Truyện Ngắn Khứ Hồi Về Quá Khứ - Lạc Rang Cháy Cạnh

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Lạc Rang Cháy Cạnh, 20 Tháng tư 2024.

  1. Tác phẩm: Khứ hồi về quá khứ

    Tác giả: Lạc rang cháy cạnh

    Cuộc thi nét bút tuổi xanh

    [​IMG]


    Ánh nắng ban mai chiếu qua khung cửa sổ vào trong phòng làm Phương tỉnh giấc. Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ 30/4 – 1/5. Kỳ nghỉ năm nay rất đặc biệt vì nó kéo dài tận 5 ngày. Các bạn cô ai ai cũng đi du lịch chữa lành còn cô chọn về quê thăm gia đình. Đây là một dịp đặc biệt với gia đình cô.

    Cụ Nghĩa - bà nội Phương sinh được 4 người con. Bác cả tên Hòa sinh năm 1954, bố của Phương tên Bình sinh năm 1960, bốn năm sau bà nội cô sinh đôi hai chú tên Chiến và Thắng. Năm 1972, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, bác Hòa hăng hái đăng ký tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong vào chiến trường chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược. Cô gái 18 tuổi năm đó lần đầu rời quê hương, xa vòng tay ấm áp của mẹ, mang theo tình yêu đất nước, lòng căm thù giặc và quyết tâm chiến đấu giành lại hòa bình cho dân tộc. Ngày tiễn con gái yêu quý lên đường, người mẹ không kìm được nước mắt, nắm chặt tay con gái mà không nỡ buông. Thấm thoắt đã 52 năm kể từ ngày đó. Mỗi năm cứ đến dịp này, Phương lại thấy bà nội lấy những bức thư của bác Hòa ra đọc lại. Những bức thư cụ Nghĩa đọc không biết bao nhiêu lần, nhiều chỗ còn loang vết mực vì nước mắt rơi xuống. Mấy năm nay, mắt bà nội đã mờ không thể nhìn rõ chữ để đọc nên cứ đến dịp này về quê Phương sẽ đọc lại cho bà nghe những bức thư đó.

    Vì bác Hòa hy sinh vẫn chưa tìm thấy mộ nên cả nhà Phương đều ra sức tìm kiếm. Tâm nguyện của cụ Nghĩa là trước khi mất có thể đưa được hài cốt của con gái về với quê hương. Ngày còn khỏe, mỗi năm cứ đến dịp lễ 30/4, cụ Nghĩa và các con trai đều đi vào khu vực chiến trường xưa của con gái để tìm kiếm nhưng đều không có kết quả. Hơn chục năm nay, sức khỏe cụ yếu dần không thể đi về đó để tìm kiếm được nữa, đành phải phó thác cho các con trai. Tuy nhiên việc tìm kiếm đến nay vẫn không có kết quả. Phương thấy trong ánh mắt đã mờ đục của bà nội sự khát khao được gặp lại con gái. Cô thấy hổ thẹn vì chẳng giúp gì được. Ngày mai, bố cô và hai chú sẽ đi vào khu vực A Lưới – A Sầu thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế để tìm kiếm. Đây là khu vực mà bác Hòa trước khi hy sinh đã tham gia mở đường. Mong muốn góp chút sức lực vào việc tìm kiếm vì vậy cô đã xin với bố cho cô được đi cùng. Sau một hồi thuyết phục ông Bình cũng đồng ý với mong muốn của con gái.

    Sáng sớm hôm sau, chiếc xe thuê chở bốn người xuất phát. Sau hơn mười tiếng, mọi người đã đến điểm đầu tiên. Đó là nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở Quảng Trị. Tọa lạc trên một ngọn đồi, đây là nơi an nghỉ của hơn mười nghìn liệt sĩ. Nghĩa trang này luôn là điểm đến đầu tiên của gia đình Phương. Mặc dù biết rằng bác Hòa không yên nghỉ ở đây nhưng mọi người đều muốn tới thắp hương cho các liệt sĩ, tri ân các anh hùng đã hy sinh.

    Chiếc xe tiếp tục đi về phía Thừa Thiên Huế. Càng vào sâu khu vực A Lưới, đường càng khó đi và trời càng tối nên mọi người quyết định nghỉ lại ở một nhà khách gần trung tâm thị trấn. Đối với Phương đây là lần đầu tiên cô tới đây, lần đầu cô được đến gần với người bác mà cô chưa từng biết mặt nên cô không khỏi bồi hồi. Nghe bà nội và mọi người nói cô rất giống bác Hòa. Chắc có lẽ vì vậy mà cô cảm thấy giữa mình và bác dường như có một sợi dây liên kết vô hình. Cô cũng có niềm tin lần này sẽ tìm được bác.

    Sau một đêm nghỉ ngơi, hôm sau khi mặt trời vừa ló rạng, mọi người lại tiếp tục lên đường. Đến trưa, đoàn người đã đến được nhà bác Sáu. Một người dân ở gần khu vực đó ngày trước cũng tham gia mở đường. Bác Sáu là người mà gia đình Phương quen sau nhiều lần đến đây. Bác cũng là người dẫn mọi người đi tìm kiếm mộ của bác Hòa nhiều năm qua. Mọi người ăn trưa ở nhà bác, nghỉ ngơi một lát sau đó bác dẫn mọi người đi vào khu rừng để tìm kiếm. Theo lời bác thì sau chiến tranh con đường mòn bộ đội mở không nhiều người qua lại nữa, cây cối mọc lên um tùm, trải qua mưa lũ, sạt, lở nên đường không dễ đi, nhiều vị trí đã không còn giống với mô tả ngày xưa nữa. Do đó việc tìm kiếm của gia đình Phương mới gặp khó khăn như vậy.

    Men theo một con đường mòn, mọi người đi theo bác Sáu vào sâu trong rừng. Hai bên chỉ toàn là cây cối um tùm, rậm rạp. Vì mới lần đầu đến đây, chưa có kinh nghiệm nên ông Bình để cho Phương đi trước, còn mình theo ngay phía sau đề phòng bất trắc. Ông nhắc nhở con gái phải theo sát sau bác Sáu và hai chú nếu không sẽ bị trượt chân xuống vực. Đi được một đoạn thì gặp một cái cây lớn bị gió lớn mấy hôm trước quật đổ chắn ngang đường. Vì vậy bác Sáu, bố cô và hai chú phải chung sức kéo cái cây đó sang một bên. Trong lúc đó, Phương có dịp nhìn ngắm xung quanh. Mảnh rừng với những tán cây xanh ngắt, không khí trong lành mà ở thành phố không thể có. Bỗng cô nhìn thấy phía bên tay phải có một bông hoa màu hồng phấn nhẹ nhàng bay trong gió. Cô chưa thấy loài hoa ấy trước đây, vì tò mò cô đã quên mất lời bố dặn, cô đi về phía bông hoa đó. Khi cô giơ tay ra định hái lấy bông hoa thì đột nhiên chân cô bị hẫng, cả người cô tụt xuống một cái vực khá sâu. Cô chỉ kịp kêu lên một tiếng á, sau đó đầu cô đập vào một tảng đá và không biết gì nữa.

    Cô tỉnh lại giữa những tiếng cười nói của những nam nữ thanh niên trẻ tuổi. Họ đang ngồi quây quần ăn tối ở một chiếc lán lợp bằng lá cây cách chỗ cô nằm không xa. Vì trời tối, mà bọn họ chỉ đốt một ngọn đèn dầu nhỏ nên Phương không thể nhìn rõ mặt từng người. Cô không biết mình đã ở đây bao lâu rồi, liệu bố và các chú có tìm thấy cô không? Cô hoảng hốt định cất tiếng gọi mọi người thì kỳ lạ thay cho dù cô có hét cỡ nào cũng không hề phát ra tiếng, càng kỳ lạ hơn là dường như đám người đó vẫn không hề biết được có sự hiện diện của cô. Toàn thân cô đau nhức không thể cử động được, cô chỉ có thể mở trừng đôi mắt nhìn. Sau đó, Phương nghe thấy họ hát, những bài hát không phải của giới trẻ ngày nay. Đó là những bài ca về cách mạng, về kháng chiến. Cô có cảm giác như bản thân đang xem một bộ phim về chiến tranh. Một lúc sau, đám đông giải tán, bọn họ trở về những túp lều khác để ngủ. Màn đêm nhanh chóng trở nên tĩnh mịch, Phương còn có thể nghe thấy tiếng suối róc rách chảy, tiếng muỗi kêu vo vo..

    Cô lại thiếp đi, lần này khi tỉnh lại là ban ngày, nắng trải dài trên mặt đất. Bây giờ Phương mới có dịp quan sát xung quanh. Có vẻ ban ngày đám người đó sẽ đi làm việc nên ở lán không có ai cả. Có tất cả bốn lán trại. Cô đoán một lán sẽ dành để sinh hoạt chung, một lán dành cho nam, một lán dành cho nữ và còn một lán để phục vụ nấu ăn. Cô thấy có quần áo phơi gần đó và đa số đều có màu xanh. Quần áo bộ đội! Không lẽ ở giữa rừng hoang vu này có bộ đội đóng quân mà không ai biết sao? Đang suy nghĩ thì đằng xa vang đến tiếng cười đùa của hai cô gái. Phương cố mở mắt nhìn thì thấy có một người rất trông rất giống cô. Nghe hai cô gái nói chuyện cô biết được cô gái giống cô tên Hòa. Lẽ nào đó là người bác đã hy sinh của cô. Không thể tin được. Đây là chuyện gì? Vô cùng khó hiểu nhưng Phương không thể giải thích được. Cô đành tiếp tục quan sát, thấy hai cô gái đang chuẩn bị nấu cơm. Một lúc sau, những người còn lại lục tục kéo nhau về. Mặt ai cũng lấm lem bùn đất, có những cô gái còn trọc đầu; trên mặt, trên cổ còn loang lổ vết hắc lào. Tuy vậy, nhìn ai cũng vô cùng vui vẻ, tràn đầy sức sống. Ăn cơm xong, bọn họ nghỉ ngơi một lúc rồi tiếp tục đi làm. Xung quanh cô lại trở về sự yên tĩnh. Cô không thể lý giải được tình trạng mà cô đang gặp phải. Cô suy nghĩ không ngừng đến mức đầu cô đau như búa bổ. Cơn đau đầu dữ dội ập đến khiến cô bất tỉnh.

    Lần thứ ba tỉnh dậy là lúc khoảng năm, sáu giờ chiều. Có vẻ mọi người đều đã tập trung ở đây. Nam giới đang đánh bóng chuyền, còn các cô gái thì ngồi ở gần chỗ Phương nằm bôi thuốc hắc lào giúp nhau. Có vẻ họ vừa mới tắm xong. Đúng rồi, Phương nghe nói hồi chiến tranh bộ đội và thanh niên xung phong hay bị ghẻ lở, hắc lào rồi sốt rét rừng lắm. Không lẽ, họ đều là những thanh niên xung phong trong thời kỳ chiến tranh? Rất có khả năng Phương đã trở về khoảng thời gian đó. Cô nhìn quanh thì không thấy cô gái tên Hòa có gương mặt khá giống cô đâu cả. Một lúc sau, thấy cô ấy cầm giấy bút từ trong lán đi ra. Rồi cô ấy ngồi trên tảng đá ngay trước mặt Phương, vừa đánh vần vừa viết:

    "Ngày 25 tháng 4 năm 1974,

    Bố mẹ và các em xa nhớ. Mọi người có được khỏe không ạ? Con ở đây vẫn khỏe.

    Chiều nay làm xong việc sớm, được nghỉ sớm nên con tranh thủ viết mấy dòng gửi về thăm bố mẹ và các em.

    * * *"

    Chỉ cần nghe đoạn đầu Phương đã nhận ra đó là nội dung bức thư cuối cùng mà bác Hòa đã gửi về cho ông bà nội. Bức thư đó cô đã đọc cho bà nội nghe không biết bao nhiêu lần, nội dung của nó cô đã thuộc nằm lòng. Vậy đúng là bác Hòa rồi. Cô vừa khóc vừa gọi thật to "Bác Hòa! Bác Hòa ơi!", nhưng chẳng có âm thanh nào thoát ra khỏi cổ họng của cô cả. Cô bất lực, nhìn ngắm gương mặt của người bác chưa một lần gặp gỡ mà chẳng thể làm gì được. Nước mắt cô không ngừng rơi nhưng cảnh tượng trước mặt cô lại đối nghịch hoàn toàn. Những nam nữ thanh niên vẫn vui vẻ tươi cười, cho dù bom đạn chiến tranh, điều kiện sống thiếu thốn cũng không hề lấy đi sự lạc quan, yêu đời và nụ cười của họ. Phương cũng bất giác mỉm cười, cô cảm thấy mình thật may mắn vì đã được chứng kiến tận mắt một phần cuộc sống của họ.

    Một lúc sau, mọi người tập trung trong chiếc lán chính giữa để ăn tối. Bữa cơm đạm bạc với món rau rừng luộc chấm muối và ít cá khô. Tuy vậy, họ ăn uống vô cùng vui vẻ. Sau giờ cơm là giờ sinh hoạt chung của đội. Đầu tiên, mỗi người báo cáo về tiến độ công việc của mình trong ngày hôm nay, sau đó đội trưởng sẽ nhận xét và phân công công việc ngày hôm sau. Cuối cùng là thời gian dành cho các tiết mục văn nghệ. Vẫn là những bài hát như tối hôm qua nhưng họ vẫn nhiệt tình hát, vẫn say sưa nghe.

    Phương cũng theo tiếng hát đó thiếp đi. Lần thứ tư tỉnh dậy, vẫn là khung cảnh ban ngày vắng vẻ, mọi người đã đi ra mặt đường làm việc hết. Xung quanh thật yên tĩnh, dường như một chiếc lá rơi cũng có thể nghe thấy được. Đột nhiên, từ đằng xa xuất hiện một toán lính. Nhìn trang phục, thái độ thì không giống với bộ đội. Là quân Ngụy! Bọn chúng đến từ phía không có đường đi, chắc là bị lạc. Khi nhìn thấy có lán trại chúng đã vô cùng ngạc nhiên, không ngờ lại có thể tìm được quân giải phóng ở đây. Bọn chúng bảo nhau tìm chỗ ẩn nấp để chờ người xuất hiện sẽ tiêu diệt. Lòng Phương như có lửa đốt, cô cố gắng cựa mình, chống tay đứng dậy nhưng người cô không hề nhúc nhích.

    Chợt Phương nghe thấy tiếng cười nói của bác Hòa và bạn ở phía đường mòn quen thuộc. Cô muốn tìm cách báo tin cho bác nhưng dù cô cố hét to đến mức nào thì đối phương đều không thể nghe thấy được. Cô bất lực, vừa khóc vừa nhìn về phía bác Hòa lắc đầu, ngàn lần không muốn điều không may xảy ra. Cô đã nhẩm không biết bao nhiêu lần: "Đừng! Đừng! Đừng!" nhưng rồi điều tồi tệ vẫn cứ xảy đến. Khi hai cô gái trẻ đó xuất hiện, toán lính Ngụy đã nhảy ra. Chúng bắt bác Hòa và đồng đội phải khai ra những người còn lại nhưng cả hai đều ngoan cường không nói mặc cho chúng đe dọa, dụ dỗ. Cuối cùng biết không thể đạt được mục đích, chúng giơ súng lên, chĩa vào đầu hai cô gái. Thấy thế, Phương khóc nấc lên, cô hét về phía chúng: "Đừng bắn" nhưng tiếng súng vẫn vang lên và hai cô gái ngã gục xuống. Bác mãi ra đi ở tuổi 20.

    Tiếng súng đã kéo Phương về với thực tại, lần này cô thực sự mở mắt. Cô thấy mình đang ở trong một căn phòng toàn màu trắng và mùi thuốc sát trùng, bên cạnh là bố cô. Thấy con gái tỉnh dậy, ông vô cùng mừng rỡ. Ông vội đi gọi bác sĩ kiểm tra cho cô. Sau khi kiểm tra bác sĩ nói cô không có gì bất thường cả. Phương quay sang hỏi bố chuyện gì đã xảy ra. Ông Bình nói sau khi nghe thấy tiếng kêu của Phương lúc ngã, mọi người liền nhảy xuống dưới tìm. Sau khi xuống dưới đó thì phát hiện thấy cô đang nằm trên một bãi đất khá bằng phẳng, bên cạnh còn có hai gò đất. Trên một gò đất còn chôn một tấm đá khắc chữ "Hòa – 26/4/1974". Nghi ngờ đó có thể là mộ của bác Hòa nên mọi người quyết định đưa Phương về bệnh viện thị trấn trước, sau đó đến chính quyền địa phương xin phép được khai quật hai ngôi mộ để kiểm tra. Và đúng như dự đoán, một trong hai ngôi mộ đó là của bác Hòa và còn lại là đồng đội bác.

    Ông Bình bảo rằng bác sĩ nói là Phương chỉ bị va đập nhẹ nên chỉ bị thương ngoài da không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến não nhưng cô vẫn hôn mê hơn một ngày nên ông rất lo lắng. Bác sĩ nói có thể cô bị hoảng loạn khi rơi xuống nên tạm thời chưa tỉnh lại ngay được. Phương kể cho bố nghe về những điều thấy được trong giấc mơ. Ông Bình vô cùng ngạc nhiên vì nguyên nhân cái chết của chị gái ông hoàn toàn trùng khớp với những gì con gái ông nói. Và ông cũng chỉ mới được biết hôm nay khi liên hệ với đơn vị cũ của chị ông để tìm thông tin về người thân của ngôi mộ còn lại. Cả hai bố con nhìn nhau một lúc lâu không ai nói gì. Một lúc sau ông Bình nói: "Có thể bác Hòa rất quý con nên mới để con tìm thấy được bác và để con thấy được bác ấy đã kiên cường, dũng cảm như thế nào. Con cũng không cần phải tự trách bản thân vì đó là sự thật. Đã là sự thật thì không thể nào thay đổi được. Đúng không?"

    Vậy là sau bao nhiêu nỗ lực, gia đình Phương đã tìm thấy mộ của người bác đã anh dũng hy sinh. Cuối cùng người mẹ đã đợi được đến ngày được ôm lấy con gái mình trở về quê hương. Và Phương – cô gái trẻ tuổi đã có một chuyến du lịch trở về quá khứ vô cùng đặc biệt mà có lẽ suốt đời này cô không thể quên.​

     
    CaoSG, Phaledenvo, chiqudoll7 người khác thích bài này.
  2. Dana Lê

    Bài viết:
    267
    Xin chào @Lạc Rang Cháy Cạnh, đọc câu chuyện của bạn Dana hơi xúc động nên không nhịn được ghé vào đây viết đôi dòng. Mặc dù có thể đoán được nội dung câu chuyện nhưng đọc đến chữ cuối cùng mình vẫn bị những cảm xúc tiêu cực chi phối. Không xét về hình thức nội dung câu chuyện vô cùng thiết thực, riêng bản thân mình cảm thấy ổn hy vọng bạn sẽ đạt giải cao trong tuần thi đặc biệt lần này. Có chút xót xa khi cô gái tận mắt chứng kiến cảnh người thân yêu chết trước mặt mà không thể làm gì. Nếu là mình chắc sẽ ám ảnh suốt quãng đời còn lại. Cảm ơn câu chuyện ý nghĩa của bạn nhé!
     
  3. Rất vui vì bạn đã yêu thích câu chuyện của mình và cảm ơn bạn đã ủng hộ ạ!
     
  4. CaoSG Sang năm một sắc trời vàng

    Bài viết:
    433
    Chào bạn, trước tiên xin chúc mừng bạn đã đạt giải trong Tháng Đặc Biệt. Ngoài chấm điểm, Ban giám khảo còn có một vài nhận xét/góp ý về bài viết của bạn như sau:

    Giám khảo 1: Tiêu đề của bạn còn chung chung quá. Bạn nên đặt một tiêu đề khác hay hơn.

    Câu chuyện của bạn khá xúc động. Tuy nhiên bạn đã vô tình bị lạc đề mà bản thân không hề hay biết. Lý do:

    1. Đề cho: Bạn có chuyến du lịch khứ hồi về năm 1974. Vì vài lý do đặc biệt nên không thể trở về đúng hạn, bạn sẽ làm gì?

    => Bạn chỉ kể những chuỗi sự việc liên tiếp khi nhân vật Phương té và trải nghiệm các hình ảnh hoàn toàn trong mơ. Cái này giống như kiểu ngày nay gọi là ngoại cảm vậy đó bạn, không phải xuyên không đâu. Bạn cũng có tả nè: Cô hoảng hốt định cất tiếng gọi mọi người thì kỳ lạ thay cho dù cô có hét cỡ nào cũng không hề phát ra tiếng, càng kỳ lạ hơn là dường như đám người đó vẫn không hề biết được có sự hiện diện của cô.

    Mục đích của cái đề là: Bạn có chuyến du lịch khứ hồi về năm 1974. Vì vài lý do đặc biệt nên không thể trở về đúng hạn, bạn sẽ làm gì?

    => Tạo sự tưởng tượng cho các bạn tha hồ sáng tạo khi xuyên không về quá khứ. Ngặt nỗi, các bạn bị vướng vào chiến tranh quá nhiều nên cuối cùng dễ gây cảm xúc tiêu cực.

    Nhìn chung thì truyện cũng ổn, chỉ là nếu có cuộc thi tiếp theo thì bạn cố gắng tránh lạc đề nha^^

    Giám khảo 2: Một câu chuyện gây xúc động, kết thúc tương đối viên mãn cho người ở lại. Tác giả miêu tả khá ổn thỏa phần chi tiết bề nổi cuộc sống thường nhật của lớp thanh niên xung phong mở đường thời chiến. Nhưng cốt truyện đơn giản và dễ đoán, không có điểm nhấn đặc biệt gây ấn tượng khó quên.

    Giám khảo 3: câu chuyện xúc động, diễn tả được sự bất lực của bản thân
     
  5. Em cảm ơn những lời nhận xét của ban giám khảo dành cho em ạ. Em sẽ rút kinh nghiệm để những bài viết lần sau được tốt hơn.

    Em cũng cảm ơn ban tổ chức đã tạo ra những cuộc thi để em có cơ hội tham gia, thể hiện được đam mê của bản thân.
     
    CaoSG, chiqudollDana Lê thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...