ĐỪNG ĐỌC BÀI VIẾT NÀY Ngay cả khi được yêu cầu đừng đọc bài viết này, bạn vẫn quyết định ấn xem thêm và đọc nó. Có lẽ bạn đã rơi vào một biển những cảm xúc đầy mâu thuẫn và khó chịu, để rồi bạn càng cố chấp nhấp chuột. Vậy tại sao lại xuất hiện sự đối nghịch này, tại sao những thứ bị cấm đoán luôn luôn hấp dẫn hơn bình thường? Một trong những học thuyết được sử dụng nhiều để giải thích cho hiện tượng này là thuyết phản kháng tâm lý (Reactance theory), được phát triển bởi nhà tâm lý học Jack W. Brehm vào năm 1966. Ông cho rằng, khi con người đánh mất sự tự do hành động hoặc lựa chọn của họ, thì họ sẽ nỗ lực để giành lại sự tự do đó. Kết quả là, chúng ta có thể muốn 1 thứ gì đó nhiều hơn nếu chúng ta bị đe dọa đánh mất nó và có xu hướng hành động trái ngược với những gì được sai khiến, dù việc đó đi ngược lại với niềm tin và sở thích của bản thân để chỉ khẳng định sự tự chủ. Hiện tượng tâm lý này thường khơi dậy những cảm xúc khó chịu, đối kháng và sự tức giận. Vào năm 1976, hai nhà tâm lý học James W. Pennebaker và Deborah Yates Sanders đã thực hiện một thí nghiệm: Họ đã treo hai tấm biển lên tường nhà vệ sinh ở trường đại học và yêu cầu: "Không được phép viết lên tường dưới bất kỳ hình thức nào" và "Làm ơn đừng viết lên tường". Kết quả cho thấy phòng treo tấm biển đầu tiên với dòng chữ "không được phép viết lên tường" lại có nhiều hình vẽ bậy hơn. Thế nhưng trong một vài tính huống, sự ngăn cấm lại khiến cho việc chống đối trở nên kém hấp dẫn. Vào năm 1972, sự tò mò rằng liệu khi bị cấm đoán, tình yêu sẽ càng đơm hoa kết trái hay nhanh chóng lụi tàn đã thôi thúc các nhà tâm lý học tại đại học Colorado tiến hành cuộc khảo sát trên 142 cặp đôi đang yêu nhau. Chỉ có một vài cặp đôi nhận về sự phản đối của bố mẹ trong sáu tháng nghiên cứu, nhưng họ cũng cho rằng tình cảm mà họ dành cho nhau trở nên thắm thiết hơn sau đó. Các nhà nghiên cứu đã đặt tên hiện tượng này dựa trên tên của cặp tình nhân bị ngăn cấm nổi tiếng nhất trong vở kịch của William Shakespeare, hiệu ứng Romeo và Juliet và đồng thời kết luận, hiện tượng này phần lớn là do tâm lý phản kháng. Thế nhưng nhiều thập kỷ sau đó, hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhận thấy điều ngược lại mới đúng. Trên thực tế, sự lâu bền của mối quan hệ yêu đương có thể được dự đoán khi nhìn vào sự chấp thuận hoặc phản đối của gia đình và bạn bè. Hiện tượng này được biết đến với tên gọi: Hiệu ứng mạng lưới xã hội (Network Effect). Vậy tại sao, hiệu ứng mạng lưới xã hội lại có thể lấn át được tâm lý phản kháng? Tại sao khi đứng trước nguy cơ đổ vỡ trong mối quan hệ, chúng ta không đấu tranh để giành lại hạnh phúc cho chính mình? Trên thực tế, chúng ta sẽ phản ứng với tình huống này bằng nhiều cách khác nhau. Một lý thuyết cho rằng có hai loại phản kháng: Phản kháng khiêu khích, bốc đồng và làm trái ngược với điều được sai bảo và phản kháng độc lập, phản ánh ước muốn mãnh liệt được tự lựa chọn. Ví dụ, khi bảo một người thuộc tuýp phản kháng khiêu khích hạ giọng xuống, có thể họ sẽ bắt đầu gào thét, còn người thuộc tuýp phản kháng độc lập thường sẽ chẳng buồn quan tâm đến yêu cầu đó và vẫn làm điều mà họ cho là đúng. Trong những mối quan hệ bị phản đối, người thuộc tuýp phản kháng khiêu khích phản ứng bằng cách giữ mối quan hệ trong bí mật, nhưng không thay đổi được những ảnh hưởng tiêu cực từ sự phản đối của những người xung quanh lên mối quan hệ của họ. Trái lại, người phản kháng độc lập có khả năng sẽ phớt lờ những ý kiến trái chiều và yêu người mà họ muốn. Ý tưởng phản kháng khiêu khích và độc lập còn khá mới, các nhà nghiên cứu vẫn chưa khám phá hết các động lực thúc đẩy đằng sau hiệu ứng mạng lưới xã hội, nhưng những lý thuyết này đã làm rõ mối quan hệ mật thiết giữa phản kháng và nhu cầu độc lập và được chấp nhận. Cách cân bằng các nhu cầu trên thay đổi tùy từng cá nhân và nền văn hóa. Nên dù có ta có phản kháng ra sao, thì mạng lưới xã hội vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức cá nhân và cảm giác hạnh phúc. Có thể bạn đã đôi lần rơi vào cái bẫy tâm lý của hiệu ứng phản kháng, và có lẽ cũng đôi lần bạn đẩy mối quan hệ của chính mình lên ranh giới của sự tan vỡ chỉ để mang lại cảm giác tự chủ. Thế nhưng, sau bài viết này, bạn hãy để ý hơn một chút khi mắc vào những tình huống phản kháng tâm lý để có thể đưa ra sự lựa chọn lý trí hơn nhé!