Lễ Nhập Kut của người Chăm Ahier - Nguồn gốc và điều kiện nhập Kut

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Nguyễn Ngọc Minh, 14 Tháng mười 2023.

  1. Nguyễn Ngọc Minh

    Bài viết:
    10
    Lễ Nhập Kut của người Chăm Ahier - Kỳ 2: Nguồn gốc và điều kiện nhập Kut.


    Qua bài viết trước, ta đã được tìm hiểu đôi nét về người Chăm ở Việt Nam, tổng quan về tư tưởng, tín ngưỡng văn hóa của người Chăm Bà La Môn. Trong bài viết này, ta sẽ bắt đầu tìm hiểu về nội dung chính, chính là lễ nhập Kut của người Chăm Ahier. Bài viết này sẽ cho chúng ta biết được về nguồn gốc của lễ nhập Kut, cùng những điều kiện để một người Chăm Bà La Môn có thể được nhập Kut.

    Nguồn gốc của Lễ nhập Kut và điều kiện được nhập Kut.

    Theo truyền thuyết Chăm vào thế kỷ thứ XII thời vua Po Klaong Garai trị vì, trong nước xảy ra nạn đói kém, dân chết đầy đường, vì đây là tầng lớp lao động nghèo nên người chết không được làm lễ hỏa táng, xương cốt vứt bỏ khắp nơi. Quan niệm tín ngưỡng người dân cho rằng do không được siêu thoát khỏi trần gian nên hồn ma người chết vẫn lảng vảng quanh họ, gây nên những cảnh chết chóc, bệnh tật triền miên. Do đó người dân lao động đã nổi dậy đòi nhà vua và tăng lữ cầm quyền cho họ được thiêu xác chết và chôn cất cho có nơi có chỗ, như vậy thì nhân dân mới có thể được yên ổn làm ăn. Đứng trước tình hình đó, vua Po Klaong Garai đã chấp nhận và cho dựng Kut (Các nghĩa địa người Chăm) để chôn xương tầng lớp lao động nghèo. Kể từ đó, Kut được hình thành và tồn tại đến ngày hôm nay.

    Xét về mặt tôn giáo, thì người theo Bàlamôn giáo ở Ấn Độ không có tục giữ lại 9 miếng xương trán sau khi hỏa thiêu như của người Chăm Bàlamôn hiện nay. Giáo lý Bàlamôn quy định: "Sau khi thiêu, mọi người tắm rửa và ba ngày sau, những mảnh xương chưa cháy hết và tro được thu gom rồi thả xuống sông Hằng". Những tư liệu của người Trung Hoa cũng cho chúng ta biết, trước đây, người Chăm không có tục giữ lại 9 miếng xương trán để nhập kút: ".. Khi khiêng người chết đến gần một con sông thì họ thôi khóc; họ đặt xác lên đống củi rồi đốt, sau đó nhặt lấy tro than cho vào một cái lọ bằng đất, đem ném xuống sông, rồi mọi người về, tránh không nói một tiếng nào, có lẽ để cho linh hồn người chết không tìm được đường về".

    Như vậy, tục nhập kút và thờ kút của người Chăm Bàlamôn không phải là tín ngưỡng của đạo Bàlamôn và trước đây cũng không có. Vậy nguồn gốc tục thờ kút của người Chăm xuất phát từ đâu? Có từ bao giờ? Ông Sử Văn Ngọc trong bài viết: "Đám ma người Chàm Bàlamôn Thuận Hải" cho rằng tục chặt thủ cấp khi thiêu người chết là xuất phát từ sự tích Um Mưrup, con vua Rum Muk, một thái tử đạo Bàlamôn bị đạo Hồi mê hoặc phản bội vua cha, sau bị bêu đầu làm gương ". Theo các sử liệu khác nhau, thời Champa, việc mang xương cốt về thờ chưa có. Sau khi thiêu, phải mang tro bỏ trên các dòng sông, suối lớn nhỏ: Của vua chúa thì bỏ vào biển cả, của quý tộc giàu có thì bỏ xuống sông, của dân lao động nghèo thì bỏ trên dòng suối hoặc mương nước, ao hồ. Theo truyền thuyết, từ thời vua Pô Alloah đến Pô Klongirai (vào khoảng cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII) xương cốt của vua chúa được chôn ở trong tháp, còn của quý tộc thì ở lăng tẩm. Đối với dân lao động nghèo thì vẫn bỏ tro xuống nước. Cho đến khi Pô Klongirai lên ngôi, xương cốt dân nghèo mới được chôn vào kút dưới các biểu tượng đá để thờ phụng nhờ một sự kiện còn lưu giữ trong truyền thuyết Chăm về vị" Vua lác "(Pô Klongirai). Truyền thuyết ấy như sau: Theo sử Chàm thì ở thế kỷ thứ XII, trong nước có nạn đói kém, chết chóc tràn lan, người chết không được làm lễ hỏa táng, xương cốt người dân vứt bỏ bừa bãi. Do mê tín dị đoan, người ta cho rằng hồn phách người dân không giải thoát được khỏi trần gian, nên theo đuổi người trần mà phá phách, gây cảnh đói kém, bệnh hoạn, chết chóc. Do đó, nhân dân lao động đã nổi dậy đòi nhà vua và bọn tăng lữ cầm quyền hồi bấy giờ cho lấy xương cốt về chôn có nơi có chỗ. Như vậy, dân mới được yên ổn làm ăn. Trước sự đòi hỏi của dân, Pô Klongirai phải đành chấp nhận cho dựng kút để chôn xương người nghèo.

    Còn việc tại sao giữ lại các mảnh xương trán, các chức sắc Bàlamôn cho biết: Trán là nơi tụ linh, là nơi tinh tuý nhất của con người, còn số lượng 9 mảnh xương trán (cho cả đàn ông lẫn đàn bà), có lẽ là có sự liên quan đến quan niệm tái sinh trong nghi lễ tang ma của người Chăm Bàlamôn.

    Lễ nhập kút (dănk batalang tam kút) chỉ dành cho người chết thuộc dòng" hỏa táng ". Có kút" chính "và kút" phụ ". Kút" chính "của dòng họ chỉ dành cho những người chết" trọn vẹn – chết bình thường – chết tốt "(Mưtai sian), là những người chết khi đã 50 tuổi trở lên, đã có vợ có chồng, con cái, chết toàn thây và chết tại nhà mình, trước khi chết có người nhà đỡ tựa vào ngực và sau đó được để nằm dưới đất. Kút" phụ "là kút dành cho những người chết không trọn vẹn (Mưtai phào). Kút phụ thường để ngoài hàng rào của kút chính. Linh hồn những người nhập vào kút phụ không được tái sinh và giải thoát, không được về với thế giới tổ tiên. Người Chăm rất sợ chết không" trọn vẹn ", vì vậy không dám đi xa nhà, không dám đi bệnh viện phẫu thuật một phần thân thể và không dám chết ở bệnh viện.

    Sau khi hỏa táng, gia đình đã làm đủ các nghi lễ giỗ (patrip) 3 ngày, giỗ đầy tháng, giỗ đầy năm mới đủ điều kiện làm lễ nhập kút. Theo quan niệm của người Chăm Bàlamôn, chỉ sau khi làm lễ nhập kút, người chết mới được đầu thai trở lại và mới được thần linh hóa, về với ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia. Đó vừa là cõi thiên đàng (swowr riga), vừa là xứ sở của tổ tiên (nưgar mukkay). ở thế giới ấy cũng có ranh giới để phân biệt các tộc họ (mẹ) với nhau. Mặc dù thế giới siêu hình ấy ở nơi xa xôi đến mấy nhưng vẫn" liên lạc "với dòng tộc, con cháu nên người Chăm vẫn thờ phượng. Vì vậy, hàng năm vào lễ Katê (lễ cúng cha – dương) và Chabul (lễ cúng mẹ – âm), người Chăm vẫn ra thăm kút và thờ cúng.

    Nghĩa địa kút của các dòng họ đều được đặt tên, những tên gọi ấy thường gắn với cảnh quan thiên nhiên nơi làm nghĩa địa kút như: Kút" đá tảng ", vì kút này dựng gần khu nhiều đá tảng, kút" cây me lửa "vì ở gần cây me lửa (minh apui), kút" cây chùm bầu "vì ở gần cây chùm bầu v. V.. Các tên gọi của kút này cũng được đặt cho" chiet atơw"của dòng họ. Kút rất linh thiêng và quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm. Họ tin rằng kút là nơi ông bà tổ tiên hóa thần, có một quyền năng siêu hình, có thể che chở, ban phúc lộc, giải trừ nghiệp chướng cho con cháu trong dòng tộc và con cháu phải có trách nhiệm làm lễ nhập kút và thờ phụng tổ tiên thật chu đáo và đúng phép tắc lễ nghi. Vì vậy, dù khó khăn đến mấy, gia đình và tộc họ cũng phải góp của góp công vào để lo cho bằng được một khu mộ kút.

    Để có một khu mộ kút cho tộc họ, người Chăm phải mời các chức sắc Bàlamôn về làm lễ dựng kút. Lễ dựng kút cũng rất phức tạp và tốn kém, phải làm đúng quy trình từ khâu chọn đất, lễ đóng cọc, lễ chọn đá làm kút, lễ tẩy uế, v. V..


    Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ đưa ra những thông tin chi tiết về Lễ dựng Kut, là tiền đề để một dòng họ người Chăm có thể tiến hành Lễ nhập Kut.
     
    LieuDuongMinh Hikari thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...