Sách: Không Ai Qua Sông Thể loại: Tập truyện ngắn. Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư. Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Trẻ. Nguyễn Ngọc Tư là cái tên không mấy xa lạ với những trang tiểu thuyết đượm chất đời của miền Tây sông nước và mang tính u buồn của những phận người, mà đặc biệt là phận đàn bà. Có người nói đọc tiểu thuyết Nguyễn Ngọc Tư sao thấy đời buồn quá, là những cái buồn miên man dai dẳng của những con người miền Tây. Từng câu chữ của Nguyễn Ngọc Tư cứ hiu quạnh cô đơn của những kiếp người khổ hạnh, mà đặc biệt là phận đàn bà. Cứ chông chênh bấp bênh giữa dòng đời nghiệt ngã này, cái buồn quạnh hiu ấy kết hợp cùng cái buồn của cảnh sông nước miền Tây khi vào mùa nước nổi, mùa mưa trắng xóa đất trời. Và cuốn tiểu thuyết Vực không đáy, lại càng có thấp thoáng những dáng người ấy, những con người cô đơn giữa số phận, những cuộc đời trôi nổi cứ thế dạt trôi, thổn thức lòng người. Tiểu thuyết Không ai qua sông dài 170 trang đưa người đọc đến những câu chuyện ngắn của những mảnh đời trôi nổi ở miền Tây sông nước, được xuất bản năm 2016. Tập truyện ngắn là những nỗi trăn trở và đau đáu về những kiếp người bất hạnh, tô điểm vào cảnh đời trớ trêu ấy là khung cảnh làng quê miền Tây hữu tình nhưng đầy tàn nhẫn của những dòng nước cuốn, những khoắc khoải mong muốn đổi đời của những người nông dân miệt mài, chông chênh chống chọi với cái nghèo và nỗi long riêng tư của chính minh. Mỗi câu chuyện ngắn mang đến những cảm xúc da diết khác nhau, bằng giọng văn trầm buồn, Nguyễn Ngọc Tư đã mang đến một tập truyện gồm 13 câu chuyện ngắn khác nhau. Những câu chuyện ngắn sáng tạo mang đầy chất liệu hiện thực, nhà văn đã tái hiện lại một miền Tây ảm đảm, u sầu, nhưng không vì vậy mà làm con người ta bi quan, thông qua nghịch cảnh của những nhân vật trong câu chuyện để người đọc thấu cảm, trân trọng và cảm nhận sâu lắng về dư vị buồn của cuộc sống này. Riêng chỉ hai câu chuyện ngắn Chỉ gió trả lời những câu hỏi và Giữa mùa chán chết có nhân vật trung tâm là đàn ông, còn 11 câu chuyện ngắn còn lại tập trung viết về phận đàn bà, khai thác những uẩn khuất trong cuộc đời và nội tâm của những người phụ nữ miệt vườn sinh sống ở đất Tây Nam Bộ. "Một xóm Nhơn Thành hư hư thực thực.. người chết và người sống, bằng cách nào đó, sẽ song hành cùng nhau. Một xã hội thu nhỏ, với long tham, thù hận và sức phản kháng.. Tất cả được kể bằng giọng điệu thản nhiên và bông lơn. Sự dữ dội của câu chuyện cứ tang dần cho đến lúc người đọc khép sách lại." - đó lời nhận xét nằm ở sau cuốn sách mà nhà xuất bản Trẻ dành cho tập truyện, gợi mở cho tập truyện ngắn này một sự liên kết, đó là cùng kể về một xóm nhỏ Nhơn Thành, chứa những mảnh đời, những con người có kiếp sống nội tâm phong phú, qua cách kể chuyện đặc biệt mà lại đậm chất riêng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Mười lăm câu chuyện ngắn lần lượt mang tên: Vực không đáy, Không ai qua sông, Nút áo, Nhổ quán, Chỉ gió trả lời câu hỏi, Thầm, Đi thật xa mới đến nhà bạn cũ, Tiều tụy vòng quanh, Mưa mây, Dây diều, Giữa mùa chán chết, Lời yêu và cuối cùng là Đất. Và mở đầu cho tập truyện ngắn Không ai qua sông lại là câu chuyện mang tên Vực không đáy, câu chuyện đầu mở đầu lại là câu chuyện nhằm nói lên khát khao của phận đàn bà, là những khát khao đơn giản như được có mẹ hay được làm mẹ. Chuyện kể về người đàn bà mồ côi, cô lớn lên lấy chồng rồi sinh con như bao phụ nữ khác. Một hôm, cô mang về và chăm sóc một bà già ăn xin lạ mặt, coi như mẹ mình và gọi bà là má. Tiếng "má" cứ thân thương cất lên giữa cuộc đời cô quạnh của hai kiếp người đàn bà, một người chẳng có má còn một người lại chẳng có con. Chuyện sẽ cứ suôn sẻ như thế nếu người chồng không bắt đầu đưa ra những ngờ vực về vợ mình, tại sao cô hành xử như vậy và canh cánh trong lòng nhiều câu hỏi không ai đáp. Sự ngờ vực của người chồng cứ lớn dần trong tâm khảm rồi khoét nó thành một vực thẳm không đáy. Nỗi khát khao của phận phụ nữ còn được tiếp tục khắc họa ở truyện ngắn thứ hai mang tên Không ai qua sông . Câu chuyện thứ hai này nhà văn lại mạnh dạn nói lên một thực trạng vô cùng nóng hổi trong xã hội, đặc biệt là ở miền Tây sông nước, nơi những xóm nhỏ bình dân có ý thức hạn hẹp, đó là nạn bạo hành gia đình xảy ra liên miên. Và xuất phát điểm cho những điều ấy lại là cái nghèo, cái thói gia trưởng của cánh đàn ông trong xã hội. Lần này khát khao duy nhất của phận đàn bà chỉ là mong không bị đánh đập, họ tham gia biểu tình với ước mong sẽ chấm dứt được những khổ đau mà họ phải mang, nhưng cái kiếp đàn bà vẫn quẩn quanh mải miết trong cái bất hạnh ấy. Các trận đòn roi chỉ càng xuất hiện nhiều hơn khi họ đứng lên chống cự, phận người phụ nữ nhỏ nhoi và yếu đuối cứ thế tắt dần khao khát hạnh phúc vốn có của mình, và dần dà không còn ai "qua sông" để tự giải thoát cho cuộc đời mình nữa. Những kiếp người đàn bà trong xã hội dù có cố vẫy vùng thoát ra khỏi số phận thì mãi mãi đâu đó vẫn tồn tại thứ định kiến xem thường phụ nữ, giam cầm những cánh đàn bà trong một gia đình. Nhà văn đã miêu tả cảnh đời sống sinh hoạt của người phụ nữ ở nơi đó một cách rất thảm thương, họ nhàn rỗi và bất lực trong cảnh bạo lực của người chồng, để rồi chỉ biết đi đi lại lại, hay ngồi quanh đi quẩn lại lo cơm nước cho gia đình từ ngày này qua ngày nọ. Và bất hạnh cứ nối tiếp đến với kiếp người phụ nữ theo nhiều cách khác nhau, như câu chuyện Nhổ quán kể về người đàn bà chung thủy mở một quán ăn chỉ để nấu và đón tiếp một vị khách duy nhất của đời mình - một họa sĩ lãng du Cao Bồi. Hay câu truyện ngắn Thầm tiếp theo cũng kể về phận đàn bà cô đơn nhưng lần này lại hướng tới một cách rất trách móc. Và Mưa mây là truyện ngắn kể về những người phụ nữ bị chồng bỏ, Nguyễn Ngọc Tư đã miêu tả về những người đàn ông đến với cuộc đời của người phụ nữ nhanh chóng y hệt cách họ rời đi vậy. Cô mượn chính những ngày trời mưa thất thường của đất miền Tây để nói về những gã chồng bội bạc ấy "Mưa ngưng, nhanh hệt khi đến, ráo hoảnh như chưa từng". Hay trong Tiều Tụy Vòng Quanh, nó xảy ra như cái nhan đề nhà văn đặt cho nó vậy, cuộc đời khốn khó của con người cứ như một vòng luẩn quẩn, con người trong câu chuyện ấy cứ giam cầm trong những nhịp sống tẻ nhạt chỉ biết kiếm sống cho hết ngày, để rồi bất hạnh cứ kéo đến từ đời cha cho đến đời con, từ đời này cho đến đời sau, tù túng và bất lực đến cùng cực, như cái số phận hiện thực của những con người nghèo đói cứ loay hoay thoát nghèo, nhưng sau cùng cũng chỉ thấy ngõ cụt, nữ nhà văn chỉ biết chấp nhận cái số phận của những con người ấy bằng một cái thở dài ngao ngán, nhìn dòng nước cứ ròng ròng chảy xối xả, để rồi chị thốt lên "rốt cuộc cái làng này còn cầm tù mình bao lâu nữa". Ở truyện ngắn Lời yêu, nhà văn lại kể về người phụ nữ tên Nhí, sống khó khăn từ nhỏ. Nhưng không vì vậy mà Nhí cam chịu số phận, Nhí mong ước thoát khỏi cái số nghèo, nhưng sự thật thì Nhí vẫn không thể tìm ra lối thoát. Từ đó, Nhí thoát nghèo bằng những mộng tưởng. Nhí tin rằng lấy chồng ngoại chắc sẽ giàu, vì vậy mà Nhí mạnh dạn "nhắm mắt" đi lấy chồng Hàn Quốc lớn hơn mình cả chục tuổi để mong đổi đời. Những ảo mộng thoát nghèo của Nhí lại từ đó mà tắt hẳn, tiếp tục sống một cuộc đời nhiễu nhương ở nơi xứ người lạnh lẽo. "Chạy, phải đau. Đau, nghĩa là sống" Nguyễn Ngọc Tư chỉ dành đúng hai câu truyện ngắn để kể về phận người đàn ông, cho ta thấy cái phận người ở miền Tây kể cả gái hay trai đều đau đáu một nỗi khổ rất riêng. Giữa mùa chán chết, nhà văn kể về chàng thanh niên hai mươi tuổi đầy sức sống của tuổi trẻ, anh chàng không thể cam chịu cái cuộc sống tẻ nhạt và chán chết của mình, cậu luôn cảm thấy sức trẻ mình luôn cuộn trào trong lòng ngực, muốn làm cái gì đó cho xả cái bực bội trong mình. Hay trong Chỉ gió trả lời câu hỏi, lần này câu chuyện hướng về phận đời ô nhục của cậu trai trẻ, khi một lần đang ân ái với bà vợ thì người chồng trở về, cậu trai trẻ phải treo mình giữa cái gờ che cửa sổ của tầng lầu chung cư, cậu ngồi lủng lẳng trên đó nghĩ về kiếp đời đáng thương của mình, thứ gì đã đẩy cậu phải làm những điều tủi nhục này, ngồi bất lực trên độ cao ấy, cậu hỏi với gió rằng "Chới với trong nỗi sợ, hay nhắm hờ mắt nghe gió mờ dần?". Để kết lại tập truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư kể một câu chuyện ngắn đầy bao quát. Đất là câu chuyện dài nhất, khái quát lại cảnh sống của những con người trên mảnh đất Nhơn Thành. Đứng trước sự đô thị hóa của thời cuộc, đất đai trước đây từng quý như vàng thì ngày nay lại bị quy hoạch hóa để xây dựng đô thị, phát triển, con người ở mảnh đất này cũng dần bị thay đổi, tha hóa giữa thời cuộc đang bị biến động đột ngột. Người chấp nhận giao đất cho nhà nước để lấy tiền, rồi cũng nhanh chóng sa đọa vào cuộc ăn chơi, bởi cái kiếp nghèo trước giờ bủa vây nay bỗng có một số tiền khổng lồ, khiến con người mờ cả mắt, bỏ mặc cái tương lai có ra sao, tận hưởng cái thú vui ngắn hạn, dấn thân vào tệ nạn, chơi cho đã đời cái kiếp người. Đối nghịch với cảnh tha hóa ấy là những con người sống trong nuối tiếc, họ bám giữ ở lại cái mảnh đất đang phát triển, những căn nhà nhỏ rách nát bơ vơ mòn mỏi đứng giữa những tòa nhà cao ốc chót vót cướp đi những tia nắng chiếu xuống cái mảnh đất Nhơn Thành. Lời tự sự của những con người nông dân chất phác trong truyện ngắn Đất đã khép lại cả toàn bộ tập truyện ngắn Không ai qua sông . Và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là người chuyên chở những cảm xúc ở xóm nhỏ Nhơn Thành đơn sơ, mộc mạc đến với đọc giả bằng các câu chuyện chua sót và bất hạnh. Để rồi nhà văn chỉ đau đáu một câu hỏi không lời giải đáp "Mình có hay không? Ma hay người". Mười ba câu truyện ngắn viết về những phận người cô đơn, lẻ loi giữa thời đại đô thị hóa, nơi những mảnh đời còn bị vướng lại bởi cái nghèo, cái trớ trêu. Bên cạnh đó, phận người phụ nữ là kể rõ nét và đặc sắc nhất ở tập truyện này. Bởi chỉ có ở trong hoàn cảnh cùng là một phận phụ nữ, cùng sống ở mảnh đất miền Tây đơn sơ, thì nhà văn mới thấu cảm và miêu tả chi tiết được những nỗi đau quanh quẩn của người phụ nữ sâu sắc đến vậy. Lời văn của Nguyễn Ngọc Tư chân thực sắc lẹm, có khi còn dùng văn nói của tiếng địa phương miền Tây Nam Bộ để thể hiện cái thật nhất của cuộc đời. Có thể thấy văn chương của nhà văn là một lưỡi dao cứa lẹm vào tim người đọc những vết cắt đau đáu về những phận người đơn lẻ, đang vẫy vùng trong nội tâm để sống. Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn luôn đặt ra những câu hỏi lửng không lời giải thích, mở ra cho người đọc nhiều thắc mắc bỏ ngỏ mà chỉ chính bản thân họ mới có được câu trả lời riêng. Cuối cùng, tuy truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư mang đến những cảm giác ảm đảm và u buồn, nhưng đọng lại trong mỗi người đọc là một cảm xúc sâu lắng, để ta biết lắng nghe, biết thấu cảm và biết trân trọng hơn cuộc sống của mỗi con người vốn lẻ loi và cô quạnh này. -HẾT- Nguồn ảnh: Internet. Reviewer: MTRang.