Tên truyện: Duyên Phận Mối Tình Đầu Của Tôi Tác giả: Trương Phụng Thể loại: Tự truyện Số chương: 05 Văn án: Mối tình đầu đến với mỗi người không thật giống nhau. Nhưng cái chung mà ai cũng đều công nhận mà nói rằng đó là duyên phận được ban tặng, còn sự ra đi hay ở lại là do mỗi người. Rồi mai này đã lùi vào dĩ vãng, nó trở thành một kỷ niệm đẹp đẽ, ngây thơ và không dễ gì quên được. Các bạn thấy sao?
Chương1: Định Mệnh Cho Em Gặp Anh Bấm để xem Tôi quê ở Quảng Nam, một miền quê nghèo, nơi có dải cát dài chứa dòng sông Trường giang mát lịm, chạy dọc theo bờ biển. Khi học hết lớp 9 tại huyện, ba mẹ tôi cho ra Đà Nẵng ở trọ để tiếp tục học lớp 10. Ba nói: "Muốn thoát nghèo phải ở thành phố để có kiến thức rộng..", và tôi là "niềm hy vọng" của ba mẹ. Tuổi học trò ngây thơ lặng lẽ dần trôi đi.. Trước khi thi tốt nghiệp phổ thông, ba mẹ khuyến khích tôi bằng cách, thưởng cho tôi một chuyến "du lịch bình dân" (Cũng chỉ vậy thôi, người nhà quê lấy đâu ra tiền). Không chút đắn đo, tôi chọn Nha trang, Thành phố du lịch bé nhỏ này, tôi nghe nói nhiều, nhưng từ bé tới giờ chưa đến nên cũng tò mò. Sau hành trình dài trên ô tô, tôi chính thức đặt chân lên thành phố biển, nơi có vùng vịnh nổi tiếng thế giới. Nha Trang đúng tuyệt! Tôi ở khách sạn bình dân, để còn dành tiền đi chơi đây đó và ăn đặc sản (Con nhà nghèo, tính chi li quen rồi). * * * Nha Trang đang chuẩn bị cho Festival truyền thống, khắp đường phố trang hoàng thật lộng lẫy, đương nhiên không bằng Đà Nẵng (Thành phố trực thuộc Trung ương mà biểu). Ngắm nhìn tổng thể về thiên nhiên, con người, cuộc sống tôi có cảm nhận, cái đẹp của Nha Trang nó sao sao ấy, rất Nha Trang! Nó hiền hòa như ở giữa ngưỡng cửa của sự phồn hoa và bình dị. Tôi dọn dẹp đồ đạc rồi đi ra biển. Đang mải mê dạo bộ, bỗng có tiếng gọi: "Nè bé! Chụp dùm tụi anh tấm hình" (Nghe từ bé bé phát ghét). Sau này Tôi mới hiểu đó là tiếng gọi thân thương của người Nha Trang, Tôi đồng ý chụp giùm 3 người rất nhiều kiểu ảnh. Mỗi lần bấm máy một anh cao to vạm vỡ lại đến kiểm tra và gật gật đầu khen "Được, đẹp đấy!" (Chẳng biết có khen thật không, nhưng Tôi cũng thấy khoái khoái). Rồi cứ vậy theo sự động viên, níu kéo của anh chàng cao to, Tôi như thể là người chụp ảnh dạo chuyên nghiệp không bằng. Mải mê chọn cảnh rồi chụp cả gần tiếng đồng hồ, tôi bắt đầu cảm thấy mệt, cũng vừa lúc anh cao to ngỏ ý mời nước dừa, tôi buông lời ngập ngừng từ chối (dù khát nước, nhưng chẳng lẽ.. con gái cũng phải giữ chút thể diện chứ) Nghe giọng tôi nói, anh nhờ tôi chụp ảnh lúc đầu bỗng mừng rỡ: "Em dân xứ Quảng hả? Ba mẹ anh cũng là người gốc Quảng Nam đấy!" Có chút thiện cảm người Đồng hương, cũng là cái cớ để mà uống nước khuyến mại (Tôi trấn an lòng mình: Ừ, mà đi đây đó cũng phải quen biết giao lưu này nọ chứ, miễn là giữ được bản chất của mình), tôi nghĩ. Cả ba người đều là sinh viên của một trường đại học ở Nha Trang, anh cao to hay giám sát tôi chụp ảnh, tên là Hữu, quê Đăk Lăk, miệng lúc nào cũng liến thoắng nhưng dễ gần; một anh Châu, người hơi thấp nhất đậm đà, da đen, quê vùng đồng lúa Tuy Hòa, nói câu nào cũng chắc nịch như ông cụ non; anh thứ ba cao hơn một mét bảy, khá đẹp trai ở Nha Trang, ít nói tên Quang, tôi đặc biệt chú ý anh chàng này, dù anh ta rất kiệm lời (cứ chờ người ta nói sẵn để cười) lâu lâu mới "phát" một câu, nhưng nghe cũng được. * * * Thể như là duyên phận đã đến với tôi. Suốt ba năm học trên Đà Nẵng, biết bao nhiêu chàng trai tán tỉnh chọc ghẹo (tất nhiên Tôi cũng có chút nhan sắc) nhưng tôi chẳng ấn tượng với ai, còn lần này với anh Quang thì khác. Ngồi uống nước trò chuyện, nhưng sao mắt tôi cứ như buộc phải nhìn cái anh ngồ ngộ này mới được, thỉnh thoảng anh cũng nhìn tôi và hỏi chuyện về Quảng Nam, Đà Nẵng, về chuyện học hành thi cử. Người hay trò chuyện nhất vẫn là anh Hữu, nhưng chủ yếu là tán gẫu, không đi vào chủ đề nào cụ thể. Chẳng hiểu sao với hai anh kia, tôi cũng trả lời, nhưng có nhiều câu rất hời hợt, còn thêm phần chưa đúng với suy nghĩ, hoặc cũng chỉ là đối ngoại. Với anh Quang, tôi cứ bối rối và trả lời thật thà đến mức giống như đang bị ngồi trong phòng hỏi cung ấy (bắt chước so sánh vậy chứ đã ngồi trong đó bao giờ đâu mà biết). Tôi kiếm cớ còn tranh thủ tham quan đây đó, nên xin đi trước (Chẳng lẽ ngồi hoài cũng kỳ). Anh Hữu xung phong được làm tài xế và hướng dẫn viên du lịch "0 đồng", nhưng tôi từ chối với lý do "đi một mình cho thỏa mái", (Thật ra nếu người đó là anh Quang, ú ớ tôi lại gật đầu cũng không biết chừng). Tôi đi dọc theo đường hành lang biển, ghé thăm Bảo tàng, Tháp Trầm hương.. và chụp ảnh lưu lại những cái mình thích để làm kỷ niệm. * * * Một ngày trôi qua thật chóng vánh, chẳng có chút gì ấn tượng hơn ngoài hình ảnh cái anh chàng Quang im ỉm, im ỉm, lúc nào cũng lập lờ xuất hiện trong trí óc tôi.. (Chẳng lẽ đây là nụ tình đầu chớm nở, là sự bắt đầu của một tình yêu sao). Tôi nhìn vào tấm gương trên bàn trang điểm, thấy mặt mình.. hình như thích thật! Nhưng, chỉ là mới cảm thấy mến mến thôi, chứ yêu thì dễ gì! Tôi đã nghĩ như thế trong ngày đầu đến Nha Trang rồi được gặp anh. (Còn nữa). (Cảm ơn các bạn! Kính mời các bạn đón đọc tiếp Chương 2)
Chương 2: Bông Hồng Ai Tặng Cho Em? Bấm để xem Tôi ra khỏi khách sạn, ánh bình minh đã ửng hồng lấp ló bên ngọn núi Hòn Tre. Biển Nha Trang thật đẹp! Tôi dạo bộ bằng bàn chân trần, để cảm nhận sự thân thiện của biển, những hạt cát ẩm ướt níu chặt vào chân, cùng những bọt sóng biển vẽ ngoằn ngoèo trên bờ cát trắng mịn. Người đi tắm, đi tập thể dục, đi ngắm cảnh.. khá đông, đủ thứ tiếng Tây, Tàu, Bắc, Trung, Nam phát ra lẫn lộn, thi thoảng có vài người nói giọng Quảng Nam, nhưng hơi nhẹ (không đặc sệt chất Quảng như Tôi). Tôi ghé ăn Bún cá (món đặc sản đầu tiên tôi chọn), nhìn nước lèo trong veo nhưng ngọt lịm, sợi bún chút xíu cuộn tròn với cái tên nghe đầy bí ẩn: "Bún lá", bà chủ quán còn quảng cáo "Chị đặt từ ngoài Ninh Hòa vô đó Bé" (lại.. BÉ, nhưng giờ thì hiểu rồi). Tôi bỗng nhớ đến cái anh chàng Quang, im ỉm hôm qua. Quang có khuôn mặt dễ mến, chỉ mỗi cái rất kiệm lời. Không rõ quần áo, đồng hồ.. các thứ mang trên người Quang, có phải hàng hiệu không (Tôi dân nhà quê, lại nghèo, nên chẳng mấy rành chuyện này), nhưng trông rất hợp thời trang, tuy phong cách có vẻ bình dân hơn hai anh kia. Rất tiếc lúc ngồi uống nước, chẳng ai cho số điện thoại của nhau hay hỏi thăm nơi ở (thật lòng mà nói thì tôi cũng không muốn cho số điện thoại). Luyến tiếc chút vậy thôi! Tôi bắt đầu tâm trạng cho những đam mê khám phá riêng của mình. Tôi đi tham quan theo các địa chỉ đã chọn sẵn trên Google. Nha Trang không có nhiều điểm nổi tiếng như Quảng Nam (Lại so sánh), nhưng cũng đủ làm mãn nhãn cho khoảng thời gian lưu trú ngắn ngủi của tôi. Hơn ba giờ chiều tôi mới trở về khách sạn, vừa mở cửa vô phòng, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi đó là một cành hoa hồng để trên bàn trang điểm (Khách sạn bình dân mà sang hè! - Tôi nghĩ), nhưng nếu của Khách sạn thì họ phải cắm trong bình, sao lại còn nguyên trong bao giấy, đã vậy lại để cái bình bông bên cạnh, cô nhân viên phụ trách buồng phòng quên chắc? Tôi cầm cành bông lên (rõ ràng là mua lẻ). Tắm gội xong tôi xuống quầy lễ tân tìm lời giải đáp, chị Lễ tân "thật ác", đã không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi thì thôi, lại cứ chăm chăm nhìn tôi mỉm cười bí hiểm: - Em là người có phước đấy cô bé ạ! - (lại cô bé) - Nhưng ai vậy chị? - Tôi hỏi - Người tặng yêu cầu không được tiết lộ, tuy nhiên chị xin được phạm quy, nói với em một câu rất gọn, đó là một anh chàng đẹp trai, em hãy cố nắm lấy cơ hội này! - Cảm ơn chị. Tôi thất vọng về phòng nằm dài trên giường, duỗi thẳng chân tay hình chữ X (Chẳng lẽ ba anh sinh viên hôm qua? Có ai trao đổi địa chỉ và tin nhắn gì đâu, hay họ đi theo? Quá bằng tôi là thần tượng. Người quen thì lại càng không, tôi chẳng có ai ngoài gia đình ông nội Út họ. Nhưng sao nội Út biết được, chắc ba mẹ tôi, mà có nói ông bà, cô chú cũng không thể tặng hoa hồng kiểu như bạn bè, ngang phè phè). Tôi điện thoại cho nội Út, Nội ngạc nhiên, còn trách "Mi vô từ hôm qua, chừ mới nhớ đến Nội, chiều ni xuống nhà Nội ăn cơm!". Nội nói như ra lệnh. Tôi gạt chuyện bông hồng đó khỏi đầu, sửa soạn chút nhan sắc rồi đi Taxi xuống thăm ông bà, cô chú và các em (gọi cô là vai vế họ tộc, chứ tôi chỉ thua cô Ba hơn một tuổi), tiện thể làm bữa cơm cho đỡ.. Có nhiều bạn của Nội là người Quảng Nam, đồ ăn uống trong bữa tiệc, mang đậm chất quê hương xứ Quảng: Món Mì Quảng, Ram tôm, Bánh tráng thịt heo và món tráng miệng bằng chè Xí Mà. Nội nói với Tôi: "Mi ăn Mì nè? , coi có giống vị quê mình không? Bà mi nấu đó!". Bà tôi người Nha Trang mà nấu, không thua gì những quán mì nổi tiếng ở Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam. Bữa cơm thật ấm cúng, tôi cảm nhận được tấm lòng của những người con xa quê hương qua những câu chuyện của Nội và các chú. Mọi người trong nhà ăn xong, tôi phụ dọn những đồ ăn thừa gọn lại, chỉ còn lại nội Út cùng các ông, các chú ngồi nhậu lai rai. Tôi xuống bếp phụ rửa dần chén đũa với cô Ba, cũng là kiếm cớ để tâm sự chuyện về bông hồng, tôi kể lại chi tiết với hy vọng được cô giúp đỡ, nhưng cô chẳng hề tư vấn gì, nghe xong "phán" luôn một câu: "Thằng nào để ý cháu rồi, nó muốn thì tài nào bữa sau nó cũng lại gởi hồng nữa mà, lo chi cho mệt!" (Cô Ba nói có lý) Cô Ba giục tôi về sớm còn tranh thủ thời gian mà đi dạo phố đêm. Công nhận Nha Trang thức khuya thật! Không như Đà Nẵng, mới 9 giờ tối nhà nào cũng đóng cửa kín mít! (vậy mới gọi là thành phố du lịch chứ). Muốn ăn gì cũng có, ở đâu cũng nhộn nhịp nhất là khu vực người ta gọi là "Phố Tây" nằm trên phường Lộc Thọ và Tân Lập. Hơn hai mươi ba giờ tôi mới trở về khách sạn, bác xích lô chở tôi kiêm hướng dẫn viên du lịch thật hiền lành và tốt bụng, giống như những người ở phố cổ Hội an (lại so sanh). Tôi lên giường và mang theo câu chuyện về bông hồng vào trong giấc ngủ. (Còn nữa) Cám ơn các bạn đã đọc. Trân trọng kính mời theo dõi tiếp một bất ngờ nữa với tôi.
Chương 3: Hai Bông Hồng Bí Ẩn Và Đêm Cuối Không Ngủ Bấm để xem Tôi dậy trễ, gần mười giờ mới ra khỏi phòng. Cũng cô lễ tân hôm qua, chào tôi bằng một câu xã giao: "Chúc Quý khách một ngày mới vui vẻ". "Cảm ơn chị!". Tôi trả lời Sáng nay tôi chọn ăn Phở Nha Trang, theo lời giới thiệu của cô Ba hôm qua, để vừa thưởng thức, vừa cũng là để ăn cho no (đặng tiết kiệm được bữa trưa). Nhỏ Hồng, đứa bạn thân nhất điện thoại hỏi thăm (dễ sợ chưa, nó gọi từ hôm, ngồi uống nước dừa với mấy anh sinh viên, đến giờ nó mới gọi lại). Tôi trả lời bâng quơ rồi hẹn khi nào rảnh sẽ alô (phải ăn tô phở cho nóng, để nguội mất ngon). Dạo quanh chợ, dòm ngó các cửa hàng bán đồ lưu niệm, mọi người mời chào dẻo như kẹo kéo của chú Trọng (Tôi nhớ đến chú Trọng bán kẹo kéo ở Quế Phú, Quế Sơn, khi còn học trung học cơ sở). Tôi mua chút quà cho gia đình và mấy đứa bạn thân (cho gọi là có quà thôi, biển du lịch chỗ nào cũng mấy thứ đó). Chiều Nha Trang dịu mát, không nóng và không có những cơn gió hanh khô đến khó chịu và dòng người ngược xuôi, trông cũng không hối hả, vội vã như Đà Nẵng (lại so sánh). Đến xế chiều, tôi gọi Taxi đi ăn Nem Ninh Hòa, một trong những đặc sản được quảng cáo là, phải thưởng thức khi đến Nha Trang, dù đây là món ăn có nguồn gốc từ Thị xã Ninh Hòa (cách Nha Trang 30km về phía Bắc), độ khác biệt của món này chính là nước chấm và những miếng chả dài nhỏ như ngón tay (Đà nẵng cũng có nhưng không ngon. Đây là cảm nhận của tôi). Tôi trở về phòng khi Thành phố đã sáng đèn. Lúc vô quầy lấy chìa khóa, chị nhân viên lễ tân nhìn tôi như nuốt chửng, vẻ như có tín hiệu thông báo với mọi người, nên bất ngờ có hai bạn nhân viên lễ tân nữa vội vã bước ra, chị lễ tân kia e hèm rồi khẽ hất mặt về tôi. Tôi giả như không biết quay về phòng (kỳ thiệc, mình đâu đẹp gì ghê gớm). Hồi giờ có ai cùng phái mà quan tâm đến vậy đâu, tôi mà cũng có người ngưỡng mộ ư, nếu có chỉ là mấy đứa con trai ở cùng trường, thỉnh thoảng tán dương, chọc ghẹo. Hay lại? Đúng như suy đoán, lần này không phải một, mà hai cành hồng được gói trong tờ giấy ánh vàng đặt cạnh bên bình hoa chờ sẵn, tôi cầm lên kiểm tra, cũng không có một chữ nào để lại (Tạo dấu ấn chứ gì? Mặc kệ! Mình ở đây chục ngày chắc chục bông). Thực hiện lời cô Ba: "Cứ để đó rồi chuyện gì đến cũng phải đến!". Tôi dọn dẹp đồ, tắm và điện thoại thông báo tình hình cho mẹ tôi, chuyện trò vài câu rồi xin phép đi ngủ sớm, để mai có sức khỏe ngồi xe đò về lại Đà Nẵng. Đúng là không dễ gì ngủ, trước một sự kiện đầy bí hiểm và lãng mạn đến với một đứa con gái mới lớn như tôi, tôi trằn trọc, vật lộn với những câu hỏi, giả thiết, tự tìm lời đáp, rồi lại tự đặt câu hỏi. Từ trước đến giờ tôi cũng từng xem phim, đọc truyện, hoặc ít ra cũng đã nghe kể về những cuộc tỏ tình đầy lãng mạn, song cái chiêu trò úp úp mở mở kiểu này, lần đầu tôi mới gặp, vậy nên không tò mò mới lạ! Tôi thấy phấn chấn khác thường, tôi yêu cuộc sống này vô cùng. Chẳng lẽ khi người ta bắt đầu cho một cảm giác được người người khác quan tâm săn đuổi, là như đang ở trong hoàn cảnh giống tôi bây giờ đây sao? Ngay lúc này, tôi muốn điện thoại cho Dì Năm của tôi, dì tôi là Nhà báo, chắc ít nhiều cũng cho tôi một lời khuyên có ích, nhưng khuya rồi thật không tiện, vả lại tôi cũng sợ Dì lại làm lớn chuyện, mẹ tôi nghe được thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi bình tĩnh rà thật kỹ từng đối tượng theo đuổi mình. Anh Minh, sinh viên năm hai Trường Kinh tế Đà Nẵng, mới quen khi Hội trại Đoàn, anh có rủ đi chơi mấy lần nhưng tôi từ chối, chuyện này nửa năm rồi; còn hai người nữa học cùng khối, tụi nó cũng chỉ hay chọc ghẹo bâng quơ, lại suốt ngày xưng "mày tao" mà yêu đương gì. Tóm lại, mọi người ngoài Đà Nẵng, không một ai biết được tôi đang đi du lịch ở Nha Trang, trừ nhỏ Hồng bạn thân, nó không thể tiết lộ với ai vì tôi dặn trước rồi, tôi tin nó. Chỉ còn lại ba anh Sinh viên, tôi mới gặp khi lần đầu đến Nha Trang. Anh Châu, quê Tuy Hòa là người không mấy có vẻ lãng mạn lắm, hôm ngồi uống nước, thấy anh hình như chẳng quan tâm gì đến tôi. Nhưng sao mà biết được, mấy người thật thà vậy thôi, chứ cũng nhiều bất ngờ, không chủ quan được. Anh Quang, lúc nào cũng im ỉm, tôi hay nhìn anh ấy nên chưa phát hiện biểu cảm khác thường, chỉ có tôi mới là người quan tâm đến anh ấy thôi, nên cũng có thể loại trừ luôn. Vậy còn lại, chỉ có thể là anh Hữu, một người rất hoạt bát, nhanh nhẹn và rất ga-lăng, một người như anh ấy, sao lại không thể nghĩ ra những kiểu tỏ tình như thế được. Tuy nhiên mọi nghi vấn vẫn không có cơ sở, vì cái cốt lõi chính là, không ai có thể biết được tôi đang nghỉ ở khách sạn này. Tôi vẫn miên man suy nghĩ. Tiếng chuông nhà thờ Đá bỗng vang lên trước buổi lễ sáng của đạo Công Giáo. Một đêm thức trắng vô nghĩa, chán phèo, chỉ vì hai bông hồng quái quỷ. Đợi đấy! Trước sau gì cũng biết, tôi sẽ hành lại cho hả dạ. (Còn nữa). Cảm ơn các bạn. Mời các bạn theo dõi tiếp chương sau: Ba bông hồng, lời trần tình từ Phố biển.
Chương 4: Ba Bông Hồng - Lời Trần Tình Từ Phố Biển Bấm để xem Tôi pha hết mấy gói "cà phê 3 trong 1" khuyến mãi trên bàn, để cho nguội rồi đổ vô chai nước lọc mang theo lên xe uống cho tỉnh táo. Một đêm mất ngủ làm tôi thấy mệt mỏi. Chị nhân viên lễ tân chuyển cho tôi thẻ Căn cước Công dân, cùng một chiếc hộp hình chữ nhật cao chừng hơn gang tay, nói: "Mong được phục vụ bạn vào thời gian sớm nhất, bạn có gói quà tặng, cẩn thận kẻo móp!". "Của khách sạn hả chị?". Tôi cố tỏ vẻ ngạc nhiên, dù thừa hiểu.. "Bạn có thể hiểu như vậy!". Chị nhân viên Lễ tân cũng không vừa. Theo phép lịch sự tôi không mở gói quà, chỉ cảm ơn và chào tạm biệt rồi đi. (Sau này tôi mới biết, đó chính là bí-kíp của khách sạn mà ai đó muốn tặng quà nhưng giấu tên vẫn khó để lộ, họ hiểu vì phép lịch sự, không ai mở ngay gói quà một khi người tặng không yêu cầu). Tạm biệt Phố biển! Tôi đã học được tên này của người dân Nha Trang "Chính hiệu", họ hay gọi tên quê hương của mình như thế. Tôi nhớ đến quê mình cũng vậy, cứ nói đến Xứ Quảng là mọi người nghĩ ngay đến Quảng Nam, chứ không phải hiểu nhầm qua các tỉnh có chữ đầu là Quảng, như Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị. Cách gọi đại loại kiểu như Xứ Nghệ, Xứ Dừa, Thành phố Hoa phượng đỏ.. Tôi lấy ổ bánh mì mới mua trước khi lên xe ra, nhâm nhi và ngắm nhìn các huyện ven biển Khánh Hòa, hai trong số nhiều địa danh còn chút nợ nần chưa kịp đến.. Xe chui hầm qua địa phận Phú Yên, tôi bỗng nhớ đến hộp quà của khách sạn (thú thực là tôi rất muốn mở ra ngay lúc đó), vậy mà mải ngắm cảnh quên bẵng đi. Tôi nghi nghi, quà của khách sạn bình dân chi mà gói bọc rất chỉn chu quá vậy. Tôi cẩn thận tháo niêm phong tượng trưng bằng logo Khách sạn rồi xé tờ giấy hồng dán kín mít bên ngoài đầy ẩn ý. Một chiếc hộp giấy cứng màu tím, bên trong có 3 bông hồng làm bằng chất liệu sáp thơm nằm so le trông thật dễ thương, mảnh giấy bìa cũng màu tím rơi xuống sàn xe, chị ngồi bên cạnh lượm lên dùm: "Đẹp đó em, mua ở đâu vậy? Loại này rất mắc đó nhen". Tôi nhận tờ giấy, đọc nhanh dòng chữ viết như cua bò: "Biết ai không, nhà nhiếp ảnh bất đắc dĩ?" (cái chi cũng đẹp, trừ mỗi nét chữ là mất cảm tình). Tôi cảm ơn chị vừa lượm dùm rồi tôi cũng trả lời theo như chị nhân viên Lễ tân đã trả lời tôi: "Dạ, khách sạn họ tặng". "Quà này phải cỡ khách sạn năm sao?". "Dạ!", Tôi nói đại để đỡ phải giải thích. Tôi tiếp tục đọc những dòng chữ nguệch ngoạc ".. Anh là Quang, người đã nhờ em chụp hình đó, nhớ chưa?" (Anh chàng im ỉm mà cũng có chiêu trò hè) "vừa đồng hương, cũng lại nhìn em, anh thấy rất mến" (câu này nghe hoài) "muốn tự giới thiệu làm quen nhưng sợ em từ chối, nên anh nghĩ ra trò tặng hoa này, em có giận thì khi nào gặp hãy giận nhen cô bé!" (đọc câu này làm tôi thấy tức cười, giận mà phải khi nào gặp mới được giận, cũng ngồ ngộ, chưa nghe câu này bao giờ). Tôi không vẻ "kênh kiệu" như từ trước giờ, mà trong lòng cảm thấy rất vui (con gái ai được tặng quà chẳng thích) thật là một kịch bản làm quen đầy ấn tượng (tôi sẽ về kể lại cho nhỏ Hồng và tụi bạn nghe, để cho nó tha hồ mà xuýt xoa ngưỡng mộ). Đúng là đêm qua tôi đã bỏ qua anh Quang quá nhẹ nhàng, tôi không bao giờ lại nghĩ là anh, vì anh không hề để ý gì đến tôi, dù chỉ liếc trộm, cũng không đẩy đưa như anh Hữu, phong thái lúc nào cũng chậm rãi, đĩnh đạc mà tôi vẫn đặt tên là "cái anh chàng im ỉm". Tôi nhận thấy, đấy cũng là một cách tạo ra sự chú ý của người khác, mà không cứ phải chỉ là những ồn ào, hay bằng sự quan tâm lo lắng chăm sóc đến người mình thích. Hay! Và tôi tự mỉm cười một mình. Chị ngồi kế bên thấy thái độ của tôi, chia sẻ "Yêu hả? Tuổi trẻ bây giờ tỏ tình lãng mạn dễ sợ!" "Dạ, không có đâu chị". Tôi nói dối lòng mình, nhưng lại thấy hạnh phúc. Chiếc xe Đò tránh hầm Đèo Cù Mông đi qua cầu, vô đường thành phố Quy Nhơn. Tôi nhớ đến nhà thơ Hàn Mặc Tử (đang có tâm trạng), nhớ những câu thơ tình buồn bất hủ của Ông. Tôi thấy nhớ Phố biển Nha Trang Nhớ với một thoáng buồn man mác! Thể như mình đang để quên một cái gì đó. Vẫn chưa hiểu vì sao Quang có thể biết được chỗ tôi ở? Tôi lại càng tò mò hơn (đây là tính xấu của tôi) khi tôi nhận được tin nhắn ngay sau đó ít phút, với nội dung "chúc em thượng lộ bình an, anh không thể học được khi thắc mắc vì sao không thấy em nhắn tin, dù là một lời nhắn khó nghe cũng được". Khách sạn bậy thật! Dám cho số điện thoại của tôi, tôi càng giận, đã thế không thèm nhắn tin cho bõ ghét. Nghĩ vậy, nhưng trong đầu lại cứ muốn có tin nhắn lần nữa. Điện thoại để chế độ rung mà sao vẫn cứ mở file tin nhắn ra kiểm tra hoài (ảnh mà biết được thì mắc cỡ chết). (Còn nữa). (Mời các bạn xem tiếp sau những ngày về Đà nẵng của mình nhen, Xin cảm ơn)
Chương 5: Tôi Đã Yêu Anh Thật Rồi Bấm để xem Tôi đến nhà lúc chiều tối, tắm giặt, ăn tô mì gói rồi đánh một giấc đến tám giờ sáng. Mẹ tôi nói như thiệc: "Con gái mà ngủ ngày, chỉ có nghèo suốt đời thôi con ơi!". "Mẹ nói vậy, chứ người ta làm việc trực tuyến với những nước lệch múi giờ phải làm đêm, ngày không ngủ chắc!". Buổi chiều mới tập trung lên Trường, tôi chẳng gì mà vội. Tôi mở điện thoại, hơn chục tin nhắn. Có 3 tin nhắn của anh Quang vào 3 khung giờ khác nhau, hỏi em đến nhà chưa, em giận anh sao mà không trả lời và chắc em mệt ngủ rồi. Đang nhắn tin trả lời bạn, thì tin Quang lại đến "E im lặng làm anh lo quá, có chuyện gì với em sao? Không lẽ vì anh có cảm tình, tặng bông hồng mà cũng làm cho em tức đến vậy hả, hay anh không phải là người không đáng để được quen em, dù chỉ là bạn?". Sức chịu đựng của con người có giới hạn, tôi nghĩ vậy nên nhắn tin trả lời anh, với lý do là "mệt nên vừa ngủ dậy". Anh mừng xin lỗi 3 câu liên tục. Tôi đoán, chắc anh vui lắm (Mà mình cũng hơi quá đáng). Tôi tìm cớ trách lại: "Em sợ những người không trung thực, nhất là món quà..". Anh xin lỗi rồi gọi điện thoại, tôi nối máy, anh giải thích: "Lúc ngồi uống nước, anh tình cờ nghe em trả lời bạn qua điện thoại tên khách sạn em đang ở.." "Rồi anh đi theo em hả?". Tôi chen ngang. "Duyên số cho anh gặp em, đó chính là khách sạn nhà anh mà!". Vậy là mọi chuyện đã rõ! Chuyện chị Lễ tân nói quà của Khách sạn cũng có thể chấp nhận được. Từ đó, những cuộc đối thoại qua lại anh không dám xạo tôi nữa, dù chỉ là những câu chuyện thăm hỏi xã giao. Tôi lảng tránh trả lời những câu hỏi của anh mà tôi không muốn, chắc anh cũng hiểu nên không hỏi lại nhiều. Ba mươi phút cho lần đầu trò chuyện của người khác phái không phải là dài, nếu như Mẹ tôi không lên tiếng nhắc nhở "ra ăn sáng còn đến Trường". Tôi xin lỗi ngắt máy, anh còn thòng một câu: "Nói chuyện với em thích quá, bữa nào anh gọi nữa nhen?". Tôi "dạ" bằng một phát âm thật nhẹ để giảm bớt "chất Quảng". "Đi Nha Trang kiếm được anh mô hỉ?". "Mẹ làm như dễ lắm". "Răng mi nấu cháo điện thoại dữ rứa?". Tôi không trả lời mà lảng sang chuyện khen món ăn mẹ nấu để chuyển chủ đề. Công nhận anh nói chuyện thông minh và có duyên thật, không lấc cấc, loạn ngôn như mấy đứa con trai ở Trường (Những người như anh ấy chắc con gái theo đầy. Ừ! Mà cũng chỉ là chuyện trò xã giao, có gì phải suy nghĩ xa vậy nhỉ). Cả năm, sáu trăm cây số, công đâu! Vừa có bạn, lại trò chuyện giảm stress, cũng hay chứ bộ. Tôi nghĩ vậy rồi nhìn qua gương, coi lại dung nhan trước khi rời khỏi nhà. Thời gian tươi đẹp dần trôi. Tôi đã đặt câu hỏi cho chính mình: "Tình yêu phải chăng là duyên số?" Tin nhắn qua lại như một chất Doping, làm tôi lúc nào cũng hào hứng. Nhiều cuộc điện thoại dài lê thê, làm tôi quên đi cả thời gian. Những lúc rảnh, tôi như cảm thấy thiếu, thấy nhớ, thấy như mất cái gì đó không định. Đây phải chăng là sự khởi đầu của tình yêu? Tôi cho rằng nó chỉ là cảm xúc ban đầu của một cô gái mới lớn, tôi hiểu điều đó mà (tất nhiên là vận dụng từ "ông Gu-Gồ"). * * * Cuối tuần trước về nhà, mọi cử chỉ của tôi đã bị mẹ phát hiện ra, bà nói kháy: "Mi sập bẫy tình yêu rồi hỉ?". "Đang lo học muốn chết, yêu chi mẹ!". Tôi không công nhận đó là tình yêu. * * * Tuần này về phải cảnh giác, ngán nhất là mấy đứa e, nó nhìn soi mói, cứ như chị Hai nó là người ngoài hành tinh không bằng. Khó hiểu nhất là cô Ba, con ông Út trong Nha Trang, mới alô lúc chiều, nói mỗi câu: "Vui không cháu, duyên số của tình yêu đấy, cố giữ để cô được nhờ!". Cúp máy cái rụp! Tôi gọi lại không được, cả nhắn tin cũng chẳng thấy trả lời. Tôi phát cáu, nói thầm trong bụng "Chụp mũ cháu hả, quên đi cô". Tôi về đến đầu làng, đi gần hết chợ thì gặp đứa em kề tôi, thấy nó cầm trên tay bị cá mực, tôi hỏi: "Sao đi chợ giờ này?" Nó trả lời vu vơ: "Kiểu này còn cực dài dài". Tôi nổi đóa lên, nó cũng không sợ như mọi khi, mà tăng ga để lại cho tôi một câu nói khó hiểu: "Khi mô về nhà rồi biết!" Lại nổi tính tò mò. Tôi đuổi theo nó. Tôi xồng xộc bước vô nhà. "Anh Quang!". Tôi reo lên trong lòng, ngực tôi như muốn vỡ ra, vui mừng, e thẹn.. Tôi cố giữ thái độ bình thản: "Sao anh ở đây?". Anh k trả lời nhìn tôi bối rối, mặt đỏ phừng (chắc mặt tôi cũng đang như anh). Tôi bỗng trở thành người lớn, không nhõng nhẽo ẻo lả trong lời nói và hành động như mọi khi với mẹ mỗi lúc ở trường về nghỉ cuối tuần. Ba tôi cất tiếng làm "Xoa dịu tình hình" : "Tội thằng nhỏ, đến từ trưa chừ loay hoay trong mấy chữ: Dạ - Thưa, giờ cho mi trò chuyện, ba xuống làm đồ nhậu". "Răng mà biết nhà hay rứa?". Tôi nói trong trỏng, bắt chước mấy đứa bạn nó hay nói với bọn con trai như vậy. "Anh là bạn học phổ thông với cô Ba em". "Gì toàn chuyện giật gân không vậy". Tôi cắt lời, anh nói tiếp: "Khi đến nhà chơi, chuyện trò qua lại mới nghe cô Ba em kể chuyện tụi mình, vậy là cả nhà chú Út em ủng hộ anh, cô Ba còn xúi anh ra ngay kẻo mất thời cơ..". * * * Phải chăng đây là dấu chấm của tình yêu? "Duyên số sắp xếp cho chúng ta gặp nhau, còn ở lại hay không là do lòng người". Tôi đã từng nghe và đọc được câu nói này. * * * Và rồi.. Tôi không kể nữa! (Hết). Tác giả: TRƯƠNG PHỤNG (Cảm ơn bạn đã đọc đến Chương cuối cùng của Trương Phụng. Hãy luôn ủng hộ động viên nhau nhé).