Hồng Hoang Ta Là Bàn Cổ Trưởng Tử Tác Giả: Khỏa Trứ Bị Tử Khai Không Điều Reviewer: Búp Bê Chiqu Chiqudoll Truyện này bản convert đã đăng đến chương 128, trang web gốc Trung tác giả đăng đến chương 131, tốc độ này hẳn là còn lâu lắm mới hoàn thành. Trong văn Hồng Hoang thì bàn cổ chính tông thường nghiêng về huynh đệ nhà Tam Thanh, sau đấy nữa là mười hai vị Tổ Vu. Hai bên tranh chấp địa vị chính thống, Tam Thanh khinh thường Tổ Vu không có nguyên thần; Tổ Vu coi thường tất cả mọi sinh linh ngoại trừ chính họ, chỉ lạy Bàn Cổ phụ thần, không lạy thiên địa. Nếu không có sự xuất hiện của nam chính thì hai vị này khoe khoang cũng chả ai dám nói gì. Đáng tiếc, tác giả buff mạnh cho con cưng, nam chính tên là Bàn Hạo, thân phận tôn quý bậc nhất Hồng Hoang. Bàn Hạo là sinh mệnh được hình thành từ nguyên thần và tâm đầu huyết của Bàn Cổ, kết hợp với Hỗn Độn châu mang theo một tia tàn hồn ở thời không khác dung hợp lại với nhau. Vốn dĩ nguyên thần và tâm đầu huyết không thể nào dung hợp với nhau thành công, ai ngờ sự xuất hiện tình cờ một cách vô cùng hi hữu của tàn hồn lại khiến cho thế cục xoay chuyển. Bàn Hạo kế thừa ý chí của Bàn Cổ, bẩm sinh sở hữu khai thiên công đức, khí vận vờn quanh thân, tam đại pháp bảo tùy thân là Thiên Địa Huyền Hoàng Linh Lung Tháp, Hồng Mông Lượng Thiên Xích, Chư Thiên Khánh Vân. Chào đời tức thành hoàng giả, người thừa kế chính thống tôn quý nhất khắp toàn bộ Hồng Hoang. Cái gì Tam Thanh, cái gì Tổ Vu, đứng trước mặt Bàn Hạo đều là mây bay hết. Nam chính kế thừa ý chí của Phụ thần Bàn Cổ cho nên hắn có tình cảm đặc biệt sâu sắc với Hồng Hoang. Hắn tra xét ký ức của tàn hồn biết được thế giới Hồng Hoang càng ngày càng suy yếu, sau cùng thậm chí trở thành thời đại mạt pháp không thể tu luyện. Khắp Hồng Hoang cho dù là một cọng cây hay ngọn cỏ đều do Phụ thần biến thành, hắn không thể để điều đáng sợ đó xảy ra. Nam chính truyện này nhìn chung công bằng công chính với tất cả, rốt cuộc ai trong mắt hắn cũng đều dính dáng đến Bàn Cổ. Nhưng phải công nhận một thực tế rằng khi cha mẹ sinh con ra, mọi đứa trẻ trưởng thành đều sẽ có ý nghĩ của riêng mình. Hồng Hoang là thời đại ai mạnh thì người ấy có tiếng nói, Thiên Đạo chưởng quản Hồng Hoang, Bàn Hạo là người thừa kế chính thống, hai bên chẳng phải lúc nào cũng nhất trí đồng bộ ý kiến được với nhau. Thiên Đạo là tập hợp các quy tắc, nó không vận hành dựa trên yếu tố tình cảm. Bàn Hạo là sinh linh hữu tình, bảo hộ Hồng Hoang là sứ mệnh của hắn. Nếu dựa theo hướng đi cũ, Hồng Hoang không tàn cũng phế, vì vậy Thiên Đạo với Bàn Hạo khó tránh khỏi đối chọi với nhau. Hai bên không ai làm gì được ai, tranh chấp tới lui cuối cùng Đại Đạo phải nhảy ra can thiệp. Thiên Đạo là phân thân ý thức của Đại Đạo, kiểu như công nhân với sếp tổng vậy. Bàn Hạo xem như là đích trưởng tử của Bàn Cổ, Bàn Cổ lại là khí vận chi tử mà Đại Đạo nâng đỡ mà thành, cho nên nam chính tạm xem như cháu đích tôn của Đại Đạo vậy. Chiqu đọc đến đoạn Bàn Hạo và Thiên Đạo đang giằng co nảy lửa với nhau, xong cái nam chính chạy đi mách lẻo với Đại Đạo là công nhân của ngài chơi xấu hắn, nghĩ mà buồn cười gì đâu. Lúc ấy Đại Đạo đã ẩn nấp được một thời gian, quăng Hồng Hoang cho Thiên Đạo quản rồi, ấy thế mà vẫn phải nhảy ra xử lý chuyện cãi vã của hai đứa chúng nó. Không quản không được, nhà có đứa cháu trai ngoan cố lại cứng đầu, cấp dưới chả đủ tư cách quản mà có muốn quản cũng chẳng xong. Đại lão đang bế quan tìm hiểu đạo, nhảy ra nhảy vào mãi thì còn làm ăn gì được nữa, cuối cùng phải nghiêm túc nhắc nhở cả hai: Từ nay về sau Đại Đạo ẩn lui, nếu không phải vô lượng lượng kiếp thì không xuất hiện, đừng có chuyện lông gà vỏ tỏi gì cũng lôi ra làm phiền nhau. Chẳng biết nhân vật đại lão này có còn xuất hiện nữa hay không, lần đầu tiên thấy Đại Đạo mà bình dân dễ ăn nói vậy luôn á! Văn Hồng Hoang xưa nay thường là Thiên Đạo với Hồng Quân là sếp bự, đại lão trong đại lão như Đại Đạo đúng là chỉ nghe danh thôi chả thấy ló mặt ra bao giờ. Đọc đến chương 128 thì truyện vẫn đang dây dưa ở giai đoạn Long Hán tam tộc lượng kiếp thôi. Ba tộc này vẫn chưa bị đá khỏi vũ đài lịch sử. Tam Thanh và mười hai Tổ Vu đều đã hóa hình, hai bên đều tỏ vẻ ngạo mạn, tự kiêu, tự hào thân Bàn Cổ chính thống sau đấy bị nam chính đè ép khí thế ngóc đầu lên không nổi. Tam Thanh được tác giả miêu tả là lễ phép, khôn ngoan, biết điều hơn mấy vị Tổ Vu nhiều. Luận ngạo mạn ai so được với Bàn Hạo hoàng thái tử nhà ta, phía Tổ Vu vốn dĩ tính đã nóng nảy, kiêu căng, đụng độ đối thủ còn hống hách hơn mình thì sao mà chịu phục được. Ừm, mặc dù bị đánh phục nhưng ở phía sau lưng thì mấy vị này cũng căm tức vị huynh trưởng trời giáng này lắm. Khả năng anh em hòa thuận một lòng với phía Tổ Vu trong tương lai là không cao, Bàn Hạo chỉ đối xử khác biệt nhất với Hậu Thổ thôi, mấy vị kia chỉ là nhân tiện. Trong này có xuất hiện nhân vật Hồng Vân cũng được Bàn Hạo công nhận địa vị chính thống. Cậu này số hơi bị nhọ tý, vốn dĩ hóa hình từ ngụm máu đầu tiên Bàn Cổ phun ra trước khi ông ngã xuống hóa thân vạn vật. Nhưng mà trong lén lút bị Đại Đạo cắt đứt mọi liên quan với Bàn Cổ cho nên thân là Bàn Cổ dòng chính mà chả được hưởng chút xíu khí vận hay công đức nào từ Phụ thần. Biết gốc gác của mình từ đâu chui ra lại chả mấy ai tin tưởng, mỗi khi lộ ra lại bị trào phúng, trêu cợt, ghen ghét đủ các kiểu. Nhờ một câu thừa nhận của Bàn Hạo với Thiên Đạo mà Hồng Vân lại được kết nạp vào dòng chính của Bàn Cổ, được hưởng công đức và khí vận của Phụ thần thế nên Hồng Vân rất sùng bái vị huynh trưởng này. Nhân vật Hồng Vân trong các tác phẩm diễn sinh khác thường được cho là hóa thân của đám mây đầu tiên trong trời đất. Trong truyện này thì tác giả cho rằng nếu chỉ là đám mây đầu tiên của Hồng Hoang thì Hồng Vân đã không thể được sợi Hồng Mông mây tía thứ bảy nhận chủ. Mặc dù sợi mây tía đó khiến Hồng Vân gặp họa sát thân nhưng chi tiết này ít nhiều chứng tỏ căn cơ nền móng của Hồng Vân không thể nào kém cỏi được. Tác giả viết theo chiều hướng Hồng Vân là ngụm máu đỏ đầu tiên Bàn Cổ phun ra nên thân phận của Hồng Vân xem như là huynh đệ dòng chính của Bàn Hạo cũng hợp lý. Cá nhân Chiqu rất thích nhân vật Hồng Vân cho nên tác giả sắp đặt cho anh này có chỗ dựa cứng cáp thì càng tốt. Chứ thân là chủ nhân của sợi mây tía thứ bảy mà cuối cùng gánh kết cục thân tử đạo tiêu thì thê thảm quá. Nhân vật Hồng Quân trong truyện này tạm thời được viết khá chính diện, hắn còn có mối quan hệ khá hữu hảo với nhân vật chính. Xem thấy Đạo Tổ bị miêu tả là phúc hắc âm mưu gia nhiều rồi, giờ đọc bộ này coi như đổi gió. Tiếp Dẫn với Chuẩn Đề tạm thời tương tự như Hồng Quân chưa thấy có dấu hiệu gì là sẽ đứng ở mặt đối lập với Bàn Cổ. Mình thực ra không thích xem tình tiết bôi xám bôi xanh phương tây nhị thánh đâu, kiểu mình có ấn tượng rất tốt với Phật giáo. Nhưng phần đông các tác giả không ưu ái phe phương tây hoặc nếu có viết lại viết theo kiểu tam quan nát nhừ nên đọc khó chịu. Tạm thời mình thấy bộ này có nam chính đồng hội đồng thuyền với huynh đệ nhà này đọc khá ổn: Review Truyện - Hồng Hoang Chi Tối Cường Phật Tổ - Tọa Trang Thiên Hồ - Việt Nam Overnight (dembuon.vn) Văn Hồng Hoang mà viết được mới hơn trăm chương thì cũng chưa miêu tả được đâu vào đâu hết cả. Mình cũng khá kỳ vọng những chương tiếp theo tác giả giữ vững phong độ, với lại vái trời đừng drop ngang. Đề cử cho team khoái xem truyện Hồng Hoang diễn sinh vô CP nhé. (Còn tiếp)