Tên truyện: Hoa huệ trên cao điểm Thể loại: Truyện ngắn Tác giả: Hà Nguyn Cuộc thi nét bút tuổi xanh Hôm nay là ngày lễ Vu Lan, Hà Anh đã ra ngoài từ sớm để mua một bó hoa huệ trắng về tặng mẹ. Năm nào cũng thế, cô sẽ luôn chuẩn bị một bó hoa huệ và kèm theo đó là những món quà ý nghĩa khác cho mẹ, như là một bữa cơm chẳng hạn. Mẹ của Hà Anh thích nhất hoa huệ trắng, bà cẩn thận ôm bó hoa vào lòng, nụ cười trìu mến rồi cảm ơn con gái một cách nhẹ nhàng. Hà Anh nhìn mẹ, đôi mắt đượm buồn, cô muốn nói gì đó mà lời cứ tắc nghẽn ở cổ. Nhưng nếu bây giờ không nói thì còn để khi nào? Hà Anh siết tay, hít sâu một hơi rồi quyết định lên tiếng. "Mẹ ơi, con có chuyện này muốn nói với mẹ." Mẹ Hà Anh hơi nghiêng đầu, nhìn con gái tỏ vẻ lắng nghe. Lúc nào cũng thế, bà sẵn sàng nghe con bất cứ lúc nào. "Con.. Mẹ cho con đi nhập ngũ, mẹ nhé?" Hà Anh cảm giác như thời gian vừa ngưng lại vài giây, cô vẫn quan sát gương mặt của mẹ. Nụ cười của bà hơi cứng trên miệng, đôi mắt ngưng lại trên người của con gái, hình như bà có cảm giác tai mình vừa ù đi, lòng nặng trĩu, trống rỗng. Hà Anh lặp lại câu nói một lần nữa với giọng khẩn thiết, nhưng mẹ cô không đáp. Bà chỉ chậm rãi nhìn bó hoa trên bàn rồi lại nhìn lên bàn thờ, nơi đó có ảnh của chồng bà, một chiến sĩ đã hi sinh khi chiến đấu. Gia đình Hà Anh chỉ có ba người, bố, mẹ và Hà Anh. Bố cô đã hi sinh khi chiến đấu trên chiến trường, nhà chỉ còn lại hai mẹ con. Hà Anh hiểu rằng đến bây giờ mẹ cô vẫn chưa nguôi nỗi đau mất chồng, bà cố sống khỏe mạnh đến giờ là vì cô. Nếu bây giờ cô cũng theo chân bố, xông pha chiến trường, sống mà không biết mình có thể sống thêm được mấy ngày thì mẹ cô phải khốn khổ thế nào? Mẹ Hà Anh không trả lời câu hỏi của con gái suốt mấy ngày, Hà Anh không có nhiều kiên nhẫn để chờ, cô định rằng dù mẹ có đồng ý hay không cũng sẽ rời đi. Quyết định này khiến chính cô cũng thấy đau đớn, nhưng đất nước đang cần, cô cương quyết không mặc kệ. Đây cũng là lần đầu tiên Hà Anh không thể đoán được mẹ cô nghĩ gì, bà cứ im lặng, nhìn đi xa xăm, khi nghe cô nói sẽ lên đường trong vài ngày nữa thì bà chỉ biết bần thần nhìn con, nhất định không nói một câu nào. Không phải bà không muốn, mà bà không biết nên nói thế nào, chồng bà đã hi sinh và bà chỉ còn duy nhất một cô con gái, có ai hiểu nỗi lòng của bà không? Nhưng mẹ Hà Anh chưa từng một lần ngăn cản con. Ngày cô đi bà chỉ đứng lặng lẽ ở sân nhà, dõi theo bóng lưng nhỏ bé của cô, lòng bà trỗng rỗng hệt như cái lần bà tiễn chồng lên đường. Cảm giác thật khó tả, một nỗi mất mát to lớn mà không thể dùng từ ngữ nào để nói lên được, giờ đây căn nhà sẽ trống vắng không còn tiếng cười. Đã hai năm rồi, Hà Anh sống cùng đồng đội trên con đường Trường Sơn, hàng ngày lấp hố, phá bom, nối liền đường mòn của đất nước. Công việc này đòi hỏi rất nhiều về sự nhanh nhẹn, dũng cảm. Ban đầu Hà Anh gần như không có thời gian để thở, nghỉ ngơi, mỗi lần nghe tiếng bom nổ là lại cứng người, nhưng lâu dần cũng quen. Giờ thì đối với cô mấy việc này hoàn toàn bình thường, chẳng còn gì đáng sợ nữa, thời gian rảnh cô sẽ viết thư cho mẹ. Hóa ra mẹ không giận cô, bà chỉ thương cho đứa con gái. Bây giờ không còn ai tặng hoa cho bà vào ngày lễ Vu Lan nữa, nhưng thật may là trước khi đi Hà Anh kịp trồng một ít hoa huệ trắng trong vườn, mẹ có thể ngắm hoa bất cứ lúc nào chứ không cần chờ đến lễ Vu Lan. Hà Anh rất chăm viết thư cho mẹ, cái cảm giác nặng nề, đau buồn và nhớ nhà vào cái ngày cô lên đường vẫn còn đọng lại trong tâm trí. Dù xa Hà Nội hai năm rồi nhưng không ngày nào cô không nhớ mẹ, và nỗi nhớ chỉ tạm thời bị gác sang một bên mỗi khi cô nghe thấy tiếng máy bay và bom nổ. Hà Anh kể với mẹ rất nhiều về cuộc sống của cô, về bom đạn kẻ thù, đồng đội, các anh lái xe, chiến sĩ. Bức thư nào cũng chan chứa sự yêu thương đến mẹ, và mẹ có thể cảm nhận rằng cô con gái của mình vẫn sống lạc quan, yêu đời và luôn hướng về quê hương. Bọn con chạy trên cao điểm cả ngày mẹ ạ, không có nhiều thời gian nghỉ. Chạy mà ghê chân lắm, chạy trên bom mà, con biết khi nào nó nổ đâu, đầu căng như dây đàn vậy. Nhưng cuộc sống ở đây vui lắm mẹ ạ, các anh lái xe, công binh quý bọn con lắm. Ban đầu con phá bom còn sợ nhưng bây giờ con lại thấy bình thường, ngầu lắm mẹ ạ! Các anh khen chúng con suốt ngày, cứ đà này thì có bom gì con cũng chẳng sợ đâu! Sinh viên các trường gác bút lên chiến trường mẹ có biết không? Ở đây con thường xuyên gặp họ, ai cũng rạng rỡ hết, hình như họ vào Quảng Trị mẹ ạ. Mẹ ở nhà có buồn lắm không? Chỗ hoa huệ con trồng vẫn còn chứ ạ? Nhiều, Hà Anh viết nhiều lắm, cuối thư không quên căn dặn mẹ giữ gìn sức khỏe cùng lời hứa khi nước nhà thống nhất thì nhất định quay về, và mỗi lần gần đến lễ Vu Lan Hà Anh đều xin lỗi vì không thể tặng mẹ bó hoa, cùng mẹ ăn cơm. Mẹ cô nào có dám trách mắng con, bà nói bà luôn chăm sóc những bông hoa cô trồng, hoa nở đẹp lắm. Nhìn khóm hoa như nhìn thấy con gái vậy, bà nói thế. "Mày sướng nhất rồi, có mẹ quan tâm, chăm sóc, lo lắng." Vân, người cùng đội của Hà Anh thường nói như thế mỗi lần thấy cô ngồi viết thư. Vân mất mẹ từ nhỏ, hiển nhiên là cô cũng thấy ganh tị với Hà Anh, nhưng ít thôi, phần lớn cô thấy mừng cho bạn mình. "Mẹ tao nói mày cũng là con mẹ đấy, mẹ biết mày qua lời tao kể trong thư. Mẹ thương mày như con ấy, lại đây viết mấy dòng cho mẹ đọc." Hà Anh cười lại, vẫy Vân vào. Thế là từ đó Vân có mẹ rồi, cuộc sống diễn ra như thế. Ngày nào cũng nhớ mẹ, nhớ nhà, mẹ như là động lực để Hà Anh cố gắng mỗi ngày. Khi chạy trên cao điểm, khi phá bom, khi lấp hố, khi nói chuyện với những anh lái xe, lúc nào cô cũng nhớ và nhắc về mẹ. Cảm giác bồn chồn, nhớ nhà khó tả lắm. Khi nào về con sẽ trồng thêm thật nhiều hoa huệ mẹ nhé! Dẫn cả cái Vân đến nhà chơi cho mẹ biết mặt. Lễ Vu Lan năm nay mẹ lấy mấy bông hoa cắm vào bình để lên bàn cho đẹp tiếp nhé. Mới viết đến đấy thì tiếng máy bay ầm ầm trên bầu trời đã khiến Hà Anh phải dừng bút, cô nhanh chóng cùng những người trong đội chuẩn bị đồ đạc ra ngoài lấp hố. Máy bay vừa đi là ba người đã ra ngoài luôn, để một mình cái Liên đang bị thương lại trực điện thoại. Nhưng nhóm Hà Anh ra ngoài mới được một, hai phút thì bất ngờ chiếc máy bay thả bom bay vòng lại, chỉ trong vài giây ngắn ngủi thả thêm bom xuống khu vực nhóm ba người đang chạy. Mọi thứ diễn ra nhanh quá, Hà Anh chỉ kịp nghe tiếng máy bay ầm ầm ù cả hai tai trên đầu, tiếng súng của các anh cao xạ, tiếng gọi của Vân rồi mọi thứ chìm vào bóng tối. Đợi đã nào, còn chưa kịp lấp hố với phá nốt mấy quả bom chưa nổ kia mà? Đó là ý nghĩ cuối cùng trong đầu Hà Anh. Liên hướng đôi mắt lo lắng tìm trong đám khói đen mù mịt bóng hình của ba người đồng đội. Cô sốt ruột đến mức tiếng bom dội bên tai giờ chỉ còn là tiếng ù ù khó nghe, thứ mà Liên quan tâm lúc này chỉ có Hà Anh, Vân, Hạnh đang lăn lộn dưới máy bay địch. Ở Hà Nội, mẹ của Hà Anh đang tưới nước cho mấy bông huệ trắng, bất ngờ một làn gió thổi qua khiến mấy bông huệ chao đảo, lung lay, trong đó có một bông không biết vì lý do gì mà rụng xuống đất. Mẹ Hà Anh nhíu mày lại, trong lòng bà dâng lên một dự cảm không lành, trái tim bà đập loạn nhịp và nước mắt tự dưng chảy. Mẹ Hà Anh ngồi khuỵu xuống, không hiểu sao ngực bà nhói lên từng cơn và bà phải đưa tay ôm lấy, một cảm giác xa lạ xuất hiện khiến bà lo lắng, bất an. Linh cảm của một người mẹ cho hay con gái bà đã xảy ra chuyện, nó khiến bà sợ hãi và phải cố gắng lắm mới đứng dậy được. Sau nhiều đêm lo lắng, sốt ruột mong ngóng thì bức thư của Hà Anh đã đến tay mẹ. Nhưng chỉ có một đoạn ngắn là của Hà Anh viết, chỗ còn lại là chữ của Vân. Đi kèm bức thư là giấy báo tử của con gái. Năm ấy, và cả những năm sau, mẹ không còn được thấy con gái ôm bó hoa huệ đứng mỉm cười rạng rỡ nữa, cũng không được nghe tiếng gọi mẹ bên tai, không còn những bữa cơm hai người trong những buổi tối tại Hà Nội. Con gái bà đã thất hứa, giống như những người lính dũng cảm khác cũng thất hứa với mẹ của họ. Lời hứa quay về khi nước nhà thống nhất sao mà xa vời và khó thực hiện quá! Khóm huệ Hà Anh trồng trước ngày lên đường vẫn còn nhưng không tươi tắn, tỏa sắc như trước, hoặc có lẽ do mẹ nghĩ như thế. Bởi người trồng nó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, hòa làm một với đất mẹ cùng biết bao chiến sĩ khác. Mỗi khi đến ngày lễ Vu Lan, mẹ của Hà Anh lại lủi thủi cắt vài bông hoa cắm vào bình và đặt trên bàn. Dù Hà Anh đã mất nhưng món quà cô dành tặng mẹ lễ Vu Lan vẫn còn, năm nào mẹ cũng sẽ được nhận những bông hoa xinh đẹp do chính tay con gái mẹ trồng. Mẹ có một niềm tin rằng linh hồn con gái vẫn luôn đúng ngày ấy mà quay về bên bà, cô sẽ ngắm nhìn những bông huệ xinh đẹp, sẽ cúi xuống ngửi hương hoa rồi nhì mẹ mỉm cười. Sau đó cô gái quay lại chiến trường, đồng hành cùng những người chiến sĩ và thanh niên xung phong khác để đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Hết.
Chào bạn! Trước hết, BTC xin chúc mừng bạn đã đạt Giải Nhì trong tuần event 20-21. Sau đây là nhận xét của các giám khảo ạ. Giám khảo 1: Bạn biết sai sót lớn nhất trong truyện ngắn này của bạn là gì không? Đó là bối cảnh truyện! Tại sao tôi nói vậy? Vì nó không thuyết phục. Mới vô truyện, bạn không hề giới thiệu bối cảnh truyện, cụ thể là không nói ở dòng thời gian nào, giai đoạn nào. Khi Hà Anh xin mẹ đi nhập ngũ thì tôi nghĩ nhân vật đó xin đi nghĩa vụ quân sự. Tại Việt Nam mình thì nữ có thể tự nguyện xin đi nếu cần thiết. Xong tới đoạn này: Đã hai năm rồi, Hà Anh sống cùng đồng đội trên con đường Trường Sơn, hàng ngày lấp hố, phá bom, nối liền đường mòn của đất nước. Công việc này đòi hỏi rất nhiều về sự nhanh nhẹn, dũng cảm. Ban đầu Hà Anh gần như không có thời gian để thở, nghỉ ngơi, mỗi lần nghe tiếng bom nổ là lại cứng người, nhưng lâu dần cũng quen. Giờ thì đối với cô mấy việc này hoàn toàn bình thường, chẳng còn gì đáng sợ nữa, thời gian rảnh cô sẽ viết thư cho mẹ. => Vậy là đọc tới đây mới biết bạn đang viết truyện thời chiến. Mà chiến tranh gì, không nói rõ. Nói chung tôi thấy nó không hợp lý. Kiểu như bạn bắt độc giả phải chấp nhận là truyện này thời chiến tranh mà chiến thế nào thì bạn không nói. Giống như tình tiết đâm ngang vậy. Về phần hình tượng hoa huệ trắng thì đúng là đọc vô thấy có điềm báo rồi. Nói chung truyện dễ đoán lắm bạn ạ. Mà bạn khai thác tâm lý nhân vật thế này nó lại theo mô típ cũ. Bạn nên thay đổi để nó sáng tạo hơn nhé. Giám khảo 2: Truyện của bạn đem tới cho người đọc rất nhiều cảm xúc. Bạn biết cách chọn bối cảnh và xây dựng hình ảnh để biến câu chuyện trở nên sinh động, giúp người đọc dễ hòa mình và đồng cảm cùng nhân vật trong truyện