất, họ hàng, làng xóm cứ bàn ra tán vào. Rồi có vài người hàng xóm còn vô ý bảo với nó: "Mẹ kế mày chỉ giả vờ trước mặt cha mày thôi, bà ta chỉ thương đứa con của bà ta thôi". Không biết có phải vì vậy hay không, mà bé Vy cứ lầm lầm lì lì, không chịu nói cười với mẹ kế, lâu dần kêu thành dì, không kêu mẹ nữa. Năm tám tuổi, cha bé Vy qua đời vì một vụ tai nạn xe cộ. Trong lễ tang, bé Vy khóc lóc thảm thương, còn bà ta và thằng Tú không hề hấn gì cả, không rơi một giọt nước mắt. Lúc quỳ trước linh cữu của cha, bé Vy nghe người ta xì xào: "Tội nghiệp con bé, không biết có bị bà mẹ kế đuổi ra khỏi nhà không nữa". Hôm sau, bé Vy ở trong phòng khóc nguyên một ngày, bà ta mắng: "Khóc thì được gì, mất thì đã mất rồi". Bà ta thản nhiên đi làm, sinh hoạt bình thường tựa như không có chuyện gì xảy ra. - Tao ghét nhất là con nít thích khóc, mày thích khóc như vậy thì ở trong đó luôn đi. Từ đó về sau, bé Vy không bao giờ khóc trước mặt bà ta nữa. Thái độ khác hoàn toàn với lúc cha bé còn sống, đúng là hành vi của mẹ kế. Bà ta cũng có lương tâm, không để cho bé Vy phải làm mấy công việc nặng nhọc, bà ta cũng sẽ giặt đồ, nấu cơm cho bé. Rồi mấy năm qua đi, bé Vy lên lớp 8, lần đầu tiên có kinh nguyệt, bé tưởng mình bị bệnh sắp chết, hoảng hốt chạy sang nhà hàng xóm nhờ cô Sáu nhà bên giúp đỡ. Lúc trở về nhà, bé Vy thấy bà ta đã ngồi trên ghế phòng khách, khuôn mặt hậm hực. - Mày còn biết đường trở về à? Đi được thì mày qua bên đó ở luôn đi. Kể từ đó, bé Vy không dám đi đâu nữa, chỉ quanh quẩn trong nhà và đi học. Bé Vy tự mình làm mọi việc như giặt quần áo, chuẩn bị sách vở. May ra, bà ta đều đóng học phí mỗi năm và chu cấp sinh hoạt hàng tháng cho bé. Năm bé lên lớp 9, chuẩn bị thi chuyển cấp, bà ta nói rằng bé phải đậu trường chuyên của tỉnh. Bé lo sợ lắm, đậu được trường có tiếng là đã tốt rồi, trưởng chuyên nghe xa vời quá. Thằng Tú, con trai của bà ta, năm nay lớp 7, thành tích học tập còn tệ hơn bé Vy, vậy mà một hai bắt bé phải thi trường chuyên. Lúc nhỏ thằng Tú thường xuyên chạy sau lưng Vy, gọi chị hai chị hai, nhưng Vy chưa bao giờ thừa nhận nó là em, đi ngoài đường hay ở trường học, không bao giờ đi cùng nó, gặp nó sẽ đi đường khác. Lớn thêm một chút, nó không theo sau Vy nữa, tình chị em mấy năm nay còn không bằng người dưng. Năm đó, quả thật Vy không đậu trường chuyên, khi mẹ kế biết tin, bà ta bắt Vy quỳ một ngày, còn muốn đuổi Vy đi ra khỏi nhà, Vy quỳ khóc cầu xin cả đêm. Vy tự nhủ, mình phải cố gắng học thật tốt, đậu trường đại học tốt, để sau này đi làm, không dùng đồng tiền nào của bà ta. Vy học một trường cấp ba top 3 của tỉnh, không phải chuyên, nhưng đã giỏi hơn rất nhiều người rồi. Vy học ngày học đêm, tranh thủ thời gian, học đến khuya muộn. Ba năm cấp ba cặm cụi học tập, Vy đậu trường đại học có tiếng cả nước, ngành sư phạm, nên không phải lo lắng học phí. Cô bé Vy ngày nào đã tốt nghiệp đại học, ra trường và đi làm được hai năm. Suốt bốn năm đại học, cô chưa từng mở miệng xin tiền mẹ kế, cô đi dạy thêm hai ba nơi, khi không đủ tiền còn làm phục vụ trong quán ăn, quán cà phê. Thời gian thấm thoát trôi qua, cô tốt nghiệp và công tác tại một trường trung học cơ sở. Sáu năm qua, cô chưa từng về nhà, cũng chưa từng điện thoại hỏi thăm mẹ kế, cũng không biết em trai học trường nào và ở đâu và họ cũng không đến thăm cô. Một ngày nọ, Vy nhận được cú điện thoại từ một số lạ, cô nghe máy, Tú nói cô về nhà, có chuyện muốn làm rõ ràng. Có cái gì cần rõ ràng nữa sao? Hay là muốn đòi tiền những năm qua nuôi cô ăn học? Cô bắt xe về quê, cảnh làng quê thay đổi rất nhiều, nếu không nhờ cô Sáu hàng xóm, chắc Vy quên cả đường về nhà mình. Ngôi nhà giờ đây được sửa chữa khang trang, sạch đẹp, từ bên ngoài nhìn vào, Vy thấy Tú đang ngồi trên ghế. Cậu ta gục đầu xuống, đầu tóc rũ rượi, dường như Vy thấy trên khóe mắt cậu ta còn đọng nước. Cậu ta ngước mắt lên nhìn Vy, đôi mắt đỏ hoe, không nói lời nào, đưa một tờ giấy cho Vy đọc. Là di chúc! Di chúc của mẹ kế! Bà ta đã mất rồi sao? Cô nhìn qua bên phải, bàn thờ gỗ có ba cô và cả bà ta. Bà ta nói đã sửa căn nhà và để căn nhà lại cho Vy, đây là tài sản duy nhất ba cô để lại. Cả đời bà ta nuôi được vài con heo, con bò, bán đi, để lại tổng cộng 70 triệu và vài mẩu ruộng do cha mẹ bà ta cho, chia đôi cho Tú và Vy. Vy ngạc nhiên, sững sờ, không nghĩ rằng bà ta đã qua đời. Nhìn sang Tú, gương mặt đỏ au, đôi mắt đục ngầu, giọng run run: "Vy, mẹ tôi có chết cũng để lại tài sản cho chị, chị có biết bao năm qua mẹ tôi cực khổ như thế nào không hả?". Tôi đờ người ra, những uất ức tủi hờn hai mươi mấy năm tuôn trào: "Bà ta chưa bao giờ coi tôi là con ruột! Bà ta đối xử với tôi như thế nào, cậu đều biết cả! Bà ta như vậy là diễn cho ai xem?". Tú nghẹn ngào: "Không tin chị đi hỏi xóm làng này xem, mẹ tôi không thương chị thì nuôi chị làm gì? Sao chị không nhớ những lúc mẹ nai lưng đi làm cho chị đi học, mua sách vở quần áo cho chị? Chị ích kỷ, chị chỉ nhớ những gì người ta nợ chị". Vy không tin, cô hét ầm lên: "Cậu không hiểu, bà ta không thương tôi. Tôi chỉ là con ghẻ". Vy bỏ đi, bắt xe trở lại thành phố làm việc. Bảy năm trời, Vy ở đây lấy chồng và có một cô công chúa đáng yêu, cô không về quê, cũng không gặp lại Tú nữa. Một lần, đơn vị cô công tác chuyển cô đến vùng sâu vùng xa vì ở đó thiếu giáo viên, khá gần với quê cô. Cô đi ngang, và bước vào ngôi làng nhỏ năm xưa. Ngạc nhiên, ngôi nhà của cha cô được bà mẹ kế sửa sang lại vẫn còn mới tinh và sạch sẽ. Cô bước vào nhà, không có ai cả, ngôi nhà không khóa, hay là thằng Tú đã bán cho chủ khác rồi? Vy sang chỗ thờ cúng, vẫn là di ảnh của cha cô và bà ta. Theo trí nhớ, cô qua nhà cô Sáu - hàng xóm ngày trước. Mái tóc cô Sáu điểm bạc và cô Sáu rất ngạc nhiên khi gặp Vy. Cô Sáu ôm Vy, và kể cho Vy nghe về câu chuyện từ lúc Vy đi học đại học. Cô Sáu nói rằng, bà ta thực ra rất quan tâm cô, để lại ngôi nhà đó, thằng Tú xây nhà mới ở làng bên, lâu lâu nó về quét dọn. Cô Sáu cũng là lúc bà ta sắp chết, vô tình thấy bà ta ngã trước cửa, rồi trăn trối lời cuối cùng với cô Sáu. Cô Sáu cũng nhìn ra được nỗi khổ của bà ta, năm xưa, điều tiếng quá nhiều, bà ta trở nên hung dữ hơn, cô Sáu còn bắt gặp bà ta đi bán hết của hồi môn lấy tiền, bán hết heo, bò vì năm ấy cả làng túng thiếu, nhiều đứa trẻ nghỉ học thì Vy và Tú vẫn được đi học. Vy nhớ ra, những lúc học về muộn vẫn có cơm nóng hổi trong bếp, năm đó đói kém vẫn có sách vở quần áo mới cho cô, những lúc thức dậy trên bàn học thì trên lưng đều có chiếc chăn.. thì ra người mà cô căm ghét bất lâu nay cũng quan tâm cô những điều nhỏ nhặt. Vy ôm cô Sáu ngồi khóc thật lâu.. Có những thứ, nhận ra đã quá muộn màng. (câu chuyện dựa trên câu chuyện có thật) Hết. Ôn An Na.